Nếu bạn gái không có bất kỳ dấu hiệu sinh dục phụ nào ở tuổi 14 hoặc không có kinh nguyệt cho đến khi 16 tuổi thì được coi là dậy thì muộn.
Ảnh minh họa.
Nguyên nhân gây ra dậy thì muộn
Có nhiều nguyên nhân có thể gây ra hiện tượng dậy thì muộn, như: rối loạn hoạt động vùng dưới đồi, tuyến yên hoặc buồng trứng, dị tật bẩm sinh ở buồng trứng, chế độ dinh dưỡng, tình trạng sức khoẻ, gen di truyền…
Những bệnh tật có tính chất toàn thân như thiếu dinh dưỡng, quá gầy, bệnh đường ruột mạn tính, thiếu máu, bệnh thận, công năng tuyến giáp trạng kém hay việc vận động quá nhiều như múa ba lê, tập thể thao chuyên nghiệp … đều có thể gây nên chứng dậy thì muộn ở bạn gái.
Ảnh hưởng của dậy thì muộn
Tuỳ thuộc vào nguyên nhân gây ra chứng dậy thì muộn mà ảnh hưởng của nó đến tâm, sinh lý của bạn gái khác nhau. Một điều dễ nhận thấy ở các bạn gái khi dậy thì muộn là sự xấu hổ với bạn bè đồng lứa và sự lo lắng về khả năng sinh sản sau này. Tuy nhiên, nhìn chung, dậy thì muộn không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của bạn gái sau này. Sau khi dậy thì, có thể bạn gái sẽ vẫn có khả năng sinh sản bình thường.
Làm gì khi bị dậy thì muộn?
Trước hết, bạn gái cần kiên nhẫn đợi đến thời điểm dậy thì của mình. Nếu đã 14 tuổi mà bạn gái vẫn chưa xuất hiện một dấu hiệu sinh dục phụ nào hoặc trên 16 tuổi mà chưa xuất hiện kinh nguyệt thì mới cần đi khám để các bác sĩ đánh giá tình trạng sức khoẻ, tìm nguyên nhân và có hướng điều trị phù hợp. Tất cả những rối loạn hoạt động ở vùng dưới đồi, tuyến yên hoặc buồng trứng, những dị tật bẩm sinh ở buồng trứng đều cần được điều trị thì mới không ảnh hưởng đến quá trình dậy thì của bạn gái.
Trong trường hợp bạn gái có những yếu tố có thể gây ra tình trạng dậy thì muộn như: di truyền (mẹ hoặc chị gái dậy thì muộn), suy dinh dưỡng, thiếu máu … thì cần sớm đi khám để được điều trị những bệnh này, không để ảnh hưởng đến quá trình dậy thì. Còn đối với những bạn gái có cường độ vận động quá nhiều thì cần giảm bớt vận động một cách thích hợp, hoặc điều chỉnh phương án tập luyện thì vẫn có thể có được sự dậy thì tự nhiên.
Theo Bác sĩ Thúy Hường (Sức khỏe & Đời sống)