Tôi không bao giờ quên câu nói ấm áp và cái vỗ vai thân mật của Thượng tá Bùi Ngọc Bình, Phó Giám thị trại giam số 2, Công an Hà Nội, trong ngày đầu tiên "nhập trại": "A! Hiệp "gà", chú rất thích những vai hài của cháu. Ở đây với chú nhé, cháu phải giúp chú một tay để chăm sóc phần "hồn"cho anh em phạm nhân…". Điều tưởng chừng giản dị vô cùng, mà với những người phạm tội, lại trở thành động lực thúc đẩy họ trên suốt chặng đường tìm lại chính mình…
Niềm tin chốn… "đại lao"
Hiệp "gà" đã tâm sự như vậy, trong cuộc gặp gỡ giữa những "người hoàn lương tiêu biểu", khu vực phía Bắc, do Bộ Công an tổ chức cách đây không lâu. Với diễn viên này, quá khứ tù tội đã đem đến cho anh cơ hội lớn để làm lại cuộc đời. Hiệp nói: "Tôi mang ơn các cán bộ trại giam này, nên thi thoảng thu xếp thời gian để rủ những bạn bè là nghệ sĩ… trở lại trại, phục vụ văn hóa, văn nghệ cho phạm nhân thưởng thức".
Hiệp "gà" cùng dẫn chương trình với phạm nhân trong tù.
—–
"Tôi đã viết đơn đề xuất Cục Quản lý trại giam (Bộ Công an), xung phong đi biểu diễn, phục vụ miễn phí ở tất cả các trại giam trên cả nước. Tôi làm điều này để tỏ lòng biết ơn đối với những người "thầy" đặc biệt. Cũng muốn nhắn nhủ một câu với những người từng dính líu đến ma túy, từng một thời lầm lỡ như tôi: "Đừng tìm cách lí giải cho sự sa ngã của mình. Cũng không nên đổ lỗi cho "ma lực" của "nàng tiên nâu"- đó chỉ là những lời biện hộ yếu hèn, cái chính là do mình có dám "rũ bùn đứng dậy" hay không mà thôi?".
Ngày 16/5, chúng tôi theo chân Hiệp "gà" trở lại trại giam số 2. Tại hội trường, hàng trăm phạm nhân đã ngồi ngay ngắn trên những hàng ghế thẳng tắp. Thượng tá Bùi Ngọc Bình nói: "Lần nào Hiệp "gà" trở lại, "sân khấu" đặc biệt này cũng trở nên tưng bừng. Phạm nhân của chúng tôi háo hức lắm, họ thấy phấn khích hơn khi được tiếp cận gần gũi với các loại hình nghệ thuật ở trong trại giam. Hàng tuần, trong những buổi sinh hoạt, giáo dục, chúng tôi cũng lồng ghép với những tiết mục văn nghệ. Các phạm nhân tự tiến cử những người có khả năng đàn, hát gia nhập đội văn nghệ. Hàng tuần, đội văn nghệ 9 thành viên này chịu trách nhiệm biểu diễn phục vụ đời sống tinh thần cho anh em phạm nhân. Giáo dục theo cách này, chúng tôi thấy rõ ưu điểm của nó. Tình hình vi phạm kỷ luật của phạm nhân trong trại giảm hẳn. Mọi người phấn khích hơn khi được thả hồn trong không khí chan hòa này, nhờ thế việc tiếp thu kiến thức pháp luật – xã hội của anh em được trở nên chất lượng hơn rất nhiều".
Nước mắt người tù
Thiếu tá Kim Văn Nghĩa, Phân trại trưởng trại giam số 2 cho biết: "Hiệp đã nỗ lực hết mình trong suốt quá trình cải tạo ở đây, giúp chúng tôi thành lập đội văn nghệ. Nhưng từ khi cậu ấy ra trại đến nay, chúng tôi đã 4 lần thay đổi người dẫn dắt đội văn nghệ. Người có uy tín, có tiếng nói trọng lượng với các tù nhân khác rồi cũng ra trại. Vì thế, công cuộc tìm kiếm người chăm sóc phần "hồn" trong trại giam này luôn luôn vận động không ngừng".
Hiệp tranh và "thầy " Nghĩa.
—–
Tại trại giam số 2, chúng tôi được hoà chung không khí kỷ niệm 120 năm ngày sinh nhật Bác. Chương trình văn nghệ chào mừng được các anh em phạm nhân thực hiện công phu. Để khớp với các tiết mục biểu diễn, Hiệp "gà" phải gác lại nhiều show diễn để trở lại trại giam, cùng các anh em tù nhân tập luyện trước. Những người tù cất lên tiếng hát chất chứa nỗi niềm. Phạm nhân Trần Đức Mạnh có khuôn mặt rất "ngầu", tay ôm đàn ghi ta, mắt nhắm nghiền "phiêu" theo tiếng nhạc, những ca từ đẹp đẽ của giai điệu bài hát: "Những bông hoa trong vườn Bác, viếng lăng Bác…".
Mạnh có một cuộc đời nhiều sóng gió. Trước lúc bị bắt, Mạnh là lao động chính của cả nhà, thu nhập bằng nghề bốc vác thuê trong các bến bãi của thành phố. Vợ chồng anh khá hạnh phúc, dù phải ăn đong từng bữa, 2 cậu con trai ngoan ngoãn, học hành giỏi giang. Nhưng tai hoạ "ập" xuống gia đình Mạnh, khi anh bị tai nạn giao thông. "Tiền mất, tật mang", không còn đủ sức khoẻ để làm "nghề", Mạnh sinh ra chán nản. Một bữa lang thang ở bến xe Gia Lâm, Mạnh bị bạn xấu lôi kéo vào con đường nghiện ngập và không thoát ra nổi. Kể về cậu con trai đang theo học ở một trường Cao đẳng tại Hà Nội phải đi làm thuê đủ nghề để kiếm tiền đóng học phí… Mạnh lặng lẽ khóc. Anh nói: "Tôi thấm thía quá khi bị bắt vào đây, may mà các "thầy" còn cho mình phát huy khả năng văn nghệ. Tiếng đàn trong chốn lao tù này, giúp cái tâm mình được sáng hơn. Khi cái tâm hướng thiện, tránh xa ma tuý được bao nhiêu, thì thấy nhớ vợ, con mình bấy nhiêu…".
Sức mạnh của âm nhạc
Nói đoạn, Mạnh ngẩng lên nhìn tôi bằng đôi mắt ngấn lệ. Anh nói: "Nhờ chị nhắn giùm tôi một lời cho "bà xã", nói cô ấy hãy yên tâm nuôi con ăn học. Tôi hứa lần này về sẽ làm lại cuộc đời và bù đắp cho 3 mẹ con". Sinh hoạt trong đội văn nghệ của trại giam số 2, nhiều phạm nhân từng có quá khứ đầy hứa hẹn. Chỉ vì một phút nông nổi mà họ đã đánh mất tự do của mình, nhưng không vì thế mà họ bi quan. Phạm nhân Đào Mạnh Tùng ở Hải Phòng cho biết: "Ngoài việc lao động cải tạo theo quy định bắt buộc đối với các phạm nhân, chúng tôi dành mỗi tuần 2 buổi tối để tập văn nghệ, biểu diễn vào giờ sinh hoạt của anh em phạm nhân dịp cuối tuần".
Hiệp "gà" luôn được chào đón ở trại giam số 2.
—–
Trước cái đẹp của âm nhạc, tâm hồn "chai sạn" của nhiều anh em đã được thức tỉnh thực sự. Chúng tôi đến gần với nhau hơn động viên nhau cố gắng trong việc cải tạo, để sớm hoà nhập được với cộng đồng. Chúng tôi rời trại giam số 2, không thể quên được hình ảnh một phạm nhân quê ở Sơn La, đã khóc nấc lên khi hát bài "nghĩ về cha"… Đường phố quen con về/chiều nắng tắt, thành phố đang sang mùa đông/Cha ngồi bên mái hiên, một manh áo đơn sơ cùng năm tháng/Nhìn dáng cha hao gầy, một mái tóc giờ đã phai theo thời gian/Cho đời con lớn khôn, chợt hôm nay ngoài hiên mùa đông đến… Chúng tôi bất ngờ, bài hát trở nên có sức hút kỳ lạ trong tiếng hát nghẹn ngào. Hỏi ra mới biết, bạn tù ấy do nghiện ma túy phải vào cải tạo trong trại. Nhưng khi chỉ còn 10 ngày nữa là mãn hạn tù, cậu lại nghe tin cha mình đã qua đời trong một vụ tai nạn giao thông. Và tâm trạng ấy, tiếng hát ấy đã khiến nhiều người lặng đi… Họ suy nghĩ về quá khứ, về tương lai đầy hướng thiện.