[justify]Hoà vốn hiền lành, sống trong một gia đình nề nếp, là công nhân Công ty may Visarim, Tây Ninh. Cách nay hai tháng có người giới thiệu Hoà làm quen với một thanh niên tên Huỳnh Minh Chí (26 tuổi, ngụ ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà, huyện Hòa Thành). [/justify]
[justify]Qua lời giới thiệu thì Chí là thợ hồ, ăn chay trường, chí thú làm ăn nên ông nội và cha mẹ của Hoà tỏ vẻ ưng ý (vì ông nội Hoà cũng ăn chay trường). Ông Phạm Văn Học (50 tuổi, cha của Hoà) đã gặp Chí hỏi về gia cảnh thì được Chí trả lời: “Thú thật trước kia gia đình con có đi hỏi một cô gái nhưng sau này gia đình cô ấy không chịu gả với lý do là con ăn chay trường. Từ đó đến nay con không còn quan hệ nữa”. [/justify]
[justify]Được sự đồng ý của hai bên, đầu tháng 9 gia đình Chí nhờ người mang trầu rượu đến nhà Hoà làm lễ nói. Lúc này Hoà, Chí mới có dịp gặp nhau. Trong buổi sơ giao, ông Học đề nghị phía nhà trai chủ động coi ngày làm đám cưới cho con. Vài ngày sau ông Huỳnh Văn Bòn (cha của Chí) đến gặp cha Hoà trình tờ giấy coi ngày và cho biết 9/10 (nhằm ngày 11/9 âm lịch) là ngày đám hỏi và gởi tiền nạp tài 2 triệu đồng. Thấy gia đình của Chí cũng khó khăn nên ông Học không nhận, mọi chi phí đãi họ để gia đình bên nhà gái lo liệu. Ngày đám hỏi, theo hẹn lẽ ra phía nhà trai phải đến nhà gái lúc 9h, nhưng mãi lúc lâu sau họ nhà trai mới xuất hiện khiến nhà gái chờ dài cổ. [/justify]
[justify] [/justify]
Ảnh minh họa
[justify]Sau khi họ nhà trai trình lễ, đến phần trưởng tộc nhà gái chuẩn bị lên đèn thì một cô gái đến thỏ thẻ bên tai trưởng tộc: “Chí mới vừa đi hỏi vợ hôm qua, sao hôm nay lại đi hỏi vợ nữa?”. Ông trưởng tộc sững người chưa biết tính sao thì lời xầm xì lan nhanh trong những người tham gia lễ hỏi. Bán tín bán nghi, họ nhà gái liền cho người ra truy hỏi, phát hiện ra cô T., cô gái Chí vừa tổ chức lễ hỏi ngày hôm qua cũng đang có mặt trong đoàn bưng quả.[/justify]
[justify]Quá sức chịu đựng, người bên họ gái túm lấy cô T. tra xét: “Cô là gì của Chí?” thì cô này thưa: “Dạ cháu là vợ chưa cưới”. Buổi lễ đang trịnh trọng trong phút chốc biến thành những trận cãi vã ồn ào giữa hai bên vì một số người bên nhà trai không tin, cho rằng có kẻ phá đám. Thấy có vẻ không ổn, ông trưởng tộc nhà gái liền mang cặp đèn cầy định làm lễ quăng ra đường, tuyên bố hủy cuộc lễ hôm nay. [/justify]
[justify]Tình hình mỗi lúc một căng thẳng nên có người điện báo công an địa phương nhờ giải quyết. Công an xã xuống mời đại diện hai họ ra bàn làm việc tại chỗ. Cuối cùng thì vụ việc “hai lần đi hỏi vợ” của Chí bị đổ bể nên lễ hỏi của cô Hoà bất thành và phía gia đình cô chấp nhận trả lại các vật sính lễ cho nhà trai (gồm một sợi dây chuyền, một đôi bông). Gia đình Chí nhận lại rồi tháo lui. [/justify]
[justify]Theo ông Bòn thì việc đi hỏi cô T. ở cùng ấp bữa trước là do “sự đã rồi”. Ông tưởng Chí đã chia tay với T. nên mới hẹn ước với bên sui ngày hỏi cô Hoà. Dè đâu cô T. đòi tự vẫn nếu Chí bỏ cô và đòi làm đám hỏi trước một ngày (thủ tục đơn giản). Ông định hủy lời hẹn với ông Học nhưng Chí không cho, đòi tự tử vì theo Chí, cô nào mình cũng thương, không bỏ cô nào cả. Trong biên bản hoà giải Chí viết: “Tôi tên Huỳnh Minh Chí, sinh năm 1982, ngụ ấp Trường Thiện, xã Trường Hoà, huyện Hoà Thành, tỉnh Tây Ninh, có nhận lại toàn bộ sính lễ qua nhà gái. Xin chính quyền địa phương phạt tù tôi, tôi nhớ ơn suốt đời”.[/justify]
[justify]Sau khi lễ hỏi không thành, gia đình ông Học đau khổ vì cho rằng gia đình mình bị bẽ mặt với bà con lối xóm. Cô Hoà thì luôn buồn bã do bị mọi người nói ra nói vào. Sáng 12/10, Hoà đạp xe đi cắt rau (ngoài việc làm công nhân may, cô còn tranh thủ phụ giúp gia đình chăm sóc vườn rau ở khu vực ruộng Gò Dúi, cách nhà dăm cây số). Khoảng nửa tiếng sau ông Học chạy xe đến tìm nhưng gọi mãi không được. Vào ruộng rau, ông Học chết điếng khi phát hiện Hoà đang chìm nghỉm dưới một cái mương nước ngập mặt người, gần đó là một gói thuốc chuột đã xé miệng. Hốt hoảng, ông Học xốc Hoà lên đưa đến bệnh viện cấp cứu nhưng không kịp.
[/justify]