Những ngày gần đây tại TP HCM, nhiều người dân đã được mời chào mua gạo Thái Lan với giá 10.500 đồng/kg.
Các chuyên gia: "Chưa từng nghe về loại gạo này"
PGS-TS Tạ Minh Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Cây lương thực và Cây thực phẩm, cho biết qua nhiều năm nghiên cứu về lúa gạo, ông chưa từng nghe nói về loại gạo này. Gạo 6,8-7,2 mm là loại gạo khá dài, còn gạo trên 10 mm xuất hiện tại TP HCM là loại gạo quá khổ. Ông nói: “Tôi chưa nghe loại gạo nào dài mà lại không gãy như thế, nhất là khi qua khâu xay xát. Gạo này cũng không có màu đục. Điều này là bất thường. Gạo trong mà không bạc bụng cũng có ở Thái Lan, dài khoảng trên 7 mm, nấu lên cũng ít gãy nhưng có mức giá vào khoảng 19.000-20.000 đồng/kg. Nếu loại gạo Thái Lan rao bán hạt dài, trong, chất lượng tốt thì làm gì có giá chỉ 10.500 đồng/kg. Chúng ta phải phân tích các tiêu chỉ lý hóa mới kết luận khoa học được”.
“Gạo lạ” nấu ra “cơm lạ”. |
Không nên dùng gạo “lạ”
Theo PGS-TS Lê Huy Hàm: “Loại gạo xuất hiện ở TP HCM có thể là một loại gạo chức năng nào đó và có giá rẻ hơn mà người ta tham lợi, đem đi tiêu thụ. Tôi cũng biết hiện có loại gạo khó tiêu dành cho những người bị bệnh tiểu đường. Ăn gạo này no bụng, khó tiêu và lượng đường trong máu không tăng. Do đó, chúng ta phải có kiểm nghiệm mới có kết luận chính xác về loại gạo “lạ” ở TP.HCM. Hiện tôi chưa nghe thông tin loại gạo này xuất hiện ở miền Bắc”. Cục trưởng Cục Trồng trọt Nguyễn Trí Ngọc cho biết chưa từng nghe tới loại gạo “lạ’ xuất hiện tại TP HCM. Cục sẽ xác minh thông tin, sau đó mới có cơ sở để đánh giá chất lượng về loại gạo này.
BS Đào Thị Yến Phi, Chủ nhiệm bộ môn Dinh dưỡng Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch, cho biết mới đây cơ quan chức năng Trung Quốc phát hiện gạo của nước này được làm từ tinh bột trộn chung với chất kết dính (làm từ hợp chất sản xuất chất dẻo), một chất nguy hiểm. Dựa trên thành phần chất kết dính, các nhà khoa học cảnh báo gạo làm từ hóa chất có nguy cơ gây tổn thương thận, gan… Do đó, một khi nghi ngờ gạo được “sản xuất”, không phải được trồng thì tuyệt đối không nên sử dụng.
BS Yến Phi còn cho biết nếu trộn chung gạo “lạ” vào gạo thông thường với tỉ lệ nhỏ thì khó phát hiện bằng cảm quan khi đã nấu chín. Tuy nhiên, khi mua gạo vẫn có thể phát hiện gạo “lạ” bị trộn chung dựa vào yếu tố các hạt gạo không giống nhau về màu sắc, kích thước, độ trong, độ gãy… “Ngay khi gạo “lạ” được dùng với số lượng rất ít cũng có nguy cơ gây hại sức khỏe” - BS Yến Phi nhấn mạnh.
Ông Huỳnh Lê Thái Hòa, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP HCM, cho biết sẽ tiến hành khảo sát việc kinh doanh gạo trên địa bàn TP HCM. Chi cục cũng sẽ liên hệ lấy mẫu gạo “lạ” mang xét nghiệm.
Theo Pháp Luật TP