Tòa án Tối cao Cộng hòa Guatemala với trụ sở tại thủ đô Guatemala City vừa kết thúc phiên xử bị cáo Pedro Pimentel Rios 55 tuổi, cựu thành viên lực lượng đặc biệt cùng mức án lên tới… 6.060 năm tù vì tội diệt chủng. Lần đầu tiên bản án cao nhất dành cho một cá nhân đã được tuyên trong toàn bộ lịch sử tư pháp của quốc gia Trung Mỹ này.
[size=3]Theo cáo trạng P.Rios là thành viên của Tổ chức Dân phòng tuần tra (Kaibiles), lực lượng bán quân sự tinh nhuệ được thành lập dưới thời nhà độc tài Efrain Rios Montt. Vào ngày 6/12/1982, một tiểu đội Kaibiles được lệnh đột nhập ngôi làng Dos Erres thuộc tỉnh Peten cách Guatemala City 400km về phía bắc, nhằm tìm kiếm số vũ khí cất giấu của du kích cánh tả chống đối chính phủ.[/size]
[size=3]Riêng P. Rios dẫn đầu một nhóm Kaibiles gồm 4 binh sĩ tham gia cuộc truy lùng. Trong 3 ngày liền chúng đã tra khảo như bịt mắt và bóp cổ các nạn nhân vô tội, hãm hiếp phụ nữ và các bé gái trước khi thủ tiêu họ bằng búa tạ. Xác của 201 cư dân làng Dos Erres chủ yếu là người sắc tộc Maya, trong đó có 50 trẻ em mãi 12 năm sau mới được phát hiện ra dưới những cái giếng cạn bị cố ý vùi lấp.[/size]
[size=3]Sau đó tên đồ tể P.Rios chạy trốn sang Mỹ, làm việc trong một nhà máy sản xuất chăn len tại thành phố Santa Ana phía nam tiểu bang California. Tới năm 2010 hắn bị các nhân viên Cục Điều tra Liên bang (FBI) bắt giữ theo lệnh truy nã Liên Mỹ, rồi bị dẫn độ về Guatemala một năm sau theo yêu cầu của tư pháp nước này, chờ ngày ra tòa lĩnh án về tội diệt chủng.[/size]
[size=3]Đại diện Viện Công tố Tối cao Guetamala vạch rõ, rằng theo luật định thì kẻ chỉ giết một người qua hành động man rợ cũng có thể chịu mức án tối đa là 30 năm tù, do vậy với 201 nạn nhân đương nhiên bị cáo phải thụ án trong 6.030 năm; cộng thêm 30 năm tù cho tội danh chống lại loài người tổng cộng là 6.060 năm. Hội đồng xử án gồm 3 nữ thẩm phán cao cấp đã đưa ra phán quyết cuối cùng, nhất trí với hình phạt cực kỳ nghiêm khắc mà cáo trạng đề nghị. Nhóm thuộc hạ của P. Rios cũng bị kết án mỗi tên hàng chục năm tù giam, do cả 4 tên này đều thừa nhận tội lỗi của mình nên không bị khép vào khung hình phạt cao nhất theo Bộ luật hình sự của Guatemala.[/size]
[size=3]Về phần P.Rios luôn lải nhải trước tòa rằng mình vô tội, không trực tiếp can dự vào vụ thảm sát 3 thập niên trước. Thậm chí chẳng biết kiếm từ đâu mà hắn còn trưng ra tấm giấy chứng chỉ nghiệp vụ, thừa nhận trong thời gian xảy ra vụ diệt chủng P. Rios đang theo học ở Trường các nước châu Mỹ (SOA) có trụ sở tại Panama, nơi thường được giới truyền thông Mỹ Latinh mỉa mai là "lò đào tạo các biệt đội hành quyết". Tuy nhiên căn cứ vào kết quả điều tra chuyên sâu, cũng như biên bản đối chất giữa các nhân chứng sống sót với hung thủ thì P.Rios không thể chối tội được.[/size]
[size=3]Cuộc nội chiến dai dẳng kéo dài gần 4 thập niên từ năm 1960-1996 tại Guatemala là một trong những cuộc xung đột đẫm máu nhất ở Mỹ Latinh, khiến hơn 1,4 triệu người thiệt mạng hoặc mất tích đa phần thuộc sắc dân Maya. Chỉ tính từ tháng 3 đến tháng 7-1982 dưới chính thể Efrain Rios Montt, đã có hơn 10.000 thường dân bị giết vì bị tình nghi có cảm tình với các phong trào du kích cánh tả.[/size]
[size=3]Riêng nhà cựu độc tài E. Montt 85 tuổi đang là bị can trong một phiên tòa khác, khai mạc từ đầu năm nay, cùng cáo buộc trong 17 tháng cầm quyền (từ tháng 3/1982 tới tháng 8/1983) đã trực tiếp ra lệnh sát hại 1.700 thường dân Maya vô tội, do nghi ngờ họ hậu thuẫn cho các lực lượng chính trị đối lập chống lại thể chế độc tài quân sự.[/size]
[size=3]Dư luận am hiểu coi mức án kỷ lục mà Cơ quan Tư pháp Tối cao vừa tuyên chỉ mang hình thức răn đe tượng trưng, bởi trong thực tế tù nhân ở Guatamala thường bị giam giữ không quá 50 năm rồi được phóng thích do tuổi già hay bệnh tật. Còn hung thủ Pedro Pimentel Rios nay đã 55 tuổi, liệu hắn có sống được tới độ tuổi 105 để hy vọng được đặc xá?[/size]