Mới đây, theo nội dung Thông tư số 30 của Bộ Y tế vừa ban hành, quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, sẽ là rào cản lớn cho những quán ăn vỉa hè không đủ điều kiện an toàn thực phẩm.
Trước sự kiện này, rất nhiều người đã đưa ra ý kiến lo lắng về việc sẽ mất đi một nét văn hóa độc đáo đã tồn tại từ lâu đời của người Việt Nam mà vốn đã ăn sâu vào tiềm thức của nhiều người.
Đặc biệt, ở Hà Nội, quán ăn vỉa hè gần như đã trở thành “một phần” của cuộc sống. "Phần đông những người Hà Nội đều có thói quen lê la, ăn uống ở vỉa hè. Ngay cả người nước ngoài tìm đến thăm quan tại Việt Nam cũng vì thứ văn hóa ẩm thực vỉa hè thơm ngon và độc đáo.
Mỗi bát phở trên đường phố Hà Nội thường được bán với giá 15.000 đến 25.000 đồng, tức là khoảng 72 cent tới 1,2 USD - quá rẻ", Jessica Gelt, một cô gái trẻ người Mỹ đã có những trải nghiệm khó quên trong hành trình khám phá thế giới ẩm thực ở Hà Nội, cho biết trên tờ LA Times.
Quán ăn vỉa hè từ lâu đã trở thành một nét văn hóa đặc sắc
Đứng trong quan điểm này, độc giả có nickname shadow_heart13 chia sẻ: “Quán ăn vỉa hè là nét đặc trưng văn hoá ẩm thực của người Việt Nam, nếu ở TP.HCM hay Hà Nội không còn những gánh hàng rong hay những tiếng rao thì sẽ không còn nét đặc trưng vốn có. Tôi nghĩ nên tìm cách để giữ lại nét văn hoá ẩm thực này, bởi theo tôi nó là biểu tượng của thành phố”.
Độc giả có nickname Lãng Tử Đồng Quê tiếc nuối nói: "Nếu mất đi những thứ này, thì hình ảnh những quán ăn trên hè phố sẽ không còn, hình ảnh thành phố với những quán ăn khuya, những con phố với những hàng quán sáng đèn sẽ mất đi trong lòng mỗi con người nơi đây. Phố đêm sẽ mất đi một hình ảnh vốn có của nó từ rất xưa. Nhiều người khách du lịch đến Việt Nam cũng bởi sự thu hút của văn hóa ẩm thực vỉa hè giản dị mà độc đáo, nếu mất đi sẽ là một sự tổn thất lớn”.
Một độc giả khác có tên là Tuyết Ngân chia sẻ: “Quán ăn vỉa vè là một hình ảnh độc đáo của Việt Nam, quán vỉa hè mà đòi hỏi quá thì làm sao đáp ứng được. Bán thức ăn nhanh không thể bắt buộc phải có hóa đơn, mún có hóa đơn thì vào quán mà ăn chứ ăn vỉa hè làm gì”.
Bạn Nguyễn Minh Tùng nhận định: “Việc quy định thực phẩm chín phải có hóa đơn là quá khó khăn cho quán ăn vỉa hè vì quán vỉa hè ở Việt Nam đa số bán đồ ăn nhanh, chẳng lẽ mua 1 xiên thịt nướng, 1 quả trứng… phải có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc? Người làm thịt nướng đều ra chợ để mua nguyên liệu, trừ siêu thị ra chứ chẳng chợ nào có hóa đơn, mua vài mớ rau cũng hỏi hóa đơn thì làm sao đây?”.
Nên tìm cách quản lý chứ không nên “cấm cửa”
Bên cạnh những quan điểm về việc lo lắng mất đi hình ảnh đặc sắc của văn hóa Việt, nhiều người dân cũng tỏ ra băn khoăn vì nếu “khai tử” quán ăn vỉa hè sẽ khiến nhiều người đang bán quán vỉa hè sẽ gặp nhiều khó khăn.
Độc giả Đình Khải bày tỏ: “Với thu nhập của người lao động bây giờ việc ăn uống chủ yếu gắn liền với những gánh hàng rong, quán cóc. Hơn nữa, một số người kinh doanh thì họ đâu có nhiều vốn để thuê những ki-ốt, hay cửa hàng để bán. Nên cần xem xét lại cho thấu tình, đạt lý … chứ đứng thiên nặng về một vấn đề mà bỏ mặc không quan tâm đến đời sống của người dân”.
Nhiều người đưa ra ý kiến nên tìm cách quản lý chứ không nên "cấm cửa"
Cùng lo lắng khi việc “khai tử” vỉa hè sẽ được thực thi, độc giả Phong Trần nói: “Bán vỉa hè nếu quản lý được thì cũng nên giữ lại, vừa tạo được việc làm cho người nghèo vừa giảm bớt thành phần ăn không ngồi rồi đi cướp bóc … Thử nghĩ nếu những người này phải nuôi con cái ăn học thì họ sẽ như thế nào? con cái họ sẽ ra sao? Tại sao cứ phải ngăn không cho họ bán mà không tìm cách quản lý lại?".
Bạn Nguyễn Hoàng thì nhận định: “Nên giữ lại những nét đặc trưng của các nền văn hóa riêng của mỗi miền. Quán vỉa hè cũng là một nét đẹp trong văn hóa ẩm thực. Không nên nghĩ sẽ bài trừ mà hãy nên suy nghĩ tìm cách phát triển nó vừa đẹp và an toàn trong văn hóa ẩm thực”.
Theo nội dung của Thông tư 30, bắt đầu từ 20/1/2013 các quán ăn vỉa hè và quán không đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ bị “khai tử”.
Lê Tú (tổng hợp)
Theo Infonet
Theo Infonet