Tin tức - pháp luật 2012-09-30 14:33:43

Day dứt câu chuyện người đàn bà không nhà dắt cháu đi xin ăn


[size=1]Day dứt câu chuyện người đàn bà không nhà dắt cháu đi xin ăn[/size]10:01:43 30/09/2012




T.A - Theo TTVN

Thông tin về một người phụ nữ ở Hóc Môn (TP.HCM) có tới 11 người con nhưng hiện giờ không nhà cửa, phải đi xin ăn để nuôi cháu ngoại khiến rất nhiều người thương cảm. Chúng tôi đã tìm tới tận nơi để mong có thể giúp đỡ bà…

Cách đây không lâu, thông tin về hoàn cảnh của bà Võ Thị Kim Hường có 11 người con, nay không có nhà cửa, phải sống lay lắt và đi ăn xin ở vỉa hè cùng đứa cháu ngoại mới lên 2 tại huyện Hóc Môn, TP.HCM đã được đưa trên một số website và được nhiều cư dân mạng share link. Sau khi biết được hoàn cảnh của bà Hường, chúng tôi xuống tận nơi tìm hiểu thêm về số phận éo le cả người phụ nữ hơn 50 tuổi này, mong có thể giúp đỡ bà chút ít.


Nhưng suốt 2 ngày tiếp xúc bà Hường và những người sống xung quanh, những điều mắt thấy tai nghe lại khiến chúng tôi day dứt. Không phải vì hoàn cảnh éo le của bà…


Người đàn bà đau khổ vì gia đình đổ vỡ và trắng tay!?


Theo một số thông tin bài báo trước đó đã đưa và bà Hường cũng đã xác nhận với chúng tôi, thì tên thật của bà là Võ Thị Kim Hường, sinh năm 1958, có hộ khẩu thường trú tại quận 3, TP.HCM. Con của bà, một số đã chết từ khi mới sinh và chết vì nghiện ma túy, 3 đến 4 người khác thì đang bị giam trong trại cải tạo. Hiện bà Hường chỉ còn một người con gái tên Lượm là lập gia đình đàng hoàng, nhưng chồng của con gái cũng vừa bị công an bắt giam cách đây không lâu, gia cảnh không hơn không kém gì bà, nên chẳng trông cậy được gì.


Khoảng năm 2001, bà bị anh em đuổi đi, không cho sống cùng ở căn nhà có địa chỉ tại quận 3, TP.HCM. Thân mắc bệnh tiểu đường, mắt mờ và ung thư gan, bà đành phải lang thang nay đây mai đó cùng với người con gái út tên Võ Thị Kim Giàu (sinh năm 1996) xuống tận Hóc Môn để kiếm sống.


Do người con gái út Kim Giàu không được ăn học tử tế nên bị bạn bè lôi kéo rồi bỏ nhà ra đi. Khoảng hơn một năm sau thì Giàu quay về, giao cho bà đứa cháu gái tên Võ Thị Trúc Ly. Lúc đó, bà Hường mới biết trong thời gian Giàu bỏ nhà đi bụi đã bị hãm hiếp rồi sinh ra con bé.


Đến đầu năm 2012, Giàu bị công an bắt giữ do 3 lần trộm cắp xe đạp, rồi bị công an quận 12 điều đi trại Giáo dưỡng số 4 tại Long Thành, Đồng Nai cho đến nay. Con cái, người thân không còn liên lạc được với ai, buộc lòng hiện nay bà phải sống lang thang ở ngoài đường cùng đứa cháu ngoại Trúc Ly của mình.



Bà Hường cùng đứa cháu lay lắt ngoài đường.






Khi kể về hoàn cảnh của mình, bà Hường tỏ vẻ khá xúc động.




Bé Trúc Ly mới được 2 tuổi vẫn chưa biết nói.


Tuy nhiên, theo xác nhận của anh Bảo, tổ trưởng tại ấp Mỹ Hòa 1, huyện Hóc Môn thì: "Độ 2 tháng trở lại đây mới thấy bà Hường xuất hiện tại khu vực này. Mỗi ngày, bà dắt theo đứa cháu gái ngồi ở trước cửa nhà số 71/5P nấu thuốc nam, khói bay mù mịt nên bà con trong vùng cũng hay để ý".


Điểm thường trực của bà Hường ở trước của nhà số 71/5P


Cho đến khi hoàn cảnh của bà Hường được giới thiệu trên một bài báo, mỗi ngày đều có rất nhiều người trong lẫn ngoài vùng đến cho tiền hay thức ăn. Trong số đó, có chị K. là người chuyên hoạt động ở một hội từ thiện tại huyện Hóc Môn, cũng rất muốn giúp đỡ bà Hường cùng đứa cháu. Tuy nhiên, càng nói chuyện, chị K. càng cảm thấy có nhiều uẩn khúc trong lời nói của bà Hường.


Cũng theo thông tin trước đó, bà Hường nói có tới 11 người con. Nhưng khi chúng tôi tiếp xúc và hỏi lại về hoàn cảnh sống, gia đình, con cái; buổi tối bà thường ngủ ở đâu thì bà Hường lại trả lời không thống nhất, khi thì nói: "Tôi có 9 đứa", lúc lại bảo "Tôi có 3 đứa". Thấy có sự sai lệch, chúng tôi hỏi tiếp: "Tại sao trước đó chúng cháu đọc được bà kể là có 11 người con?" thì bà Hường ấp úng trả lời: "Tôi có 11 đứa. Tôi nói 11 đứa đó chứ".


Khổ thật hay là… lừa đảo?


Bà Hường kể với chúng tôi (câu chuyện này bà cũng hay kể với mọi người sống tại khu vực bà xin tiền), một tuần khoảng vài lần sẽ đi bộ cùng đứa cháu lên một ngôi chùa tận quận Gò Vấp, cách Hóc Môn khoảng 20km để lấy thuốc nam. Đi đâu bà cũng chỉ biết đi bộ vì làm gì có tiền mà đi xe đò hay xe ôm. "Tôi không có tiền buộc lòng phải đi bộ xa để lấy thuốc. Nhưng vì chùa này cho thuốc nhiều lắm, nên phải ráng thôi cô à! Chứ có ai mà muốn".

Nhưng theo quan sát của chúng tôi, bà Hường thường xuyên được một xe ôm đưa đón.





Theo một số người dân sống ngay cạnh khu vực bà Hường cùng đứa cháu hay xin tiền và nấu thuốc cho biết, sáng nào đúng 8h cũng có một chiếc xe ôm chở bà ấy ra đây. Tới giờ cơm trưa thì hai bà cháu lại biến đi đâu mất, đến khoảng 3h hơn mới có một chiếc xe ôm chở bà ta quay lại.



Mỗi lần ra đây, bà Hường đều có xe ôm đưa đón.


Rồi sau đó đi bộ lòng vòng khu vực này để xin tiền.




Chị K. cũng cho biết: "Từ hồi được lên báo, mỗi ngày bà ấy kiếm được ít nhất cũng không dưới 200 nghìn đồng. Tôi biết hoàn cảnh, cũng có ý muốn giúp đỡ cho bé Trúc Ly được vào mái ấm sống và học hành đàng hoàng. Còn bà Hường sẽ có một ngôi chùa nhận nuôi, mỗi tuần hai bà cháu lại tự do gặp nhau bất cứ lúc nào tùy thích, mục đích cũng để giúp họ chấm dứt cảnh lay lất ngoài đường nắng mưa cực khổ. Nhưng bà Hường một mực từ chối quyết liệt lời gợi ý của tôi. Mấy hôm trời mưa, thấy bà vẫn dắt con bé đi xin tiền, mặt mài nó tèm lem đất cát, đến cả tắm rửa cũng không. Bà con trong xóm thấy mà xót."

Có lần, tôi lại góp ý giúp bà Hường dùng một ít tiền từ những người hảo tâm giúp đỡ để mua bảo hiểm cho mình thì bà một mực từ chối "Không, tôi chỉ muốn giữ tiền" - chị K. lắc đầu chán nản.


Chị K. cũng kể đã nhiều lần bắt gặp một số người lạ mặt đến nói chuyện với bà Hường. Trong đó có một nhóm thanh niên tóc đỏ, tóc xanh vô cùng hung dữ nói chuyện hồi lâu với bà Hường, rồi bà tự móc tiền ra đưa cho họ. Chúng tôi cố gắng dò hỏi bà Hường nhóm người đó là ai, bà chỉ lắc đầu rồi lảng sang chuyện khác, như muốn chúng tôi không để ý đến chuyện này nữa.



Khi trò chuyện với chúng tôi, bà Hường có rất nhiều cuộc điện thoại gọi tới.



Ngày thứ 2 quay lại gặp bà Hường, chúng tôi dự định tìm hiểu buổi tối sau khi đi xin tiền về thì bà Hường sẽ đi đâu!? Trước đó, chúng tôi đã nhiều lần cố hỏi, nhưng lúc thì bà nói "Tôi ngủ ở chợ Bà Bầu", khi thì bảo ngủ ở nghĩa địa. Nhưng sau khi chúng tôi đi xác thực thì người dân ở 2 khu vực trên đều khẳng định rằng: "Không hề thấy bà ta xuất hiện ở các khu vực này vào buổi tối. Buổi trưa lâu lâu mới thấy bả ra chợ Bà Bầu nằm ngủ với đứa cháu với nấu thuốc thôi" - bà Ngà (một tiểu thương tại chợ) cho biết.


Lần này bà Hường hẹn gặp chúng tôi tại chợ Bà Bầu. Ngồi nói chuyện một lúc, chúng tôi ngỏ ý muốn về Sài Gòn vì trời chuyển mưa to. Chia tay bà, chúng tôi đi sang tìm chỗ trú đối diện chợ để quan sát.


Ngay sau khi chúng tôi ra về, bà Hường vội dọn dẹp đồ đạc rồi gọi điện thoại cho một ai đó. Không đầy 5 phút sau, xuất hiện một người đàn ông lạ mặt đi xe máy lại chở bà Hường và đứa cháu rời khỏi chợ. Trên đường đi, bà có dừng lại tại một ngôi chùa tên là Giác Đạo và mang vào một túi đồ gì đó.



Người đàn ông xuất hiện đưa bà Hường với bé Trúc Ly đi.


Chúng tôi vẫn bám ở phía sau, tiếp tục đi theo bà Hường đến một dãy nhà nghỉ nằm trên quốc lộ 22 thuộc huyện Hóc Môn. Đi một lúc, xe dừng lại trước cửa một nhà nghỉ. Được biết dãy nhà nghỉ này là một trong những "điểm nóng" của khu vực Hóc Môn, thường xuyên xảy ra nhiều tệ nạn.


Sau khi nghỉ ngơi, ăn uống được gần 30 phút, thì một người đàn ông chở theo một phụ nữ cùng một bé gái khác đến nói chuyện với vẻ rất thân thiết với bà Hường. Rồi cả nhóm lẫn bà Hường vội vã vào hết bên trong nhà nghỉ trên.



Bà Hường bỏ lại cháu ngoại trên xe rồi vội vào một ngôi chùa


Sau đó tiếp tục đi đến khu vực nhà nghỉ trên quốc lộ 22.


Sau đó gọi cô bán vé số mua một lúc 3 tờ.





Hai bà cháu ngồi ăn trưa rồi nghỉ ngơi




Chập tối có một nhóm người xuất hiện.



Sau đó bà Hường vội vã bỏ vào trong nhà nghỉ.


Một sự cố xảy ra khi có một nhóm người tiến đến và tỏ vẻ khó chịu với hoạt động tác nghiệp của chúng tôi, khiến chúng tôi phải dừng việc theo dấu bà Hường.


Chúng tôi ra về nhưng trong lòng vô cùng hoang mang trước những điều kì lạ trong cuộc sống của người đàn bà có số phận éo le này. Với mục đích tìm gặp để đưa tin và giúp đỡ, để bà Hường có thể tìm được các nhà hảo tâm, nhưng những điều mắt thấy tai nghe lại làm cho chúng tôi tự hỏi, liệu mình và rất nhiều người khác có đang đặt niềm tin nhầm chỗ?


Vài ba hôm sau khi chúng tôi đến, không hiểu vì lí do gì, người dân trong vùng không ai nhìn thấy bà Hường cùng đứa cháu gái xuất hiện tại địa điểm thường trực, tức trước cửa nhà số 71/5P hay chợ Bà Bầu để xin tiền nữa. Trong khi thường ngày, dù nắng hay mưa, chưa bao giờ người dân thấy bà Hường này vắng mặt. 1,2 ngày nay mới thấy bà xuất hiện lại, nhưng chỉ ở đó chốc lát chứ không ngồi cả ngày như trước.


Nhiều người dân trong vùng đã bày tỏ ý kiến rằng, nếu có thể can thiệp, thì họ rất muốn cho bé Trúc Ly được đến trường đàng hoàng, hòa nhập với cuộc sống xã hội, chứ không phải mang đi phơi nắng, phơi mưa như bây giờ…

3bored3 3bored3
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)