Loài là tập hợp các cá thể sinh vật có những đặc điểm sinh học tương đối giống nhau, có khả năng giao phối với nhau tạo ra thế hệ con có khả năng sinh sản. Tuy nhiên, một số cá thể thuộc các loài nhất định có thể giao phối với nhau tạo ra thế hệ sau (dù thế hệ sau không có khả năng sinh sản và sức sống kém). Bài viết xin đưa ra một số ví dụ điển hình về việc lai giống khác loài.
1. Hổ (Tiger) và Sư tử (Lion)
Hổ và sư tử từng có tổ tiên chung, song chúng bắt đầu tách thành hai loài riêng biệt từ khoảng 7 triệu năm trước. Mặc dù vậy, ngày nay chúng vẫn có thể giao phối với nhau để sinh con.
Trong môi trường hoang dã, các đàn hổ và sư tử sống trong những khu vực hoàn toàn khác nhau. Và giả sử có cùng sống trong cùng một khu vực địa lý, chúng cũng không thể “xếp hình” với nhau. Nếu một con hổ đực tìm cách giao phối với một con sư tử cái, một con sư tử đực sẽ tấn công hổ. Ngược lại, nếu một con sư tử đực tới gần một hổ cái, một con hổ đực cũng sẽ tìm cách xua đuổi kẻ khác loài. Tuy nhiên, trong môi trường nuôi nhốt, hổ và sư tử có thể giao phối nếu chúng không còn lựa chọn nào khác. Và sản phẩm tạo ra là gì?
Sự kết hợp giữa sư tử đực và hổ cái tạo ra con con gọi là Liger. Chúng có kích thước to hơn bố mẹ và là những động vật lớn nhất trong họ mèo. Liger có thể đạt chiều dài tới 3 m và trọng lượng tới 315 kg.
Sản phẩm của một chú hổ đực và một sư tử cái là một con Tigon. Chú Tigon đầu tiên trên thế giới ra đời vào ngày 27 tháng 8 năm 2009 tại vườn thú tỉnh Hải Nam,Trung quốc. Về hình dáng, Tigon khá giống với người anh em Liger của mình, nhưng về kích thước, Tigon lại khá nhỏ bé vì nó thừa hưởng gen khống chế kích thước vốn có của sư tử mẹ. Trọng lượng trung bình của tigon vào khoảng 150kg. Bờm trên đầu tigon đực nhỏ và ngắn, chẳng giống lắm với bờm sư tử mà chỉ là một đám lông rậm rạp hơn một chú hổ bình thường.
Nếu cho Liger cái giao phối với sư tử đực tạo ra chú Liliger. Năm 2012, vườn thú Novosibirsk tại Nga vừa công bố bức ảnh "sản phẩm" đầu tiên giữa một con sư tử hổ cái (tên là Zita) với sư tử đực châu phi (tên là Sam).
2. Báo (Leopard) và sư tử (Lion)
Leopon là kết quả của sự phối giống giữa báo đực và sư tử cái. Đầu của con vật giống như sư tử trong khi những phần còn lại trên cơ thể tương tự như báo. Leopon lớn hơn báo, thích trèo cây và nghịch nước.
Việc nghiên cứu cho lai tạo thành công nhất tại vườn thú Koshien Hanshin, Nhật Bản.
3. Ngựa, Lừa và ngựa vằn.
À, tất nhiên là chỉ có hai trong ba con trong số trên giao phối từng đôi một tạo nên con lai. Và con lai của chúng tạo ra được gọi chung là Zebroid. Trong đó, Zorse là kết quả phối giống giữa ngựa thường và ngựa vằn.
Zonkey là sự phối giống giữa ngựa vằn và lừa. Một bà mẹ ngựa vằn vừa được giao phối với ông bố là lừa và cho ra đời một con lai hiếm thấy tại công viên Haicang Safari Park thuộc thành phố Hạ Môn, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.
Còn Zony là phối giống giữa ngựa vằn và ngựa lùn (pony).
La là sản phẩm của bố Lừa và mẹ Ngựa. Đây là dạng con lai phổ biến nhất trong họ Ngựa và nổi tiếng vì khả năng dẻo dai, chắc chắn, chịu đựng khó khăn tốt của chúng. Theo quy luật di truyền theo dòng mẹ (di truyền ti thể), trông La có nhiều điểm giống lừa hơn ngựa. Và thêm một điều thú vị, bộ máy di truyền của con La có 63 NST (con số trung gian của ngựa- 64NST và lừa- 62 NST). Theo lý thuyết, con số lẻ này không cho phép các nhiễm sắc thể chia cặp, do đó, la không có khả năng sinh sản. Tuy nhiên, tạo hóa vốn dĩ chẳng tồn tại quy luật tuyệt đối nào. Bằng chứng là đã có hai trường hợp La mẹ sinh con: một ở Marốc vào năm 1984 và một con ở Trung Quốc vào năm 1988.
Còn nếu bố Ngựa giao phối với mẹ Lừa sẽ tạo ra đứa con có tên Luy. Rất hiếm nhưng ít giá trị với con người hơn la. Con này có kích thước nhỏ hơn La và không dai sức như La.
4. Lạc đà có bướu và Lạc đà không bướu
Lạc đà có bướu (Camel) và lạc đà không bướu (Llama, hay đà mã) không thể “yêu” nhau theo cách tự nhiên, dù sống chung trong một chuồng (điều có thể xảy ra đối vời hổ và sư tử) vì kích thước của chúng khá khác biệt. Chỉ bằng cách thụ tinh trong ống nghiệm mới có thể tạo được những con lai có tên Cama.
Cama có tai ngắn đuôi dài như lạc đà nhưng bụng thon như đà mã. Điều đáng chú ý nhất là chúng không có bướu như lạc đà.
5. Cừu và Dê
Năm 2000, các bác sĩ thú y tại Botswana đã phát hiện ra con lai của một con dê cái và một con cừu đực, và gọi nó là Toast. Nó có lớp lông ngoài thô và to, lớp lông trong thì mịn, chân dài như chân của dê và có thân hình nặng nề của cừu. Con vật này có sức sống khá tốt trong thiên nhiên.
Một câu chuyện khác xảy ra ở đức, tại nông trang của ông Klaus Exsternbrink. Một chú dê đực đã vô tình nhảy qua rào và có "cuộc tình một đêm" với một cô cừu. Kết quả là, chú cừu lai dê có tên Lisa đã ra đời. Con vật này có hình dáng và tầm vóc giống với một con cừu bình thường nhưng lại có màu lông và chân sau giống dê.
Hiện Lisa đã được gửi tới một trường thú y tại Hanover, tại đây cá chuyên gia đang tiến hành kiểm tra gen nhằm quyết định trạng thái lai tạp của nó.
6. Gấu rừng (Grizzly) và gấu Bắc cực (Polar bear)
Vốn dĩ là hai loài chẳng ưa gì nhau trong thiên nhiên nên hiếm khi gặp cảnh chúng ân ái nhau dù tương đối gần về mặt di truyền. Tuy nhiên khi bị ép duyên, chúng cũng cho những đứa con lai, được đặt những cái tên ghép là Grolar hoặc Pizzly (tên con đực trước, con cái sau).
Vào ngày 16/4/2006, Jim Martell, đã săn được một con grolar sống trong rừng ở biên giới Mỹ và Canada. Đó là đứa con lai của hai loài gấu lần đầu gặp trong thiên nhiên.
7. Vịt và Ngan
Khi lai giữa ngan trống với vịt mái hoặc ngược lại sẽ tạo ra loài Mula, ở việt nam vẫn thường gọi là giống vịt lai ngan. Là sản phẩm lai của hai loài khác nhau, mula không có khả năng sinh sản nhưng vượt trội hơn bố mẹ chúng ở khả năng tăng trưởng, cho năng suất cao.
Tỉ lệ ghép phối tự nhiên 1 ngan trống với 2 - 4 vịt mái đạt từ 40 đến 50%. Trứng ấp 29 ngày sẽ nở. Nếu ghép phối ngược lại,1 vịt đực với 3 - 4 ngan mái, tỉ lệ đạt 81 đến 91%, trứng ấp 31ngày sẽ nở. Do đó thường thụ tinh nhân tạo giữa ngan trống với vịt mái để được nhiều con và nuôi béo con lai để lấy thịt.
8. Bò nhà - Bò rừng.
Một trong những thành công nhất của ngành công nghiệp thực phẩm Mỹ là đã lai tạo thành công giống Beefalo, con lai của bò nhà và loài bò rừng bison.
Beefalo có sức khỏe tốt hơn và cho thịt chất lượng hơn cả bố và mẹ. Beefalo cung cấp nhiều thịt chứa hàm lượng protêin cao và ít béo hơn. Thậm chí thịt của loài này chứa rất ít cholesteral mà vị của nó được đánh giá là ngon hơn thịt bò thường.