[justify]TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ nhấn mạnh như trên, khi trao đổi với Đất Việt xung quanh việc Tổng công ty dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) mới đây đã ngang nhiên công khai chào thầu quốc tế tại 9 lô dầu khí nằm sâu trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam. Ông Trục nói: "Theo tôi, phía Trung Quốc đã không tôn trọng quyền chủ quyền của một quốc gia láng giềng. Hơn nữa quốc gia đó vừa ký chưa ráo mực thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển (trung tuần tháng 10.2011), đó là điều không thể chấp nhận được".
TS Trần Công Trục. Ảnh: Như Ý |
"Thêm nữa, kể cả vấn đề đó chưa được xử lý thì hiệu lực thềm lục địa tính đối với các đảo trong quần đảo này như thế nào (vì Trung Quốc họ nói họ có đảo đó thì có quyền mở rộng vùng đặc quyền kinh tế thềm lục địa 200 hải lý), bởi đối với các đảo nhỏ, không thích hợp với đời sống con người, thì không được mở ra 200 hải lý. Theo tôi, Công ước Luật Biển năm 1982 nêu rất rõ: quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không phải quốc gia quần đảo, nên không có quyền vạch đường cơ sở để bao trùm toàn bộ những vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa. Bên cạnh đó, tính từng đảo một, hầu hết là rất bé, rất khó khăn về môi trường và điều kiện sinh sống, nếu không có hỗ trợ của đất liền và bàn tay cải tạo của con người để có cuộc sống ổn định, do vậy, không thể có đời sống kinh tế như bình thường. Cho nên các đảo này không có quyền mở rộng 200 hải lý. Do vậy, dù dưới góc độ nào thì cơ sở của Trung Quốc đưa ra về thềm lục địa đối với những quần đảo này đến 200 hải lý là rất vô lý. Và “đường lưỡi bò” do Trung Quốc vạch ra cũng rất vu vơ, không đưa ra bất kỳ tọa độ nào và cũng không thấy khoảng cách từ đâu đến đâu. Rất nhiều học giả quốc tế nổi tiếng, thậm chí cả người Trung Quốc cũng không đồng tình với quan điểm về “đường lưỡi bò”. Đó là học giả Lý Lệnh Hoa (tác giả của hơn 90 bài báo về vấn đề biển và luật biển đăng trên các báo chí Trung Quốc) cũng cho rằng “Đường 9 đoạn trên Nam Hải là một đường hư ảo. Tiền nhân của chúng ta vạch ra Đường 9 đoạn không hề có kinh độ hay vĩ độ cụ thể, cũng chẳng có căn cứ pháp luật…”. Đó là ý kiến rất khoa học, thiện chí và đúng đắn".
"Cho nên có thể khẳng định, đây là hành động vô lý, trái với Công ước Biển năm 1982, trái với đạo lý, trái với quan hệ tốt đẹp hai bên cùng xây dựng. Tôi cũng nghĩ rằng ý đồ của Trung Quốc là biến những vùng không tranh chấp thành những vùng tranh chấp, họ muốn nhảy vào để tranh giành quyền lợi về kinh tế và mấu chốt nhất của Trung Quốc là nhảy vào tranh chấp tài nguyên trên biển của chúng ta".
- Thưa ông, từ sự kiện tranh chấp bãi cạn Scarborough với Philipines đến việc mở thầu 9 lô dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam cho thấy điều gì trong ý đồ bành trướng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc?
Nhiều người cho rằng hành động của Trung Quốc lần này là “đòn gió”, là sự răn đe đối với Việt Nam sau khi chúng ta thông qua Luật Biển Việt Nam. Theo tôi, không hoàn toàn như vậy, mà từ việc Trung Quốc tranh chấp bãi cạn Scarborough với Philipines, giờ chuyển qua tạo ra tranh chấp và tiến hành mời thầu 9 lô dầu khí trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam là bước đi có tính toán cực kỳ thâm hiểm.
Sau khi nhảy vào tranh chấp bãi cạn Scarborough để thử thách Philipines, các nước Đông Nam Á, đặc biệt là Mỹ, hiện Trung Quốc tiếp tục nhảy vào vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, không dính dáng đến vùng tranh chấp. Hai cái này đều có liên quan chặt chẽ với nhau trong ý đồ của Trung Quốc. Theo tôi, lần này Trung Quốc nhằm vào nguồn lợi kinh tế. Bản chất của vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa là tài nguyên. Nếu họ làm được điều này và họ sẽ làm, thực hiện từng bước, tính toán thời cơ và bước đi và sẽ tìm mọi biện pháp nữa để thực hiện bằng được yêu sách “đường lưỡi bò”. Đây là bước đi nằm trong chiến lược lâu dài, nhất quán của Trung Quốc, họ kết hợp đồng bộ các phương diện, từ dùng sức mạnh, tuyên truyền, pháp lý… đều được tính toán rất kỹ. Chuyện ra những quyết định thành lập thành phố Tam Sa, ra lệnh cấm đánh bắt cá trên một số vùng biển… cũng được tính toán nhuần nhuyễn để thực hiện bằng được “đường lưỡi bò” rất vô lý. Theo tôi, nếu chúng ta không ngăn cản được bước tiến này thì tổn thất rất lớn, không những về chủ quyền, mà còn là quyền lợi rất lớn trên khu vực Biển Đông, từ khai thác dầu khí, đánh bắt hải sản…
- Ông nhận định thế nào về phản ứng của chúng ta sau hành động vô lý của Trung Quốc?
Trước việc tuyên bố của Trung Quốc, chúng ta phải có động thái ngay. Ngay bây giờ, chúng ta phải làm cho thế giới biết được cái vô lý của Trung Quốc khi muốn biến vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thành vùng tranh chấp. Phải làm cho thế giới hiểu, để họ ủng hộ mình. Đặc biệt, với những công ty đang muốn hợp tác với Trung Quốc càng phải làm cho họ hiểu rõ vấn đề. Phải phân tích sự phản khoa học, phản pháp lý, âm mưu của Trung Quốc và hậu quả bước tiến này của Trung Quốc gây ra với Việt Nam, với các nước trong khu vực và thế giới như thế nào… Tức là phải làm rõ vấn đề, chứ không thể chỉ lên án họ vi phạm chủ quyền rồi kiên quyết phản đối. Cái đó rất tốt nhưng còn cần có hành động thực tế hơn, có thái độ rõ hơn.
Bên cạnh đó, dựa vào Công ước quốc tế về Luật Biển năm 1982, quy chế pháp lý đối với các vùng biển để có những ứng xử phù hợp. Vùng đặc quyền kinh tế của mình mà họ xâm phạm thì quyền của mình đến đâu, mình được phép làm gì, ai sẽ làm việc này, phải nói rõ. Ngoài ra, dùng lực lượng gì, cách thực hiện ra sao? Nếu như Trung Qưốc cứ tiến hành khai thác thì chúng ta có quyền đưa ra Tòa án quốc tế. Mà muốn làm được thì mình phải chuẩn bị ngay cả hồ sơ và lực lượng, đưa ra Tòa án nào phải làm ngay, không thể ngồi chờ.
Việc Trung Quốc, họ đã đóng tàu, đóng giàn khoan rất đồ sộ, rất khổng lồ, tàu Hải giám của họ cũng kéo xuống rồi, họ tự làm được, nhưng họ cũng tính toán rất kỹ khi đưa ra đấu thầu quốc tế, đó là thâm ý nhằm lôi kéo nước ngoài - bên thứ 3. Làm như vậy nghĩa là họ chuẩn bị khá lâu rồi, công ty nào, tập đoàn nào họ cũng nắm rồi. Do vậy, lần này chúng ta phải có ngay động thái với các DN nước ngoài có ý định hợp tác với Trung Quốc.
Ngoài ra, chúng ta có thể nhờ đến các tổ chức quốc tế xử lý. Nhưng điều này không phải muốn là đưa ra ngay được, mà phải có chuẩn bị từ bây giờ. Phải dự kiến những tình huống, cách xử lý, nếu không, các cơ quan tài phán quốc tế cũng ngỡ ngàng, thậm chí có khi Trung Quốc cũng đã làm rồi.
- Trong các hội thảo quốc tế về Biển Đông, nhiều học giả quốc tế thừa nhận lập luận của Trung Quốc là sai trái. Chúng ta có thể tận dụng điều này khi đưa ra tòa án quốc tế?
Ý kiến của các học giả có được tiếp thu hay không còn phụ thuộc các nhà chính trị, ngoại giao, nếu đuợc tiếp thu thì quá hay. Tất nhiên, những ý kiến đó sẽ được các nước nghiên cứu, tạo ra nhận thức của các bên đúng sai như thế nào để điều chỉnh lại nhận thức và bước đi của họ. Còn để đưa vấn đề ra tòa án quốc tế là vấn đề khác, thủ tục rất phức tạp, cho nên ngay bây giờ chúng ta muốn đưa ra thì phải có quá trình chuẩn bị thật kỹ lưỡng.
Nguồn: Đất Việt.
[/justify]