|
Các cô gái ngực trần biểu tình ở Ukraine. |
Hàng vạn cổ động viên bóng đá sẽ tới Ukraine mùa hè này, đe dọa làm tồi tệ hơn tình trạng mại dâm vốn là một vấn nạn của đất nước. Femen, một tổ chức chống mại dâm đặt trụ sở tại Kiev, đã thực hiện nhiều chương trình phản đối giải đấu vì cho rằng Euro đe dọa sự an toàn của phụ nữ Ukraine. Một trong những chương trình hành động của Femen là đưa những cô gái trẻ đẹp tới các khu vực công cộng, để ngực trần và giăng biểu ngữ bài trừ mại dâm. Nhóm người đẹp ngực trần thậm chí gây tiếng vang bằng cách cướp chiếc Cup Euro trong lễ trưng bày tại quảng trường Dnipropetrovsk.
“Phụ nữ Ukraine có tiếng xấu là những búp bê sex xinh đẹp, rẻ tiền. Khi các cổ động viên nước ngoài tới đây, hình ảnh đó sẽ càng xấu hơn,” người sáng lập Femen, Anna Gutsol đánh giá. “Hầu hết người nước ngoài không nghĩ tới cuộc sống cơ cực của phụ nữ Ukraine, họ chỉ nhìn chúng tôi như những chiếc bánh ngon mắt”.
Theo Gutsol, chiến dịch Euro mà chính phủ dùng để thuyết phục liên minh Châu Âu cho gia nhập không có lợi cho lớp phụ nữ bình dân của Ukraine, thậm chí còn có hại. Tổ chức phi chính phủ La Strada chuyên hoạt động trong lĩnh vực chống buôn bán người đánh giá Ukraine là một trong những nguồn cung cấp gái điếm chủ yếu cho Châu Âu. Nền kinh tế yếu và ít cơ hội việc làm cho phụ nữ là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng này.
Bất chấp cảnh sát liên tục tới giải tán, Gutsol tuyên bố sẽ tiếp tục chương trình phụ nữ ngực trần nhằm đưa ra thông điệp bảo vệ phụ nữ Ukraine. “Chúng tôi sẽ không ngồi yên nhìn đất nước trở thành nguồn mại dâm của châu Âu, cũng như không thể bắt phụ nữ nước tôi phải thôi xinh đẹp”, người sáng lập Femen nói.
|
Femen sẽ tiếp tục hành động bất chấp cảnh sát. |
Ban tổ chức cho biết đến ngày 6/6 vẫn còn khoảng 10.000 vé xem Euro bị ế ở Ukraine, trong đó có rất nhiều vé xem trận mở màn bảng D giữa Anh và Pháp. Phí ăn ở cao và đi lại khó khăn là hai nguyên nhân chính khiến lượng cổ động viên Anh giảm đáng kể.
“Rất khó để có được chuyến bay tới Kiev với giá cả vừa phải. Khoảng cách giữa các điểm thi đấu cũng xa và chi phí đi lại giữa các điểm này cũng rất đắt. Đó là chưa kể giá ăn ở bị đẩy lên quá cao,” phát ngôn viên của Hội cổ động viên Anh chia sẻ trên BBC.
Một nguồn tin khác cho biết còn nhiều vé của các đội tuyển thi đấu ở Ba Lan cũng chưa bán hết. Chi phí cao cũng được xem là nguyên nhân làm giảm làn sóng cổ động viên nước ngoài. Tuy nhiên, theo phát ngôn viên của UEFA Thomas Giordano, 99% trong số gần 1,4 triệu vé đã được bán. “Chỉ còn lại 1% không phải là kết quả tồi. Năm 2008, khi chúng tôi tổng kết số vé chia cho các nước tham gia, số vé tồn còn nhiều hơn thời điểm này”.
Giordano cho biết phương án giải quyết số vé ế: “Khi tình trạng vé của một đội tuyển không bán được, chúng tôi sẽ giao cho đội bóng đối thủ để cổ động viên của họ có thể đến sân nhiều hơn. Nếu vẫn không bán hết, lúc đó chúng tôi mới đem bán ra ngoài bán cho cổ động viên trung lập. Ở mọi giải đấu luôn có những đội tuyển không bán hết số vé được giao. Có thể mọi chuyện được thổi phồng lên vì nó xảy ra với tuyển Anh, điều chưa từng xảy ra trước đây”.
Euro 2012 bắt đầu từ ngày 8/6 ở Warsaw, thủ đô của Ba Lan, và kết thúc với trận chung kết ngày 1/7 ở Kiev, thủ đô của Ukraine.
Bên cạnh chi phí mua vé xem Euro 2012 là một khoản tiền lớn cho đi lại và ăn ở. |
Nhiều cầu thủ tham dự Euro 2012 cũng như các cựu danh thủ đã bày tỏ băn khoăn về nạn phân biệt chủng tộc ở hai nước đồng chủ nhà. Cựu tuyển thủ Anh Sol Campbell thậm chí còn khuyên các cổ động viên nên ở nhà thay vì đối mặt với nguy cơ trở về "trong quan tài".
"Tôi nghĩ giới hâm mộ nên ở nhà xem Euro qua tivi để bảo toàn tính mạng. Bởi nếu tới Ba Lan hay Ukraine rất có thể bạn sẽ kết thúc cuộc đời và trở về nhà trong cỗ quan tài. Tôi nghĩ rằng UEFA đã sai lầm khi quyết định chọn Ba Lan và Ukraine đăng cai Euro 2012. Đáng lẽ họ phải yêu cầu hai quốc gia này giải quyết đến nơi đến chốn nạn phân biệt chủng tộc", Sol Campbell nói.
Nhiều cầu thủ da màu trong đội hình tuyển Anh như Theo Walcott và Alex Oxlade-Chamberlain đã quyết định không cho gia đình tới Euro cổ vũ để tránh trở thành nạn nhân. Cha của Chamberlain - một cựu tuyển thủ Anh, ông Mark Chamberlain nói trên Sky Sports: "Có rất nhiều hình ảnh và phim tư liệu cảnh báo về bạo lực và phân biệt chủng tộc ở Ukraine. Bởi thế chúng tôi cần tự bảo vệ mình bằng cách ở nhà và xem Euro qua truyền hình".
Đáp lại lo lắng từ dư luận bên ngoài, hai nước đồng chủ nhà đã lên tiếng trấn an. Markiyan Lubkivskyi, người đứng đầu Ban tổ chức giải ở Kiev, cho rằng bình luận về nạn phân biệt chủng tộc được đưa ra bởi những người "hoàn toàn không hiểu gì về Ukraine". Lubkivskyi nói: "Euro 2012 là cơ hội để du khách và cổ động viên khắp thế giới tới khám phá Ukraine một cách thực sự thay vì những câu chuyện và tin đồn không thực tế. Có chút hài hước khi nghe những gì Campbell nói vì ông ta chưa bao giờ tới Ukraine".
Theo Lubkivskyi, UEFA rất nghiêm khắc trong các vấn đề liên quan đến phân biệt chủng tộc và ban tổ chức cũng quyết không dung thứ cho vấn nạn này. Không có trận đấu nào ở Euro bị xếp vào diện nguy cơ cao về phân biệt chủng tộc.
Hùng Cường