Hình ảnh ĐT Đức để lại tại bảng B là một tập thể gắn kết, thi đấu chặt chẽ với những tính toán hợp lý. Họ chơi không quá nổi bật trước BĐN, Hà Lan và cả Đan Mạch nhưng vẫn toàn thắng nhờ sự lạnh lùng và tính chính xác ở những thời điểm quyết định. Tuy nhiên, Đức tại vòng bảng vẫn là một đội bóng khá đơn điệu với sức tấn công dựa nhiều vào Gomez khi một mình chân sút của Bayern đã ghi cả 3 bàn thắng quan trọng nhất cho Mannschaft (ở trận gặp BĐN và Hà Lan). Sự đơn điệu này khiến họ gặp nhiều khó khăn trong trận đấu cuối với Đan Mạch.
Chính vì thế mà tận dụng việc chỉ phải gặp Hy Lạp tại tứ kết, HLV Loew đã đưa ra hàng loạt những thay đổi để mang đến những nét mới cho Mannschaft. Thay vì sử dụng bộ ba cầu thủ tấn công từng đá chính ở 3 trận trước đó là Podolski, T.Mueller và Gomez, HLV Loew bất ngờ sử dụng Schuerrle, Reus và Klose. Chính những quyết định táo bạo này giúp Đức thay đổi được hình ảnh đơn điệu trước đó để trình diễn một lối chơi tấn công bùng nổ với 4 bàn thắng, trong đó Reus và Klose mỗi người góp 1 bàn.
ĐT Đức vẫn rất linh hoạt ngay cả khi sử dụng nhưng nhân tố dự bị như Reus (21)
Thực tế cho thấy những sự kết hợp mới chưa mang đến cho Đức một lối chơi tấn công hoàn hảo. Vẫn còn đó những đường chuyền hỏng, những cơ hội bị bỏ lỡ đáng tiếc… tuy nhiên, phải thừa nhận một điều là ghi tới 4 bàn thắng vào lưới một đối thủ ra sân với tâm lý thủ hòa và chơi với 10 cầu thủ phòng ngự là điều mà không phải đội bóng nào cũng làm được.
So với Gomez thì sự xuất hiện của Klose giúp lối chơi tấn công của Đức trở nên mềm mại hơn hẳn. Đó là khi Klose tích cực tham gia vào các pha dàn xếp tấn công chứ không chỉ chăm chăm chờ sẵn trong vòng cấm để tung ra những cú dứt điểm như Gomez. Chính điều này cũng đã giúp Oezil hồi sinh. Trong cả trận đấu với Hy Lạp, rất nhiều lần Oezil và Klose đan bóng cho nhau và nhạc trưởng của Real cũng là người đặt dấu giày vào hầu hết các pha bóng tấn công đẹp mắt nhất của Đức.
Trong khi đó, sự xuất hiện của Schuerrle và Reus ở 2 cánh hàng tiền vệ công giúp Mannschaft tạo được sức ép thường trực hơn lên khung thành đối phương. So với Podolski và T.Mueller thì cả Schuerrle và Reus đều tỏ ra táo bạo hơn trong các pha đi bóng và dứt điểm, đặc biệt là Reus với lối chơi xông xáo. Tất cả những điều đó đã tạo nên một hình ảnh rất mới cho Đức tại EURO 2012.
Tất nhiên, không thể khẳng định đội hình mới này tối ưu hơn đội hình cũ bởi mỗi một sự bố trí mang đến cho Mannschaft một giải pháp riêng cho từng trận đấu, từng nhiệm vụ khác nhau. Nhưng việc Đức đang thành công với cả hai đội hình đang khiến họ trở nên đặc biệt khó lường và sẽ không dễ cho các đối thủ có thể phán đoán và bắt bài Mannschaft.