Tin tức - pháp luật 2012-04-30 07:04:15

Hòa hợp dân tộc và sự hồi sinh từ nỗi đau


[size=1]Hòa hợp dân tộc và sự hồi sinh từ nỗi đau[/size]Ám ảnh về nỗi đau 'mẹ thằng Xăm' trong thời đất nước chia cắt. Tôi cậy nhờ đồng nghiệp trong Sài Gòn: tìm giúp một gia đình vừa có con theo Việt Nam Cộng hòa, vừa theo 'Việt Cộng'. Nhà báo Trần Chánh Nghĩa cười khà khà: "Em đang nói chuyện gia đình anh đấy!"Dù 'bên này' hay 'bên kia', nỗi đau đều giống nhau

"Sống trong sợ hãi", bộ phim truyện nhựa đầu tay của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên có tên lúc đầu là 'Tay đào đất'. Phim kể về cuộc sống của một cựu chiến binh Việt Nam cộng hòa phải sống cuộc đời vất vả mạo hiểm là đào bom mìn còn sót lại từ thời kỳ chiến tranh đem bán; và cuộc sống căng thẳng của ông với hai người vợ, trong đó có một người là em gái một sĩ quan Bắc Việt Nam.

Thực ra bộ phim được làm dựa trên một chuyện có thật, cuộc đời thật của bác nông dân Ngô Đức Nhật ở xã Vĩnh Hải, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận. Một câu chuyện vừa căng thẳng và cảm động về những vấn đề con người phải đối mặt ngay khi chiến tranh đã đi qua, và về tình người.

Thật bất ngờ, chúng tôi tìm được một 'tay đào đất' khác ở Huế. Nhìn người đàn ông chỉ có một tay lao động quần quật bên đống đất, hì hục bê những tảng đất bằng cách ép chặt vào người thật vất vả.

Vừa làm việc, anh vừa nói chuyện: "cánh tay này tôi mất vào mấy ngày cuối cùng của chiến tranh".

Anh tên Ngô Công Vò, quê xã Thủy Phù, Hương Thủy, Thừa Thiên - Huế, đi lính cho chế độ Sài Gòn năm 1970.

Những ngày cuối cùng trước khi Mỹ rút quân, chế độ Sài Gòn hầu như đã bị tê liệt. Đơn vị của anh Vò lúc đó bị kẹt lại ở căn cứ 719 Hạ Lào, Lam Sơn và bị bao vây. Anh Vò bị bắn vào cánh tay không được chăm sóc, cánh tay bị hoại tử khiến anh sốt mê man.

Trong những nỗ lực cuối cùng, đơn vị của anh tháo chạy được về căn cứ trên rừng, nhưng sau cũng bị Quân đội Bắc Việt Nam truy đuổi. Anh Vò bị bắt làm tù binh trong tình trạng mê man. Anh được đưa về Bệnh viện Huế chữa trị, và nhờ có hoạn nạn ấy, anh được miễn vào trại cải tạo.

"So với nhiều anh em lính chế độ cũ, tôi còn may mắn hơn nhiều. Nhưng cuộc sống vẫn vất vả lắm. Anh em thương binh phía Bắc còn có chế độ, chứ chúng tôi chẳng có gì, làm việc quần quật mà chẳng đủ nuôi vợ con".



Anh Ngô Công Vò bên mẹ và vợ, Ảnh Hoàng Hường




Công việc của gia đình anh Vò chủ yếu làm ruộng, và ai thuê gì làm nấy. Công việc khá thường xuyên của anh là lấy đất thải san ủi nền nhà, và cả tháo gỡ những quả bom mìn còn sót lại trong vùng đem bán. Công việc vất vả, mạo hiểm đủ để tùng tiệm cuộc sống.

Không 'đào hoa' bằng bác nông dân Ngô Đức Nhật có cùng lúc hai người vợ, người phụ nữ của anh Vò là cô gái cùng làng. Sau khi chiến tranh kết thúc, anh về quê gặp lại người yêu xưa. Chị thương anh còn lại một cánh tay nên nguyện kết bạn đời bên anh chăm sóc.

Anh tâm sự: làm mẹ làm vợ lính thời nào cũng khổ. 'Bên này' hay 'bên kia' thì cũng là con của mẹ cả thôi. Con thương tích trở về, người chiến thắng hay kẻ chiến bại đều làm người thân đau đớn.

Đặt bên lề những ý thức hệ, trong tim những người phụ nữ chiến tranh không chỉ có bom đạn, mà ở ngay trong những giằng xé nhân bản.

Những đứa con loạn lạc

Năm 2003, bộ phim tài liệu Cô gái Đà Nẵng vừa đoạt giải Phim hay nhất tại LHP Sundance lại tiếp tục lọt vào Top 5 đề cử Oscar Phim tài liệu hay nhất. 'Nỗi đau chiến tranh không còn ở những trái bom, mà ở trong tim những người phụ nữ', một lời bình về bộ phim.

Những ngày loạn lạc tháng 4/1975, những tin đồn thất thiệt khủng khiếp kiểu "Việt Cộng sẽ vào trả thù thân nhân lính chế độ cũ. Những đứa con lai Mỹ sẽ bị giết", khiến người phụ nữ Đà Nẵng Mai Thị Kim mất ăn mất ngủ. Bà có gia đình với một người đàn ông Việt Nam, có 3 con với ông, nhưng một ngày người chồng biến mất không để lại dấu tích (sau này ông về đoàn tụ bà mới biết ông bí mật ra Bắc tham gia kháng chiến).

Một mình bà Kim ở nhà nuôi ba đứa con, và bà vướng lưới tình của một người lính Mỹ. Họ có với nhau một cô con gái, nhân vật chính Cô gái Đà Nẵng sau này.

Vào những ngày cuối tháng 4/1975, trong một nỗ lực nhân đạo gây tranh cãi. Chính phủ Mỹ đã quyết định tổ chức chiến dịch Không vận cô nhi (babylift), với tham vọng đưa khoảng 70.000 trẻ em (được cho là) mồ côi ra khỏi Việt Nam, lúc đó đang thời điểm giao tranh hỗn loạn. Thật không may, chuyến bay đầu tiên C5A cất cánh ngày 4/4/1975 đưa 250 trẻ em mồ côi rời khỏi Việt Nam đã bị rơi chỉ 15 phút sau khi cất cánh, khiến gần 200 trẻ và bảo mẫu thiệt mạng. Nhưng sau tai nạn vẫn liên tiếp có những chuyến bay chở trẻ em rời khỏi Việt Nam.

Do lo sợ tính mạng con gái, bà Kim đã tìm mọi cách đưa cô con lai vào Sài Gòn, đưa lên một chuyến bay babylift. Khi đó Mai Thị Hiệp, tên cô bé, đã 7 tuổi.

Sau này hòa bình, đoàn tụ với người chồng Việt Nam, bà Kim nỗ lực bằng mọi cách tìm lại cô con gái lai. 22 năm sau, qua sự giúp đỡ của vài tổ chức quốc tế. Con gái Mai Thị Hiệp của bà quay lại Việt Nam tìm mẹ, đi cùng cô là đoàn làm phim tài liệu.

Nhưng chuyến trở về lại trở thành bi kịch cho cả hai người phụ nữ: mẹ và con, do những bất đồng văn hóa và những nhiều nỗi đau khác cộng lại. Cô gái trở về Mỹ, từ chối gia đình Việt Nam. Bà mẹ mất con lần thứ 2..

Câu chuyện quá buồn về vết thương chưa dễ gì hàn gắn từ cuộc chiến đã khiến bộ phim tài liệu thành một câu hỏi day dứt ám ảnh khiến tôi quyết tâm đi tìm bà mẹ Mai Thị Kim, mong có thể cập nhật thêm câu chuyện của mẹ con bà. Nhưng thật đáng tiếc, TP Đà Nẵng phát triển quá nhanh, địa chỉ các khu phố đã thay đổi. Gia đình bà đã 'biến mất' dù tôi đã cố gắng hết sức tìm.

Cách xa gia đình bà Mai Thị Kim hàng ngàn cây số, người phụ nữ có cái tên rất đẹp Nguyễn Thị Ngọc Điệp bán bánh mì trên góc phố Trần Quang Khải - Hai Bà Trưng, phường Tân Định, Q1, TP Hồ Chí Minh hết sức hồ hởi khi được hỏi thăm và hào hứng nói Tiếng Anh với Marissa.

Khi được hỏi thăm, bà nhiệt tình gọi điện cho con trai ra nói chuyện. Người thanh niên 37 tuổi, chân hơi bị dị tật có ánh mắt buồn, lông mi cong được vài người dân trong phố giới thiệu là: con (đẻ) lai Mỹ của bà Điệp.



Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp và người con trai "101% là con lai Mỹ gốc Phi" Nguyễn Văn Dũng, Ảnh Hoàng Hường




Còn bà Điệp giới thiệu Nguyễn Văn Dũng, tên anh con trai, là con nuôi. Bà nói bà nhặt được Dũng trên phố đầu tháng 4/1975. "Lúc đó hỗn loạn lắm. Ai đó vứt bỏ thằng bé, chân bị tật trên phố. Nó đói lả, khóc gào thương lắm nên tôi đưa nó về nhà nuôi".

Bà Điệp nói chính vì thế nên nguồn gốc và giấy tờ của Dũng không rõ ràng, nên anh không được bảo lãnh sang Mỹ theo diện H.O. Chuyện Dũng là con đẻ hay con nuôi, nguồn gốc của anh thế nào có lẽ là bí mật chỉ duy nhất bà Điệp biết rõ nhất. (Bà Điệp có hai đời chồng người Việt Nam. Ngoài Nguyễn Văn Dũng, bà có 3 người con khác)

Nhưng theo khẳng định của người dân xung quanh, và sau khi nói chuyện và quan sát kỹ, Marissa Roth khẳng định "101% Nguyễn Văn Dũng là con lai Mỹ, cụ thể người Mỹ gốc Phi".

Nguyễn Văn Dũng mới kết hôn. Vợ anh phụ chị gái bán cơm. Dũng làm thợ sơn đồ.

Cách quán bánh mỳ của bà Điệp vài chục nhà, nhà báo Trần Chánh Nghĩa trầm ngâm về lịch sử gia đình anh. Nhà đông anh em, anh đi lính Việt Nam cộng hòa, còn 4 anh chị khác theo Bắc Việt. Có một thời, mẹ anh là mẹ của những đứa con ở hai chiến tuyến.

Nay mẹ anh đã mất rồi. Trần Chánh Nghĩa trở thành nhà báo lăn lộn qua nhiều tờ báo khác nhau, giờ là cây bút thời sự của VietNamNet. Các anh chị anh giờ người thành đạt, giữ vị trí cao trong xã hội, người đã đi Mỹ theo diện H.O.

"Giờ chỉ lo làm sao sống vui, viết khỏe là tốt rồi", "bố già" Trần Chánh Nghĩa thả ra một hơi khói thuốc mù mịt, nhàn tản.

***



"Tôi sống ở đây từ bé, xem bom rơi trên cánh đồng, giờ tôi vẫn làm ruộng trên cánh đồng ấy" Ảnh Hoàng Hường




Ngày làm việc cuối cùng, chúng tôi chụp một người phụ nữ nông dân Bùi Thị Lung trên cánh đồng Hóc Môn "tôi sống ở đây từ bé, xem bom rơi trên cánh đồng, giờ tôi vẫn làm ruộng trên cánh đồng ấy" và rừng sác Cần Giờ.

Chuyến đi 'góp nhặt' nỗi đau của những người phụ nữ, do một phụ nữ Mỹ thực hiện, với sự hỗ trợ của một phụ nữ khác là tôi, đã kết lại ở Cần Giờ.

Những cánh rừng sác ngút ngàn, sau khi bị hủy diệt trơ trụi bởi bom đạn và thuốc diệt cỏ, đang hồi sinh mạnh mẽ
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)