Ám ảnh con nợ đòi tiền
Theo các bác sĩ chuyên khoa thần kinh, nhìn vào bản danh sách các bệnh nhân phải nhập viện vì tâm thần thì nhóm người nghiện chất (rượu, bia, ma túy tổng hợp) có số lượng nhiều nhất. Nhưng nhóm người bệnh liệt vào hàng “đại gia” - những doanh nhân, giám đốc, đối tượng làm ăn kinh doanh lớn - lại gây sự bất ngờ đối với dư luận.
Cứ nghĩ, những người lắm tiền nhiều của thì làm sao có thể điên được. Nhưng thực tế lại khác, kinh doanh trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay khiến nhiều doanh nhân bị trầm cảm nặng nề. Khi càng kiếm được nhiều tiền thì họ càng bị stress và khi mất trắng, họ xuống dốc không phanh.
Khi gặp cú sốc tâm lý lớn, nhiều đại gia hóa… “điên”- ảnh minh họa
Theo bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Văn Dũng, Viện Sức khỏe tâm thần Quốc gia (Bệnh viện Bạch Mai), thời gian gần đây, mật độ bệnh nhân trầm cảm xuất hiện và nhập viện dày hơn, đặc biệt là đối tượng làm ăn kinh doanh lớn có sự gia tăng đáng kể. Nguyên nhân chủ yếu khiến họ lâm vào tình trạng này là do quá bế tắc trong công việc.
Mượn câu chuyện hai nữ đại gia tên Nguyễn Thị Thanh Thi và Hồ Thị Minh vỡ nợ 200 tỷ đồng ở Nghệ An bị bắt hồi tháng 2/2012, BS Dũng muốn ám chỉ đến chuyện các đại gia thời nay bị áp lực đồng tiền chi phối dẫn đến việc phải tìm mọi cách để bám trụ, tồn tại.
Hai nữ đại gia này đã huy động hơn 200 tỷ đồng đầu tư vào bất động sản. Khi thị trường này đóng băng, hai nữ đại gia bị vỡ nợ và bỏ trốn. Trước đó, năm 2011, thị trường nhà đất ở Nghệ An, Hà Tĩnh lên cơn sốt, người ta đổ hết tiền bạc vào đất đai. Cũng vì thế, hàng chục vụ vỡ nợ được điểm mặt, chỉ tên.
Nhiều đại gia xin đi tù để trốn nợ hoặc bị cảnh sát bắt, họ xin vào viện tâm thần để chữa bệnh. Đó là lý do điên… ngụy biện. Nhưng, có những đại gia bị áp lực công việc quá lớn mà điên thật lúc nào không hay.
BS. Dũng kể cho chúng tôi nghe một đại gia bất động sản tên Hồ Đại Tuấn. Ông này là giám đốc một công ty bất động sản, có nhiều công trình xây dựng dang dở, nhiều chung cư đã hoàn thành nhưng “đắp chiếu” không bán được, khiến tiền bạc đóng băng một chỗ dù đã đưa ra nhiều hình thức cắt lỗ như khuyến mại tặng quà, giảm giá…
Trong khi bất động sản đóng băng, vị giám đốc này cần đến khối lượng tiền kếch xù để trả lương cho hệ thống nhân viên của công ty và đặc biệt là tiền lãi ngân hàng. Mỗi ngày ông Tuấn phải trả đến cả tỷ đồng tiền lãi vì số vay ngân hàng là rất lớn. Ông Tuấn không thể xoay xở tiền ở các ngân hàng khác vì lãi suất rất cao, huy động vốn từ các cá nhân cũng khó.
Mỗi ngày thức dậy, ông lại phải đối mặt với khoản nợ hàng tỷ đồng. Nhiều ngày ròng, sống trong áp lực tiền bạc, ông Tuấn rơi vào tình cảnh căng thẳng cao độ. Đặc biệt, khi tiền lương công nhân nợ chồng chất, một số người đã bỏ việc, số khác thì ngày nào cũng đến đòi giết, ông Tuấn tìm mọi cách lẩn trốn. Và sự lẩn trốn ấy khiến ông bị điên.
Theo lời kể của BS Dũng, ban đầu, ông Tuấn dần bộc lộ những dấu hiệu bất thường về tâm lý, tính cách như hay cáu gắt, quát mắng người nhà, thậm chí đập phá đồ đạc. Nguy hiểm là ông rơi vào trạng thái mất ngủ triền miên, tinh thần sa sút nghiêm trọng và sụt cân nhanh chóng. Mỗi khi người nhà mang cơm vào, ông Tuấn đều lớn tiếng la ó: “Cho tôi khất ít ngày nữa…”, “Đừng đòi tiền tôi nữa…”. Thấy ông Tuấn có nhiều dấu hiệu bất thường, gia đình tá hỏa đưa ông vào viện Sức khỏe tâm thần khám, bác sĩ đã kết luận ông bị rối loạn tâm thần nặng.
Sau này, khi kết thúc quá trình điều trị trị liệu, ông Tuấn đã lấy lại trạng thái cân bằng tâm lý. Tuy nhiên, sợ bệnh tái phát, gia đình ông Tuấn vẫn thường xuyên mời bác sĩ về tận nhà thăm khám bệnh cho ông.
Náo loạn bệnh viện vì lo… tìm tiền
Một trong những trường hợp khiến BS Dũng ấn tượng nhất là một thanh niên tên Hùng, 28 tuổi ở Cầu Giấy, Hà Nội. Trước khi phá sản thì cậu là một người thành đạt sớm khi sở hữu trong tay khối tài sản lớn dưới nhiều hình thức như cổ phiếu, đất đai, xe cộ, nhà cửa…
Nhưng bi kịch của Hùng chính là từ khi rót vốn vào bất động sản. Khối tài sản lớn mà Hùng tích lũy được từ chứng khoán cứ “đội nón ra đi”. Đang từ một doanh nhân thành đạt, Hùng bỗng trở thành một con nợ khổng lồ. Cú sốc này khiến tinh thần cậu suy sụp và khủng hoảng, không kiểm soát được hành vi của mình. Cuối cùng, cậu đã phải nhập viện khi những biểu hiện rối loạn tâm thần trên ngày một nặng nề. Điều đặc biệt là khi cậu ta vào viện rồi, ngay cả khi người nhà đến thăm hỏi, Hùng đều “nổi loạn” bằng cách la ó, chửi bới… vì nghĩ rằng con nợ đến đòi tiền.
Kể về trường hợp của Hùng, BS Dũng cho biết, có nhiều hôm cậu thanh niên này đã làm loạn cả buồng bệnh. Cậu ta bị ám ảnh bởi việc nợ nần nên những câu chuyện hoang tưởng cũng chỉ liên quan đến việc mất tiền. Có hôm cả phòng đang yên lặng, Hùng la ó thất thanh: “Tiền. Em đánh rơi bọc tiền hơn trăm triệu. Ai nhặt được không, cho em xin?”. Vừa nói bệnh nhân Hùng vừa khóc vừa cười cuối buồng bệnh. Sau một hồi la ó kêu mất tiền, cả buồng bệnh ào ào như một cuộc cãi vã thật.
Khi BS Dũng bước vào thăm khám, bệnh nhân Hùng ghé sát tai thì thầm nhưng thực chất anh đang hét toáng lên: "Tìm nhanh đi. Tôi vừa thấy tiền “chạy” dưới ngầm giường bí mật nhé không người ta nhặt mất”. Vừa “chỉ huy” bác sĩ, Hùng vội đưa tay chỉ cho hai bệnh nhân chỗ tiền đang “trốn”. “Đâu đâu”, hai bệnh nhân lao ra khỏi giường. Người khác vỗ vào thành giường ầm ầm và luôn miệng "kia kìa".
Quá quen với cảnh tượng này, các hộ lý và điều dưỡng không can thiệp mà chỉ nhắc nhở giữ trật tự yên lặng. Sau khi Hùng và hai bệnh nhân tìn tiền thành công - thực chất là tờ báo vò nhàu dưới gầm giường- phòng bệnh mới yên tĩnh trở lại.
Một điều dưỡng viên cho biết, chuyện la hét hay bệnh nhân nổi cơn rồi có những hành động bất thường như thế đã trở nên quá quen thuộc với những ai làm việc tại bệnh viện này. "Nhiều đêm tôi trực ở phòng mà tiếng la hét từ khu điều trị nội trú cứ vọng lên suốt đêm. Biết làm sao được bởi những người vào đây đều bị khủng hoảng tâm lý, sang chấn tâm lý".
Tại viện Sức khỏe Tâm thần quốc gia, rất nhiều bệnh nhân là những nhà đầu tư, kinh doanh lớn cũng rơi vào cảnh cùng quẫn phải tìm đến điều trị. Đó là chưa kể đến những trường hợp chưa đến mức phải điều trị tâm thần nhưng đã cần đến sự tư vấn của bác sĩ vì quá stress. Tuy nhiên, theo BS Dũng, con số vào viện hoặc phải nhờ tới bác sĩ tâm thần riêng có lẽ chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số những người bị stress trên thực tế. Bởi hiện nay, ở Việt Nam người dân vẫn còn mặc cảm với việc đi khám tâm thần. Chính vì tâm lý ngại đến viện mà dẫn đến nhiều trường hợp đáng tiếc - tự tử vì nợ nần, phá sản. (Còn nữa)
Doanh nhân Việt Nam stress thứ 3 thế giới Tháng 3/2012, công ty Nghiên cứu và Kiểm toán Grant Thornton đã đưa ra một nghiên cứu, kết quả cho thấy trong năm 2009 doanh nhân Việt Nam đứng thứ ba trong bảng xếp hàng stress toàn thế giới, chỉ sau đồng nghiệp Trung Quốc và Mexico. Các nguyên nhân gây stress đối với các doanh nhân gồm: Mức độ cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp với nhau; Giá xăng dầu và điện tăng; Thiếu vốn kinh doanh so lãi suất ngân hàng cao; Thiếu thời gian nghỉ ngơi; Mối quan hệ gia đình bị ảnh hưởng vì họ không có thời gian đầu tư cho mái ấm riêng; Sức khỏe suy giảm; Ô nhiễm môi trường và kẹt xe. |