'Đã đến lúc cấm xe máy nội đô Sài Gòn, Hà Nội'
Một lộ trình 5 năm để dừng đăng ký xe máy mới, 'thanh lý' xe máy đang sử dụng ở nội thành, theo tôi là hợp lý. Và phải làm ngay từ bây giờ.
Thủ tướng Chính phủ đã từng giao cho Bộ Giao thông vận tải phải trình kế hoạch cấm xe máy ở nội đô Hà Nội và TP.HCM trong quý 4-2012, nhưng rồi kế hoạch này đến nay vẫn chưa ra đời.
Trong khi đó, Hà Nội, Sài Gòn đã mở thêm rất nhiều đường, cộng với vô số chính sách quản lý xe máy nhưng rồi vẫn không khả thi. Tắc nghẽn giao thông vẫn như căn bệnh trầm kha chưa có thuốc chữa, và tiếp tục bị đe dọa bởi sự phát triển khó lường, không kiểm soát nổi của số lượng xe máy
Việc cấm xe máy không đơn giản là cải thiện chất lượng giao thông, mà kéo theo đó cả xã hội phải thay đổi những tư duy cũ, lỗi thời đang làm trì trệ đất nước. Những lối kinh doanh nhỏ lẻ manh mún tràn đường, tràn chợ, tràn vỉa hè, tràn mặt tiền sẽ phải thay đổi khi xe máy không còn nữa.
Tất nhiên bản thân chiếc xe máy chẳng có tội tình gì. Nhưng ở Việt Nam, đây là một loại phương tiện tiện lợi nhưng không văn minh. Tiện lợi cho cá nhân nhưng lại khiến cho cộng đồng xã hội trì trệ, và đến lượt từng cá nhân cũng bị thiệt thòi trong đó.
Người Việt ngày càng khổ sở và xấu tính vì xe máy. Cứ nhìn vào một đám đông kẹt xe trên đường Hà Nội là thấy rõ điều này. Ai cũng bực bội, cáu kỉnh, và nhiều người sẵn sàng chèn ép người khác để tìm cho mình một lối thoát.
Thiệt hại về kinh tế- xã hội do tắc nghẽn giao thông gây ra thì ai cũng đã biết rồi.
Tai nạn chết người liên quan tới xe máy hiện chiếm số lượng cao nhất tại Việt Nam.
Một lộ trình 5 năm để dừng đăng ký xe máy mới, 'thanh lý' xe máy đang sử dụng ở nội thành, theo tôi là hợp lý. Và phải làm ngay từ bây giờ, không thể chậm trễ hơn nữa, vì càng chậm càng không có lối thoát. Các nhà làm chính sách sẽ phải vạch ra một kế hoạch chi tiết, đặt lợi ích kinh tế, xã hội của Sài Gòn, Hà Nội lên trên tất cả.
Cùng với việc cấm xe máy là phát triển xe buýt, tàu điện. Khi hệ thống giao thông công cộng tiện lợi, thì người dân sẽ tự động bỏ xe máy.
Điều quan trọng nhất là không để cho các nhóm lợi ích chi phối lộ trình cấm xe máy này, mà cụ thể ở đây là các nhà sản xuất xe máy, xe hơi, xe buýt, các hãng taxi…và những bên liên quan. Lợi ích phải được hài hòa. Điều kiện để sở hữu xe hơi cá nhân cũng phải thay đổi, siết chặt, hài hòa với lợi ích chung.
TP HCM vừa có hướng quy hoạch phát triển các thành phố vệ tinh, đồng thời cải tạo lại những khu nội thành quy hoạch nhếch nhác. Việc xóa bỏ xe máy sẽ là động lực để đẩy nhanh phát triển xe buýt, tàu điện ngầm và những phương tiện giao thông công cộng khác.
Cấm xe máy sẽ gây xáo trộn lớn trong xã hội, nhưng cái được lại quá lớn, chủ yếu và lâu dài, xứng đáng với những hy sinh trước mắt.
Trung Quốc đã cấm xe máy ở các thành phố lớn từ mấy chục năm nay và mang lại hiệu quả lớn cả về giao thông, kinh tế và xã hội.
Sẽ có nhiều người đặt câu hỏi tại sao ở các nước như Anh, Ý, xe Vespa, Honda SH vẫn được chạy ở thủ đô? Xin trả lời luôn rằng đây là những nước đã phát triển, hạ tầng giao thông hiện đại, lối sống văn minh, xe máy có chạy trên đường cũng không gây tắc nghẽn. Và người dân có nhiều lựa chọn phương tiện, chứ không chăm chắm vào xe máy như đại đa số người Việt.
Thái Lan, Indonesia… đang ngập tràn xe máy, và cũng tắc nghẽn giao thông trầm trọng ở các thủ đô Bangkok, Jakarta. Đó cũng là một điển hình về tác động xã hội từ việc mà các nhà kinh tế gọi là 'sập bẫy thu nhập trung bình".
Bẫy thu nhập trung bình có một biểu hiện là nhiều người dân đủ tiền mua một chiếc xe máy, nhưng cuộc sống vẫn vất vả, khó khăn. Chúng ta không muốn Hà Nội, Sài Gòn và rộng hơn là cả nước cứ rơi mãi vào "bẫy" đó.