[size=3]Chuyện về đồ cổ… sexy[/size] Từ thuở xa xưa ông bà ta đã biết cách đưa cái hồn nhiên, thuần phác trong đời sống riêng tư, thể hiện trên các vật dụng lễ hội hoặc đồ dùng thường ngày.
Mặt những trống đồng cổ nhất được tìm thấy như Ngọc Lũ, Miếu Môn có khắc nổi các cặp sinh thực khí nam nữ lồng vào nhau trong nghi lễ cầu mong sự sinh sôi nảy nở; trên nắp thạp đồng Đào Thịnh nổi tiếng, có đúc bốn cặp tượng trai gái đang trong tư thế giao duyên; cán dao găm Đông Sơn lại thể hiện một đôi có hai đầu, thân áp vào nhau liền làm một, cùng gắn bó trong một chiếc đai thắt lưng lớn…
Còn dưới đây là chuyện về món đồ cổ độc đáo liên quan đến… sexy.
Chuyện thứ nhất. Khoảng năm 1977, khi khai quật di chỉ tại Đông Sơn, Thanh Hoá người ta đã tìm thấy một pho tượng đồng đen nhỏ cao chừng 10cm. Pho tượng làm bằng khuôn sáp đẹp lạ thường, khác hẳn những di vật đã tìm được liên quan đến nền văn hoá Đông Sơn. Vả lại, cái cách thể hiện sexy một cách quá ấn tượng của “ai đó” với pho tượng, làm chính hai vị giáo sư chủ trì cuộc khai quật là Diệp Đình Hoa và Chử Văn Tần cũng thấy ngại ngần khi đăng tấm ảnh của nó trên tạp chí Khảo cổ học. Đó là một người nam khoả thân đang tư thế giơ một chân, hai tay ôm vòng cung, cái sinh thực khí của anh ta thì được phóng đại rất… dễ sợ (ảnh 1).
(Ảnh 1)
Do tóc người này xoăn tít, mà có nhà khảo cổ giả thiết, pho tượng xuất xứ từ châu Phi bởi một hoàn cảnh nào đó đã “lạc” sang ta. Thế rồi một ngày cuối năm 1987, có ông già người ở chính cái làng đã khai quật 10 năm về trước, mang đến viện Khảo cổ học Hà Nội một pho tượng đồng cũng rất lạ. Đó là một người nữ, kích cỡ nhỏ bé hơn pho kể trên một chút, tay trái vắt lên che mặt e thẹn, tay phải như cố giấu phần hở hang phía dưới (ảnh 2). Thật bất ngờ, khi đưa người nữ vào trong vòng tay của pho tượng người nam tóc xoăn kia, thì hoàn toàn trùng khít, đích thị là một đôi uyên ương đang say sưa tình tứ.
(Ảnh 2)
Nhiều năm nay, TS Nguyễn Việt, giám đốc trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, đã đưa ảnh và cả khuôn mẫu hai pho tượng này đi giới thiệu, trao đổi với đồng nghiệp ở nhiều bảo tàng, trường đại học Mỹ, châu Âu, Úc, Nhật… nhưng vẫn chưa tìm được lời giải đáp thoả đáng, về nguồn gốc của mỗi pho tượng và liệu chúng có mối liên hệ thực sự nào với nhau không?
Chuyện thứ hai. Năm 2002, công an Quảng Nam thu giữ một số đồ cổ mua lậu từ dân địa phương lặn tìm cổ vật của chiếc thuyền buôn thế kỷ trước bị đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm. Trong số đó có một đĩa gốm Chu Đậu, do vận chuyển đã bị mẻ một góc, song còn nhìn rõ trong lòng đĩa mô tả một cuộc làm tình trong tư thế khá là… hiện đại (ảnh 3).
(Ảnh 3)
Chu Đậu là làng gốm thuộc tỉnh Hải Dương, hưng thịnh vào thế kỷ 14 - 16. Chiếc đĩa gốm này được chế tác từ thời nhà Hồ, nhà Mạc, hình vẽ thể hiện sự tự do cá nhân, mạnh bạo trong tình yêu, đó là thời kỳ sau những cải cách tiến bộ của Hồ Quý Ly, đã tác động làm rạn nứt phần nào ý thức hệ phong kiến Nho - Khổng hàng nghìn năm ngự trị. Về hình sexy trong đĩa, có thể giải thích theo cách là: có một chàng thợ gốm trẻ vô danh của lò gốm Chu Đậu kia, khi đang làm việc chợt nhớ đến cô gái mình yêu, tưởng tượng, nghịch ngợm vẽ những nét khoáng đạt lên cái đĩa ấy, rồi để lẫn vào các đĩa khác đem nung. Và, thứ sản phẩm đơn chiếc đó còn sót lại sau bao cuộc bể dâu, hiện diện đến ngày hôm nay như một minh chứng về đời sống văn hoá phồn thực trong thôn xóm Việt vài trăm năm về trước.
[/size] [size=3][/size]