Cụ Rùa bấu chân lên bờ trên mình đầy thương tích
Ảnh: Hoàng Long
Theo ông Nguyễn Văn Khôi, Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tiếp tục chỉ đạo Chi cục Thủy sản phải hoàn thành việc gia công lưới, các phương thức bắt và đưa dẫn Cụ Rùa về nơi chữa trị trước ngày 4-3. Ngay sau đó, Chi cục Thủy sản phối hợp với các cơ quan túc trực 3 ca để bắt, dẫn Cụ Rùa về bể lưu giữ an toàn. Bể lưu giữ cụ rùa đặt ở vị trí chân tháp hướng về đường Hàng Khay hiện đã hoàn tất. Bắt đầu từ ngày hôm nay, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Hội đồng chữa trị rùa hồ Gươm cũng bố trí lực lượng tổ chức trực 3 ca liên tục để chăm sóc và tổ chức chẩn đoán, khám, chữa trị rùa. Hai bể nước sạch đã được đưa ra chân tháp để phục vụ cho công tác chữa trị.
Cùng với đó, Công ty Thoát nước phối hợp với PGS.TS Hà Đình Đức kiểm tra, giải quyết các vật cản khu vực xung quanh Đền Ngọc Sơn. Cty Công viên cây xanh tiến hành kiểm tra, cắt tỉa các cành cây, lá cây rủ xuống mặt nước. Sở Khoa học - Công nghệ tiếp tục chỉ đạo tổ chức bẫy, bắt rùa tai đỏ thường xuyên. Hiện đã có 5 chiếc bẫy được đặt ở Hồ Gươm. Cho đến lúc này, mới có hơn chục cá thể rùa tai đỏ bị sập bẫy. Theo quan sát của phóng viên, những con rùa tai đỏ dính bẫy rất khỏe, to bằng hai bàn tay, nặng khoảng 0,5kg. Theo một cán bộ của Sở Khoa học - Công nghệ đi thu gom rùa tai đỏ, đây không phải là thời điểm thích hợp để bắt rùa tai đỏ. Do đó, số lượng rùa dính bẫy không nhiều.
Trong khi các Sở, ngành của Hà Nội đã hoàn thành nhiều hạng mục để sẵn sàng đưa cụ Rùa lên chữa trị, sáng 3-3, người dân và du khách ở Hồ Gươm lại xôn xao vì Cụ Rùa nổi lên và bấu chân lên bờ. Theo quan sát của phóng viên, bàn chân cụ đã bị lở loét toàn bộ. Không chỉ trên mai, vết cứa trên cổ cũng lở loét. Đây được xem là lần thứ 2, Cụ Rùa gác chân lên bờ trong 1 tháng. Trước hình ảnh thảm thương này, nhiều người thốt lên: Hình như cụ muốn lên bờ !
Lê Na