Đi biển tìm "của lạ"!
Con đường ngoằn nghèo đưa chúng tôi về với biển Xuân Thành, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, trong chiều muộn một ngày cuối tuần. Gã bạn là dân chơi có tiếng cười tít mắt, tỏ ra hiểu biết: "Đi xa như vậy mới tìm được hàng độc. Toàn các em tuổi teen, made in miền núi, "non" thì khỏi nói, cứ là búng ra sữa. Đảm bảo các ông sẽ phải bất ngờ… về giá cả".
Biển Xuân Thành hiện ra trước mắt… Dọc bãi biển có khoảng trên dưới trăm ki ốt được người dân xây tạm bợ để kinh doanh. Khoảng sân trước các ki ốt này được các chủ quán tận dụng để kê bàn, mắc võng cho khoảng 3 - 4 em chừng 15 - 17 tuổi, áo hai dây, váy ngắn đứng "chào hàng", vẫy khách. Nơi đây được mệnh danh là thiên đường sung sướng ở miền Trung.
Gã bạn vừa chạy xe vừa thao thao bất tuyệt nói về những thú ăn chơi của biển Xuân Thành: "Tôi cũng mới phát hiện ra "thiên đường" này thôi, nhỏ một tí nhưng bù lại nhiều cái hay lắm! các ông thấy rồi đấy phải khẳng định rằng về đây không phải để đi bơi ở biển mà bơi ở…"bờ", thế mới thú. Chưa vào vội, cứ tham quan đi đã, tự khắc các em sẽ đưa mình vào".
Và, như minh chứng cho lời nói của gã thì ngay lập tức xe phải phanh gấp bởi một khuôn mặt bự son phấn bất thần hiện ra như từ trên trời rơi xuống: "Các chú vào đây ngồi nghỉ cho mát đã rồi làm gì thì làm, quán chị các chú muốn gì cũng có, không vừa lòng chị không lấy tiền". Một cái phẩy tay của bà chủ, lập tức có đến một tá các em mặt mày non choẹt, váy áo cũn cỡn ùa ra. Kẻ lôi người kéo, định thần lại chúng tôi đã thấy mình lọt thỏm giữa một căn phòng hát karaoke bừa bộn.
Một cô gái tên Thúy, khoảng 16 tuổi - da xanh xao, èo uột nũng nịu: "Các anh ở đây để bọn em chiều, rẻ thôi đi nhanh chỉ 100 nghìn". Lấy cớ là còn sớm và các "em út" ở đây chưa hợp nhãn, chúng tôi nhanh chóng thoát ra khỏi "ổ nhện".
Dọc triền cát là vô số những biển, bảng hiệu quảng cáo do các chủ ki ốt dựng lên với đủ loại màu sắc sặc sỡ và những cái tên đầy mỹ miều mà du khách có thể gặp ở bất cứ đâu tại các điểm du lịch biển từ Bắc chí Nam. Về chiều, bãi biển Xuân Thành dường như náo nhiệt hơn bởi lượng khách tăng nhanh. Khách đổ về đây với đủ các thành phần "thượng vàng, hạ cám" sang có, hèn có, nhưng có lẽ tất cả họ đều có chung thú vui: Hám tìm của lạ!
Các vị khách đi trên những chiếc xe biển xanh, biển đỏ loay hoay cho xe quay đuôi vào để giấu biển kiểm soát, sợ gặp người quen… Chủ quán L.Q cho hay: "Chẳng có ai về đây để đi nghỉ ngơi cả. Ăn đặc sản biển thì chỗ nào mà chả có, chủ yếu là tìm em út… các em đến từ các huyện miền miền núi như: Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quế Phong, Tương Dương, Kỳ Sơn (Nghệ An); hay Vũ Quang, Hương Sơn, Kỳ Anh (Hà Tĩnh) và cả tận Quảng Bình v.v..với tiêu chí là càng non càng tốt. Mỗi nhà nuôi từ 4 - 5 em, tiền đi khách chia đôi, là để tạo việc làm cho chúng nó"(!?).
Khuyến khích thoát nghèo (?!)
Một lão ngư dân ở thôn Xuân Hội đã có thâm niên gắn bó với nghề biển, nhìn về phía biển hoài niệm xót xa: "Ngày trước dân làng chỉ thuần với công việc đi biển, đói no theo mùa biển động, người dân sống gắn bó với nhau bằng cái tình xóm giềng. Từ ngày mọc lên khu dịch vụ du lịch tất cả đã trở nên hỗn loạn, người ta đua nhau ra đây xây cất rồi đưa về những con người lạ hoắc. Dân biển mà chê biển bạc thì hỏng thật rồi các chú ạ!".
Có thể để dàng nhận ra sự tồn tại và hoạt động công khai của các ổ chứa gái mại dâm cũng như tình trạng mất trật tự an ninh tại bãi biển Xuân Thành. Nhưng thật lạ lùng, chính quyền địa phương là những người trực tiếp quản lý khu du lịch này lại nhắm mắt làm ngơ như không hề hay biết. Ông Phạm Văn Thuyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã phân trần: "Do kinh tế - xã hội địa phương còn gặp nhiều khó khăn quá, hiện mới chỉ có 78 ki ốt được xây dựng, hình thức kinh doanh ở dạng tự phát. Hàng năm mỗi hộ nộp cho xã 3 triệu đồng tiền thuê bến bãi, ngoài ra xã không còn thu thêm khoản nào khác. Đây cũng là hình thức khuyến khích người dân làm kinh tế thoát nghèo".
Một số chủ nhà hàng cho biết thêm: hàng năm UBND xã cũng có triệu tập các hộ làm giấy cam kết không vi phạm an ninh trật tự nhưng chỉ mang tính hình thức. Công tác tuần tra an ninh khu vực của Ban công an xã cũng chỉ hoạt động một cách chiếu lệ, huyện thì ở xa mỗi năm về kiểm tra một lần "cưỡi ngựa xem hoa" rồi đâu lại vào đấy. Chính quyền buông lỏng, dân muốn làm gì thì làm âu cũng là điều dễ hiểu.
Vi Thị L, quê ở huyện Quỳ Châu - nhân viên của nhà hàng Q.L ngồi khóc tức tưởi bên chiếc chõng tre ọp ẹp, trong nhà, bà chủ vẫn chưa thôi chửi rủa vì cô dám từ chối tiếp khách buổi chiều: "Ngày hôm nay em đã phải tiếp rất nhiều khách rồi nên em mệt lắm, chiều nay em không thể chiều khách được nữa nhưng bà chủ không hiểu cho em. Em muốn về quê, về làm nương sướng hơn… Từ hôm xuống đây đến giờ đêm nào em cũng mơ về bản cả".
Chúng tôi rời Xuân Thành khi trời đã tắt nắng. Tấm pa - nô "Ma túy, mại dâm là mầm của của HIV" bên đường vào bãi biển xiêu vẹo, biến dạng trong ráng chiều vàng uột. Giấc mơ về một quê hương giàu đẹp gắn với nghề biển của lão ngư dân liệu có trở lại? Chỉ biết rằng Xuân Thành đang dần đánh mất chính mình trong guồng quay "kim tiền" nghiệt ngã.