[justify]Đã uống là phải say[/justify]
[justify]Có một bộ phận bạn nữ trẻ đang hiểu sai về bình đẳng giới khi cho rằng, con gái cũng có “quyền”… say. Nam giới tìm đến rượu đơn giản vì có “rượu ngon, bạn hiền”, họ uống nhiều trong các đám sinh nhật, liên hoan. Còn nhiều bạn gái uống say không phải để cảm nhận, thưởng thức hương vị của rượu mà phần lớn tìm đến rượu do “có vấn đề” khúc mắc trong cuộc sống, tình yêu và công việc. Họ không “mượn” rượu thường xuyên nhưng nếu uống thì nhất định phải say.[/justify]
[justify]Những ngày cuối năm học, nhiều bạn gái trẻ căng thẳng, lo lắng về việc thi cử. Chỉ thêm một chút buồn trong chuyện tình cảm, thấy cuộc sống trở nên bế tắc là họ nghĩ ngay đến việc “mượn” rượu. Lan (ĐH Công đoàn) là một trường hợp trong số đó. Mệt mỏi vì áp lực học hành, bạn trai đột ngột nói lời chia tay khiến cô cảm thấy cuộc sống buồn tẻ và mất phương hướng. Lan “tìm quên” bằng cách mua một chai Vodka và chút đồ ăn kèm và rủ bạn phòng bên “nhậu” cùng.[/justify]
[justify]Lần đầu uống rượu, lại uống nhiều, Lan nhanh chóng say. Sau đó, cô bắt đầu khóc, vật vã giữa đêm khuya. Tiếng khóc tức tưởi của cô khiến mọi người trong xóm trọ không thể nào ngủ nổi. Đến khi mệt quá, Lan thiếp đi nhưng chỉ một lúc sau thì cô bắt đầu kêu cứu vì bị co giật. Bạn cùng phòng Lan kể: “Không biết bạn ấy buồn chuyện gì. Trong khi say, Lan gọi tên người yêu, rồi lại kêu mẹ đến cứu, hai tay thì cào cấu vào nhau làm bọn em vừa lo lắng, vừa sợ”.[/justify]
Thiếu kỹ năng sống, thiếu bản lĩnh và không tự chủ trước những khó khăn làm họ cảm thấy bế tắc và mất cân bằng… (Ảnh minh họa)
[justify]Thanh (ĐH Lao động xã hội) thì tỏ ra mạnh mẽ hơn. Chia tay người yêu, Thanh rủ mấy người bạn cùng học đi uống rượu ốc. Không nói lý do từ trước, cô tỏ ra thản nhiên như chẳng có chuyện gì, thích thì uống nên không bị mọi người ngăn cản. Bạn đưa về đến cổng nhà trọ, Thanh đi không vững, lảo đảo, bò lên phòng ở tận tầng 4 mà không cần giúp. Ai động vào là bị cô đẩy ra. Nhưng điều đáng nói là trong cơn say, Thanh vào nhầm phòng bên cạnh và cứ đòi… ôm cậu bạn trong phòng, luôn miệng nói “Xin anh tha lỗi” khiến cậu bạn phát hoảng phải ù té chạy ra khỏi phòng, không quên lẩm bẩm: “Thật đáng sợ, con gái thời nay!”.[/justify]
[justify]Bình đẳng?[/justify]
[justify]Những bạn gái tìm đến rượu khi buồn đều rất trẻ, thường là sinh viên năm thứ nhất và thứ hai. Thiếu kỹ năng sống, thiếu bản lĩnh và không tự chủ trước những khó khăn làm họ cảm thấy bế tắc và mất cân bằng. Họ lao vào uống, ngay cả khi biết tác hại của rượu và hình ảnh của mình khi say.[/justify]
[justify]Khi nghe bạn bè kể lại những hành động Lan làm trong buổi tối hôm trước lúc say rượu, cô nửa đùa nửa thật nói: “Lần sau nếu định say, em sẽ đóng cửa và uống một mình”. Nhưng cô cũng thú thật là uống rượu xong chỉ cảm thấy buồn và mệt mỏi thêm. Lan càng ngại khi để mọi người phải lo lắng và nghĩ đến những gì đã làm tối hôm trước, Lan không giấu nỗi e dè: “Hình ảnh của mình trong lúc say có thể khiến mọi người nhìn mình bằng ánh mắt khác?”.[/justify]
[justify]Còn Thanh lại thản nhiên: “Mỗi lần buồn, em lại muốn rủ bạn đi uống rượu. Con gái hay trai say không phải là vấn đề quá quan trọng, bình đẳng mà”. “Nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm” – lời một bài hát Trung Quốc có vẻ đúng khi áp vào với… phái yếu.[/justify]
[justify]Song, các bạn gái nên nhớ, rượu vào không phải là… lời ra mà có thể dẫn tới những tác hại khôn lường. Thậm chí, bạn có nguy cơ phải gánh hậu quả khi bị kẻ xấu lợi dụng hoặc nếu chẳng làm chủ được bản thân sẽ là khởi đầu cho sự… trượt dốc không phanh.[/justify]