Nghệ thuật sống 2014-02-07 03:03:47

Chuyện nghề của những cô gái múa Lân Sư Rồng trẻ nhất Việt Nam


Múa Lân Sư Rồng là một bộ môn múa nghệ thuật dân gian đường phố có từ rất lâu tại Trung Quốc, sau đó dần dần du nhập sang các nước lân cận như: Malaysia, Singapore, Indonesia, Việt Nam. Theo một số quan niệm xưa thì Lân, Sư, Rồng là ba con vật tượng trưng cho sự may mắn, tài lộc và thịnh vượng,… thậm chí còn được xem là ba loài vật rất linh thiêng. Đó cũng là lý do vì sao Lân Sư Rồng mới được chọn làm tiết mục biểu diễn chính ở các sự kiện đặc biệt, quan trọng như khai trương, đại hội,… và thông dụng nhất là vào dịp Tết Nguyên Đán, Trung Thu hằng năm.

 

Trước đây, múa Lân Sư Rồng có một điểm chung khiến không ít người thắc mắc đó là, “vì sao những người điều khiển đều toàn là nam nhi mà không có nữ nhi?” Trả lời câu hỏi này, một thành viên trong đoàn Lân Sư Rồng tại quận 5, TP.HCM cho biết: “Ngày xưa, nhất là ở Trung Quốc thì người ta vẫn trọng nam hơn nữ. Họ cho rằng, chỉ có nam nhi mới có đủ tư cách điều khiển bộ 3 linh thú và góp mặt trong các sự kiện quan trọng. Xét về kỹ thuật, thì thật sự là thanh niên trai tráng, sức khỏe dồi dào, dẻo dai mới đủ sức để điều khiển chúng một cách dễ dàng, do các mô hình Lân Sư Rồng tất cả đều rất nặng.”

 

Thế nhưng đến độ vài năm trở lại đây, do muốn làm mới và phát triển bộ môn múa nghệ thuật lâu đời này để chúng không bị nhàm chán và cổ lỗ, một số đoàn ở nước ngoài bắt đầu “phá lệ” cho nữ nhi tham gia làm người điều khiển.

 


Đoàn Lân nữ của Malaysia

 

Tại Việt Nam hiện nay có hai đoàn Lân Sư Rồng nữ, gồm: Lương Hòa (Bến Tre) – do các bà lão nay đã hơn 70 tuổi thành lập từ năm 1954, là đội Lân Sư Rồng nữ đầu tiên của Việt Nam do Sách Kỷ Lục Việt Nam ghi nhận. Tuy nhiên, đội Lân Lương Hòa này chỉ nhận biểu diễn ở các lễ hội làng, xóm quanh khu vực là chủ yếu.

 


Đoàn Lân nữ đầu tiên của Việt Nam – Lương Hòa.

 

Đoàn còn lại là Tú Anh Đường (TP. Cần Thơ) – đoàn Lân Sư Rồng trẻ nhất Việt Nam hiện nay với các nữ vận động viên chỉ từ 14 – 17 tuổi. Các cô gái này có thể biểu diễn được tất cả các màn múa từ dễ đến phức tạp, thậm chí là mạo hiểm và có tính chất thi đấu, cạnh tranh cao. Hiện đoàn Tú Anh Đường này đã ghi được 5 Kỷ Lục Việt Nam.

 


 


Các cô gái trong đội Lân nữ Tú Anh Đường và trưởng đoàn – thầy Đường (ở giữa).

 


Trang website của Tổ Chức Kỷ Lục Việt Nam có bài viết về các cô gái trong đoàn Lân Sư Rồng Tú Anh Đường.

 

Đội Lân nữ bắt đầu từ… một lần thất bại

 

Về lý do vì sao có được đội Lân Sư Rồng nữ trẻ đầu tiên của Việt Nam, thầy Đường – trưởng đoàn Tú Anh Đường cho biết: “Trước đây tôi vốn xuất thân là một võ sư Taekwondo dẫn dắt cả một lò võ tham gia thi đấu, biểu diễn. Nhưng tôi phải thú thật là cái nghề này kiếm chẳng được bao nhiêu tiền, chủ yếu thầy trò theo đuổi bởi sự đam mê, nhiệt huyết là chính. Mãi đến lúc mấy đứa học trò cầm cự không nổi vì tình hình kinh tế khó khăn, mà còn phải lo cho gia đình nên nhiều người khăn gói ra đi. Trước nguy cơ lò võ giải tán, tôi mới suy nghĩ hướng làm ăn mới để cải thiện cuộc sống các trò. Thế là tôi đánh liều, quyết định dạy thêm múa Lân Sư Rồng, lúc này ở khu vực cũng khá hiếm đoàn Lân giỏi. Cứ hễ có ai gọi thì thầy trò chúng tôi kéo nhau đi biểu diễn, kiếm thêm chút đỉnh thu nhập hàng tháng.

 

 


 


 

 


Hình ảnh một số giấy chứng nhận do Tổ Chức Kỷ Lục Việt Nam trao tặng cho đoàn Tú Anh Đường.

 

Còn việc vì sao có nữ nhi tham gia, thì phải kể đến hôm tôi tình cờ phát hiện em Yến Quyên đứng chăm chú xem các sư huynh học Lân với vẻ rất say sưa, nên tôi chợt nghĩ ra tại sao mình không thành lập một đội Lân nữ? Nghĩ là làm, tôi liền đến hỏi xem tình hình ra sao thì em ấy nhận lời ngay không chút do dự. Mừng quá hai thầy trò tôi bắt tay vào luyện tập ngày đêm, lúc đó Quyên chỉ mới 14, 15 tuổi”.

 

Dần dần thầy Đường bắt đầu tuyển chọn thêm thành viên để làm đủ đội hình của mình. Cho đến nay Tú Anh Đường đã có gần 20 thành viên nữ, hơn 100 thành viên cả nam lẫn nữ, trong đó Nguyễn Phương Anh là thành viên nhỏ tuổi nhất đoàn sinh năm 1999.

 

Trật chân, trầy xước đã là chuyện thường của các Lân nữ

 

Đến nay Yến Quyên đã học Lân được hơn 5 năm. Khoảng thời gian đầu tập luyện, Quyên đã bỏ ra rất nhiều tâm huyết và sức lực để thực hiện thành công các pha mạo hiểm. Vì thế với Quyên, chuyện gãy tay, trật chân hay lâu lâu bầm tím đầu gối đã là chuyện quá đỗi bình thường. “May là trước đây mình từng học võ một thời gian dài nên lúc tập Lân với mình không đến nỗi vất vả cho lắm”.


 


Cảnh những buổi luyện tập cả ngày lẫn đêm của các cô gái nhỏ mà vô cùng chịu khó.


 

Hiện Quyên là thành viên nữ chủ chốt của đoàn Tú Anh Đường, là kỷ lục gia của Việt Nam với nhiều kỷ lục khác nhau. Trong đó, kỷ lục Lân leo cột cao 7m của Quyên đến nay vẫn chưa có bất cứ một vận động viên cả nam lẫn nữ nào tại Việt Nam thực hiện được. Thậm chí gần đây, Quyên còn tự mình phá vỡ kỷ lục ở độ cao 8m. Trong năm nay, quyết tâm của Quyên sẽ tiếp tục phá kỷ lục ở độ cao 9m và 10m.

 


Giấy xác nhận Kỷ lục Việt Nam của Yến Quyên.

 

Nhưng đặc biệt hơn, chính Yến Quyên còn là người đầu tiên khắc phục được điểm yếu của tiết mục Lân leo cột mà đến nay, gần như chưa có một vận động viên nào thực hiện thành công.

 

“Sau khi con Lân leo lên trụ cao nhất để biểu diễn, màn kết thúc của hầu hết các đoàn Lân hiện nay là ôm cây tuột xuống, có người còn bỏ cả đầu Lân ra trèo. Tuy nhiên, hành động tuột và trèo đó thực chất không phải động tác của Lân, làm như thế sẽ khiến người xem cảm thấy mất cả hứng thú vì cảm giác màn biểu diễn chưa được trọn vẹn.

 

Sau gần 1 năm luyện tập, bây giờ Quyên có thể thực hiện màn xuống Lân một cách hoàn chỉnh bằng cách vẫn giữ đầu Lân, nhưng đầu sẽ trút ngược xuống dưới đất rồi từ từ… bò xuống bằng tay và chân ở độ cao 8m” – thầy Đường cho biết.

 

 

Clip Yến Quyên thực hiện màn Lân xuống cột bằng cách bò ngược từ độ cao 8m.


Trước đó Yến Quyên còn phải giữ thăng bằng trên cao chỉ bằng bụng


Để tăng độ khó và tính nguy hiểm, kịch tính cho người xem, Yến Quyên còn mạnh dạn thực hiện động tác trút ngược người trên cao trong vòng 7 giây.


 

Kỷ lục gia Lê Yến Quyên – cô gái trẻ tiên phong trong nghệ thuật múa Lân nữ của Việt Nam

 

Tuy nhiên, trong quá trình luyện tập động tác này, Quyên đã một lần bị vuột tay té từ trên cột xuống. “Cũng may lúc đó có các sư huynh đứng ở phía dưới đỡ, nên đầu của mình chỉ va chạm một chút chứ không sao. Nhưng đó cũng là một trong những tai nạn nguy hiểm nhất và nhớ đời nhất đối với Quyên” – cô bạn chia sẻ.

 

Không chỉ có mỗi Yến Quyên, mà các thành viên nữ khác trong đoàn cũng thế. Tập Lân đối với nam đã khó, đối với nữ nó càng đòi hỏi sự nhanh nhẹn, tập trung và sức khỏe cao hơn. Chỉ một chút sơ sẩy thì hậu quả thật không thể nào ngờ tới được.

 

Vượt qua mặc cảm của một cô gái học Lân

 

Học Lân Sư Rồng không có gì là xấu. Tuy nhiên, với một bộ môn mà trước nay chỉ toàn con trai học, thì với những cô gái tiên phong, chắc chắn những ánh mắt tò mò, những câu hỏi đại loại kiểu “con gái gì mà đi múa Lân” hay “học riết tay chân cứng ngắc, đổi tướng chẳng khác gì con trai”,… cũng khiến người nghe không thể tránh khỏi cảm giác khó chịu. Thế nhưng, vì niềm đam mê, sự tò mò và cả lòng nhiệt huyết, các cô gái nhỏ nhắn này đã vượt qua tất cả, để giờ đây có thể khiến người xem mình biểu diễn trở nên thán phục và ngưỡng mộ. Nhưng khoảng thời gian để vượt qua với họ không phải là dễ…

 

 


 


 

Chia sẻ về những ngày đầu luyện tập, Phương Anh kể: “Gia đình của em vốn có truyền thống theo ngành bác sĩ và dược sĩ. Nên lúc xin vào đội Lân em đã giấu mọi người suốt hơn 2 năm vì sợ không nhận được sự ủng hộ. Mãi đến khi em được cử tham gia thi đấu lần đầu tiên, em mới dám mời gia đình đi xem nhưng không nói với bố mẹ việc có mình trong nhóm thi đó. Khi thi đấu xong, bắt buộc các vận động viên phải bỏ đầu Lân ra để chào khán giả thì cả nhà em mới tá hỏa thấy con gái mình là con Lân vừa mới diễn xong.

 

Mà rất vui cả nhà em thay vì la mắng thì bố mẹ lại rất ngạc nhiên và khen em rất nhiều vì lần đầu tiên thấy con gái làm được những động tác khó đến như vậy. Dần dần cả nhà đều ủng hộ em tham gia”.

 

 Mai hoa thung – một trong những màn biểu diễn khó và phức tạp nhất của Lân do cô bạn Phương Anh thực hiện.


 


Cô gái nhỏ nhắn và xinh xắn, trông khá yếu đuối này lại là một kỷ lục gia về Lân Sư Rồng của Việt Nam.

 

Trước đây khi đi học, Phương Anh cũng từng bị rất nhiều người bạn cùng lớp bàn tán, săm soi. Nhưng với quyết tâm thực hiện những gì bản thân đam mê, nên Phương Anh vẫn cố gắng ngày đêm luyện tập, và giờ đây, Phương Anh đã trở thành một kỷ lục gia trẻ của Việt Nam với kỷ lục Múa Sư tử nữ duy nhất của Việt Nam lúc mới 12 tuổi. Đây thật sự là một nỗ lực không hề nhỏ của cô gái xinh xắn này.


 

Với những “quân bài” chắc, trẻ và khỏe như thế này, hiện đoàn Lân Sư Rồng Tú Anh Đường đang ngày càng phát triển hơn. Cũng nhờ sự độc đáo ở các vận động viên nữ đầu tiên của Việt Nam, nên Tú Anh Đường mới có rất nhiều cơ hội được mời đi biểu diễn ở khắp nơi trong thành phố lẫn các khu vực lân cận khác. 

 

Dịp Tết Giáp Ngọ năm nay, đoàn Tú Anh Đường cũng đã kín lịch biểu diễn từ trước Tết tận 1 tháng. Thầy Đường chia sẻ: “Đây là niềm vui và cũng là niềm an ủi của tôi suốt hơn 5 năm kể từ khi thành lập đoàn Lân cho đến nay”.



Thầy Đường và các kỷ lục gia trẻ.

 



Nguồn : kenh14.vn
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)