[/size]Và ở nơi được xem là “cái rốn” của các loại tội phạm như khu vực cầu vượt Sóng Thần, TX Dĩ An, Bình Dương thì mọi người đều biết đến anh như là "khắc tinh" của bọn tội phạm.
Đời “hiệp sĩ” lận đận như một ổ bánh mì
- Có rất nhiều người đến với danh phận “hiệp sĩ” bằng sự đam mê, nghĩa hiệp. Còn anh, anh vừa bán bánh mì vừa làm “hiệp sĩ” như hiện nay là vì điều gì?
- Tôi chưa bao giờ nhận mình là “hiệp sĩ” cả nhưng máu nghĩa hiệp thì lúc nào cũng có thừa. Hàng ngày, công việc của tôi là đưa bánh mì đến các đại lý, các điểm buôn bán nhỏ lẻ từ sáng sớm nên tôi cũng chứng kiến nhiều chuyện bất bình. Năm 1993, khi chân ướt chân ráo từ Quảng Ngãi vào Sài Gòn lập nghiệp, đôi lần chứng kiến những cảnh côn đồ ức hiếp, cướp giật của người khác tôi thấy tức lắm nhưng mọi người khuyên can đừng nên đụng vào tụi đó.
Cho đến năm 1994, trong một lần đi giao bánh mì tại Bến xe miền Đông vào buổi trưa, tôi phát hiện có 2 tên trộm giật đồ của hành khách vừa xuống xe. Anh nghĩ xem, là một cậu bé mới 14 tuổi, thân hình lùn tịt nhưng tôi dám cả gan lao vào khống chế tụi nó, bắt gọn và bàn giao cho công an phường Hiệp Bình Chánh xử lý. Những người chứng kiến có kẻ thì khen ngợi mình dũng cảm, cũng có kẻ dè bỉu bảo mình “ngu” vì "đụng chạm với côn đồ có ngày ăn đòn như bỡn".
"Hiệp sĩ đường phố" Nguyễn Tăng Tiên trò chuyện cùng tác giả |
- Anh có thấy vui và hãnh diện khi ra đường, có ai đó mà anh đã từng giúp đỡ và gọi lớn:“Hiệp sĩ Tiên”?
- Thú thật là tôi rất vui khi đi ra đường, có nhiều người dù chẳng phải là thân thích, bà con họ hàng gì nhưng cứ thấy mình thì nở nụ cười và lên tiếng hỏi trước. Trong cuộc sống xô bồ giữa chốn thị thành, với một người xa quê lập nghiệp như mình, đó chính là tình cảm ấm áp nhất, không phải ai cũng có thể tìm được. Có nhiều lần, một số người từng được tôi giúp đỡ, bắt gặp, cứ tha thiết mời mình ăn cơm, hoặc cà phê nói chuyện, tôi hạnh phúc vì họ xem mình như người thân để chia sẻ mọi chuyện.
- Họ vui vì được anh giúp đỡ. Còn anh, làm “hiệp sĩ” ở vùng nhiều tội phạm, gặp rất nhiều hiểm nguy, có bao giờ anh sợ mình sẽ bị trả thù?
- Chuyện bị kẻ xấu trả thù tôi gặp nhiều, thậm chí ngay ở khu vực khu công nghiệp Sóng Thần, bến xe Lam Hồng, bến xe miền Đông… kẻ xấu cứ thấy mặt tôi là nhìn với ánh mắt “dao găm” và còn thường xuyên nhắn tin đe dọa hoặc tìm nhiều cách khiến tôi phải nhụt chí, không đụng chạm đến việc “làm ăn” của tụi nó, nhưng tôi nào sợ.
Trong cuộc sống đời thường, anh là người rất giản dị, đậm chất chân quê, nhưng khi trấn áp tội phạm thì bản tính cương nghị của anh khiến nhiều đối tượng phải chùn bước. |
- Mới đây thôi, anh cũng đã bị băng Tuấn “chó”- từng gieo rắc nỗi sợ hãi đối với người dân Bình Dương truy sát ngay tại tiệm bánh mì của gia đình anh vì phá đám chúng. Khi đối diện với kẻ thù, lại vừa ra viện được một thời gian, anh đã vượt qua giây phút sinh tử đó như thế nào?
- Gia đình tôi ra sức khuyên tôi nên nghỉ làm “hiệp sĩ” khi đã lành vết thương nhưng tôi đã an ủi người thân để mình tiếp tục góp sức bảo vệ sự bình yên cho mọi người. Ngay như Tuấn “chó”, hắn từng nhiều lần mời tôi đi cà phê, uống rượu và tỉ tê xin đừng có phá đám chuyện “làm ăn” của tụi đàn em nhưng bị tôi gạt phăng, kiên quyết không thỏa hiệp.
Sau đó bọn chúng đã tìm cách trả thù vào rạng sáng ngày 27/6/2011, lúc đó tôi đang chuẩn bị bánh mì để đi giao cho các điểm bán lẻ thì bất ngờ xuất hiện 4 thanh niên đi trên 2 xe gắn máy đậu ngay trước nhà. Một đối tượng ngồi sau nhảy xuống rút mã tấu lao thẳng vào bên trong nhà tấn công.
Sau cuộc chém “hội đồng”, tôi bị trọng thương gục ngay tại chỗ, 4 tên côn đồ nhanh chóng lên xe tẩu thoát. Sau đó một người dân phát hiện đưa tôi khẩn cấp vào bệnh viện cấp cứu trong tình trạng đa chấn thương, mất máu khá nhiều.
Từng nhiều lần bị các băng nhóm giang hồ truy sát, phải nhập viện nhưng anh vẫn không run sợ, bỏ cuộc. |
Sau này, khi băng cướp Tuấn “chó” và các đối tượng tham gia chém tôi trọng thương cũng đã sa lưới và đối mặt với vòng lao lý, tôi dường như cảm thấy trút được gánh nặng, giúp người dân không còn nỗi lo sợ khi phải đối diện với băng cướp này.
"Tôi là kẻ “chê” tiền"
- Động lực nào khiến anh sau nhiều lần bị truy sát mà vẫn không thoát ra được khỏi chức danh “hiệp sĩ”. Phải chăng, khi anh tham gia bắt các đối tượng trộm, cướp, anh nhận được rất nhiều tiền mua chuộc mà bọn chúng sẵn sàng hối lộ để anh không làm lớn chuyện?
- Nếu ai đó bảo, làm “hiệp sĩ” sẽ được nhiều tiền thì họ đã nhầm và nghĩ sai đối với những người như chúng tôi. Anh thử làm phép tính đơn giản, mỗi năm tôi bắt được cả chục vụ, nếu mình tham lam thì cũng kiếm được khối tiền, nhưng lương tâm mình không cho phép làm bậy bạ.
Đến giờ, dù đã gần 20 năm xa xứ lập nghiệp, tôi vẫn là kẻ đi thuê nhà, hai vợ chồng cật lực lao động cũng may ra đủ ăn. Còn chuyện làm “hiệp sĩ”, tôi cũng giống như nhiều bạn bè khác chỉ là “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”.
- Nếu anh nhận hối lộ thì có ai biết được? Số tiền đó có khi gấp đôi tiền thu nhập cả năm của anh và vợ?
- Gia đình của tôi ở quê vốn rất nghèo, anh em lại ít học đến nơi tới chốn nhưng từ nhỏ ba mẹ tôi luôn dạy “đói cho sạch, rách cho thơm”. Lời dạy này tôi vẫn khắc ghi và nó chính là quan điểm sống.
Với hơn 20 năm mang danh phận "hiệp sĩ", anh đã truy bắt nhiều đối tượng giang hồ, cộm cán, giúp đảm bảo trật tự trị an trên địa bàn. |
Ví như trong vụ của đàn em Tuấn “chó” khi bị tôi phát hiện “ăn hàng” xe máy trước tiệm sửa chữa điện thoại, đã sẵn sàng bỏ ra 30-50 triệu để xin tôi tha nhưng đều bị từ chối. Hay như vụ các đối tượng trộm cắp bị bắt quả tang vừa móc túi, bị tôi tóm. Trên đường bị dẫn giải về công an, chúng đã khóc lóc, van xin bỏ qua và giao luôn tiền, đồ đạc chúng ăn cắp được nhưng mình đâu dễ lung lay.
- Nói như thế, hóa ra anh là người “chê” tiền?
- Nói tôi “chê” cũng đúng mà ai đó nói mình “ngu” cũng được, miễn sao tôi thấy lương tâm mình thấy thoải mái. Mình có ít tiêu ít, có nhiều tiêu nhiều. Như ngày đầu tôi vào Sài Gòn lập nghiệp, trong túi chỉ có 70 ngàn đồng, đi xe hết 40 ngàn, dọc đường ăn uống nữa, đến bến xe chỉ còn đủ 19 ngàn đồng nhưng vẫn bám trụ và sống được đến chừng này đó.
- Nhưng trong thời buổi này, người ta so sánh “lương tâm” vẫn không bằng “lương tháng”. Liệu cứ mãi giữ mình trong sạch như thế, anh không nghĩ đến một lúc nào đó khi rời xa danh phận “hiệp sĩ”, bản thân anh muốn “được” nhận “hối lộ” thì đã quá muộn?
- Tôi may mắn là luôn có một người vợ hiểu mình và thông cảm, cũng như hay nhắc nhở không được nhận tiền “bẩn”. Chính vì thế, dù cuộc sống vợ chồng hiện tại khó khăn thật đấy nhưng không bao giờ vợ lên tiếng than vãn. Điều này khiến tôi an tâm hơn khi đi ra ngoài xã hội và giúp đỡ người khác. Một khi tôi đã quyết định làm một việc gì đó, tôi không bao giờ hối hận, đặc biệt là những gì liên quan đến tiền bẩn, tôi lại càng cố tránh xa.
- Trở lại câu chuyện gia đình anh, thời gian qua mọi người biết anh luôn kiên quyết tham gia nhiều phi vụ liều mình trấn áp các loại tội phạm, và được người dân mến tặng gọi là “hiệp sĩ” đường phố. Thế nhưng người em lại chính là hung thủ chuyên tham gia băng nhóm cướp giật, tiêu thụ tài sản. Anh nghĩ sao về điều này?
- Nó là em ruột tôi thật, nhưng dù là em nếu có phạm tội thì đều phải chịu sự trừng trị của pháp luật thôi, ai làm thì người đó chịu.
Ngay như chính tôi cũng từng bị nó ghét ra mặt, không thèm đoái hoài đến thăm vì “tội” đã bắt nó đưa vào trại cai nghiện ma túy. Trọng đi trại cai nghiện trong vòng 2 năm, đến tháng 12/2010 thì xuất trại. Thấy em lầm lỗi thề dứt được “ma tuý” rồi, cả gia đình mừng khôn xiết, mọi người hi vọng một tương lai mới cho “thành viên hư đốn” trong nhà. Ngờ đâu nó lại “ngựa quen đường cũ”.
- Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
GIANG UYÊN
Theo Infonet
Nguồn: Zing Snew
Nguồn: Zing Snew