- [*]
Tân Chủ tịch nước Trung Quốc, ông Tập Cận Bình
Trong bối cảnh khu vực châu Á – Thái Bình Dương nóng lên từng ngày vì vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên cũng như những tranh chấp chủ quyền lãnh hải giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, Tập Cận Bình cho rằng cộng đồng quốc tế cần phải thiết lập những hệ giá trị chung về an ninh tổng hợp, an ninh chung và hợp tác an ninh, “không thể vì lợi ích cá nhân mình là làm loạn khu vực, thậm chí là thế giới”.
Đối với vấn đề Bắc Triều Tiên, theo Liên Hợp, Tập Cận Bình đang đóng vai “sứ giả hòa bình” khi ngầm đưa ra cảnh báo rằng Bình Nhưỡng cần phải biết tự kiềm chế, Trung Quốc sẽ không đứng về phía Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng cứ tiếp tục những phát ngôn và hành động khiêu khích.
Nhưng khi đối mặt với những tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc với các nước láng giềng, Tập Cận Bình liền lập tức đổi giọng và tỏ ra kiên quyết “không nhượng bộ” khi cho biết, Trung Quốc sẽ tiếp tục xử lý thỏa đáng các tranh chấp và chia rẽ “với các nước liên quan” trên “cơ sở đảm bảo chủ quyền, an ninh và toàn vẹn lãnh thổ quốc gia của Trung Quốc”.
Thông điệp này theo Liên Hợp, Trung Quốc sẽ kiên quyết theo đuổi cái gọi là nguyên tắc bảo vệ “chủ quyền, lãnh thổ” đến cùng trong vấn đề tranh chấp nhóm đảo Senkaku trên Biển Hoa Đông với Nhật Bản và tranh chấp Biển Đông – Trường Sa với Philippines, Việt Nam, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Bài báo trên tờ Liên Hợp nhận định thêm, mặc dù gần đây Bắc Kinh ra sức thúc đẩy đối thoại chính trị hai bờ eo biển Đài Loan nhưng đồng thời cũng nỗ lực không ngừng thu hẹp không gian hoạt động quốc tế của Đài Loan nhằm mục tiêu cuối cùng – thống nhất đảo Đài Loan.
Kết luận bài báo, Liên Hợp cho rằng là một nước lớn và muốn đóng vai trò quan trọng trên vũ đài chính trị quốc tế, Trung Quốc phải biết sống có trách nhiệm, không thể nói một đằng làm một nẻo, miệng thì luôn kêu gọi bảo vệ hòa bình, nhưng hành động ngược lại, lấn lướt và đàn áp các nước láng giềng, tuy nhiên làm được điều này hay không, cả thế giới vẫn còn đang chờ theo dõi tiếp.
(LH)