Tin tức - pháp luật 2009-11-26 03:00:34

Giấc mơ đổi đời của một gái quê


Sống cùng với nhiều gái bán dâm, Thơm từng chứng kiến cảnh nhiều người khi còn xuân sắc được kẻ rước người đưa, tới khi tàn tạ, dặt dẹo nơi đầu đường góc phố mà không kiếm đủ tiền phòng trọ, bị bảo kê đánh đập…

Chán cảnh bố mẹ thường hay cãi nhau vì nghèo đói, 13 tuổi Nguyễn Thị Thơm (SN 1979. ở Phương Bộ, Phúc Thọ, Hà Tây cũ) bỏ nhà ra Hà Nội, lấy ga Giáp Bát làm chốn “lập nghiệp”. 14 tuổi, bị bắt vì tội mại dâm, cuộc đời Thơm sang ngã rẽ mới khi sống cặp với một con nghiện rồi bị lừa bán sang Trung Quốc. Mười năm sau lúc ra tòa, Thơm đã là một kẻ nổi đình đám khi có vai trò quan trọng trong đường dây tiêu thụ hàng ngàn bánh heroin từ Việt Nam ra nước ngoài.
Từ một cô gái quê ra thành phố kiếm việc làm để thoát nghèo, Thơm đã trở thành trùm ma túy khét tiếng, ngồi trên cả đồng tiền (Hình minh họa)
Phòng CSĐT tội phạm về ma túy CATP Hà Nội vừa kết thúc điều tra giai đoạn 2 về đường dây ma túy do Lương Ngọc Lập, Nguyễn Thị Thơm cầm đầu xảy ra ở các tỉnh Sơn La – Hà Nội – Bắc Giang – Lạng Sơn – Cao Bằng – Quảng Ninh rồi đưa ra nước ngoài tiêu thụ. Đây là đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia có quy mô lớn cả về số đối tượng tham gia, tính chất hoạt động lẫn số lượng ma túy mà chúng đã mua bán, vận chuyển. Điều đáng nói, kẻ “biết nhiều” nhất trong đường dây này lại là một phụ nữ còn rất trẻ (khi bị bắt mới 29 tuổi), đó là Nguyễn Thị Thơm với cuộc đời chìm nổi mà ước mơ ban đầu thật giản dị: chỉ mong có việc làm thoát nghèo.
13 tuổi bỏ nhà tìm việc
Ngoài cái tên thật, Thơm còn có tên khác là Hà, Hà Phương. Sinh ra ở một làng quê thuần nông, gia đình Thơm vừa đông anh em lại nghèo nên chuyện va chạm trong gia đình thường xảy ra. Chán cảnh gia đình thường “cấu xé” nhau vì con chung con riêng, vì nghèo đói, năm 1992, Thơm bỏ nhà ra Hà Nội, trong đầu óc non nớt của cô bé 13 tuổi chỉ mong kiếm được một việc làm nào đấy để tự nuôi thân nhưng chốn thị thành đâu phải chỗ cho một cô gái không nghề, không xu dính túi như Thơm thực hiện ước mơ lương thiện. Chỉ hai hôm sau khi từ nhà đến Bến xe Giáp Bát, Thơm được các đàn chị dẫn dắt vào làm tại một nhà hàng karaoke ở khu vực huyện Thanh Trì. Cái tên Hà, Hà Phương xuất hiện từ đây, được Thơm giới thiệu mỗi khi đi bán dâm, mua vui cho khách như cố vùi sâu chôn chặt cái ước mơ ban đầu của một cô gái quê mùa. Sống cùng với nhiều gái bán dâm, Thơm từng chứng kiến cảnh nhiều người khi còn xuân sắc được kẻ rước người đưa, tới khi tàn tạ, dặt dẹo nơi đầu đường góc phố mà không kiếm đủ tiền phòng trọ, bị bảo kê đánh đập… Vốn thương người nên những ngày đầu kiếm được nhiều tiền, cô thường chia sẻ “lộc” của mình với các “gái già”, trong lòng luôn tâm niệm kiếm một lưng vốn kha khá, về quê gây dựng một gia đình êm ấm.
Trong một lần đi bán dâm, Thơm bị bắt, phải vào Trung tâm giáo dục, cải tạo. Cuối năm 1995, ra trại, Thơm gặp Phạm Vũ Hưng tức Hưng “kền” (hiện đang bị truy nã), một tay anh chị có máu mặt trong giới giang hồ sống ở phường Phúc Xá với nhiều tiền án, tiền sự về các tội trộm cắp, cưỡng đoạt tài sản và được tên này cưu mang. Có người che chở, Thơm nuôi ý tưởng xây dựng gia đình với Hưng “kền” nên chăm sóc người tình rất chu đáo, mặc dù nhiều lần Hưng lên cơn nghiện, đánh cho thâm tím mặt mày nhưng nhớ lại ân nghĩa ngày được Hưng cưu mang, Thơm lại thấy tôn sùng Hưng. Cô chạy vạy khắp nơi kiếm kế sinh nhai. Khi kiếm được mối hàng hoa quả, cô thường đón xe khách lên Lạng Sơn, lấy hàng về đổ buôn ở chợ Long Biên. Trong một chuyến lên Lạng Sơn “đánh” hàng, Thơm bị một bạn hàng lừa bán sang Trung Quốc. Lúc này, Thơm đang có thai 5 tháng với người tình.
Ở Trung Quốc, Thơm bị bán thẳng tới tỉnh Quảng Đông. Người mua Thơm là Hồ Sẹc Khê, một người đàn ông hơn Thơm cả chục tuổi, dù biết món hàng mình mua về làm vợ đang chửa vượt mặt nhưng vẫn chấp nhận bởi còn trẻ, khỏe mạnh, khá xinh xắn, có thể đỡ đần công việc đồng áng cũng như sinh con cho anh ta. Để mua được Thơm, Hồ Sẹc Khê phải dành dụm khá lâu mới đủ tiền nên sau khi mua Thơm về, Khê đồng ý nuôi đứa con trai do Thơm sinh ra, coi như con mình với điều kiện Thơm phải đẻ cho anh ta con trai. Chấp nhận không bị mất con, Thơm sinh liền hai đứa một trai, một gái cho Hồ Sẹc Khê và vậy là chưa đầy 20 tuổi, Thơm đã là mẹ của 3 đứa trẻ và họ phải chuyển vào tít trong núi sống vì sợ chính quyền phạt về tội đẻ nhiều.
Giữa nơi không người thân thích, để giao tiếp, Thơm buộc phải học tiếng bản địa, và với một người phụ nữ còn xuân sắc như Thơm, cô luôn khao khát được trở về nước, mang theo đứa con trai đầu để đoàn tụ với người tình nhưng biết kiếm tiền ở đâu khi mà người chồng của cô quản lý kinh tế rất chặt. Có lẽ cũng vì sợ mất một nhân công, hàng ngày lao động quần quật không lương như Thơm nên Hồ Sẹc Khê không chỉ giấu kín chỗ để tiền mà còn luôn canh coi đứa con đầu của Thơm. Những lúc rỗi việc, Khê chỉ cho Thơm bồng hai đứa con do cô đẻ với anh ta đi chơi còn Khê trông coi đứa con đầu của Thơm, sợ vợ bế con bỏ trốn. Khi đã thông thạo tiếng địa phương, qua những lần trò chuyện, Thơm hiểu rằng để có thể trốn được về nước, phải có tiền chi cho những kẻ dẫn đường, nếu không sẽ bị lừa bán cho ổ chứa khác và lúc đó thì cuộc sống còn tệ hơn phải phục dịch một ông chồng như bây giờ. Sau rất nhiều lần rình xem chồng giấu tiền ở đâu không có kết quả, trong đầu Thơm bỗng nảy ra một ý táo bạo: Tự bán mình để lấy tiền sau đó về nhà bế con bỏ trốn. Thơm tìm người dẫn mối, hứa sẽ chia cho người này một nửa số tiền bán được. Tưởng Thơm chê người chồng già, muốn tìm người trẻ hơn, người môi giới nhận lời giúp và nhanh chóng tìm được mối mua Thơm với giá 4.000 nhân dân Tệ.
Tự bán mình
Một hôm, nhân lúc Hồ Sẹc Khê có việc đi xa, Thơm gửi 3 đứa con nhỏ cho một người hàng xóm trông nom rồi theo người môi giới đến nhà người mua vợ. Thấy Thơm còn ít tuổi, lại có vẻ ngơ ngác, “chồng” mới của Thơm không canh chừng. Chỉ đợi có vậy, ngay trong ngày “bị bán”, Thơm đã trốn được về nhà chồng và với 2.000 nhân dân tệ, cô ta tìm người dẫn đường, thỏa thuận giá cả, chờ ngày chở về Việt Nam. Vì Hồ Sẹc Khê chỉ cho phép Thơm mang hai đứa con thứ đi chơi nên dù rất đau khổ, song Thơm đành phải bỏ lại đứa con với Hưng “kền” vì không thể đưa đi cùng. Hôm đi trốn, lấy cớ cho con sang nhà hàng xóm chơi, Thơm bồng con chạy ngay ra nơi hẹn với kẻ dẫn đường để được đưa về nước. Cùng đi với Thơm lần đó còn có bảy phụ nữ Việt Nam khác cũng bị lừa bán, nhờ dẫn đường về nước. Trong số này có Nguyễn Thị Tuyết (SN 1974, ở Quảng Phú Cầu, Ứng Hòa, Hà Tây) một phụ nữ hơn Thơm 5 tuổi, khá xinh xắn, tỏ ra sốt sắng giúp Thơm mang hai đứa trẻ suốt quãng đường bỏ trốn. Sau này Hà trở thành trợ thủ đắc lực, giúp Thơm trong việc vận chuyển ma túy. Hà cũng bị lừa bán sang Trung Quốc cùng thời gian với Thơm, hai người sống gần nhà nhau nên thi thoảng có trò chuyện nhưng chẳng ai nói cho ai biết kế hoạch bỏ trốn cho tới khi cùng ở điểm hẹn. Trong lúc dắt díu nhau chui lủi, cắt rừng bỏ trốn, họ đã nhận nhau là chị em kết nghĩa, nếu trốn thoát về nước sẽ đến nhà nhau chơi, cùng rủ nhau làm ăn nếu có thể. Sau mấy ngày chạy bộ xuyên rừng, cuối cùng họ cũng vượt qua cửa khẩu, đặt chân lên đất Việt Nam. Đó là thời điểm cuối năm 2000.

Tiền đã "dẫn dắt" cô gái quê trở thành "trùm" buôn ma túy


Từ khi bỏ đi lúc 13 tuổi, lần đầu tiên Thơm về thăm nhà với hai đứa con nhỏ, trong người không một xu dính túi. Sau giây phút mừng tủi vì lâu ngày không gặp, những người anh chị cùng mẹ khác cha của Thơm đã tế nhị cho cô thấy kiếm được việc làm ở quê không hề đơn giản. Sau một đêm ngủ tại nhà, Thơm quyết định lên Lạng Sơn, dựa vào chứng minh nhân dân Trung Quốc mang tên Hà Phương, kiếm sống, gửi tiền về nhờ cha mẹ nuôi hộ hai con. Vốn thông thạo tiếng Trung Quốc, lại có chứng minh thư nhân dân TQ nên công việc của Thơm khá thuận lợi, cô chủ yếu được các chủ hàng thuê phiên dịch trong mỗi cuộc giao dịch mua bán với người Trung Quốc. Cuộc đời Thơm có lẽ cứ thế bình lặng trôi qua nếu như không gặp Nguyễn Thị Dung (SN 1971, Ninh Xá, Bắc Ninh), một người được gọi tên là Hương “xăm” , làm nghề cắt tóc gội đầu ở khu vực biên giới.
Trở thành “phiên dịch”
Ban đầu Thơm không quen Dung nhưng những lần qua lại cửa khẩu để làm “thông ngôn” thuê cho các chủ hàng, đôi lúc kiêm cả việc đổi tiền cho họ, thi thoảng Thơm có vào cửa hiệu của Dung gội đầu. Thấy Thơm thường xuyên qua lại vùng biên, Dung tìm cách làm quen, thỉnh thoảng nhờ đổi hộ tiền. Khi biết Thơm thông thạo tiếng đường đi, nói được tiếng Trung và tiếng Quảng Đông, Quảng Tây, Dung liền bám riết, ngỏ ý muốn nhờ Thơm làm phiên dịch với đối tác là người Trung Quốc, sẽ trả giá cao gấp nhiều lần các chủ hàng trả, Nghe Dung nói công việc chỉ là ngồi nghe rồi dịch lại, không phải đi ca, Thơm nhận lời.
Lần đầu tiên Thơm suýt nhảy dựng lên khi nghe Dung nói đang mang “hàng trắng” nhưng rồi giây phút sợ hãi mau chóng qua đi khi mà cuộc trao đổi kết thúc. Lần đó, Thơm được Dung trả công 1 triệu đồng. Thấy công việc chẳng khó khăn gì, lại không nguy hiểm bởi “hàng trắng” mà Dung đem ra giao dịch thường để ở một nơi, sau khi thỏa thuận giá cả xong mới hẹn địa điểm giao “hàng” nên sau lần đó, Thơm trở thành kẻ đồng hành của Dung trong mỗi cuộc mua bán. Mỗi vụ làm ăn, Dung trả công cho Thơm từ 1-6 triệu đồng. Tuy nhiên, để nhận được số tiền công trên, Thơm phải kiêm rất nhiều khoản ở Trung Quốc, giúp Dung chuyển tiền vào tài khoản, biến những đồng tiền tội lỗi thành tiền từ nước ngoài chuyển về để gia đình Dung hoàn đổi thành nhà hàng, khách sạn, ô tô. Sau một thời gian làm “cửu vạn” cho Dung, thấy người đàn bà này giàu có, lắm tiền để tu sửa nhan sắc, trong lòng Thơm trỗi dậy thèm khát được giàu sang như chị ta nên ngầm tìm cách “hất cẳng” Dung. Qua những lần tiếp xúc, được nghe, Thơm hiểu cái giá của việc làm bạn với bọn buôn ma túy rất khốc liệt. Chúng sẵn sàng gí súng vào đầu cướp hàng của nhau nếu thấy đối tác không cảnh giác hoặc yếu “cơ” hơn, song từng dám bán thân chuộc nên Thơm coi đó chỉ là “luật” của việc làm ăn.
Trong suy nghĩ, Thơm cho rằng không thể làm thuê mãi được mà có cơ hội đổi đời, có tiền về tậu nhà, tậu ruộng cho cha mẹ. Bằng sự khéo léo, sắc sảo, thông qua Nguyễn Văn Tuấn và Nguyễn Mạnh Thảo là hai kẻ thường mang ma túy sang Trung Quốc cho Dung, Thơm đã biết được kẻ chuyên cung cấp hàng cho Dung là Nguyễn Lương Dân (tức Dân “lăng”, SN 1974 ở tổ 16, cụm 1, P.Ngô Quyền, TP Bắc Giang) kẻ được mọi người nhìn nhận như một tay buôn lậu chính hiệu, chuyên đưa hàng Trung Quốc về Bắc Giang đổ xỉ cho các đại lý. Một vài lần Thơm được tiếp xúc với Dân và được thuê làm phiên dịch để anh ta bán ma túy trực tiếp cho đối tác, không qua Dung. Thơm đã thuê phòng tại khách sạn giáp biên làm nơi ở và chứa ma túy cho Dân; đáp lại sự tận tụy của Thơm, lần nào giao dịch thành công, anh ta cũng trả công Thơm rất hậu. Khéo ăn khéo nói, Thơm còn được bạn hàng của Dân thưởng cho hàng chục triệu đồng vì biết cách làm lợi cho họ. Khi đã tạo được sự tin cậy ở Dân, Thơm muốn chiếm mối hàng của Dung nhưng chưa kiếm đâu ra tiền nên cứ sống “hai mặt”, vừa giúp Dân bán hàng vừa phiên dịch giúp Dung chờ cơ hội. Trong tâm tưởng, Thơm cho rằng nếu gia nhập đường dây của Dân thì chị gái Thơm là Nguyễn Thị Nga (SN 1976) hiện đang sống cùng Vương Đức Bảo, một người đàn ông Trung Quốc ở thị trấn Pò Chài sẽ là bình phong để Thơm hợp lý hóa việc qua lại biên giới. Có thêm Nga cùng tham gia, Thơm sẽ vững mối làm ăn hơn, không sợ bị khách hàng ăn chặn nhưng muốn thế phải có vốn. Thơm quyết định chờ thời cơ cướp hàng của Dung, lấy vốn làm ăn.
Cuối tháng 1-2004, sau gần một năm tận tụy làm “thông ngôn” cho Dung, lần đầu tiên Thơm được chị ta nhờ chuyển một bánh heroin cho đối tác ở bên kia biên giới. Không bỏ phí cơ hội, Thơm nhận hàng rồi “tạm biệt” bà chủ với lời nhắn bên kia trả lại hàng vì chất lượng kém sau đó đem bán lấy 100 triệu đồng rồi tìm gặp Dân, xin được mua hàng của Dân đem bán. Với số vốn ban đầu là hơn 100 triệu đồng, kể cả tiền dành dụm, từ đây Thơm thực sự bước chân vào con đường buôn ma túy chuyên nghiệp.

(Còn nữa)

Theo Công An TPHCM
__________________
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)