[/size] Nhận được 10 phiếu trong tổng số 39 phiếu từ Ban giám khảo, các Hiệp sĩ săn bắt cướp (SBC) đã trở thành Nhân vật của năm 2011 do VnExpress bầu chọn.
Cuộc bầu chọn Nhân vật của năm 2011 tiến hành trong thời gian từ đầu tháng 12 và khép lại vào ngày 14/12, với một Ban giám khảo hoạt động độc lập. Các giám khảo không biết danh tính của nhau, bầu chọn theo hình thức bỏ phiếu kín. Tiêu chí bầu Nhân vật của năm là: Người hoặc tập thể có hoạt động nổi bật trong năm, có ảnh hưởng đáng kể đến đời sống, hoặc có thành tựu nổi bật trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa, khoa học, thể thao. Thắng lợi của các Hiệp sĩ SBC được quyết định bởi những lá phiếu cuối cùng, do tỷ lệ phiếu bầu khá sít sao. Người nhận được phiếu bầu nhiều thứ hai là Bộ trưởng Đinh La Thăng (9 phiếu). Bên cạnh danh hiệu chính thức Nhân vật của năm, từ năm 2011 VnExpress.net có thêm Nhân vật của năm do độc giả lựa chọn.Cuộc bầu chọn danh hiệu này diễn ra trong vòng một tháng, kết thúc vào 14/12, theo thể thức bầu chọn trực tiếp trên mạng và qua tin nhắn (mỗi thuê bao chỉ được nhắn 1 lần), Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình nhận được 71% số phiếu bầu, đã trở thành Nhân vật của năm do độc giả VnExpress lựa chọn. |
Đại diện cho hàng ngàn hiệp sĩ, anh Nguyễn Văn Minh Tiến và Nguyễn Tăng Tiên sẽ trả lời phỏng vấn trực tuyến trên VnExpress.net từ 9h ngày 16/12. Độc giả gửi câu hỏi trước tại đây. |
Dáng vẻ ngang tàng và bụi bặm, Minh Tiến cười tươi và nói, bản thân anh từng nhận rất nhiều bằng khen của các bộ ngành, nhưng vẫn rất bất ngờ và… "sướng" vì các hiệp sĩ đã được người dân tin tưởng và yêu mến đến như vậy: "Người giàu chia sẻ với người khác bằng vật chất, còn chúng tôi chỉ có tấm lòng với khả năng bắt cướp trời cho nên chúng tôi sẽ đem hết sức để giúp đỡ mọi người".
Tự nhận mình là người của đường phố, không biết ăn nói văn vẻ, hiệp sĩ Tiến chân thành hứa: Sẽ không vì bất kỳ tư lợi gì để làm hoen ố thanh danh "Nhân vật của năm" vừa được trao tặng.
Đội trưởng Câu lạc bộ Phòng chống tội phạm phường Phú Hòa (Bình Dương), anh Nguyễn Thanh Hải (Hải SBC) lại ngẩn người khi nhận tin từ VnExpress. Giọng đặc sệt Nam Bộ, anh bảo thấy người cứ lâng lâng. "Mừng quá, tôi sẽ gọi điện cho anh em, cho vợ con để khoe mới được. Tôi chẳng biết nói gì bây giờ, chỉ biết đang rất xúc động trước tình cảm mọi người dành cho anh em. Chúng tôi sẽ cố gắng phấn đấu tốt hơn nữa để không phụ lòng tin tưởng của mọi người", Hải SBC nói.
Chiến công của các hiệp sĩ được Nhà nước ghi nhận: Hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải đã được Chủ tịch nước tặng huân chương chiến công hạng Ba. Hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến cũng nhận được nhiều bằng khen của công an. |
Hiệp sĩ Nguyễn Tăng Tiên từng bị tội phạm hai lần truy sát trả thù. Hiệp sĩ Nguyễn Xuân Chinh tử tạn trên đường truy bắt cướp. Hiệp sĩ Phạm Văn Thúc (66 tuổi) bị khoảng chục tên thanh niên đánh hội đồng gây đa chấn thương, gãy xương đùi khi giải thoát cho một người say rượu. Hiệp sĩ Ngô Trung Thành bị thương nặng khi hai tên cướp giật dây chuyền chống trả trên đường truy đuổi. Hiệp sĩ Tô Trí Dũng bị đạp ngã xe trọng thương. Hiệp sĩ Minh Tiến dù giỏi võ cũng không tránh khỏi nhiều các lần bị tội phạm đạp ngã xe, có lần còn mất xe khi truy đuổi. Không thể kể hết những lần các anh bị tội phạm chống trả, tấn công gây thương tích, nhưng các anh đều cho biết sẽ không từ bỏ công việc “vác tù và hàng tổng”, bởi người dân vẫn cần các hiệp sĩ.
Chị Nguyễn Thị Thúy Diễm (29 tuổi), nhân viên một công ty viễn thông tại quận Tân Bình (TP HCM) bảo còn nhớ như in ngày được hiệp sĩ Nguyễn Văn Minh Tiến và đồng đội giúp lấy lại giá trị tài sản gần 20 triệu đồng bị bọn cướp giật mất. "Trước đó tôi có nghe nói các hiệp sĩ xả thân bắt cướp, cứ nghĩ các anh phải được lợi lộc gì đấy, hoặc ít nhất cũng được cơ quan đoàn thể nào đấy trả lương. Nhưng đến khi mình rơi vào hoàn cảnh, là người trong cuộc mới hiểu họ làm việc trượng nghĩa hoàn toàn vô điều kiện.", chị Diễm chia sẻ.
Còn anh Trần Văn Tuấn (44 tuổi), bị hại của vụ trộm xe máy đắt tiền tại phường Phú Hòa (Bình Dương) cho hay, người dân tại tỉnh này đã biết đến nhóm hiệp sĩ SBC của anh Hải từ những năm cuối thế kỷ trước. Một buổi tối cách đây 2 năm, chiếc xe máy mà gia đình anh chắt chiu rất lâu mới mua được bỗng không cánh mà bay, mọi người trình báo công an, mặt khác anh gọi cho Hải SBC nhờ giúp đỡ.
"Nghĩ báo tin thế thôi chứ tôi không hy vọng nhiều lắm các hiệp sĩ tìm lại được chiếc xe. Bọn trộm lấy mất rồi, bóng chim tăm cá các anh biết đâu mà tìm. Vậy mà tối hôm đó tôi nhận được điện của Hải kêu lên công an phường nhận xe. Không biết các hiệp sĩ làm thế nào mà tài thế", anh Tuấn cho biết.
Một trong các giám khảo cuộc bầu chọn danh hiệu Nhân vật của năm 2011, ông Đặng Hùng Võ (*), cố vấn cấp cao của Bộ Tài nguyên Môi trường, nhận xét về “hiện tượng” Hiệp sĩ săn bắt cướp: “Trong khi có những nơi tình hình an ninh còn chưa tốt, sự xả thân quên mình của các hiệp sĩ SBC rất đáng trân trọng. Bên cạnh nỗ lực của chính quyền, việc chính người dân đứng lên bảo vệ người dân sẽ giúp cho đất nước bình yên hơn. Các hiệp sĩ làm những nghề “vô danh” như xe ôm, bán bánh mì, nhưng hành động lại rất cao cả. Tôi cho rằng họ đáng để cả nước phải nghiêng mình trân trọng".
Một giám khảo khác, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ: “Bản thân tôi đã chứng kiến nhiều người rất vô cảm với nỗi đau của người khác. Đi tàu xe, nhìn thấy người móc túi, kẻ gian, nhiều người trong chúng ta sợ, không dám lên tiếng. Nhưng hãy nhìn những hiệp sĩ vô danh kia, họ không chỉ dám xả thân mà còn sẵn sàng đối mặt với cái chết vì chân lý, vì cái thiện. Vậy thì cớ gì họ không được vinh danh và nhớ ơn?”.
VnExpress
* Nguyên tắc bầu chọn Nhân vật của năm là bảo mật thông tin giám khảo để đảm bảo tính khách quan, độc lập trong lựa chọn của từng vị. Tuy nhiên, một số vị giám khảo đề nghị công khai tên tuổi và quan điểm. Tòa soạn tôn trọng nguyện vọng này, và chỉ công khai sau khi đã có kết quả bầu chọn cuối cùng.