Câu nghị luận xã hội của đề Văn năm nay được dư luận đặc biệt quan tâm bởi tính thời sự của nó. Các thí sinh cũng vậy. Bởi đây là vấn đề nóng của đạo đức xã hội nói chung và giới trẻ nói riêng nên hầu hết các bài làm đều trình bày khá cặn kẽ.
Tuy nhiên, vẫn có những điều mà nhiều giám khảo vẫn suy tư, trăn trở sau khi gấp lại bài làm của các em. Đó là thực trạng về sự dối trá được các em vạch ra khá rõ ràng, và hầu như các em thấy nó tồn tại nhan nhản ở mọi ngõ ngách của cuộc sống một cách hiển nhiên.
Từ chuyện bố mẹ ở nhà lừa dối nhau, ngoại tình dẫn đến tan vỡ hạnh phúc gia đình cho đến chuyện bà hàng xóm lừa tiền hụi bạc tỉ của bà con trong làng rồi bỏ trốn với tình nhân, bỏ chồng con ôm nợ nần…
Từ chuyện các ca sĩ hát nhép lừa khán giả cho đến chuyện thầy giáo gạ tình, lừa tình nữ sinh. Rồi cấp dưới lừa cấp trên, con cái lừa dối cha mẹ…
“Tất cả sự dối trá đều là những giáo trị ảo nhưng được khoác một chiếc áo rất thật trong đời sống xã hội hiện nay. Đáng buồn hơn là chiếc áo ấy được nhiều người mặc một cách không ngượng ngùng mà trái lại còn ra vẻ tự hào”, là nhận định của một thí sinh.
Thí sinh sau bài thi tốt nghiệp môn Văn tại Hà Nội. |
Thí sinh này kể lại rằng “câu chuyện mà em kể ở đây không biết có phải là bài học về sự dối trá hay không xin thầy cô hãy tự đặt tên cho nó. Số là trường THPT X. của em rất quan tâm đến điểm số thi cử và sợ chúng em thi rớt nên tổ chức một buổi họp mặt toàn thể học sinh lớp 12 của trường để tư vấn.
Đại diện ban giám hiệu cũng có mặt phát biểu động viên chúng em tự tin bước vào kì thi để đạt kết quả cao. Ngay sau phát biểu ấy, một cô giáo khác của trường được xem là một chuyên gia tư vấn dày dặn kinh nghiệm đã dành gần một tiếng rưỡi để nói về những mẹo vặt mùa thi.
Trong đó, cô dành hơn nửa thời gian ấy để chỉ cho chúng em cách thức chuẩn bị phao thi, cất ở đâu thì an toàn, làm sao để giám thi khó phát hiện để khi có cơ hội thì mới sử dụng, nếu gặp giám thị khó thì đừng dại dột mở ra; nếu hỏi bài bạn thì hỏi như thế nào, những lỗi nào giám thị có thể bỏ qua được… Và cuối cùng, cô kết luận rằng nếu có cơ hội mà không tận dụng nó để bằng mọi giá có kết quả cao thì thật là dại dột…
Sau khi ra khỏi hội trường, nhiều bạn bảo rằng mấy “chiêu” của cô tư vấn đa phần học sinh đã vận dụng nhưng lần này được chỉ thêm những mánh khóe mới và sẽ “tự tin” hơn trước kì thi vì được nhà trường chính thức dạy bảo, nếu được tư vấn sớm hơn chắc trong 3 năm học ở trường này các bạn không mất công rình mò để quay bài mỗi lần kiểm tra mà được công khai như cách nhà trường chỉ vậy…”.
Bài văn được viết trong kỳ thi, và có lẽ qua đây mọi người cũng hiểu thêm được rằng, không biết có bao nhiêu ngôi trường trực tiếp hay gián tiếp mách bảo các em như vậy để rồi thực tế đã diễn ra những cảnh bát nháo trường thi như ở Hà Tây và nhiều địa phương khác năm 2006, hay ngay ở Hội đồng thi THPT Đồi Ngô, tỉnh Bắc Giang năm nay? Khi mà sự dối trá được công khai dạy bảo cho các em bởi chính thầy cô thì thử hỏi các em sẽ trở thành những con người như thế nào khi bước ra xã hội?
Trong khi đó, một thí sinh sau khi chỉ ra hàng loạt hiện tược dối trá đã khẳng định thẳng thừng “Thật thà là cha thằng dại, vậy thì mấy ai ngu xuẩn thật thà chi cho phí công tốn sức. Cứ dối trá mà được lợi thì chẳng sướng hơn sao?”. Em khác thì bảo “…cả xã hội đều dối trá, người lớn dối trá thì đừng trách trẻ con. Nếu mình không như thế thì thật là lạc lõng, vì thế nên phải bị cuốn vào nó dù biết dối trá làm cho đạo đức con người đi xuống chứ khó đi lên…”
Có lẽ, sự xuống cấp về đạo đức xã hội, sự dối trá len lỏi vào đời sống và ngay cả học đường đã khiến cho một bộ phận bạn trẻ mất niềm tin vào những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Thử tìm nguyên nhân
Nói về sự yếu kém dẫn đến những bài văn ngô nghê của thí sinh thì có vô vàn nguyên nhân. Có người cho rằng chính phương pháp dạy và học Văn thụ động theo hướng truyền giảng một chiều theo kiểu đọc chép, học thuộc lòng… ở một số giáo viên; cách thi cử, ra đề và chấm điểm truyền thống bấy lâu nay theo hướng đếm ý đã làm tắt lửa nhiệt tình với bộ môn, triệt tiêu sự sáng tạo văn chương ở người học.
Nhưng có một điều tin chắc rằng những kiến thức sai lệch, cách hành văn chẳng giống ai ở trên không có thầy cô hay nhà trường nào dạy cho các em cả mà do lổ hổng kiến thức và kĩ năng của bản thân mỗi em gây ra. Có người bảo đây là những học sinh chây lười học tập, không có động cơ, mục đích sống mà chỉ đến trường do sự ép buộc của gia đình chứ bản thân các em không hề muốn đến với con chữ nên tất yếu kết quả không chỉ văn chương mà chắc rằng các môn học khác cũng chẳng hơn gì.
Cũng có thể đây là những thí sinh tự do bỏ nhiều năm giờ quay lại thi cầu may kiếm tấm bằng tú tài lận lưng hòng xin việc làm nên kiến thức rơi rụng dần theo năm tháng, vào phòng thi nghĩ sao viết vậy! Rồi sự nhìn nhận, đánh giá của xã hội đối với bộ môn này cũng còn quá nhẹ trong khi đây là môn học làm người.
Cứ nhìn vào cơ hội ngành nghề dự thi vào các khoa, các trường thuộc các khối có môn Ngữ văn lép vế so với các khối khác. Chưa kể cơ hội việc làm sau khi ra trường của các ngành này cũng không phải dễ dàng. Chính vì vậy, chỉ lấy khối C đăng kí dự thi ĐH-CĐ hàng năm ở mỗi trường phổ thông chỉ lèo tèo vài bộ hồ sơ cũng đủ thấy bức tranh ảm đạm.
Do vậy, cần lắm một cuộc mổ xẻ về việc dạy và học Văn, nhìn nhận đánh giá tác động của môn học này đối với đời sống xã hội để từ đó có cái nhìn đúng đắn, đầy đủ và toàn diện. Nếu môn Văn được trả về đúng vị trí của nó thì chắc chắn bài học làm người sẽ nhẹ nhàng và sâu sắc hơn ngay trên ghế nhà trường phổ thông. Bởi, chính đại văn hào Maxim Gorki đã nói “Văn học là nhân học”.