Liệu có cần nhìn nhận lại cuốn sách giáo khoa kinh điển về tình dục được coi là lâu đời nhất thế giới để đảm bảo nó có một vị trí còn cao quý hơn trong truyền thống đa dạng và giàu có của Ấn Độ?
Nhà Ấn học người Mỹ Wendy Doniger, đang giảng dạy tại Đại học Chicago và đã viết rất nhiều sách về đạo Hindu, tin là như thế. Nhưng tại sao? Xét cho cùng, Kama Sutra, viết bằng tiếng Phạn (Sanskrit), chữ viết ở Ấn Độ cổ xưa, có lẽ là cuốn sách về tình yêu và tình dục nổi tiếng nhất trên thế giới. Tác giả cuốn sách, Vatsyayana, cũng tự nhận ông là một người sống độc thân cả đời.
Cuốn sách Kama Sutra đã gần 2000 tuổi (Ảnh: BBC)
Tìm kiếm từ “Kama Sutra” trên Google cho ra hơn 14 triệu kết quả trong không tới một giây. Có bao cao su, đồ chơi, đồng hồ đeo tay, các ứng dụng, sô-cô-la, phim điện ảnh và truyền hình lấy cảm hứng và có tên gọi Kama Sutra.
Các tạp chí dành cho thị dân như Cosmpolitan thì đăng những bài như “Cosmo Kama Sutra”, tự hào tuyên bố sẽ giới thiệu cho người đọc “12 tư thế làm tình mới sẽ làm rung chuyển căn nhà”.
Đó có thể là một phần lý do tại sao Doniger, từng dịch Kama Sutra sang tiếng Anh, muốn giải thích cho công chúng để cuốn sách “thoát khỏi những hiểu lầm tai hại với hầu hết mọi người. Họ nghĩ đó là một cuốn sách ngu ngốc về các tư thế làm tình, hay một cuốn sách dơ bẩn về chuyện quan hệ xác thịt, và thấy xấu hổ khi đọc nó”, Doniger nói.
Rất tinh tế
“Tôi muốn cộng đồng đọc sách hiểu rằng đó là một cuốn sách tuyệt vời về những tương tác tinh tế giữa đàn ông và phụ nữ trong một thế giới hết sức văn minh, đầy những quan sát tâm lý thông minh và những lời khuyên rất tốt về việc lấy vợ gả chồng, gây dựng hôn nhân hạnh phúc và đúng vậy, làm sao để ngoại tình cho khéo”.
Kết quả chính là cuốn sách vừa in của Doniger The Mare’s Trap (Cái bẫy của ngựa cái), do nhà Speaking Tiger xuất bản. Cuốn sách tìm cách thay đổi cách suy nghĩ thông thường về Kama Sutra như một cuốn dâm thư chỉ dạy về các tư thế quan hệ tình dục kỳ quặc.
Trong sách, Kama Sutra hiện lên như một tác phẩm văn hóa ý nhị và đi trước thời đại, bảo vệ sự tự do tình dục cho phụ nữ đến mức sẽ khiến ngay cả nhiều kẻ bảo thủ ngày nay cũng sẽ thấy khó chịu. Trong phần lớn cuốn sách của ông, Vatsyayana cũng phớt lờ mục tiêu quan trọng nhất của tình dục: duy trì nòi giống, mà chỉ tập trung vào mục tiêu đạt được khoái cảm.
Theo một nghĩa nào đó, ông đã thách thức pháp điển của đạo Hindu về sự sinh sôi nảy nở, vốn khẳng định đàn ông phải có trách nhiệm giúp vợ mình thụ thai. Kama Sutra cũng không phán xét nhiều về việc ngoại tình, theo Doniger.
Vatsyayana phớt lờ mục tiêu quan trọng nhất của tình dục: duy trì nòi giống, mà chỉ tập trung vào mục tiêu đạt được khoái cảm (Ảnh: BBC)
Vatsyayana thậm chí còn dành cả một chương “với những chỉ dẫn tỉ mỉ cho đàn ông muốn ngoại tình, vạch ra hàng trăm chiến lược giúp anh ta có thể ngủ với vợ của những người khác”. Nhưng đồng thời, tác giả mâu thuẫn với chính mình khi ở cuối sách, cảnh báo đàn ông không được ngoại tình, phải bảo vệ vợ và gia đình.
Kama Sutra, theo lời Doniger, “cởi mở hơn nhiều” so với quan điểm Hindu truyền thống về những giá trị mà phụ nữ phải tuân thủ khi có gia đình hay khi chồng đã chết. Doniger cũng nói những lập luận của Vatsyayana bảo vệ và khuyến khích phụ nữ đạt tới cực khoái trong quan hệ tình dục “gần hơn rất nhiều so với những quan điểm mà tới tận gần đây mới được thiết lập vững chắc ở châu Âu”.
Tác giả Kama Sutra cũng bác bỏ các lập luận mang tính độc đoán trong những pháp điển cổ xưa về việc trừng phạt tàn bạo các phụ nữ ngoại tình. Cuốn sách đưa ra nhiều lời khuyên hữu ích cho một phụ nữ đã chót ngoại tình làm sao chấm dứt mối quan hệ đó một cách êm thấm, không phán xét tình dục đồng tính và có nhiều nhận xét về xu hướng lưỡng tính cực kỳ tiến bộ, gần với những quan điểm hết sức hiện đại.
“Hiện đại một cách đáng kinh ngạc”
Doniger cho rằng đây là một cuốn sách cực kỳ hợp với thế kỷ 21 (Ảnh: BBC)
“Những ý tưởng về giới trong Kama Sutra hiện đại một cách đáng kinh ngạc, như chúng ta đã thấy, khi cuốn sách viết bản chất của đàn ông và phụ nữ là như nhau”, Doniger viết. “Cuốn sách cũng bày tỏ thái độ rất tích cực về giáo dục và tự do tình dục cho nữ giới, những quan điểm không phán xét về các hành vi tình dục đồng giới, hoàn toàn vượt ra ngoài khuôn khổ các văn bản cổ xưa ở Ấn Độ, hay thậm chí là hiện đại ở Ấn Độ”.
“Tôi sẽ không gọi Kama Sutra là một cuốn sách về nữ quyền, vì mục đích chính của nó không phải là đấu tranh cho phụ nữ, hầu hết cuốn sách vẫn dành cho đàn ông, và những lời khuyên làm sao để họ có thể khống chế phụ nữ. Nhưng tôi cho rằng nó cũng có ích cho những người muốn tranh luận bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ, quyền được hưởng sự thích thú trong tình dục, quyền sống với một người chồng quan tâm tới những sở thích và tài năng của vợ, và nhiều điều khác”.
Doniger tin rằng đó là “một cuốn sách tinh tế đáng kinh ngạc” đã nổi tiếng ở Ấn Độ vào “thời kỳ mà hầu hết dân châu Âu vẫn còn đang đu cây”. “Những hướng dẫn tâm lý cơ bản trong đó thật giá trị, và tình trạng bạo lực tình dục lan tràn trong thế giới của chúng ta ngày nay đòi hỏi một cuốn sách như thế để dạy chúng ta cách kiểm soát những mặt tối của ham muốn tình dục và sự tôn trọng cảm xúc của bạn tình".
"Đặc biệt, cuốn sách cảnh báo nam giới không phạm vào những hành vi tình dục không thể kiểm soát thường biến thành việc cưỡng hiếp. Vì thế tôi cho rằng đó là một cuốn sách cực kỳ hợp cho thế kỷ 21”.