Thương thiếu nữ 15 tuổi rồi có con với nhau, người chồng sau đó đã bị tòa án tuyên phạt tù giam. Xét hoàn cảnh nhận thức pháp luật của bị cáo còn hạn chế, tòa phúc thẩm đã tuyên không áp dụng hình thức phạt tù với thanh niên này.
Ngày 9/4, TAND TP.HCM xử phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của bị cáo Lê Đức Thiên Tân (SN 1991, ngụ quận 8) sửa án sơ thẩm, tuyên bị cáo Tân phạm tội “Giao cấu với trẻ em” nhưng không áp dụng hình thức phạt tù.
Vợ chồng Tân có hai con nhỏ cần sự chăm sóc của cha mẹ.
Trước đó, xử sơ thẩm TAND quận 8 đã tuyên phạt Lê Đức Thiên Tân mức án 3 năm 6 tháng tù về tội giao cấu với trẻ em.
HĐXX cấp phúc thẩm nhận định mặc dù bị cáo quan hệ với thiếu nữ chưa đủ 16 tuổi dẫn đến mang thai là vi phạm pháp luật, tuy nhiên sau đó cô gái đã về sống với gia đình bị cáo, có cuộc sống và nơi ở ổn định. Ngoài ra, khi phạm tội bị cáo còn rất trẻ, trình độ nhận thức pháp luật hạn chế, lạc hậu nên tòa chấp nhận kháng cáo, sửa án sơ thẩm tuyên bị cáo không phải chấp nhận hình phạt tù.
Cuối năm 2009, Lê Đức Thiên Tân và Nguyễn Thị Thanh Huyền (SN 1994, lúc đó chưa 16 tuổi) quen nhau ở tiệm net. Sau đó, thấy hoàn cảnh Huyền khó khăn, cha mất, mẹ có gia đình mới, Huyền ở với bà ngoại nên Tân dẫn Huyền về trình bày với cha mẹ.
Thương Huyền, cha mẹ Tân mang trầu cau sang xin bà ngoại dẫn Huyền về sống chung. Sau khi Huyền sinh được hai con gái thì Tân bị cơ quan chức năng phát hiện vì đã giao cấu với trẻ em.
Hôm tòa xử sơ thẩm, nhiều người hàng xóm đến tham dự và ngậm ngùi vì bản án 3 năm 6 tháng tù mà tòa tuyên. Sau đó, nhiều người đã ký đơn gởi lên tổ trưởng khu phố xác minh cả hai có cuộc sống, công ăn việc làm ổn định gởi tòa phúc thẩm xem xét.
Trao đổi với chúng tôi sau phiên xử, thẩm phán Phạm Đức Oánh, chủ tọa phiên tòa chia sẻ: “Trong cuộc đời làm thẩm phán đây là trường hợp đầu tiên mà tôi tuyên miễn hình phạt tù về tội giao cấu với trẻ em. Trường hợp của bị cáo này quá đặt biệt, phạm tội khi mới 18 tuổi, trình độ nhận thức lạc hậu và khiếm khuyết, mặc khác bị cáo đã có trách nhiệm với vợ và con nên cần được xem xét, khoan hồng”.
Những trường hợp được miễn hình phạt
- Điều 54 Bộ Luật Hình sự (BLHS) quy định: “Người phạm tội có thể được miễn hình phạt trong trường hợp phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 điều 46 bộ luật này, đáng được khoan hồng đặc biệt nhưng chưa đến mức được miễn trách nhiệm hình sự”.
Miễn hình phạt được áp dụng trong trường hợp tòa án kết tội nhưng không áp dụng hình phạt đối với người phạm tội do có những điều kiện mà BLHS quy định. Miễn hình phạt có thể được áp dụng đối với cả hình phạt chính và hình phạt bổ sung.
Người phạm tội chỉ được miễn hình phạt khi có đủ các điều kiện như sau:
+ Có nhiều tình tiết giảm nhẹ (từ 2 trở lên) quy định tại khoản 1 điều 46 BLHS. Những tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 2 điều 46 BLHS không được tính vào số lượng các tình tiết giảm nhẹ theo điều kiện này.
+ Người phạm tội được khoan hồng đặc biệt: Tòa án chỉ miễn hình phạt cho người phạm tội trong trường hợp họ phạm tội ít nghiêm trọng, chưa gây hậu quả hoặc gây hậu quả không đáng kể hay hậu quả đã được khắc phục hoàn toàn; trong vụ án đồng phạm, bị cáo là người tham gia không đáng kể vào việc thực hiện tội phạm; bị cáo có nhân thân tốt, có khả năng tự cải tạo, giáo dục mà không cần áp dụng hình phạt.
+ Người phạm tội có thể được miễn hình phạt nhưng chưa đến mức miễn trách nhiệm hình sự.
Việc người phạm tội được miễn hình phạt không làm phát sinh các hậu quả pháp lý của việc thực hiện trách nhiệm hình sự, không có án tích. Nói cách khác, người được miễn hình phạt đương nhiên được xóa án tích ngay sau khi tuyên án.
(NLD)