Tin tức - pháp luật 2016-05-29 12:27:05

Đồng bằng sông Cửu Long vừa hết hạn hán lại bị ngập lụt


Đợt hạn mặn lịch sử tại ĐBSCL đang dần được đẩy lùi, khi có mưa xuất hiện trên diện rộng trong những ngày qua. Hiện, vùng ĐBSCL đang đối diện với những thách thức khác như: ngập, lụt, sạt lở và sụt lún đất… Đây là cảnh báo được nhiều đại biểu đưa ra tại tọa đàm “Ứng phó với biến đổi khí hậu và xâm nhập mặn ở ĐBSCL”, do Trường Cao đẳng Cần Thơ tổ chức vào ngày 27-5.

Thiệt hại nặng vì hạn mặn

Các số liệu quan trắc nhiều nơi trên thế giới trong vòng 50-100 năm qua cho thấy, mực nước biển tăng 1,8mm/năm. Trong 12 năm gần đây, các số liệu đo đạc của vệ tinh NASA cho thấy, xu thế biển dâng đang gia tăng rất nhanh, với tốc độ trung bình khoảng 3mm/năm.


“Tại Cà Mau, từ năm 1972 đến nay, theo thống kê mực nước biển tăng trung bình 0,735cm/năm (trạm Cà Mau) và 0,684cm/năm (trạm Sông Đốc). Sự gia tăng mực nước biển hiện tuy không nhiều nhưng làm ảnh hưởng đến biên độ triều cường, một nhân tố quan trọng và tác động trực tiếp đến xâm nhập mặn nguồn nước”, bà Dương Thị Ngọc Tuyền, Sở TN-MT tỉnh Cà Mau nhận định.

Biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và sẽ gây ra nhiều hậu quả nặng nề cho cư dân vùng ĐBSCL. Hầu hết hệ thống kênh rạch tại Cà Mau đều bị nhiễm mặn từ 4-30‰. Vùng nhiễm mặn tăng nhất (trên 25‰) tập trung tại các xã ven biển thuộc các huyện: U Minh, Trần Văn Thời, Năm Căn, Ngọc Hiển, Đầm Dơi.

Tại Bến Tre, cuối năm 2015 đầu năm 2016, độ mặn 4‰ đã xâm nhập các cửa sông từ 70km, độ mặn 1‰ bao trùm phạm vi toàn tỉnh với thời gian kéo dài hơn 4 tháng. “Hạn, mặn làm gần 20.000ha lúa đông xuân mất trắng, trên 109.265ha hoa màu, cây ăn trái và 475ha diện tích nuôi thủy sản bị thiệt hại; hơn 88.200 hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt và có khoảng 400 doanh nghiệp bị ảnh hưởng đến sản xuất”, ông Võ Văn Ngoan, Sở TN-MT tỉnh Bến Tre cho biết.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Mỹ Linh, Trường Cao đẳng Cần Thơ lý giải nguyên nhân xâm nhập mặn tăng cao là do dòng chảy kiệt từ thượng nguồn sông MeKong. Theo tài liệu đo đạc tại Tân Châu và Châu Đốc, từ năm 1990 đến nay do tác động của hệ thống hồ chứa trên dòng chính và dòng nhánh sông MeKong, dòng chảy kiệt có xu thế tăng so với trước đây khoảng 10-20%. Lưu lượng tháng 4 (là tháng thấp nhất) từ 2.300-2.400 m3/s trước năm 2000, nay tăng lên 2.600-2.800 m3/s.

Ngoài ra, lũ thấp cũng làm gia tăng xâm nhập mặn cho các vùng ven biển. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, lũ ĐBSCL có xu thế thấp dần do yếu tố tự nhiên và đặc biệt là sự điều tiết hồ chứa tại thượng lưu. Sau các trận lũ lớn 1994, 1996, 2000, 2001 và 2002, hơn 10 năm liền, ĐBSCL chỉ có lũ vừa đến nhỏ. Tổng lượng lũ vào ĐBSCL từ 380-420 tỷ m3/năm và kéo dài đến tháng 11 và 12 như trước đây, thì nay chỉ còn khoảng 300-320 tỷ m3 và hầu như kết thúc vào tháng 11.

Thêm vào đó, gần 50% vùng ngập trung bình và 30% vùng ngập sâu đã được các tỉnh kiểm soát để sản xuất vụ thu đông khiến khả năng trữ lũ của ĐBSCL giảm chỉ còn hơn một nửa so với trước đây (từ 5-7 tỷ m3/năm xuống còn 3-4 tỷ m3/năm).

Đối mặt với ngập, lụt, sụt lún đất

Khoảng 2 tuần qua, tại ĐBSCL liên tục xuất hiện những trận mưa lớn. Về điều này, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐKH (ĐH Cần Thơ) cho rằng, chu kỳ El Nino đang giảm tác động đến khu vực ĐBSCL nên tình hình hạn hán đang dần được đẩy lùi. Tuy nhiên, chu kỳ La Nina dự báo sẽ bắt đầu xuất hiện vào khoảng tháng 8 năm nay, khi ĐBSCL vào mùa lũ sẽ gây ra hiện tượng ngập lụt ở các địa phương trong vùng.


“Vùng Tứ Giác Long Xuyên và Đồng Tháp Mười được xem là 2 túi chứa nước cho ĐBSCL. Và do các tỉnh đầu nguồn kiểm soát lũ xây nhiều đê bao để sản xuất lúa vụ 3 nên thu hẹp không gian trữ lũ của 2 vùng này. Vì vậy, lũ sẽ chảy xuống vùng bên dưới, gây ngập lụt đô thị”, ông Tuấn nhận định.

Theo kịch bản BĐKH năm 2012 của Bộ TN-MT, nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 39% diện tích, 35% dân số vùng ĐBSCL bị ảnh hưởng. Tại TP Cần Thơ, nếu như năm 2000 mực nước lũ là 1,79m thì năm 2011 đạt mốc 2,15m. Dự báo nếu mực nước biển dâng 1m thì sẽ gây ngập khoảng 68% diện tích TP Cần Thơ; nếu lên 2m thì làm ngập tới 99% diện tích. Ngoài ra, tình trạng sụt lún đất đang diễn ra tại nhiều địa phương trong vùng là điều đáng báo động.

Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, Chánh văn phòng BĐKH TP Cần Thơ nói: “Nghiên cứu trong những năm qua, mực nước biển chỉ dâng 4mm nhưng việc khai thác nước ngầm đã làm sụt lún từ 1-2cm đất”.


Sụt lún đất nghiêm trọng xảy ra tại Cà Mau.

Tại Cà Mau, trong tháng 4 vừa qua, có hàng chục km đường bị sụt lún nên tỉnh đã “cầu cứu” Chính phủ hỗ trợ. Ngoài ra, nguồn nước cung cấp chính cho tỉnh Cà Mau là nước ngầm nhưng hiện nay đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do khai thác quá lớn khi sự quản lý còn nhiều bất cập.

Theo Thạc sĩ Kỷ Quang Vinh, chúng ta có nhiều cách ứng phó với những thiên tai đã và đang diễn ra. Trước hết, cần lập bản đồ cao độ đất thực tế, bản đồ lũ lụt, hạn hán trong quá khứ để thiết lập hệ thống quan trắc và dự báo sớm để xem năm tới có lũ hay hạn hán không. Ngoài ra, ĐBSCL cần tạo hệ thống hồ trữ nước trong mùa mưa, mùa lũ dùng cho cấp nước đáp ứng nhu cầu trong mùa khô.

“Tại Thái Lan, có yêu cầu nông dân phải bỏ ra 30% diện tích đất đào hồ chứa nước để đáp ứng trong mùa khô. ĐBSCL có thể học theo cách này nhưng bằng việc cải tạo kênh rạch hiện có để trữ nước với khối lượng lớn.

Ngoài ra, có thể xử lý nước sạch rồi đưa xuống tầng nước ngầm để dùng trong tình hình hạn hán gay gắt như năm nay. Khi nước ngọt nhiễm mặn, có thể xây nhà máy khử nước biển để cấp nước sinh hoạt. Singapore đã sử dụng công nghệ của họ khử nước mặn thành nước ngọt chỉ với giá 7.000 đồng/m3, còn tại Israel là 10.000 đồng/m3, chi phí không lớn nhưng mang lại hiệu quả cao. 100 lít nước mặn họ khử mặn và lấy được 80 lít nước ngọt”, ông Vinh kiến nghị

Văn Vĩnh
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)