[justify][size=2]Cảnh ấy, chính là cuộc chia tay của cha mẹ anh, một người lính lê dương đánh thuê cho thực dân Pháp, một người là điệp viên đã hy sinh cả tuổi xuân của mình cho cuộc kháng chiến của dân tộc. Gần 50 năm sau, đứa bé khóc cạn khô nước mắt đòi mẹ trên bến tàu đó đã trưởng thành và anh quay lại Việt Nam tìm mẹ đẻ của mình, dù biết hành trình ấy chẳng khác nào xuống biển mò kim…[/size][/justify] [justify][size=2]Người con lạc mẹ[/size][/justify] [justify][size=2]Trong gian nhà ấm cúng ở ngõ Văn Chương (Hà Nội), ông Đặng Hồng Phúc, một cựu chiến binh, năm nay đã hơn 80 tuổi nhớ lại. Đầu năm 2000, ông bất ngờ nhận được một cú điện thoại của cô cháu gái đang làm việc tại một công ty điện lực ở Paris .[/size][/justify] [justify][size=2]Qua điện, cô cháu gái nói cô có một đồng nghiệp hiện đang làm giám đốc nhân sự cũng của một công ty điện lực ở Bờ Biển Ngà, tên là Jean Moutti. Jean Moutti có mẹ là người Việt Nam , cha anh là lính lê dương, đánh thuê cho thực dân Pháp.[/size][/justify] [justify][size=2]Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Jean Moutti mới gần 2 tuổi, theo cha rút về nước. Từ đó đến nay, hình ảnh về người mẹ da vàng khiến anh luôn đau đáu. Moutti muốn sang Việt Nam tìm lại mẹ, tìm lại quê hương bản quán của mình. Và, Moutti muốn nhờ ông giúp.[/size][/justify] [justify][size=2]Cuối tháng 4/2000, ông Phúc đón Jean Moutti tại sân bay Nội Bài. Ngay buổi gặp gỡ đầu tiên ấy, Jean Moutti đã tâm sự hết với ông về nỗi bất hạnh của đời mình. Về nước, cha Moutti có vợ khác, cảnh mẹ kế con chồng, Jean Moutti thường bị những trận đòn oan nghiệt.[/size][/justify] [justify][size=2]Những lúc đớn đau đến tột cùng về cả thể xác lẫn tinh thần ấy, chỗ bấu víu duy nhất của cậu bé tội nghiệp chỉ là hình bóng người mẹ da vàng. Thế nhưng, mẹ ở nơi đâu? Moutti chỉ biết duy nhất về mẹ chỉ là mấy dòng chữ ở giấy khai sinh: Nguyễn Thị Tám, ở làng Phương Liệt, Hà Đông.[/size][/justify] [justify][size=2]Thế là ngay sáng hôm sau, ông Phúc và Moutti bắt tay ngay vào việc tìm kiếm. Thế nhưng, theo lãnh đạo phường Phương Liệt (làng Phương Liệt cũ) thì từ trước đến giờ, phường không có người nào tên là Nguyễn Thị Tám.[/size][/justify] [justify][size=2]Một cựu chiến binh đã cho đoàn tìm kiếm biết một thông tin quý giá: Trước đây, ở làng có một cô gái lấy lính Tây làm chồng, nhưng cô ấy lại là điệp viên của chính quyền cách mạng, hiện đã chuyển vào Nam sinh sống. Người điệp viên ấy có tên là Nguyễn Thị Loan chứ không phải Nguyễn Thị Tám.[/size][/justify] [justify][size=2]Theo ông Nguyễn Văn Hậu, người cựu tù Côn Đảo, người bạn học đồng thời cũng là nguời đồng chí cùng tham gia hoạt động với bà Nguyễn Thị Loan thì ngay thời niên thiếu, bà Loan đã tham gia vào đội du kích của làng Phương Liệt. Đó là một trung đội anh hùng thuộc Đại đội 298, Tiểu đoàn 250A, Trung đoàn 35, gồm có 32 đồng chí.[/size][/justify] [justify][size=2]Do có nhan sắc nên cô Loan được chọn vào hoạt động ở tiểu đội quân báo, với nhiệm vụ đưa tin tức kháng chiến từ Phương Liệt vào nội thành và ngược lại: lấy thông tin từ những đồn, bốt địch đóng ở nội thành.[/size][/justify] [justify][size=2]Cuối tháng 1/1950, giặc càn, phần lớn chiến sỹ của Trung đội Nguyễn Huệ bị sa vào tay giặc, trong đó có Nguyễn Thị Loan. Dùng tất cả những hình thức tra tấn dã man nhưng quân thù không khai thác được gì. Chính bởi sự gan dạ ấy mà từ trong chốn lao ngục, Loan được một người lính da đen vô cùng ngưỡng mộ, cảm kích. Sự ngưỡng mộ ấy lớn dần rồi hoá thành tình yêu.[/size][/justify] [justify][size=2]Biết không moi được thông tin gì từ Loan, quân thù định đem cô ra hành quyết trước đình làng Phương Liệt để thị uy dân làng. Thế nhưng, việc xử bắn Loan đã bị bãi bỏ vì người lính da đen kia nằng nặc xin với chỉ huy của mình để anh ta có cách khuất phục cô. Và, cũng chính nhờ sự bảo lãnh của người lính da đen ấy, Loan được thả tự do.[/size][/justify] [justify][size=2]Thoát khỏi chốn lao tù được ít lâu thì Loan nhận được một đề nghị bất ngờ từ người vừa cứu mạng mình. Một lời cầu hôn. Cảm kích vì nghĩa, lại thêm suy nghĩ đây sẽ là cơ hội tốt cho công việc của mình, được sự đồng ý của tổ chức, Loan đã nhận lời.[/size][/justify] [justify][size=2]Làm “me Tây” Loan đã phải chịu rất nhiều điều tiếng. Thế nhưng, cũng chính từ những ngày “theo chồng” ấy, những thông tin của cô về hàng ngũ địch cũng ngày một nhiều thêm. Sau năm 1954, tuy đã hoàn thành nhiệm xuất sắc nhiệm vụ nhưng Loan vẫn không cách nào “gột rửa” được những tiếng bấc, tiếng chì mà mọi người nghĩ xấu cho mình. Cô phải chuyển vào Nam sinh sống. Và, cũng từ dạo đó, người Phương Liệt bặt tin cô.[/size][/justify] [justify][size=2]Khi cuộc tìm kiếm tưởng chừng đi vào ngõ cụt thì ông Phúc và Moutti lại tiếp nhận được một nguồn tin quan trọng. Bà Nguyễn Thị Loan có một người cháu họ tên là Hạ hiện đang sống ở Hà Nội.[/size][/justify] [justify][size=2]Để làm rõ xem hai người phụ nữ ở hai bên chiến tuyến kia có phải là một hay không, ngay sáng hôm sau Moutti và ông Phúc đã gặp ông Hạ. Và, thật bất ngờ, khi ngay phút đầu gặp gỡ, người đàn ông tên Hạ ấy đã khẳng định bà Nguyễn Thị Loan chính là bà Nguyễn Thị Tám.[/size][/justify] [justify][size=2]Lý do, theo ông Hạ, khi bị bắt, để giấu tung tích của mình, bà Loan đã khai mình tên là Tám (con thứ 8 trong nhà). Và thế là cái tên ấy đã được giới cầm quyền Pháp lưu vào hồ sơ. Sở dĩ ông Hạ biết được điều bí mật ấy là bởi trước đây, kể chuyện về cô Loan, bố ông đã nhắc tới chi tiết này. [/size][/justify] [justify][size=2]Mừng rơi nước mắt, Moutti vồ vập hỏi địa chỉ nơi sinh sống của bà Loan. Thế nhưng, ông Hạ lắc đầu không biết bởi chẳng hiểu vì lý do gì bà Loan giấu biệt mọi người về nơi ở của mình. Thất vọng, Moutti và ông Phúc lại rầu rĩ ra về. Tuy thế, lúc chia tay, ông Hạ bảo, ông có biết một người bạn rất thân của cô mình và rất có thể người bạn ấy nắm được điều mà mọi người đang nóng lòng muốn biết.[/size][/justify] [justify][size=2]Hạnh phúc ngày gặp lại[/size][/justify] [justify][size=2]Chờ thông tin của ông Hạ, suốt mấy ngày ở khách sạn, lòng Moutti như lửa đốt. Một chiều, ông Phúc đến mang theo số điện thoại của bà Loan. Thế nhưng, khi bấm máy, Moutti và ông Phúc đã bị giội gáo nước lạnh. Đầu máy bên kia, bà Loan bảo, trước đây bà có lấy Tây nhưng là “Tây trắng” chứ không phải “Tây đen”.[/size][/justify] [justify][size=2]Câu trả lời lạnh lùng ấy khiến Moutti cảm thấy trời đất như sắp nổ tung. Đầu óc anh chao đảo bởi hai ý nghĩ khủng khiếp. Bà Loan không phải mẹ mình thật thì những ngày qua anh và ông Phúc đã đi sai hướng, đã thành công cốc. Suy nghĩ thứ hai đau đớn hơn, nó làm trái tim anh tan nát. Bà ấy chính là mẹ anh nhưng chối bỏ con mình. Cũng vừa thời gian ấy, Moutti hết phép. Anh phải trở lại Bờ Biển Ngà.[/size][/justify] [justify][size=2]Tiễn Moutti về nước, ông Phúc tiếp tục kiếm tìm. Biết gia đình ông Hạ đang làm thủ tục chế độ kháng chiến cho người cô của mình, ông Phúc đã bí mật xuống phường Phương Liệt để tìm địa chỉ. Nhờ mối quan hệ của riêng mình, ông đã có được thứ mà ông mong muốn.[/size][/justify] [justify][size=2]Theo tập hồ sơ mà gia đình ông Hạ mới nộp ở phường, bà Loan hiện đang ở ấp Vĩnh Bình, xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang. Thế là, cuối năm 2001, ông khăn gói vào tìm. Sau mấy ngày đường, ông Phúc đã vào đến xã Vĩnh Bình. Thế nhưng, ông đã vô cùng choáng váng khi nhận được câu trả lời của chính quyền địa phương, trên địa bàn xã, không có người phụ nữ nào mang tên Nguyễn Thị Loan.[/size][/justify] [justify][size=2]Hụt hẫng, nhưng để chắc chắn, ông vẫn bắt xe lai vào tận ấp Vĩnh Kim. Ông trưởng ấp cũng có câu trả lời như lần trước. Tuy thế, có một chi tiết đắt giá là trong ấp có một người phụ nữ gốc Bắc lấy chồng và định cư ở trong này đã lâu. Bà ta tên là Nguyễn Thị Tâm, quê quán ở đâu thì không ai được rõ.[/size][/justify] [justify][size=2]Biết được thông tin ấy, linh tính đã mách bảo với ông Phúc rằng, bà Tâm chính là bà Loan. Và, chính linh tính ấy đã lý giải mọi chuyện. Có lẽ, tại không muốn ai biết quá khứ “lấy Tây” của mình nên bà Loan đã thay đổi tên tuổi. Bà không muốn cuộc đời xáo trộn, nên đã từ chối gốc tích thật của mình. Và, có lẽ cũng bởi thế mà ông Hạ đã từ chối đi cùng ông cũng như không cho ông địa chỉ cô mình. Linh tính ấy khiến ông tức tốc tìm nhà bà Tâm.[/size][/justify] [justify][size=2]Gặp nhau ngay cái nhìn đầu tiên, ông Phúc đã khẳng định, bà Tâm chính là mẹ đẻ của Moutti. Tuy thế, để tránh gây sốc cho những thành viên trong gia đình, sau giây lát suy nghĩ, ông Phúc đã nói với chồng bà Tâm rằng, ông là cán bộ của phường Phương Liệt, vào tìm bà Tâm để xác minh vài thông tin liên quan đến việc làm chế độ kháng chiến của bà.[/size][/justify] [justify][size=2]Và, để được “nói chuyện riêng” với bà Tâm, ông Phúc đã nhờ chồng bà đi tìm cô con gái của hai người để chụp chung một tấm hình với lí do chính quyền phường Phương Liệt muốn biết đích xác bà Tâm có còn sống hay không.[/size][/justify] [justify][size=2]Khi chồng bà Tâm vừa đi khỏi, ông Phúc đã vội vàng rút trong cặp ra tấm ảnh của Moutti và nói: “Đây là con trai bà, cậu ấy đang rất muốn gặp bà!”. Tấm hình và câu nói dứt khoát của ông Phúc đã khiến bà Tâm bối rối, hốt hoảng. Cũng vừa lúc ấy, chồng bà đã dẫn cô con gái về đến đầu ngõ. Thấy thế, bà Tâm vội vàng bảo: “Ông cất ngay tấm hình ấy đi kẻo chồng tôi biết thì chết đó!”.[/size][/justify] [justify][size=2]Vậy là đã rõ. Ông Phúc thở phào khi biết linh tính của mình là hoàn toàn chính xác. Chụp hình cả gia đình xong, ông Phúc đã nói với chồng bà Tâm là bà Tâm phải ra Hà Nội để chính quyền phường xác minh thêm. Chồng bà Tâm đồng ý. Bà hứa chừng 2 tháng nữa sẽ ra Hà Nội.[/size][/justify] [justify][size=2]Về Hà Nội, ngay lập tức ông Phúc gửi tấm hình mà mình vừa chụp sang cho Moutti. Và, cũng ngay lập tức Moutti đem tấm hình đó đến hỏi cha mình, ông Diamonde Moutti. Nhìn tấm hình, cha Moutti đã khóc oà. Ông bảo, người trong ảnh chính là bà Tám, vợ ông thuở nào.[/size][/justify] [justify][size=2]Ngay lập tức Moutti chuẩn bị hành lý để quay lại Việt Nam . Và, anh đặt chân đến Hà Nội vào đúng ngày toàn dân Việt Nam đang tưng bừng kỷ niệm chiến thắng Điện Biên Phủ, 7/5/2002. Vậy là đã tròn 50 năm mẹ con anh xa cách. Lần này thì chắc chắn anh đã được gặp mẹ mình.[/size][/justify] [justify][size=2]Đúng như Moutti mong muốn, ông Phúc đã chuẩn bị cho anh một điều bất ngờ. Ông đưa cả bà Loan ra sân bay Nội Bài đón anh. Với Moutti, bà Loan và cả ông Phúc nữa, nước mắt đã vỡ oà trong niềm hạnh phúc tột cùng[/size][/justify] |