Lưu Vĩnh Phúc chính là tướng "Cờ đen" đã từng giúp Việt Nam đánh trận Cầu Giấy nổi tiếng chống Pháp.
Người "rửa mặt" cho sĩ phu Bắc Hà
Khi tiếng đại bác của Pháp vang lên trên bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng năm 1858, triều đình nhà Nguyễn gần như tê liệt ý chí phản kháng và tuyên bố đầu hàng. Tuy nhiên ở tất cả các địa phương trên cả nước, nhân dân và các nhân sĩ vùng lên đánh Pháp quyết liệt, Gia Định có Bình Tây đại nguyên soái Trương Định, Nguyễn Trung Trực đốt tàu Pháp trên sông, Huế có Tôn Thất Thuyết với trận Mang Cá oai hùng…
Di ảnh Lưu Vĩnh Phúc tại Bảo Chi Lâm.
Giới sĩ phu Bắc Hà nhiều năm sau đó không có được một sự phản kháng nào với cuộc xâm lược này. May nhờ có trận Cầu Giấy oai hùng lần đầu giết được một sĩ quan người Pháp, người Bắc Hà mới đỡ "xấu hổ". Người chỉ huy đánh trận này là người bạn, người thầy lớn của võ sư Hoàng Phi Hồng.
Năm 1873, Đại úy Garnier dẫn 180 quân từ Gia Định ra Bắc để bình định Bắc Hà (một hành động sỉ nhục khôn cùng). Đội quân nhỏ bé này tấn công thành Hà Nội ngày 19 - 11 - 1873. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị thương nặng và sau đó qua đời.
Tiếp theo đó Garnier cho quân bình định châu thổ sông Hồng. Trong 3 tuần, toàn bộ 4 tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định với 2 triệu dân đã rơi vào tay quân Pháp với một nhúm người, do viên đại úy hải quân chưa tới 35 tuổi chỉ huy.
Tại thành Ninh Bình, 1.700 binh lính đã hạ vũ khí đầu hàng một toán quân Pháp chỉ có 7 người. Phò mã Hoàng Kế Viêm làm Tiết chế Bắc kỳ quân vụ cho gọi Lưu Vĩnh Phúc dẫn đội "Cờ đen" về đánh Pháp.
Ngày 18-12-1873, quân “Cờ đen” về đến Hà Nội, Garnier lập tức lên mặt thành cho pháo khai hỏa. Sau nửa giờ, quân Đại Nam và quân “Cờ đen” (khoảng 500-600 quân cùng voi chiến) phải rút chạy. Garnier tiến ra truy đuổi cùng với 18 lính Pháp và chừng một trung đội lính bản xứ, nhưng chưa đi khỏi thành bao xa thì pháodã chiến bị sa lầy, Garnier bị một toán quân “Cờ đen” mai phục xô ra đâm chết tại Ô Cầu Giấy.
Sau đó, Lưu Vĩnh Phúc trực tiếp chỉ huy phòng thủ trong trận Pháp đánh thành Sơn Tây, ông cùng đội quân "Cờ đen" lại tham gia phòng thủ thành Hưng Hóa, đánh nhau với quân Pháp ở Lạng Sơn và bao vây một tiểu đoàn quân Pháp ở Tuyên Quang.
Cái chết của Đại úy Garnier và các chiến công sau đó của Lưu Vĩnh Phúc, đã phần nào rửa nhục được cho giới sĩ phu Bắc Hà về chuyện "không dám đánh Pháp". Lưu Vĩnh Phúc sinh năm 1837, tại Quảng Đông, Trung Quốc sang làm quan tại Việt Nam. Ông chính là người thầy lớn, người đã hướng Hoàng sư phụ dùng tài năng của mình vào những việc vì nước, vì dân.
Khí phách ngọn cờ đen
Tại Bảo Chi Lâm có một góc trang trọng đặt di ảnh của Lưu Vĩnh Phúc (ông mất năm 1917). Gần đó là bức tranh vẽ Hoàng Phi Hồng trên đàn giáo luyện quân sĩ do Lưu Vĩnh Phúc đặt vẽ, nội dung bức tranh đã phần nào nói nên sự trân trọng của ông với Hoàng sư phụ.
Tác giả bên lá cờ đen của Hoàng Phi Hồng dùng để luyện quân.
Bức vẽ lấy Hoàng Phi Hồng làm trung tâm đang luyện võ trước mặt quân sĩ, Lưu Vĩnh Phúc cùng các tướng lĩnh chỉ nằm khiêm tốn ở một góc nhỏ bức tranh.
Buồn cười là sau chiến công "đả cẩu", đập gãy xương sống con berger của người phương Tây của Hoàng Phi Hồng, báo chí Hongkong đã hân hoan giật tít lớn gọi đó là "chí khí của người Trung Quốc".
Sau khi gặp Lưu Vĩnh Phúc, Hoàng Phi Hồng đã thực sự trưởng thành về mặt tư tưởng. Trước đó, ông chỉ biết tới qua những chiến công "lẻ tẻ" như bênh vực người cô thế, đánh bại cả chục tên ác ôn ở võ đường của Lục Chính Cương, hay dám đối đầu và đập gãy xương sống con chó berger hung thần của người phương Tây chuyên tấn công các nhà sư và dân lành…
Chỉ sau khi Lưu Vĩnh Phúc về Trung Quốc lĩnh chức tổng binh, tài năng của Hoàng Phi Hồng mới có đất "dụng võ". Sau khi giúp Việt Nam đánh Pháp một năm, Lưu Vĩnh Phúc được điều động về Phúc Kiến làm tổng binh. Hoàng Phi Hồng được chọn làm trưởng ban huấn luyện quân.
Năm 1895, chiến tranh Trung - Nhật nổ ra, Hoàng Phi Hồng theo Lưu Vĩnh Phúc đến Đài Loan. Quân nhà Thanh đại bại, triều đình cắt Đài Loan cho Nhật, quân dân Đài Loan khởi nghĩa và phong Hoàng Phi Hồng lên làm "Điện tiền Tướng quân" thống lãnh. Cách mạng Tân Hợi bùng nổ, Lưu Vĩnh Phúc mời Hoàng Phi Hồng làm "giáo luyện dân đoàn tỉnh Quảng Đông".
Tên tuổi Hoàng sư phụ lừng lẫy đến ngày nay là nhờ mối tri giao này. Tiếc rằng mối tri giao này quá muộn, nên Hoàng Phi Hồng đã không có mặt trong đội "Cờ đen" ngày ấy rửa nhục xâm lăng cùng nhân dân Việt Nam. Chắc chắn với sự có mặt của Hoàng Phi Hồng, trận Cầu Giấy ngày ấy sẽ còn gây tiếng vang lớn hơn nữa. Chí ít thì Hoàng sư phụ cũng khiến mấy chú lính Pháp khiếp đảm vì cú "vô ảnh cước" của mình.
Buồn cười là sau chiến công "đả cẩu", đập gãy xương sống con berger của người phương Tây của Hoàng Phi Hồng, báo chí Hongkong đã hân hoan giật tít lớn gọi đó là "chí khí của người Trung Quốc".