Những chiếc M1 Abrams tank đầu tiên được ra đời vào cách đây khoảng 30 năm, nhưng mãi cho đến chiến dịch Bão táp sa mạc năm 1991, chúng mới thực sự có dịp được chứng tỏ sức mạnh của mình. Quân đội Hoa Kỳ và Lực lượng Thủy quân lục chiến đã triển khai gần 2000 chiếc M1 đến Vịnh Persian, và chỉ có 18 chiếc trở về trong tình trạng sứt mẻ đôi chút.
Chiến trường sa mạc thực sự là nơi để M1 phát huy tối đa sức mạnh của mình, chúng tăng tốc, càn lướt, băng băng xuyên qua khói lửa bom đạn và biến tất cả các hạm đội xe tăng phía Iraq (hầu hết là những chiếc tank đời cũ được thiết kế từ phía Liên Xô) thành trò cười. Nhiều số liệu thống kê về chiến dịch này cho biết, phía Hoa Kỳ thậm chí còn chưa mất một tổ lái xe tăng nào.
M1 ra đời trong một bối cảnh vô cùng thuận lợi, khi hàng loạt công nghệ hỗ trợ cho nó vừa ra lò: giáp composite, động cơ turbine, thiết bị quan sát night vision… Tính ưu việt của chúng được thể hiện qua sự kết hợp của 4 tiêu chuẩn quan trọng:
Tính cơ động cao
Nhạy cảm với mục tiêu và dễ điều chỉnh
Hỏa lực hạng nặng
Lớp áo giáp bền vững
Lịch sử ra đời của những chiếc M1
Những chiếc tank đầu tiên ra đời vào cách đây đã hơn 100 năm. Hãy thử hình dung lại đôi nét về chiến trường khi đó: mỗi phe bảo vệ chiến tuyến của mình bằng hàng rào kẽm gai và súng máy, và để vượt qua thử thách này, bạn cần hi sinh đến hàng trăm mạng người. Thiệt hại là quá lớn, và yêu cầu lúc này được đặt ra là một chiếc lô cốt di động trên chiến trường, một tấm khiên thực sự có khả năng bảo vệ binh lính khỏi làn đạn dày đặc, dẫm nát những hàng rào kẽm gai và phá tan hàng ngũ địch.
Nhưng chỉ vài năm sau khi Anh và phía đồng minh sở hữu độc quyền tăng, phía Đức cũng đã tự phát minh ra những chiếc xe tăng cho riêng mình. Khi cả hai phía đều sở hữu xe tăng trên chiến trường, chiến thuật cho những chiếc tăng đã hoàn toàn thay đổi, giờ đây mục tiêu duy nhất của chúng là nã đạn vào nhau - M1 ra đời hoàn toàn vì mục đích này.
Từ những năm 70 trở lại đây, phía Hoa Kỳ bắt đầu công cuộc hiện đại hóa quân sự để hạn chế tối đa những thiệt hại trên chiến trường - và lĩnh vực tăng-thiết giáp là một trong những mảng được chú trọng nhất. Có một vài lý do cho sự ưu tiên này:
1. Rút kinh nghiệm từ cuộc chiến tranh Việt Nam, sa lầy vào chiến tranh du kích trong rừng hoàn toàn không phải thế mạnh của phía Mỹ. Họ cần những thứ giúp mình kết thúc cuộc chiến càng nhanh càng tốt, càng gọn càng tốt và càng ít thiệt hại càng tốt.
2. Tình hình chiến trường lúc này đã thay đổi, những cuộc chiến giờ đây diễn ra ở quy mô lớn trên những địa hình rộng rãi - đó là chiến trường châu Âu, Liên Xô, và Trung Đông. Những kinh nghiệm từ phía đồng minh Israel đã giúp Mỹ hiểu họ thực sự cần gì.
Những người anh em trước đó của M1 Abrams như MBT- 70, T-95 đều nhanh chóng bị gạt khỏi danh sách vì chúng quá phức tạp và chi phí quá cao. Rút kinh nghiệm từ những thất bại này, người Mỹ đặt ra ưu tiên hàng đầu: chi phí và tính khả thi của dự án.
Nhiều thay đổi từ hệ thống hỏa lực, thiết kế cho đến động cơ, thêm vào đó là những sự cố trong quá trình thiết kế đã khiến ngày ra mắt của M1 bị trì hoãn lại khá lâu. Kể từ khi Quốc hội Mỹ chính thức phủ quyết 2 dự án MBT-70 và XM803 và phân phối lại 2 dự án này thành dự án Abrams XM1 vào năm 1971, cho đến khi những chiếc Abrams đầu tiên ra đời vào năm 1979 - đó là một chặng đường dài. Và chỉ đến khi những cơn ác mộng này đổ bộ vào chiến trường Iraq năm 1991, cả thế giới mới có dịp bàng hoàng trước sức mạnh không-thể-ngăn-cản của chúng.
Vậy điều gì là thứ làm nên thương hiệu Abrams M1 Tanks?
Sự cơ động
M1 sử dụng động cơ turbine gas, với công suất lên đến 1500 mã lực. Thiết kế đạt được độ cân bằng về công suất-trọng lượng cho phép những chiếc M1 di chuyển rất linh hoạt. Theo những số liệu từ phía General Dynamics Land Systems, chiếc tank có thể tăng tốc từ 0 lên đến 20 dặm/h chỉ trong 7.2 giây, và nó hoàn toàn có thể di chuyển ổn định ở vận tốc 30 dặm/h. Tất nhiên điều gì cũng có giá của nó: ngay cả với những hệ thống kiểm soát nhiên liệu tiên tiến nhất, M1 vẫn phải tiêu tốn không dưới 1 gallon nhiên liệu (gần 4 lít) cho 1 dặm di chuyển.
Để khắc phục vấn đề này, M1 bắt buộc phải được trang bị một bình chứa xăng cỡ lớn. Thiết kế M1 gần đây nhất có bình chứa đạt đến dung tích 490 gallon (tương đương 1850 lít), cho phép xe tăng di chuyển liên tục trong vòng 450 km mà không cần nạp nhiên liệu.
Hỏa lực
Vũ khí chính của M1 là khẩu pháo nòng trơn M256 120mm. Súng nòng trơn tuy không đạt được độ ổn định cao như súng nòng có rãnh xoắn, tuy nhiên chúng có thể đẩy viên đạn đi với tốc độ cao mà không gây thiệt hại nặng nề.
Khẩu M256 có khả năng bắn ra rất nhiều loại đạn khác nhau. Trên chiến trường, hai loại đạn được biết đến nhiều nhất là Sabot và HEAT. Chúng gây sát thương theo những cách rất khác nhau.
Sabot
Về cơ bản, loại đạn này gây sát thương giống với cách thức của một mũi tên. Không chứa bất kỳ một lượng thuốc nổ nào, chúng sẽ đâm xuyên qua lớp giáp dày bằng sự sắc bén và động lượng cực kỳ lớn. Ở giữa Sabot là một thanh kim loại nhỏ (thường làm bằng uranium) với một đầu được vót nhọn và một đầu được gắn cánh nhằm ổn định đường bay.
Khi loạt đạn Sabot được bắn ra, lượng khí gas giải phóng ra sẽ đẩy viên đạn và "mũi tên" bên trong nó vào nòng pháo. Viên đạn Sabot gắn với mũi tên bằng một lớp nhựa tương đối mỏng manh, do đó, phần vỏ đạn sẽ rơi rụng ngay sau khi viên đạn vừa thoát khỏi nòng súng. Mũi tên sẽ bay đi với một tốc độ cực lớn, hướng thẳng đến mục tiêu. Động lượng cực kỳ lớn này tập trung vào một điểm cực kỳ nhỏ, do đó sức xuyên phá của nó là rất khủng khiếp. Và khi đã chui được vào trong buồng tank, nó sẽ vỡ thành từng mảnh, phá tan tành mọi thứ trong đó.
HEAT
Khác với Sabot, HEAT công phá lớp áo giáp bên phía địch thông qua sức nổ chứ không nhờ vào sự đâm xuyên. Mũi viên đạn được gắn một bộ phận cảm ứng, khi bộ phận này va chạm mục tiêu - BOOM.
Súng máy
M1 được trang bị ba khẩu súng máy. Một khẩu Browning 0.50- caliber M2 và một khẩu 7.62 mm M240 được gắn trên vòm ụ pháo, một khẩu M240 khác được đặt bên cạnh khẩu pháo chính.
Điểm đáng chú ý nhất trong hệ thống hỏa lực của M1 chính là hệ thống kiểm soát hỏa lực cực kỳ tiên tiến. Một dãy cảm ứng liên tục kiểm soát độ nghiêng của xe tăng, chuyển động của ụ pháo, cũng như bất kỳ cơn gió bất chợt nào đó và một máy tính điều chỉnh để đảm bảo cho khẩu pháo chính luôn nhằm trúng mục tiêu. Nhờ hệ thống này, M1 có thể dễ dàng hạ gục bất cứ mục tiêu nào trong tầm bắn, ngay cả khi nó đang di chuyển với tốc độ cao.
Lớp áo giáp vững chắc
Áo giáp của M1 chủ yếu được thiết kế dựa trên một lớp thép cán đồng nhất (nguyên văn: rolled homogeneous armor steel plates), kẹp giữa hai lớp giáp bảo vệ mỏng hơn.
Lõi của lớp giáp này là một biến thể từ thiết kế của Anh mang tên Chobham armor, với vật liệu chủ yếu là các tấm kim loại và các khối gốm. Heat và Sabot có thể vượt qua lớp giáp bên ngoài, nhưng chúng sẽ không thể xuyên hết qua bức tường thép này để đi vào trong buồng điều khiển. Những khối gốm sẽ hấp thụ hầu hết nhiệt lượng cũng như những tác nhân vật lý, do đó giảm thiểu mức độ sát thương xuống tối thiểu. Phần còn lại từ vụ lộn xộn này - lượng khí nóng còn sót lại hay những mảnh đầu đạn văng ra sẽ được những túi khí kín nằm trong lớp giáp dọn dẹp nốt.
Những chiếc M1 tank đời mới được trang bị thêm một lớp giáp nữa, làm từ hỗn hợp kim loại và uranium. Sự kết hợp này sẽ giúp chiếc M1 tank trở nên bất khả xâm phạm trước mọi loại đạn tank và hầu hết các thể loại tên lửa (Tên lửa Hellfire từ chiếc trực thăng Apache là một trong số những ngoại lệ).
M1 Tank cũng được thiết kế để kiểm soát những đợt tấn công sinh học và hóa học. Một hệ thống thoát khí tự động sẽ ngay lập tức làm sạch bầu không khí trong buồng điều khiển, bảo vệ tổ lái khỏi bất kỳ mối đe dọa nào.
Tổ điều khiển
Một chiếc M1 được thiết kế cho một tổ điều khiển gồm 4 người. Tay lái ở vị trí phía trước nhất, ngay dưới khẩu pháo chính. Để phù hợp với không gian rất hạn chế trong buồng lái, ghế ngồi sẽ được thiết kế ngả hẳn về sau. Có thể nói tay lái sở hữu tư thế thoải mái nhất so với những thành viên khác trong tổ điều khiển.
Tay lái sẽ điều khiển chiếc xe tăng thông qua một tay lái tương tự như tay lái mô tô, và như bạn đọc có thể hình dung, chiếc tank được tăng tốc thông qua việc vít tay ga. Chiếc tank cũng có phanh, được gắn dưới sàn - giống như xe hơi.
Việc xác định phương hướng được thực hiện thông qua ba chiếc kính viễn vọng. Đối với những chiến dịch diễn ra vào buổi đêm, tay lái có thể dễ dàng chuyển một trong những chiếc kính này qua chế độ cảm biến Night Vision. Một bảng điều khiển kỹ thuật số sẽ cung cấp các dữ liệu về tọa độ cũng như các thông số khác như tốc độ, mức nhiên liệu và hiệu suất động cơ.
Phần còn lại của tổ điều khiển hoạt động trong khoang dưới ụ pháo. Người nạp đạn (loader) trấn giữ phía trái, xạ thủ phía bên phải lệch về sau, và xa trưởng ở bên phải lệch ra trước. Xa trưởng sẽ có nhiệm vụ chỉ huy và giám sát hoạt động của chiếc tank thông qua một vài chiếc kính viễn vọng và chiếc màn hình tích hợp của riêng mình. Trong khi đó, xạ thủ sẽ sử dụng một hệ thống kính viễn vọng khác, cũng có khả năng nhìn trong đêm để nhắm tới mục tiêu. Một hệ thống cảm biến laser sẽ giúp tay xạ thủ tính toán chính xác phương hướng và khoảng cách đến mục tiêu. Tay xạ thủ cũng đảm nhận vai trò khai hỏa khẩu súng máy chính, hai khẩu còn lại do xa trưởng và tay nạp đạn phụ trách.
Chiến tích của những chiếc Abrams Tank
Những chiếc Abrams Tank thực sự là nỗi kinh hoàng của phía Iraq trong cuộc chiến tranh vùng vịnh lần thứ 1. 2000 chiếc được gửi đi, và chỉ 18 chiếc trở về trong tình trạng hỏng hóc (9 trong số đó đã được sửa chữa lại gần như nguyên vẹn). Hãy cùng điểm qua hai trận chiến làm nên tên tuổi của M1 trong cuộc chiến này:
Trận chiến 73 Easting
Một cuộc đấu tank thực sự, với một phe là liên quân Mỹ-Anh, và một phe là lực lượng vệ binh cộng hòa Iraq. Lực lượng cốt yếu bên phía Mỹ-Anh là Trung đoàn kỵ binh thiết giáp số 2 (2nd Armored Cavalry Regiment -2nd ACR), với tổng số khoảng 10.000 binh lính. Nhiệm vụ được đặt ra lúc này là tiến quân về phía Tây, quét sạch hàng ngũ phòng vệ phía Iraq và dọn đường cho bộ binh hạng nặng phía sau tiến quân.
Ngày 26/2, hai phía đã đụng độ nhau. Đại đội tiên phong dưới sự chỉ huy của đại úy H.R McMaster đã chỉ huy đơn vị của mình gồm 9 chiếc M1 và 12 chiếc M3 Bradley ngay lập tức khai hỏa. Trong vòng chưa đầy 1 giờ đồng hồ, tuyến phòng ngự phía Iraq đã được dọn dẹp sạch sẽ. Cuộc phản công sau đó của Iraq cũng nhận lấy kết cục tương tự, với 120 chiếc xe thiết giáp bị phá hủy, và hơn 600 binh lính bị loại khỏi vòng chiến.
Cũng trong trận chiến này, một chiếc M1 đã xác lập kỷ lục bắn hạ 3 chiếc tank phía Iraq trong vòng chưa đầy 10 giây.
Trận chiến Medina Ridge
Được coi là cuộc đấu tank có quy mô lớn nhất trong lịch sử chiến tranh thế giới. Trận chiến diễn ra trong khoảng 2 giờ đồng hồ, với thiệt hại là toàn bộ lực lượng xe thiết giáp của Iraq cùng với khoảng 400 binh lính bị loại khỏi vòng chiến. Con số này bên phía Mỹ là…gần như bằng 0.
Trong cuộc chiến này, phía Iraq đã sử dụng chiến lược phòng thủ hết sức khôn ngoan, đó là việc tận dụng sườn núi để che khuất tầm nhìn phía Mỹ, và bên cạnh đó, hạn chế tối đa hỏa lực khủng khiếp từ những chiếc M1 Abrams và M2 Bradley. Nhưng những nỗ lực này dường như cũng không đem lại hiệu quả gì nhiều. Kết thúc cuộc chiến, phía Mỹ chỉ ghi nhận duy nhất một trường hợp thiệt mạng, 5 chiếc M1 Abrams và 5 chiếc M2 Bradley. Con số này bên phía Iraq là gần 400 binh lính, 186 chiếc tank và 127 chiếc xe bọc thép.