Khoa học - Lịch sử 2013-05-21 23:31:02

Huyền thoại về đôi cánh "quái quỷ" của kỵ binh Ba Lan


[size=6]Trên chiến trường, những kỵ binh có cánh Ba Lan "xé nát" đối thủ như người ta xé giấy.[/size]
"Những tiếng va chạm khủng khiếp vang lên, ngỡ như núi đổ, kế đến là những tiếng vang của kim loại như thể hàng nghìn người thợ rèn đang đập trên đe. Chúng tôi nhìn lại một lần nữa - lạy Chúa tôi - những người lính cứ ngã xuống và bị nghiền nát như thể cánh đồng lúa mạnh bị cơn bão tàn phá vậy, và rồi họ… những Husaria đã bỏ đi xa cùng ngọn giáo trên vai".
 

Đó là những gì Henryk Sienkiewicz - tiểu thuyết gia lừng danh của Ba Lan mô tả về binh đoàn Husaria - những kỵ binh có cánh của đất nước Ba Lan. Đó cũng là những hình ảnh cuối cùng mà hàng chục nghìn quân Thụy Điển, Cozak (Cô-dắc) và Thổ Nhĩ Kỳ nhìn thấy trước khi nằm xuống vĩnh viễn. 
 

 
Vào khoảng thời gian từ thế kỷ thứ XVI đến thế kỷ thứ XVIII, đôi cánh của các Husaria là nỗi kinh hoàng trên chiến trường và là niềm tự hào bất diệt của cả đất nước Ba Lan.
 

Nổi bật nhất chiến trường
 
Nếu nói về độ "hoành tráng" về mặt trang phục thời cổ, ắt hẳn các Husaria của Ba Lan sẽ nằm trong danh sách những chiến binh ăn mặc đẹp nhất. Bộ giáp của họ không chỉ là một thứ để bảo vệ cơ thể khỏi tên, súng đạn và kiếm giáo mà còn là một tác phẩm nghệ thuật thực sự. 
 
Hiếm có đội quân nào trên thế giới có thể trang bị cho quân đội của mình một bộ giáp đẹp và nghệ thuật đến vậy. Bộ giáp của các Husaria không chỉ dày hơn so với giáp bình thường (dày 3,5 - 10mm tùy từng đoạn trong khi bộ giáp của hiệp sĩ các nước Trung cổ thời đó chỉ dày từ 2 - 3mm) mà còn đặc biệt hơn ở chỗ - nó có cánh. 
 


 
Tuy nhiên đôi cánh được làm từ đoạn thép uốn cung có gắn lông ngỗng hoặc lông chim đại bàng này không hề có tác dụng bảo vệ họ khỏi đao kiếm hay súng đạn. Vậy họ đeo đôi cánh tưởng chừng như vướng víu trên chiến trường sinh tử như vậy để làm gì? 
 
Nhiều giả thuyết đã được đưa ra để giải thích cho vấn đề này. Có thể với đôi cánh đặc biệt được làm từ lông chim, các khinh kỵ binh Husaria khi di chuyển sẽ tạo nên nhiều âm thanh như tiếng gió rít khiến cho kẻ thù khiếp sợ. 
 



Mặc dù vậy, những chuyên gia về chiến tranh thời Trung Cổ cho rằng, điều này là phi lý bởi bạn khó có thể nghe thấy tiếng gió rít khi xung quanh toàn tiếng súng nổ, đại bác hay tiếng gào thét.
 
Giả thuyết khác chỉ ra, cái làm nên sự đáng sợ của Husaria là tấm da báo đốm đeo trên cổ các chiến binh. Chúng sẽ khiến cho ngựa của phe địch hoảng sợ vì khứu giác của ngựa thính ngang với loài chó, nếu không được rèn luyện quen như ngựa Ba Lan, chúng sẽ dễ dàng bị mùi của loài báo làm hoảng sợ.
 

Hình ảnh khinh kỵ binh của Ba Lan.

 

Theo một số nhà sử gia, với đôi cánh đặc biệt lớn như vậy, trông các Husaria như thể những người khổng lồ trên chiến trường, và tất nhiên, nó sẽ khiến kẻ thù khiếp sợ. Nhưng đôi cánh này chỉ phát huy tác dụng trong thời tiết đẹp, nếu thời tiết ẩm ướt hoặc gió lớn, chúng sẽ trở nên khó chịu cho chính những người mang nó.
 
Bên cạnh đó, cũng có nguồn thông tin cho rằng, đôi cánh này giúp các Husaria không bị quân Tartar hạ gục bằng tuyệt chiêu quăng dây thòng lọng.
 
Đội quân "bất khả chiến bại" đúng nghĩa
 
Đôi cánh của các kỵ binh Ba Lan tuy đẹp là vậy, bộ áo giáp cũng dày như thế nhưng đó không phải là yếu tố chính giúp họ trở thành huyền thoại trên chiến trường suốt 2 thế kỷ. 
 
Vào thế kỷ thứ XVIII, một trong những nhà cầm quân vĩ đại nhất thế giới - nguyên soái Aleksandr V.Suvorov của Nga đã phát triển nghệ thuật của kỵ binh lên mức cao nhất, được gọi là học thuyết "tấn công xuyên". 
 

Hình ảnh của nguyên soái Aleksandr V.Suvorov.

 

Thay vì sử dụng kỵ binh lao thẳng vào đội hình địch để đấu kiếm hay sử dụng giáo phá vỡ hàng ngũ địch, Suvorov yêu cầu kỵ binh của mình phải chạy xuyên qua đội hình địch, xé nát hàng ngũ của chúng. Học thuyết này khắc nghiệt đến nỗi cho đến khi có sự xuất hiện của hiệu ứng kỹ xảo trên máy tính, bộ phim "Lord of the Rings" (Chúa tể của những chiếc nhẫn) mới có thể hiện chính xác thuyết "tấn công xuyên". 
 
Khi Suvorov luyện tập với quân đội của mình, mặc dù đã áp dụng các biện pháp an toàn như lúc kỵ binh sắp đến gần, bộ binh phải bước sang bên phải
nhưng thỉnh thoảng vẫn có người chết do va chạm với kỵ binh. 
 

Kỵ binh Husaria luôn là người tấn công trước nhờ vào ngọn giáo dài hơn cả bộ binh.


Chiến tranh thời Trung Cổ không có nhiều sự sáng tạo. Bộ binh sử dụng giáo sẽ phải cố ngăn chặn kỵ binh lao vào đội súng trường và súng hỏa mai ở đằng sau. 
 
Tất nhiên, kỵ binh không thể nào đấu lại bộ binh dùng giáo dài được, tạo thời gian cho hỏa lực tầm xa hạ gục những người lính không may mắn. Người Ba Lan đã sáng tạo ra một phương thức rất đơn giản: chạy xuyên qua đội hình bộ binh sử dụng giáo để chọc thẳng vào đội hình súng đằng sau. 
 
Để thực hiện được điều đó, các Husaria sử dụng một loại giáo cực dài (gần 6m) được gọi là Koipa. Loại giáo này nhỏ hơn rất nhiều so với giáo của các kỵ sĩ giáp sắt thuộc các nước châu Âu khác. Nó nhỏ đến mức khi va chạm có thể dễ dàng gãy làm nhiều phần và do đó, chỉ sử dụng được một lần. 
 

Kỵ binh Ba Lan tấn công.

 

Tuy nhiên, một lần cũng là quá đủ, với tác động của loại giáo siêu dài này, các kỵ binh Husaria sẽ đâm thẳng vào lực lượng bộ binh trước khi bị giáo của đối phương đâm phải. Lực tác động lớn đến nỗi bộ binh sẽ bị đẩy lui về hàng sau, tạo nên sự hỗn loạn cho cả đội hình. 
 
Tại trận Kircholm năm 1605, 11.000 bộ binh xếp đội hình giáo dài và súng trường cổ điển của quân Thụy Điển đã thất trận hoàn toàn sau khi đối đầu với kỵ binh Ba Lan, chỉ bao gồm có 1.900 người. Thiệt hại của quân Ba Lan chỉ là chưa tới 100 người trong khi 6.000 bộ binh Thụy Điển bỏ mạng tại chiến trường.
 

Hình ảnh miêu tả trận Kircholm - một trong những trận chiến đánh lớn của chiến tranh Ba Lan - Thụy Điển năm 1605.


 
Trong suốt 2 thế kỷ, mỗi khi kỵ binh Husaria tham gia chiến trường, kẻ địch chỉ có 2 sự lựa chọn: "Ở lại chiến đấu và chết" hoặc "chạy và chết". Đội kỵ binh Husaria chưa bao giờ thua trận khi tấn công trên địa hình bằng phẳng.
 
Trận đấu nổi tiếng nhất của đội kỵ binh Ba Lan là trận chiến năm 1683 nơi 3.000 kỵ binh Husaria giải cứu thủ đô nước Áo Vienna khỏi sự bao vây của 200.000 quân Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ). Có lẽ cho đến lúc cuối đời, hoàng đế Mehmed IV của Đế chế Ottoman vẫn không thể hiểu vì sao quân lực đông tới hàng chục lần của ông ta lại có thể bị những "kỵ binh có cánh" xé nát như người ta xé giấy như vậy.
 
Với những chiến tích của mình, các Husaria được liệt vào danh sách 10 đội kỵ binh mạnh nhất trong lịch sử thế giới, ngang ngửa với kỵ binh Mông Cổ hay lực lượng Mamluk.
 
* Bài viết có sử dụng tư liệu tham khảo từ các nguồn: Necromorphs Fellowship, Badass of the Week, Wikipedia…
 
Kênh 14

Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)