[size=6]Khoảng 9h sáng nay (2/6), cựu danh thủ Phạm Huỳnh Tam Lang trải qua một cơn đột quỵ, trước khi ông không qua khỏi trên đường được đưa đi cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy (TPHCM)…[/size]
Sáng nay (2/6), làng túc cầu Việt Nam phải đón nhận một tin đau buồn, khi huyền thoại Phạm Huỳnh Tam Lang vĩnh viễn ra đi ở tuổi 72, sau một cơn đột quỵ.
Ông Tam Lang lúc sinh thời là một huyền thoại sống của bóng đá Việt Nam, ông từng là cầu thủ thuộc vào loại tài hoa nhất trong thế hệ của mình. Ông cũng là đội trưởng của đội tuyển Miền Nam Việt Nam vô địch cúp Mederka tại Malaysia năm 1966.
“Phi phạm lỗi bất thành hậu vệ” - đấy là câu nói mà người ta thường dùng trong bóng đá, khi đề cập đến các hậu vệ, nhất là các trung vệ. Tuy nhiên, Phạm Huỳnh Tam Lang là một ngoại lệ.
Dù thi đấu ở vị trí trung vệ, nhưng ông nổi tiếng với lối chơi hào hoa, chiến thắng đối thủ bằng kỹ thuật, chứ không bằng tiểu xảo và cũng không cần dùng đến những pha phạm lỗi để giành lại bóng hoặc ngăn cản đối phương.
Triết lý bóng đá đẹp, bóng đá cao thượng được ông thổi vào nghề HLV, để sau này, khi đã treo giày, rồi theo công tác huấn luyện, Phạm Huỳnh Tam Lang cũng là người đặt nền móng cho lối chơi đẹp và quyến rũ nổi tiếng của Cảng Sài Gòn.
Rất nhiều thế hệ cầu thủ nổi danh của bóng đá TPHCM nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung sau này chịu ảnh hưởng bởi phong cách lịch lãm, đúng nhãn hiệu Tam Lang.
Đấy là những cái tên như Hà Vương Ngầu Nại, Nguyễn Hồng Phẩm, Đặng Trần Chỉnh,… của thế hệ trước, hay Huỳnh Hồng Sơn, Trần Quan Huy, Nguyễn Văn Phụng, Hồ Văn Lợi… sau này.
Những ngôi sao tài danh ấy gọi chú Tam Lang bằng thầy, chính họ cũng cho biết họ chịu rất nhiều ảnh hưởng từ lối sống mẫu mực của ông, họ chịu ơn ông!
Không chỉ có giới bóng đá yêu mến Tam Lang, người hâm mộ cũng dành tình cảm đặc biệt cho ngôi sao đặc biệt này. Không ít CĐV cũng gọi ông bằng một tiếng thân thương là “thầy”, dù họ chưa một lần thọ giáo ông.
Những năm cuối đời, ông Tam Lang bị căn bệnh viêm đa khớp hành hạ, khiến đi lại khó khăn. Nhưng hễ có dịp, học trò ông đều đến tận nhà rước ông đi thăm thú đồng độ cũ, hay những người bạn đồng niên.
Những cơn tai biến trong giai đoạn gần đây khiến ông nhớ nhớ quên quên, nói trước quên sau, nhưng ký ức về Cảng Sài Gòn luôn sống trong ông, cũng như người ta luôn giữ ký ức về ông, về người đội trưởng, rồi là người thầy mực thước ở Cảng Sài Gòn.
Người hâm mộ đã lập ra hẳn một quỹ riêng mang tên Tam Lang, nhằm giúp đỡ ông lúc về già. Quỹ này bắt đầu đi vào hoạt động chưa lâu, vậy mà…
Khi biết tin ông vĩnh viễn đi xa, cả làng cầu phía Nam sáng nay như không tin vào tai mình. Nhiều người tỏ ra bần thần khi hay tin dữ: Huyền thoại của bóng đá Việt Nam đã đi rồi, đi ở tuổi 72…