[size=4]
[/size]
[size=4]Hình minh họa[/size]
[size=4]
[/size]
[size=4]Không như trước đây, đứa trẻ sinh ra chỉ cần cho bú sữa mẹ, đến sáu tháng thì ăn bột, đến bảy tuổi đi học. Bây giờ, một đứa trẻ ra đời cần rất nhiều thứ khác nữa: sữa bột, tã giấy, đồ chơi, bảo mẫu, nhà trẻ, thuốc men, chi phí học hành… Đó là cả một gánh nặng cho những cặp vợ chồng trẻ hiện nay, nhất là khi giá cả mọi thứ luôn tăng còn thu nhập thì đứng yên.[/size]
Cha mẹ giục sinh, vợ chồng muốn hoãn
Lệ Hoa, 28 tuổi, uất ức kể lại với đồng nghiệp những mâu thuẫn của cô với gia đình hai bên. Vợ chồng cưới nhau chưa được ba tháng mà cứ hai ba bữa gia đình ở quê lại gọi điện vào kêu vợ chồng cô… đẻ đi!. Vì theonhư mẹ chồng Hoa: “Ở tuổi này người ta đã có con năm, sáu tuổi. Giờ vô sinh đầy rẫy…” Hiểu nỗi lo của người lớn, nhưng vợ chồng Hoa muốn tích luỹ thêm một ít tiền thì mới có điều kiện sinh con. Cô giải thích kế hoạch của mình với bố mẹ ruột, ai ngờ ông bà cũng bác bỏ: “Sinh được thì nuôi được, ở đó lo bò trắng răng, khối người nghèo hơn vẫn nuôi con khoẻ mạnh, khôn ngoan”. Hoa tâm sự: “Thật ra vợ chồng tôi cũng muốn sinh con. Nhưng thử tính lại, lương vợ lương chồng mỗi tháng trả tiền điện nước, chi tiêu ăn uống chỉ còn dư 1 triệu đồng. Đứa nhỏ ra đời lúc này tốn kém khá nhiều. Chi phí cho bé mỗi tháng cũng mất 5, 6 triệu đồng. Chưa kể cứ vài bữa giá cả lại tăng. Giờ mà sinh con, lại nghỉ sinh thêm bốn, năm tháng nữa, có khi thất nghiệp luôn”.
Nỗi lo của Hoa cũng là nỗi lo chung của nhiều cô vợ trẻ thời buổi hiện nay. Sinh con và nuôi con trong những ngày “bão giá” quả là một hành trình đầy khó khăn. Xoay đường nào cũng gặp khó. Với những cặp vợ chồng đều làm công nhân, người lao động thu nhập thấp, cái khó lấp cả hạnh phúc sinh con. Ví như trường hợp của chị Thu Hoà, 30 tuổi, công nhân dệt may. Chị nói: “Con gái tôi năm nay hai tuổi. Nhưng hết một năm đầu tôi phải liên tục xin nghỉ không lương để ở bệnh viện cùng con vì nó hết viêm phổi lại đến bệnh tay chân miệng. Vợ chồng xoay đâu cũng gặp túng thiếu, đôi khi chỉ ăn rau luộc, đậu chiên để dành tiền mua sữa. Chỉ riêng tiền sữa cho con hàng tháng cũng ngốn gần 3 triệu đồng, mất đứt gần lương tháng của cả hai. Tốn kém vậy sao dám sinh thêm đứa nữa”.
Thời điểm sinh con tốt nhất từ 25 đến dưới 30 tuổi Không có đủ điều kiện, các bà mẹ trẻ có thể chọn cho con loại sữa rẻ mà vẫn đủ dinh dưỡng. Tuy nhiên, sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng tốt với trẻ. Cho trẻ bú sữa mẹ trong cả năm đầu tiên vừa tiết kiệm chi phí, vừa tạo cho trẻ sức đề kháng mạnh. Thời điểm sinh con tốt nhất là từ 25 đến dưới 30 tuổi. Tuy vậy, y học hiện đại với những tiến bộ vượt bậc có thể cho phép bạn sinh con ở tuổi 35. Nhưng dù sao, bạn vẫn nên sáng suốt sinh con sớm hơn. Bởi nếu kéo dài, chúng ta cũng không lường trước được chuyện vô sinh, hiếm muộn. |
Khéo vun vén, con sẽ khoẻ ngoan
Trên thực tế vẫn còn nhiều bà mẹ trẻ biết cách cân đo chi tiêu để nuôi con mình một cách khéo léo. Chị Nguyễn Đặng Hà Anh, 32 tuổi, kế toán một công ty dệt may, chia sẻ: “Trước khi có con, hai vợ chồng cân nhắc đủ thứ, quan trọng nhất vẫn là chuẩn bị tiền bạc sau khi trẻ chào đời. Chúng tôi không có nhiều tiền nhưng vài ba chục triệu đồng cũng đủ xoay xở khi cần. Nhiều bà mẹ đi mua sắm cho con cứ mua vô tư, không đong đếm, quần áo mua một lần cả chục bộ, sữa cũng chục hộp mà phải là sữa ngoại, lại chọn các loại tã tốt, cao cấp, thay xong vứt luôn. Vậy bảo sao tiền không mau hết. Tôi thì chọn mua tã vải cho bé, dùng xong làm siêng đi giặt, phơi khô. Cho trẻ bú sữa mẹ đến hết một năm để cứng cáp, rồi sau đó mua sữa sản xuất từ Việt Nam có chất lượng, an toàn là được. Quần áo của con tôi mua ở siêu thị, có khi xin từ bạn bè đã có con trước đó, như thế tiết kiệm nhiều thứ. Vì tương lai của con nên nhiều khi tôi cũng phải hy sinh những sở thích cá nhân trước đó như mua sắm, tiệc tùng, đi du lịch… đổi lại thấy con ngoan ngoãn, khoẻ mạnh là hạnh phúc rồi”.
Tương tự chị Đặng Thị Ngọc Anh, 29 tuổi, kế toán, cho biết đã từng chứng kiến nhiều vợ chồng kế hoạch nhưng không may bị vỡ, thế là bức xúc, lôi nhau ra hoạnh hoẹ, “Tôi hiểu nỗi lo của nhiều cô vợ trẻ, vì dù sao mình cũng là người trong cuộc. Thay vì phải lo lắng, phân vân, nếu muốn có con bạn cũng có thể lên kế hoạch chi tiêu cho mình khi trẻ ra đời. Cứ mỗi lần có hội chợ giảm giá, hay siêu thị khuyến mãi tôi tranh thủ mua cho con. Tôi chủ trương không mua nhiều, mỗi giai đoạn của con tôi chọn vài bộ, cất sẵn. Còn chọn sữa, hai vợ chồng cũng quyết định mua loại rẻ, sản xuất trong nước miễn an toàn, dinh dưỡng. Không có đủ tiền thì chúng ta thực hiện nuôi con theo kiểu cuốn chiếu, tới giai đoạn nào thì lo giai đoạn đó, chuẩn bị một cuộc sống bình thường, vui tươi, thoải mái cho trẻ là được”, chị Anh chia sẻ.
Cát Minh (theo vnexpress)