Hơn 6 triệu người được tăng lương từ 1/5. Ảnh minh họa: Hoàng Hà. |
Về nguồn tăng lương, đại diện Bộ Tài chính cho hay, kinh phí được lấy từ 10% tiết kiệm chi thường xuyên của cơ quan hành chính, sự nghiệp; 35-40% số thu được để lại theo chế độ năm 2012 của các đơn vị có lợi nhuận; 50% nguồn tăng thu ngân sách địa phương và kinh phí thực hiện cải cách tiền lương còn dư đến hết năm 2011. Ngân sách trung ương chỉ bổ sung nguồn kinh phí để thực hiện mức lương tối thiểu chung trong trường hợp các Bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã thực hiện đúng các quy định nêu trên nhưng vẫn còn thiếu.
Ngoài ra, các cơ quan, tổ chức được quyền rút dự toán và Kho bạc Nhà nước phải cho rút để ứng trước lương cho cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện tăng lương tối thiểu ngay từ ngày 1/5, không để nợ lương. Đơn vị nào không thể ứng dự toán phải có văn bản kiến nghị ngay để xử lý kịp thời.
Lương tối thiểu được điều chỉnh mỗi năm một lần, dùng để làm cơ sở tính lương trong hệ thống thang, bảng lương, mức phụ cấp và thực hiện một số chế độ khác theo quy định của pháp luật đối với cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động làm việc ở các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước. Năm 2011, Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội đã đồng ý với đề xuất của Chính phủ về phương án tăng lương tối thiểu của công chức Nhà nước từ năm 2012 lên mức 1,05 triệu đồng, thay cho 830.000 đồng.
Cũng từ 1/5, 7 nhóm đối tượng như người lao động, cán bộ xã phường về hưu, quân nhân đang hưởng trợ cấp… cũng được tăng lương, trợ cấp thêm 26,5% hàng tháng.