[size=2]Dù đã chuẩn bị tâm lý và “vạch sẵn phương án” từ trước, nhưng việc thay đổi giờ sinh hoạt trong ngày đầu tiên đổi giờ làm vẫn khiến cho cuộc sống của nhiều người dân Thủ đô xáo trộn.
[/size] Phụ huynh “dở cười dở mếu” trong ngày đầu tiên đổi giờ làm
Có mặt tại cổng trường Tiểu học Kim Liên (Phường Nam Đồng, Quận Đống Đa, Hà Nội) lúc 7h 30 phút, chị Loan vội vàng quàng lại khăn cho đứa con nhỏ, rồi lại hớt hải lên xe chuẩn bị cho tiết dạy thứ hai tại trường cấp 3 ở Quận Thanh Xuân. Quãng đường từ trường con trai đến cơ quan mất khoảng 15 phút, nghĩa là vừa vặn giờ lên lớp. Thế nhưng, theo lời chị Loan đây chỉ là một trong số những ngày “may mắn” trong tuần không phải loay hoay xoay sở nhiều.
“Chồng tôi là giảng viên Đại học, tôi là giáo viên cấp 3 cùng phải ra ngoài từ trước 7h sáng. Con trai tôi học Tiểu học, 8 giờ vào lớp. May hôm nay tôi có tiết 2 còn kịp giờ đưa cháu đi lớp, hai ngày nữa tôi lại được phân dạy tiết 1, không biết phải sắp xếp như thế nào nữa. Vợ chồng tôi đã bàn tính mấy ngày liền mà vẫn chưa có phương án nào khả thi cả”, chị Loan cười mếu máo.
Không được may mắn như chị Loan, chị Nguyễn Vân Khanh, Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội hôm nay đã phải xin phép đến muộn buổi sáng vì chưa thể cân đối được giờ giấc cho cả gia đình.
Bác Nguyễn Thị Mai đã phải tạm thời thay hai con đưa cháu đi học.
“Đầu tiên, hai vợ chồng tôi dự định thuê xe ôm đưa đón cháu vì hai vợ chồng đều phải ra ngoài đường từ 6h30 sáng. Tuy nhiên, cháu mới lớp 1, còn quá nhỏ, thời gian từ lúc bố mẹ vắng nhà đến khi chú xe ôm đến đón lại không thể để cháu ở nhà một mình. Chưa kể, không thể bắt cháu dậy quá sớm để bố mẹ dỗ dành ăn sáng. Tính đi tính lại, vợ chồng tôi quyết định nhờ bà nội ở quê lên trông cháu hộ. Sáng sáng, chúng tôi sẽ thuê xe ôm đưa cả hai bà cháu đến trường cho an tâm.
Thế nhưng, phải vài ba ngày nữa bà nội mới lên được, vì thế tôi đã xin phép đi muộn mấy ngày đầu. Cũng may là sếp cũng thông cảm đồng ý”, chị Khanh thở dài.
Học sinh rủ nhau “cơm nắm, muối vừng” đến trường
Sau khi có giờ học mới, nhiều học sinh lớp 12 THPT Lê Quý Đôn đã bàn nhau mang… cơm nắm muối vừng đến trường để ăn giữa giờ học chống đói.
“Thay đổi giờ học, đồng nghĩa với việc sẽ phải rời trường sau 7h tối. Thường ngày, 5h tan trường, tính cả thời gian về nhà, vệ sinh cá nhân, em thường ăn tối vào khoảng 7h – 7h30. Những bạn ở gần thì còn cố “nhịn” để về nhà ăn tối, nhưng những bạn ở xa thì phải 8h về đến nhà, tắm giặt vệ sinh cũng hết ít nhất nửa tiếng đồng hồ.
Vì thế, theo giờ học mới thì chắc chắn sẽ bị đói, ăn ở cổng trường thì không đảm bảo vệ sinh, nên bọn em bàn nhau… mang cơm đi học để ăn giữa giờ”, Nguyễn Phương Thảo, THPT Lê Quý Đôn cho hay.
Chưa kể, theo lời Thảo, ngoài việc loay hoay với việc ăn tối, các em còn lo sốt vó vì thay đổi giờ sẽ ảnh hưởng đến thời gian tự học của các em.
“Bài vở thì nhiều, lại là năm cuối cấp, học ở trường, rồi học ôn nên thời gian học ở nhà đã ít lại càng bị rút ngắn thêm. Đã vậy, lớp học nhóm của bọn em nhờ gia sư kèm dạy, bây giờ cũng chưa biết phải sắp lịch thế nào để phù hợp nữa”, Thảo than thở.
Giáo viên “tính kế” vào… nhà nghỉ ngủ trưa
Không chỉ có phụ huynh và học sinh “méo mặt”, nhiều giáo viên còn sốt sình sịch với chính sách đổi giờ làm.
“2 buổi trong tuần tôi được xếp lịch dạy tiết 4, 5 cuối buổi sáng và dạy tiết 1 buổi chiều. Theo lịch cũ thì vẫn còn thời gian dư dả để về nhà ăn uống nghỉ trưa, nhưng giờ thì… “bó tay”. Mấy chị em giáo viên nhà cách xa trường ngồi cùng nhau “tính kế”mãi vẫn chưa biết phương án nào khả dĩ nhất. Có cô còn đùa, hay mấy chị em kéo nhau vào… nhà nghỉ để nghỉ trưa”, chị Lê Thị Thu Hiền, giáo viên THCS kể
Vừa đưa con tới trường, nhiều phụ huynh lại "sấp sấp ngửa ngửa" vội vàng đi xe đến công sở cho kịp giờ làm.
Còn chị Nguyễn Hoài Thu, giáo viên THPT thì không giấu vẻ bức xúc: “Chuyện thay đổi giờ làm khiến cả nhà tôi náo loạn cả lên hàng tuần nay. Mỗi người một giờ một giấc, bây giờ không biết ăn tối vào lúc mấy giờ. Tôi là giáo viên cấp 3, hơn 7h mới từ trường về nhà, cháu nhà tôi giờ mới học mẫu giáo, vẫn cần mẹ bón cho ăn. Bây giờ thì… ai chăm con tôi.
Đổi giờ làm chỉ giải quyết một vấn đề tắc đường, nhưng khiến đời sống người dân xáo trộn đến mức khó lòng xoay xở, gây bức xúc cho người dân, vậy liệu có phải là một giải pháp tốt?”.
Lê
[size=2]
[/size]