Truyện tranh 2013-10-10 02:13:44

Nỗi đau vương giả


[justify] Xã hội ngày nay có những kẻ giàu bộc phát, giàu nhanh đến mức không hiểu họ đã vận dụng tài trí vào công việc như thế nào. Có một nhân vật mới hôm qua còn rong ruổi trên phố với chiếc xe máy cũ kỹ thì hôm sau đã ngồi chễm chệ trên chiếc ôtô bóng loáng. Có kẻ mói hôm nào còn buôn bán hết sức bình thường thì thời gian sau lại có tên trong hội đồng quản trị một công ty thương mại. Rồi cũng có người vài năm trước thuộc thành phần tay trắng, thoáng chốc đã trở thành giám đốc mấy cái nhà hàng, quán trọ. Làm giàu là mộng ước của con người, là động lực thúc đẩy nhiều hoạt động của guồng máy xã hội. Tuy nhiên có một lớp người làm giàu do cơ hội, không theo trình tự phát triển của khả năng và trí tuệ, thậm chí trái quy luật vận động của cuộc sống. Trong nhiều vụ án kinh tế xảy ra thời gian gần đây, người ta đã thấy chân dung của nhiều nhà tỷ phú không nghề, không vốn, thậm chí ít học và họ đã vung vít tiền tỷ vào những phi vụ làm ăn mờ ám, tiêu pha vào những cuộc chơi ngốc nghếch như thế nào. Ơãthành phần này chúng tôi muốn đề cập đến một trọc phú mang tên Bùi Long hải, kẻ nổi tiếng giàu có và ăn chơi ở một huyện ngoại thành. Từ một tay cò đất chuyên đi môi giới mua bán những mảnh vườn, thửa ruộng nằm trong dự án phát triển đô thị ở các vùng ven thành phố, ba năm sau Bùi Long hải trở thành tỷ phú, chuyên đầu cơ đất đai, địa ốc và nhảy sang nhiều lãnh vực kinh doanh khác. Đời dạy đời, người dạy người, ông ta là hình ảnh tiêu biểu của một lớp người giàu nhanh như thổi trong nền kinh tế thị trường vào giữa thập niên 90. Chuyện làm giàu của Bùi Long hải không có gì phải bàn luận, đáng nói chăng lại là chuyện học làm sang của một trưởng giả tân thời và đó cũng là nguyên nhân khiến ông ta phải lò dò xuất hiện trước cơ quan điều tra.

Cuộc sống thay đổi, thường xuyên tiếp xúc với thành phần thượng lưu, quyền thế, Bùi Long hải thấy cần phải có một thú tiêu khiển khác người để nâng cao hình ảnh giàu có của mình. Đến vũ truờng đã nhàm chán, bày tiệc tùng, thưởng thúc cao lương mỹ vị mãi cũng ngán, mua sắm của quý, vật lạ đã đến mức dư thừa, du lịch nước ngoài giờ là chuyện không của riêng ai, ra sân golf quơ vài gậy đã thấy mệt nhoài… nghĩ ngợi mãi ông ta chưa tìm ra một “trò chơi” cho cao sang đúng nghĩa.

Hôm ấy, trong bữa tiệc mừng sinh nhật lần thứ 55 của nhà trọc phú, ai cũng khen ngôi biệt thự sang trọng và mảnh vườn xanh mát, đầy chất thơ của ông ta. Mặc dù ít học nhưng khách mời của hải đều có vai vế trong xã hội, trong đó có không ít văn nghệ sĩ, trí thức. Thấy ai cũng có vẻ nể phục, thèm thuồng trước cơ ngơi đồ sộ của mình, Bùi Long hải mãn nguyện nói cười tíu tít. Ông ta cũng không giấu giếm chuyện mình biết chớp thời cơ và định nghĩa thời cơ chỉ đến một lần, nó có thể thay đổi số phận của một con người, thậm chí làm đảo lộn cuộc sống của một quốc gia. Trường hợp nào thì còn có thể xem xét lại cách lập luận này, nhưng ở hình ảnh cụ thể của Bùi Long hải, mọi người đều cho ông ta là người thông minh, khôn ngoan. Tuy nhiên, trong suốt bữa tiệc có một người cứ đứng trầm lặng chăm chú xem xét nội thất, thỉnh thoảng gương mặt ông ta hiện lên nét cau có, khó chịu. người ấy là kiến trúc sư ngô Minh, tác giả của công trình đầy chất nghệ thuật này. Tiệc tàn, vị kiến trúc sư nán lại, gọi gia chủ đến nói như trách cứ:

- này, tôi rất mừng cho ông có một ngôi nhà đẹp nhất, nhì thành phố nhưng cũng rất buồn khi thấy trong nhà ông bày biện quá nhiều thứ linh tinh.

Lão trọc phú ngạc nhiên:

- Toàn là đồ đắt tiền cả, sao thầy lại nói thế?

Vị kiến trúc sư thẳng thắn:

- Đắt không có nghĩa là đẹp, giàu chưa hẳn đã gọi là sang. Mấy bức tranh điện đang treo trên tường, ông nhặt ở đâu về đấy?

Lão trọc phú có vẻ bực dọc:

- Không phải đồ vớ vẩn ở Chợ Lớn đâu thầy ạ, tôi mua từ Singapore về đấy, mỗi cái cả ngàn đôla. Cứ mỗi giờ nó lại trỗi lên một nhạc khúc khác nhau. Không phải ai cũng sưu tầm đưọc cái thứ lạ lẫm này đâu.

Vị kiến trúc sư lắc đầu:

- Cho dù nó có trỗi nhạc của Chopin, Beethoven hay Mozart đi nữa thì nó cũng chẳng có hồn phách gì. Cái mà ông thấy mới thì Charlot đã mang lên màn ảnh đùa cợt mấy mươi năm trước rồi!

Lão trọc phú hớp cạn phần ruợu còn trong chiếc ly pha lê đang cầm trên tay như cố nuốt cơn tấm tức.

Vị kiến trúc sư chỉ bức ảnh Thái Lan to bằng chiếc giường treo ngay lối đi của chiếc cầu thang hình cung, tắc lưỡi:

- Còn cái thứ này ông lôi từ đâu về, có ý nghĩa gì mà ông lại trương ra một cách trịnh trọng như thế?

Lão trọc phú đứng ngây ra rồi lúng túng:

- Tôi thấy người ta trang trí trong nhà hàng cũng ngộ, nên…
Người khách đầy nhiệt huyết với bạn bè lại cáu gắt:

- Ông ơi, nhà hàng dù năm sao hay ọp ẹp cũng chỉ là nơi ăn uống, đó là cách trang trí cho đỡ tốn kém của họ, sao ông lại lôi cái thứ từ phòng bia ôm ra chưng ở dinh thự của mình?

Mặt lão trọc phú đỏ ửng. Máu của lão uống nhiều rượu thì xanh, chân dung màu đỏ chỉ bộc lộ vào lúc tức giận hoặc sượng sùng.

- Chỉ riêng phòng khách, tôi đã đếm được bảy cái đồng hồ. Cho dù chúng có kiểu cọ và đắt tiền đến mấy, tôi xin ông nên lôi bớt chúng xuống kẻo người nào đó lại nghĩ ông xuất thân từ một bưu tá!

Lão trọc phú quan sát ngôi nhà với đôi mắt ngơ ngáo. Thế là bao nhiêu công trình thẩm mỹ ưng ý của lão phút chốc bị bác bỏ một cách hùng hồn, hợp lý. Một lúc sau lão hỏi với giọng ngầy ngật:
- Nếu dẹp sạch chúng, thầy bảo tôi phải làm cách gì, chẳng lẽ lại để gian phòng trơn tuồn tuột?

Vị kiến trúc sư bộc bạch ý tưởng:

- Ngôi nhà này kiến trúc theo kiểu Ý, không có cách nào khác hơn là phải có vài cái tượng đồng hoặc đá và bài trí thêm vài bức tranh. Tôi xin nhấn mạnh với ông là tranh mỹ thuật, những tác phẩm hội họa đích thực. Tôi tin là ông thừa sức để tuyển nhũng bức tranh có giá trị. nếu say mê và hiểu biết, sau này ông còn có thể trở thành nhà sưu tập, là một nguời giàu có và sang trọng đúng nghĩa.

Như được mở mắt, lão trọc phú choàng tay ôm nhà kiến trúc, cạ cạ bộ ria mép vào cổ ông ta, điệu bộ thân ái. Vị khách ốm yếu cố đẩy lão nhà giàu bệ vệ sang một bên, giọng khó chịu:

- Ngay cách hôn của ông cũng giống kiểu tỏ tình với mấy em… bia ôm. Ông còn phải học thêm cách hôn tay, hôn má sao cho nó quý phái, ra cử chỉ của người bặt thiệp, biết ngoại giao.

Lão nhà giàu cười khề khà:

- Cám ơn bạn hiền, từ lâu tôi cũng muốn có những cuộc chơi nào đó cho lịch lãm, sang trọng nhưng nghĩ mãi không ra. Tôi sẽ làm theo lời bạn, cuộc gặp gỡ sau này chắc chắn bạn sẽ hài lòng, cái công trình này sẽ trở thành nơi kiểu mẫu cho trí tuệ tài hoa của bạn. Nếu bạn không phật ý, tôi xin tặng bạn một chiếc đồng hồ để làm kỷ niệm, bạn có thể gỡ lấy bất cứ cái nào mà bạn thích.

Vị kiến trúc sư cười ruồi:
- Ấy chết, món quà mà tôi mang đến tặng ông cũng là một chiếc đồng hồ. Tôi đâu ngờ trong nhà của ông có quá nhiều cái vật chỉ thời gian như thế. hẹn lần khác nhé, chúc ông giàu có hơn nữa!

Thế rồi thời gian sau này, thỉnh thoảng lão trọc phú lại xuất hiện trước các cuộc triển lãm, trưng bày tranh. Dưới mắt lão ta, tranh vẫn còn là một thế giới cao siêu, huyền bí nhưng lão quyết tâm khám phá nó như đã từng bất ngờ khai thác ra hàng trăm ký vàng từ những mảnh đất hoang sơ, mọc đầy cỏ dại. Qua những cuộc giao lưu nghệ thuật ấy, lão trọc phú còn nghe người ta truyền tụng nếu có tiền đầu tư, tranh sẽ sinh lợi bội phần, nhất là vớ được tác phẩm của những họa sĩ nổi tiếng. Hơn thế, không có con người nào vừa chứng minh được tiền của vừa dồi dào về kiến thức như một nhà sưu tập, thậm chí họ còn nổi tiếng, được kính trọng hơn các nghệ sĩ.

Ngày 29-4-1998, Bùi Long hải nhớ rất rõ cái ngày quan trọng đó, từ sáng sớm lão đã đóng bộ chỉnh tề đến Viện bảo tàng mỹ thuật xem cuộc triển lãm quy mô chào mừng mấy ngày lễ lớn. Trong một không gian rộng lớn, hàng trăm bức tranh của nhiều tác giả lung linh màu sắc, thể hiện muôn mặt của cuộc sống, phơi bày một thế giới hư ảo, diệu kỳ. Lão dự định sẽ chọn một vài bức, nhưng cứ phân vân, đi tới đi lui ngắm nhìn. Lão cứ sợ mua phải những bức của các cây cọ chưa nổi tiếng, còn những tác phẩm của vài người nghe tên tuổi thì lão không hiểu tác giả phác họa điều gì. Bỗng dưng lão cảm thấy cái bề ngoài bệ vệ, sang trọng của mình trở thành trung tâm chú ý của nhiều đôi mắt nên đâm ra lúng túng. Lúng túng vì sự hiểu biết hạn chế và vì… cứ đi qua đi lại. Cuối cùng, lão chọn một bức tranh vẽ cảnh đồng quê được ghi giá 800 đôla. Bức tranh thật dễ nhìn, nhưng lão hy vọng người ta có thể hiểu sâu hơn đó là một tấm lòng yêu quê hương, thích cuộc sống thanh bình của một… ông vua đất. Trong lúc lão định gắn danh thiếp lên bức tranh mộc mạc ấy, thì có một gã thanh niên bước đến thì thầm vào tai lão: “Ông không nên mua bức này vì họa sĩ chưa có tên tuổi và cách thể hiện còn non tay lắm. Nếu thích, tôi sẽ chọn giúp ông, xung quanh còn nhiều tác phẩm độc đáo lắm!”. Lão trọc phú bỏ tấm danh thiếp trở vào túi áo, nhìn đăm đăm người vừa đến bắt chuyện với mình. gã trạc 40 tuổi, ăn mặc bảnh bao, gương mặt tựa trái ấu, đeo cặp kính trắng, điệu bộ ra vẻ có học thức. Cái gì trên con người gã này trông cũng được, duy chỉ có gương mặt là dễ làm cho người khác khó chịu. Biết người đối diện đang dò xét, gã thanh niên liền nở nụ cười tự tin, hiểu biết:

- Tôi có thể giúp ông…

Lão trọc phú hỏi:

- Anh rành tranh lắm sao?

Gã thanh niên nhún vai: 

- Tôi là người trong nghề, ông hỏi câu hơi lạ! Mà ông có thật sự yêu thích tranh không?

Lão trọc phú tự ái:

- Anh hỏi câu hơi kỳ, nếu không ngưỡng mộ, người ta đến nơi này để làm gì?

Gã thanh niên vẫn liến thoắng:

- Ông có thích tôi chọn giúp cho ông không? Chẳng mất gì cả, chỉ có lợi cho ông thôi.

Có lẽ phải nhờ đến hắn, nghề nào, cuộc chơi nào lúc khởi đầu cũng cần có sự hướng dẫn, tập tành, thao tác nhiều lần mới thành thục được. nghĩ vậy, lão trọc phú nở nụ cười thiện cảm, tỏ ý hoan nghênh lời đề nghị ấy. Sau khi dạo quanh khán phòng thêm một lần, gã thanh niên bảo lão gắn danh thiếp lên bức sơn dầu “Ký ức tuổi thơ” của họa sĩ họ Trần, ghi giá 1.500 đôla. Bức tranh có kích thước 80 X 80cm thể hiện một ngôi nhà nhỏ nhắn bên dòng kênh đen, có cánh diều mỏng manh và vầng trăng khuyết thơ mộng. Thấy lão trọc phú có vẻ chùn tay, gã thanh niên nhanh nhẩu thuyết phục:

- Ông nên mua bức này, ý tưởng sâu, màu sắc đẹp, người vẽ lại có bề dày tên tuổi.

Gã thanh niên còn nhấn mạnh họa sĩ họ Trần vừa tổ chức thành công một cuộc triển lãm ở Mỹ. Nhiều lần đuợc mời trưng bày tranh ở Ý, Pháp, Singapore, được xếp hạng là một trong mười cây cọ tài năng của thành phố.

Lão trọc phú làm theo. Thấy ý kiến của mình được tôn trọng, gã thanh niên cười thân mật:

- Nhà ông có nhiều tranh không?

Lão trọc phú ngượng ngùng:

- Ơ… chưa có gì cả, đây là bức chọn mua đầu tiên.

- Ôì, thế thì ông còn phải bỏ công nhiều lắm mới có bộ sưu tập ưng ý. Ông là người sang trọng thì phải có nhũng tác phẩm giá trị. Trong những thứ tồn tại trăm năm, tranh là một sản phẩm trí tuệ luôn nâng dần giá trị theo thời gian. nếu ông thích thì tôi sẽ giúp ông hoàn thiện trò chơi cao quý này.

Lão trọc phú tìm hiểu:

- Anh là họa sĩ?

Gã thanh niên đáp:

- Trước đây tôi học trường mỹ thuật, sau này mở trường dạy vi tính. Tôi cũng là nguời yêu tranh như ông vậy.

- Thế thì hay quá. Có lẽ chúng ta cần có một buổi gặp nhau. - Lão trọc phú đổi hẳn thái độ, niềm nở, gần gũi hơn.

- Ông hãy ghi số điện thoại của tôi, lúc nào cần cứ gọi, tôi sẽ đến ngay. Ông cũng vui lòng cho tôi xin danh thiếp, tấm thiếp của ông đẹp và sang như một bức tranh vậy.

- Anh có điện thoại di động không?

- Thưa ông, lũ quỷ quái nghiện héroin đã giật mất chiếc máy của tôi trên đường Lê Lợi mới chiều hôm qua. Tôi đang xài chiếc Motorola Startac X. đó chứ! Số máy của tôi còn đẹp hơn số của ông nữa.

- Cám ơn nhé! nếu không có anh thì hôm nay tôi cũng khó mà chọn được bức tranh có giá trị. Thú thật, bức đồng quê khi nãy tôi định mua là do bối rối, nhiều quá không biết phải chọn làm sao.

- Tôi hiểu, không có gì phải ngượng ngùng cả, ông ạ! Cũng như tôi lúc mới tập tành khiêu vũ, cứ nhè chân mấy cô gái mà đạp mãi.

Lão trọc phú cười xòa. Câu chuyện ngắn ngủi phút chốc gắn hai người xa lạ thành thân quen. Sự đời vẫn thế, có những người kết bạn nhanh chóng chỉ qua một bữa nhậu, có những người thấy hạp tánh ý chỉ qua một cuộc trao đổi làm ăn và có những kẻ quan hệ khắng khít chỉ sau một cuộc vui, có cùng một nỗi đam mê nào đó.

Ba ngày sau, vào một buổi chiều mưa, gã có gương mặt hình trái ấu lò dò tìm đến ngôi biệt thự của ông Bùi Long hải ở vùng An Phú, Thủ Đức. Sau vài hồi chuông trỗi thánh thót như tiếng dương cầm, gã thanh niên tỏ vẻ xúc động khi thấy người ra mở cổng chính là lão trọc phú đất đai.

- Nhà ông xa quá, đi nửa đường mắc mưa ướt nhẹp, cũng may là gặp được ông! - gã thanh niên than vắn thở dài, đẩy chiếc xe máy vào khoảnh sân lát sỏi trắng.

Sau khi vào nhà lấy ra chiếc khăn trao cho khách, lão trọc phú nói với giọng ân cần:

- Nhọc anh quá! Lau khô đi kẻo lạnh. Sao anh không gọi điện báo trước, nếu cần tôi sẽ cho người lái xe hơi đến rước.

Vừa đặt chân lên tiền sảnh, gã thanh niên đã reo lên:

- Nhà ông thiết kế giống như các dinh thự, lâu đài ở châu âu. Ông đã nảy ra ý tưởng độc đáo này?

- Không, tôi nhờ kiến trúc sư. riêng bản vẽ đã ngốn 100 triệu đồng rồi đấy!

- Sang thật! - gã thanh niên lấy cặp kính trắng từ túi áo ra gắn lên mắt, chặc lưỡi - nhà thiết kế này tài thật! người đó tên gì, thưa ông? Trong làng mỹ thuật, kiến trúc tôi cũng quen biết nhiều lắm.

Lão trọc phú đáp:

- Ông ta tên ngô Minh.

Gã thanh niên vỗ tay nghe bốp, giọng trịnh trọng:

- Ông này là giòng dõi với kiến trúc sư ngô Viết Thụ, người được phong tước Khôi nguyên La Mã, người đã thiết kế dinh Độc Lập… có phải không, thưa ông?

Lão trọc phú bóp trán:

- Mình không biết ông ngô Viết Thụ cho nên không rõ hai người này có quan hệ ruột rà gì với nhau không?

Để cho khách ngắm nhìn thỏa thích, một hồi lâu lão trọc phú mới mời gã thanh niên đến ngả lưng trên bộ ghế nhái mẫu mã đời vua Louis, hỏi với thái độ trọng thị:

- Anh dùng gì? Bia, nước trà hay uống vài ly rượu cho ấm bụng?

Gã thanh niên đẩy cặp kính vừa tuột xuống sống mũi, đáp:

- Tùy ông, những thứ đó không quan trọng. Mục đích tôi đến đây không ngoài ước muốn hỗ trợ cho ông buớc vào lãnh vực hội họa khá nhiều rối rắm. Và cũng chân thành cảm ơn sự tiếp đón nồng hậu của ông.

Vừa nói khách vừa mở chiếc cặp da lấy ra một xấp catalogue giói thiệu những họa sĩ nổi tiếng đương đại. Lão chủ nhà mở nắp chai Hennessy X.O thong thả rót vào hai chiếc ly pha lê Tiệp Khắc, hít hít mũi:

- Rượu thơm quá! Mời anh cạn ly cho ấm bụng.

- Cám ơn ông! Sự thành đạt đến vói ông cũng không có gì đáng ngạc nhiên, khi mà ngay những giây phút đầu tiên ông đã làm hài lòng người đối diện.

Lão chủ nhà đặt chiếc ly xuống, chú ý đến công việc của khách:

- Ở đâu anh có những tài liệu quý giá này?

Gã thanh niên lại đẩy cặp kính sát vào sống mũi, hăng hái giải thích:

- Dĩ nhiên là tôi phải sưu tầm và lưu trữ kỹ lưỡng những thứ này. nó có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với các tác phẩm. Khi đồng tiền bỏ ra, mình phải biết nó đi đâu, mang lại hiệu quả gì. Ông đồng ý với tôi không? ngày xưa tôi cũng đã từng sưu tập tem, những mảnh giấy bé xíu có răng cưa hành hạ tôi suốt một thời. Tôi nhớ một bộ tem của Pháp miêu tả các trận đánh châu âu của napoléon, chỉ thiếu một con màu 
tím thôi, mà tôi phải bán chiếc Lambretta để mua nó về. Chắc ông biết trước năm 1975, một chiếc Lambretta trị giá cỡ nào. Và bộ tem ấy giá trị cỡ nào.

Lão trọc phú tỏ ra thích thú:

- Bộ tem sưu tập ấy anh còn giữ không?

Gã thanh niên thở dài:

- Trong một chuyến tôi đi du lịch Thụy Sĩ, bọn trộm đã đột nhập vào nhà dọn sạch tài sản của tôi. Chúng còn vơ cả mấy tập tem quý giá ấy nữa.

Lão chủ nhà tròn mắt:
- Vậy là thằng trộm đó biết ý nghĩa của mấy con tem?

Gã thanh niên lắc đầu:

- Tôi nghĩ nó mang về cho con nó chơi thôi vì tem có nhiều màu sắc, hình ảnh ngộ nghĩnh. Sau người yêu, có lẽ đó là sự mất mát to lớn trong cuộc đời của tôi.

Lão chủ nhà cười mỉm, rót thêm rượu vào ly:

- Như vậy, hiện nay anh còn sống độc thân?

- Vâng, thưa ông! - gã thanh niên trổ giọng chua chát - Chỉ vì mê tranh mà tôi đánh mất cả tình yêu, bao nhiêu thời giờ, tiền của tôi đều đổ vào cái thứ trò chơi huyễn hoặc này. Tôi đeo đuổi hội họa cũng ngót hai mươi năm rồi, hết nửa đời trai trẻ chứ ít gì, thưa ông!

Lão trọc phú mở từng trang catalogue ngắm nghía vói ánh mắt mơ hồ. Thái độ ấy dễ dàng làm cho người đối diện đoán biết lão đang ngỡ ngàng trưóc một thế giới màu sắc muôn hình muôn vẻ. hớp cạn phần rượu trong ly, gã thanh niên say sưa chỉ dẫn:

- Này nhé, đây là phần giới thiệu tác phẩm của họa sĩ họ Hồ, một trong những cây cọ hàng đầu của thành phố và quốc gia. Ông ta tốt nghiệp trường Mỹ thuật gia Định, thể hiện thành công cả hai chất liệu sơn dầu và sơn mài. Ông ta mới bán một bức sơn mài khổ nhỏ thôi, cỡ 80 X 80cm, đến 8.000 đôla. Ông nên có tranh của tác giả này. Còn đây, phần giới thiệu về người họ Nguyễn, người nổi tiếng cả hai trường phái trừu tượng lẫn hiện thực. Màu sắc mượt mà, ý tưởng táo bạo là đặc điểm của tác giả này. Ông ta đã được mời đi nhiều nước và đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm cá nhân. người thứ ba là họa sĩ họ hứa, còn trẻ nhưng đã sớm thành danh. Tranh phần lớn thiên về bán trừu tượng, thường sử dụng gam màu tối nhưng hình ảnh luôn gần gũi với cuộc sống. Mới đây anh ta được một nhà sưu tập người Ý mua liền một lúc 20 bức đủ kích cỡ và đặt vẽ thêm 20 bức nữa. Tôi nói như thế ông có hình dung ra được không?

Lão trọc phú gật gù:

- Anh diễn giải rành rọt quá!

Thấy chủ nhà vẫn chăm chú tìm hiểu, khách tiếp tục giới thiệu hết người này sang người khác. Gã nói vanh vách, thông thạo không thua kém gì những nhà phê bình hội họa hoặc chủ nhân của nhũng gallery chuyên nghiệp. hơn thế, gã còn biết rõ tâm tính, thói quen của nhiều họa sĩ, như ông họ Lê thì hay uống rượu, người họ Trần thì thích đánh cờ, ông họ nguyễn luôn hút thuốc Dunhill xanh.

- Tôi có giúp ích cho ông được phần nào không? - Gã thanh niên tỏ sự quan tâm.

Lão trọc phú nói thật:

- Thật ra một chút tiểu sử chỉ mới nói lên khả năng của tác giả, còn về thể loại, trường phái, cách quan sát, nhận xét một bức tranh thì…

Gã thanh niên khoát tay:

- Không sao cả, thời gian sẽ giải quyết những việc ấy. Cái gì cũng phải có thời gian để tìm hiểu, để lý giải mọi thứ trong cuộc sống. Ông có nghĩ rằng Kha Luân Bố sẽ tìm ra châu Mỹ không? Cách đây 500 năm mà ông ta dám xuyên đại dương bằng thuyền buồm, không biết bao lâu sẽ đến và không biết lúc nào sẽ bị nhấn chìm dưới lòng biển mênh mông. nhưng, thời gian đã ủng hộ con người có hoài bão và nghị lực phi thường ấy.

Lão trọc phú càng lúc càng tỏ ra thích thú trước cách ăn nói hoạt bát, hóm hỉnh mang lại nhiều điều mới lạ của anh bạn trẻ.

Khách lại đứng lên quan sát gian phòng rộng chừng 200 mét vuông rồi chặc lưỡi:

- Cái phòng sang trọng cỡ này, thiết kế độc đáo cỡ này, nếu ông treo chừng chục bức tranh thì không còn gì lý thú bằng. Để trống trải như vầy có vẻ hơi bị lạnh!

Lão trọc phú lại nâng ly lên mời khách, tâm tưởng cố xua nhũng hình ảnh mà lão đã từng phơi bày trước đó. nếu không có sự góp ý thẳng thắn, chân tình của kiến trúc sư ngô Minh, có lẽ đến giờ lão còn phải ngượng nghịu, mang tiếng nhà quê, xấu hổ biết dường nào.

- Tôi cũng không có nhiều thời gian để đi tìm hiểu cái trò chơi sâu xa đến thăm thẳm này. Tôi còn phải nhờ vào sự hiểu biết thông thái của anh nhiều nữa.

Gã thanh niên hăng hái:

- Tôi sẵn lòng, nếu ông tin vào khả năng của tôi. Tôi sẽ chọn cho ông những bức tranh vừa ý, đạt cả hai yêu cầu về mặt mỹ thuật và tên tuổi tác giả. Thật tình là tôi cũng muốn tham gia tô điểm cho cái công trình này, nó đã gieo vào lòng tôi những cảm xúc kỳ lạ.

Lão trọc phú hãnh diện:

- Tôi cũng không ngờ mình làm được những điều quá đỗi to tát. hy vọng anh em mỗi người góp một tay, bày một ý để cho ngôi nhà này ngày càng xinh đẹp hơn.

Cuộc chuyện trò kết thúc vui vẻ và thú vị. Gã thanh niên cương quyết từ chối xấp bạc mà lão trọc phú chìa ra như ngầm trả công. Đẩy xe ra cổng, gã còn nói thêm:

- Tôi thích những người như ông. Đồng cảm là hạnh phúc rồi, tiền bạc làm chi để phụ thuộc lẫn nhau. Chào ông nhé, tôi sẽ làm ông hài lòng!

Ngay chiều hôm sau, gã thanh niên đã quay lại với bức tranh to bằng nửa chiếc giường ngủ. Lão trọc phú cũng vừa bước vào nhà sau chuyến đi thăm dò tình hình đất đai ở quận Mười hai. Hai người cẩn thận khiêng tác phẩm hội họa đặt giữa phòng khách và ngắm nghía! gã thanh niên diễn giải:

- Bức này thật tuyệt! như ngày hôm qua tôi đã giới thiệu với ông, họa sĩ họ nguyễn này từng đoạt giải mỹ thuật Việt nam, hai lần lọt vào bán kết cuộc thi Asean do tập đoàn Philip Morris tổ chức. Bức tranh hơi thiên về trừu tượng nhưng người ta cũng có thể cảm nhận tác giả thể hiện cảnh một khu rừng đang bị tàn phá, sinh động và độc đáo như tên gọi của tác phẩm “Trần trụi”.

Lão trọc phú hỏi lơ mơ:

- Cả một mảng màu đen và nâu như thế này, treo vào căn phòng này có hợp hay không?

Gã thanh niên nói thêm:

- Tranh là màu sắc. Vấn đề là màu sắc ấy nói được điều gì ở bức tranh. Ông không phải lo chuyện tương phản với ngoại cảnh xung quanh. Theo tôi, bức này ông nên treo ở tấm vách đối diện với bộ salon, khách sẽ ngắm nhìn, suy ngẫm và càng nể trọng trình độ của ông.

Lão trọc phú xuôi lòng:

- Tác giả lấy bao nhiêu tiền?

- hai ngàn đôla! giá ấy là nhượng bộ, trước đây trong một cuộc triển lãm nó được treo đến bốn ngàn đôla.

Chủ nhà không nói gì thêm, móc túi lấy ra hai xấp đôla trao cho anh bạn trẻ. Cuộc mua bán diễn ra nhanh như một phát súng.

Một tuần sau đó, đã hẹn trước qua điện thoại, gã thanh niên lại đưa đến một bức tranh to bằng chiếc bàn giấy, được bao bọc kỹ lưỡng. Lần này tác phẩm có màu sắc tươi tắn hơn, chủ yếu là gam vàng và đỏ lợt. 

Xem xét một lúc, lão trọc phú gật gù:

- Bức này đẹp, vẽ cảnh mùa thu cụ thể và sinh động.

Gã thanh niên gỡ cặp kính xuống, kéo vạt áo lau đôi tròng, cười khoan khoái:

- Ông đã bắt đầu nhập tâm vào tranh rồi đấy! Dần dà rồi ông cũng sẽ trở thành một người am hiểu, sành điệu. Dưới mắt người biết chơi, bức tranh nào mà cảm thấy ưng ý, hạp nhãn là bức đó luôn luôn đắt tiền. Tôi xin nhấn mạnh với ông đây là tác phẩm của họa sĩ họ Lê, người đã đoạt giải mỹ thuật Asean, nhiều làn được mời triển lãm ở Pháp, Mỹ, Thụy Sĩ…

- Giá bao nhiêu?

- Ba ngàn năm trăm đôla. Tôi nói mãi anh ta mới chịu bớt đi năm trăm đôla. nhân vật này khó chịu lắm. Mình xin bớt giá tranh là hắn bảo mình hạ giá trị tác giả, lúc nào hắn cũng nghênh nghênh như trên đời này chẳng còn ai vĩ đại hơn hắn cả.

Lão trọc phú không bàn về giá cả, hỏi sang chuyện khác:

- Dường như anh chưa giới thiệu với tôi về một người tên Đỗ Quang, nguời đó nổi tiếng lắm! Hôm qua trên báo đăng một bài dài về anh ta, có kèm theo mấy bức ảnh chụp lại tác phẩm mà những người nước ngoài đã sở hữu. Tôi thấy anh ta vẽ cái bình, cái lọ, cây đèn dầu đẹp quá!

Gã thanh niên giải thích:

- Dĩ nhiên là tôi rành ông ấy hơn các họa sĩ khác. Nhưng ông ơi, tranh của ông ta đắt giá lắm! Ở hồng Kông người ta thường bán một, hai chục ngàn đôla một bức. Ông ấy cũng ít có tranh để đưa ra trưng bày, người ta luôn luôn đặt hàng trước và chờ đến dài cổ ra.

Lão trọc phú cao vọng:

- Tôi muốn có một vài bức của anh ấy, anh cố gắng tìm cách giúp tôi.

Gã thanh niên đẩy cặp kính đang tuột dần trên sống mũi, nghĩ ngợi. Một hồi lâu, gã gật đầu:

- Được! Tôi sẽ làm ông toại nguyện, nhưng phải chờ một thời gian.

Lão trọc phú lại giao tiền và người khách lại hăm hở ra đi.

Thời gian trôi. Thắm thoắt lại hết một năm. Nhân dịp người bố vợ sống tròn 80 tuổi, lão trọc phú quyết định tổ chức lễ mừng thượng thọ, qua đó nhằm mở rộng mối quan hệ ngoại giao và phô trương sự giàu có của mình. Bữa tiệc quy tụ nhiều nhân vật có quyền thế, tiếng tăm, trong đó có kiến trúc sư ngô Minh - tác giả nổi tiếng với nhiều công trình xây dựng hiện đại. 

Cũng như trong bữa tiệc mừng sinh nhật lão trọc phú hồi đầu năm, vị kiến trúc sư cứ lặng lẽ, trầm ngâm, chốc chốc đảo mắt quan sát phòng khánh tiết với thái độ khó chịu. Đợi chủ nhà hân hoan với khách đến hết bữa tiệc, vị kiến trúc sư mới gặp Bùi Long hải mở giọng phàn nàn:

- Này, ông còn đủ tỉnh táo để nghe tôi nói không?

Chủ nhà mở to mắt:

- Tôi uống nhiều nhưng chưa say, đủ sức nốc thêm nửa chai nữa.

Vị kiến trúc sư nhìn xung quanh:

- Tôi rất mừng là ý kiến của tôi đã được ông thực hiện, nhung tranh ông chọn ở đâu mà mang về treo dày đặc như thế?

Lão chủ nhà tỏ ra sung sướng:

- Đắt tiền lắm đấy ông ạ! Toàn là tác phẩm của những họa sĩ bậc thầy. Tôi đang có ý định sẽ xây thêm một phòng trưng bày ở phía sau, thỉnh thoảng mời bạn bè về ngắm nhìn cho thỏa thích.

Vị kiến trúc sư xua tay, mặt đỏ gay:

- Tôi can ông! Ông mà thực hiện việc ấy, xin lỗi, chẳng khác nào ông dựng một vở hài kịch mà phải thọc lét mới cười nổi!

Lão trọc phú sượng ngắt, nhìn ông bạn già một lúc mới lên giọng sật sừ

- Sao? Sao ông lại nói những câu mà khó lọt vào tai người ta như thế?

Ông ngô Minh nắm tay chủ nhà lôi đến ngay bức tranh mang tên “Trần trụi”, hỏi gặng:

- Tác phẩm này của ai?

Bùi Long hải ngập ngừng rồi nhại lại lời giải thích của gã thanh niên về nội dung bức tranh và tiểu sử tác giả.

Vị kiến trúc sư lắc đầu:

- Tôi không tin là họa sĩ họ nguyễn vẽ một bức tranh tồi tệ như thế.

Đoạn, ông ngô Minh bước sang bức miêu tả cảnh mùa thu, hỏi như lấy cung đối tượng:

- Ông có tin đây là tác phẩm của họa sĩ họ Lê, người từng đoạt giải mỹ thuật Asean không?

Lão trọc phú đứng lặng lẽ, mắt dán chặt vào tấm bố sơn dầu sặc sỡ.

Chưa hết, vị kiến trúc sư khó tính lại quay sang tấm vách cạnh chân cầu thang, trỏ tay vào hai bức vẽ tĩnh vật. hai bức tranh này có kích thước cỡ 80 X 80cm nhưng lại đắt giá gấp bội so với những bức có diện tích lớn hơn, theo như lời chủ nhà hãnh diện giới thiệu với khách.

- Ông có thể nói thật, ông mua chúng với giá bao nhiêu?

Lão trọc phú đáp:

- Bức vẽ cái bình đất và cây đèn dầu là 8.000 đôla, bức vẽ cái ghế và bộ tách trà đến 9.500 đôla.

- Ông có biết họa sĩ Đỗ Quang không?

- Không!

- Ông có từng thấy tranh ông ta treo triển lãm ở một nơi nào đó tại thành phố không?

- Chưa! Tôi chỉ biết ông ta nổi tiếng qua báo chí thôi.

- Thế thì tại sao ông lại dám mua hai bức tranh chép này mang về treo? Ông có hiểu tranh chép không? Có nghĩa là cóp-py lại nguyên mẫu của người khác. Mấy anh thợ vẽ có năng khiếu thực hiện việc này dễ dàng như tôi và ông cùng nốc cạn một ly rưọu. Ông ạ, tôi chỉ cần bỏ ra hai triệu bạc là rước được hai bức này từ đường Đề Thám hay Lê Thánh Tôn đem về.

Đến lúc này lão trọc phú mới đứng sững sờ.

- Do nghề nghiệp, tôi quen biết giới mỹ thuật cũng nhiều. Ít nhất cũng có chục họa sĩ tên tuổi là bạn thân của tôi, trong đó có những bức tại nhà ông mang tên của họ. Tôi biết rõ phong cách, thậm chí đường nét thể hiện của họ. Trừ bức “Ký ức tuổi thơ” của họa sĩ họ Trần, tôi tin chắc toàn bộ tranh vẽ trong nhà ông đều là giả mạo.

Lão trọc phú khệnh khạng ngồi phịch xuống chiếc ghế cẩm lai chạm ốc xà cừ.

- Tôi cũng rất tiếc là đã khuyên ông nên bước vào lãnh vực mỹ thuật nhưng lại không hướng dẫn cặn kẽ, không dành thời giờ hỗ trợ cho ông đi sưu tập, tìm tòi. Thời gian đối với chúng mình ít ỏi quá, trong đầu lại nhồi nhét nhiều thứ quá nên có lúc không phát giác kịp thời những kẻ bất lương đã lẻn vào khoảnh khắc mệt mỏi đó. Bây giờ tôi cũng không biết khuyên ông nên làm việc gì, nhưng với những bức tranh bá láp hiện diện trong ngôi nhà sang trọng này, thà ông gắn lại mấy bức tranh điện, hình Thái Lan và bảy chiếc đồng hồ còn dễ nhìn hơn, đỡ phiền hơn.

Khách chào tạm biệt đã lâu mà Bùi Long Hải vẫn còn thừ người trên chiếc ghế. Ba mươi bức tranh đã ngốn của ông ta gần 80.000 đôla. hơn một tỷ bạc, tuy chỉ tương đương với một công đất mà ông đã có ở một vùng nào đó, nhưng nỗi đau đớn là ông đã bị một kẻ vô danh tiểu tốt tước đoạt tiền của và danh dự một cách quá dễ dàng. Thảo nào trong bữa tiệc long trọng hôm nay, ông cứ chờ mãi mà không thấy hắn đến.

Bùi Long hải mang đến cơ quan điều tra một lá đơn. nói đúng hơn là một xấp giấy đánh máy diễn tả rành rẽ từng chi tiết về kẻ lừa đảo. Ông ta đề đạt ý nguyện sẽ đóng góp một phần tiền cho các cơ quan hoạt động từ thiện nếu như công an tích cực giúp đỡ tìm ra thủ phạm.

Bằng một động tác rất đơn giản, chúng tôi mời một số họa sĩ nổi tiếng đến thẩm định chữ ký của họ trên các bức tranh, tất cả ba mươi bức đắt tiền đều giả mạo tên tác giả. Trò bịp bợm này làm chúng tôi liên tưởng đến chuyện thích xài hàng hiệu của bọn trẻ, không ít cô cậu đã mua nhầm những chiếc áo, chiếc quần mạo danh gucci, guess, Bossini, Calvin Klein.

Điều khó khăn của công tác điều tra mà chúng tôi thường chạm trán là đối tượng đã cao chạy xa bay và tất cả những chi tiết cần để xác minh đều là… của người khác. Địa chỉ hắn đang ở là một căn gác gỗ mỗi tháng thuê 200.000 đồng, số điện thoại hắn cho là của một điểm dây nói công cộng ở gần đấy. Trường Mỹ thuật cũng chưa từng có một sinh viên như hắn, ngay trong giới hoạt động hội họa cũng không ai hình dung ra nổi một thanh niên đeo kính cận, có gương mặt hình trái ấu.

Ở đời có lắm trò bịp bợm, nhưng tôi chưa hề thụ lý một vụ lừa đảo nào vừa buồn cười vừa lạ lẫm như vụ này. Phải thừa nhận thủ phạm là một tay có kiến thức, ít ra trong lãnh vực hội họa, hắn dựng một vở kịch không mấy công phu nhưng mang lại nhiều hiệu quả. Trước sau gì chúng tôi cũng sẽ tìm được hắn, bởi hắn có những chi tiết cá biệt khó mà che đậy, lẩn trốn mãi được.

Riêng lão trọc phú, 80.000 đôla có thể không phải là một món tiền lớn lao, nhưng nó cũng đủ để trả cho một bài học: tiền của không thể đổi được kiến thức![/justify]
Tháng 2-2000
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)