Đầu những năm 1990 một cái tên nổi lên và được cho là (cũng như tự nhận là) một tín đồ, một đệ tử của Michael Jackson – nam ca sĩ Ngọc Sơn. Lúc mới bắt đầu nổi tiếng và chưa trở thành “vua nhạc sến”, Ngọc Sơn rất… Mai-cồ từ trang phục tới cách biểu diễn trên sân khấu – dù không hát lại những bài hát của “thần tượng”, như ở sân khấu Gala ‘90 anh hát nhạc của nhóm Joy (thời thượng khi ấy) nhưng lại nhảy múa hao hao MJ. Sự giống nhau, cách thức copy thần tượng ở đây có thể lý giải rằng hào quang quá lớn của MJ khiến Ngọc Sơn – và chắc là không chỉ có ca sĩ này – muốn “học tập”. Mãi về sau này, Ngọc Sơn thi thoảng vẫn mặc cái quần có in dòng chữ King Of Pop lên sân khấu – có lẽ để người xem muốn hiểu thế nào thì hiểu chăng? - đi kèm với những động tác hình thể sao chép mà ngay chính tại nước Mỹ cởi mở Michael Jackson cũng đã từng vấp phải nhiều phản đối khi diễn như thế.
Một hiện tượng có tính toàn cầu như Michael Jackson đương nhiên có tác động đến mọi
ngõ ngách thế giới
Nhưng Ngọc Sơn không phải là người đầu tiên du nhập Michael Jackson lên sân khấu ca nhạc Việt Nam thời hậu chiến. Từ khoảng giữa đến cuối thập niên '80, King Of Pop đã bắt dầu hiện diện ở Sài Gòn với các bài hát được hát lại. Một trong những ngôi sao ca nhạc nổi tiếng nhất thời ấy đã cover các bài “hit” của MJ rất nhiệt tình như Beat it, Bad, là ca sĩ Trang Kim Yến (mẹ của nữ diễn viên Kim Thư). Theo chính Trang Kim Yến và các đồng nghiệp cùng thời với chị kể lại, ngày đó mọi người hát Mai-cồ cũng như nhiều nhạc phương Tây khác theo kiểu truyền khẩu, nhưng Mai-cồ gây ấn tượng mạnh hơn vì có phong cách biểu diễn khiến các ca sĩ ở giai đoạn đầu thời mở cửa thấy vô cùng hưng phấn, như thể được giải tỏa bức bách.
Một hiện tượng có tính toàn cầu đương nhiên có tác động đến mọi ngõ ngách thế giới, và cơ hội để Michael Jackson (MJ) hiện diện ở Việt Nam là khi anh đang ở đỉnh cao, đang tạo nên cơn sốt toàn cầu, thì cũng là lúc nhạc trẻ Việt Nam sau năm 1975, nhân sự kiện Đổi Mới, bắt đầu có những bước chập chững giao lưu với thế giới rộng lớn bên ngoài sau một thời gian dài “nhạc ngoại” đồng nghĩa với những bài hát Liên Xô và Đông Âu. |
Chính vì tính chất ảnh hưởng ấy mà có thời dư luận – cả báo chí – thường nhìn những dấu hiệu MJ trên sân khấu ca nhạc Việt Nam một cách không thiện cảm, giới thủ cựu thường kết luận rất nặng lời là suy đồi. Bản thân công chúng Việt Nam không phải lúc nào cũng dễ chấp nhận được những phong cách hết sức khác lạ với mặt bằng đời sống ca nhạc chung khi ấy – khi mà “nhạc ngoại” được khen là có giá trị chỉ quanh quẩn ở dòng nhạc Pháp những năm ‘60, ‘70, rất hiền lành, rất nhu mì thủ thỉ tâm tình. Bản thân MJ ở Mỹ cũng không phải đã ngay tức khắc thuyết phục được “dân chúng” ở đó. Phải mất chừng năm năm, từ khi đĩa Thriller ra đời đến khi King Of Pop trở thành hiện tượng toàn cầu đầu những năm '90.
Vì muốn nhấn mạnh đến “ảnh hưởng” của MJ như một hiện tượng văn hóa toàn cầu tràn đến Việt Nam, nên người viết sẽ không nhắc đến giai đoạn sớm hơn, khi những bài hát qua giọng hát thiên thần của “ngôi sao nhí” Michael Jackson và cả của nhóm The Jackson 5 đến Sài Gòn trước năm 1975, chẳng hạn I'll be there, Ben, Got to be there – bởi thời ấy chưa có khái niệm “ảnh hưởng” trong trường hợp MJ.
Nhưng âm nhạc của Michael Jackson thời từ Off The Wall trở đi, tức là thời trưởng thành, không đơn giản, không dễ nghe với nhiều khán giả và cả ca sĩ Việt Nam thời ấy – vốn đang bị mê hoặc bởi dòng disco của Modern Talking, Joy hay BoneyM - trừ một số bản ballad. Cho nên nói “ảnh hưởng” của MJ đến nghệ sĩ Việt Nam chủ yếu là nói đến những thay đổi trong phong cách biểu diễn – với giới ca sĩ: sôi động hơn, ăn mặc cũng… thoáng hơn, động tác sân khấu mạnh bạo hơn. Có thể nhận ra dấu ấn MJ thời ấy – trực tiếp hay gián tiếp - ở những ca sĩ như Trang Kim Yến, Hoàng Cúc, Nhã Phương, Ngọc Ánh, Thanh Lam… những người đã mang dòng nhạc pop '80 rất thịnh hành đến với công chúng Việt Nam – không tính các ca sĩ Việt hải ngoại. Còn trong giới nhạc sĩ, là những tư duy mới mẻ về hòa âm và những ý thức nghiêm túc về thể loại, mầm mống cho ngày nở rộ các trào lưu hát hip-hop, R&B mà ta đang chứng kiến hôm nay.
Vào giữa những năm 1990, dấu ấn MJ trong giới nghệ sĩ cũng nhạt dần đi, dù ngoài đời sống, giới trẻ vẫn sôi lên mỗi khi có bài hát mới, album mới của MJ ra mắt. Những buổi chiếu phim ở Fansland (Hà Nội) trình chiếu video HIStory Book 2 giới trẻ đi xem đông nghịt, hò hét rú rít như thể đang xem ngoài sân vận động.
Sự phai nhạt ấy cũng dễ lý giải bởi khi ấy nghệ sĩ Việt Nam đã rộng cửa nhìn ra thế giới hơn, biết thêm nhiều hơn cũng như có nhiều cơ hội lựa chọn cái gì thực sự phù hợp với mình. Âm nhạc của Michael Jackson thì xuất chúng thật và sẽ còn tồn tại lâu dài, nhưng những cơn sốt kiểu Vua này Vua nọ thì chỉ có tính nhất thời, sẽ đến lúc “sốt” hạ nhiệt. Nhất là vào thời điểm kể trên, sức sáng tạo của MJ đã không còn dồi dào, thậm chí yếu ớt, đời tư lại liên tục dính vào các tai tiếng liên quan tới đạo đức và luật pháp, điều tất nhiên là không đáng học tập chút nào. Và thực tế thì “ảnh hưởng xấu” của Michael Jackson kiểu những scandal ồn ào cũng không ảnh hưởng gì đến giới nghệ sĩ Việt Nam, nếu có chăng tai tiếng thì thường là do tự ai đó hoặc do những “nguồn” khác, chứ đổ cho Michael Jackson làm gia tăng mức độ scandal trong showbiz Việt thì quả thực rất oan.
Ngay cả đệ tử trung thành như Ngọc Sơn sau này cũng giã từ thần tượng mà trở thành ngôi sao nhạc sến, thi thoảng có nhắc lại một thời quá khứ oanh liệt khi trình bày các bài nhạc trẻ tự sáng tác với những vũ điệu lạ mắt được cho là tàn dư thời học làm Mai-cồ. Các ca sĩ từng ảnh hưởng trực tiếp Mai-cồ thì phần lớn đã giải nghệ, hoặc đã qua thời tung hoành gào thét. Lớp ca sĩ trụ cột hiện nay của nhạc trẻ Việt Nam thì hình thành thẩm mỹ và phong cách ở thời điểm ảnh hưởng của MJ không còn thống trị như trước nữa. Còn với nhiều “ngôi sao” nhạc teen bây giờ, Michael Jackson có khi là một cái gì đó hết sức xa lạ. Vài phát biểu trên báo của mấy hot boy, hot girl nhân ngày mất của King Of Pop cho thấy rõ ràng tính chiếu lệ của người được hỏi và sự cẩu thả của người đi hỏi.
Ảnh hưởng của Michael Jackson đến (cái gọi là) showbiz Việt theo hướng “công khai”, vỏn vẹn là vậy. Ảnh hưởng lâu bền hơn thì lại không thuộc về bề nổi. Rất nhiều ca sĩ, nhạc sĩ hâm mộ Michael Jackson, nghe và ngấm âm nhạc của MJ, nhưng không thể hiện rõ ràng điều ấy trong tác phẩm của mình. Có lẽ họ chịu ảnh hưởng về chiều sâu nhiều hơn, như những tìm tòi căn bản về âm nhạc để đưa ra cái mới, như nghị lực vươn lên không gì cản nổi của một ngôi sao. Có thể thấy ảnh hưởng chiều sâu ấy ở ê-kíp âm nhạc đình đám một thời và vẫn rất quan trọng ở thời điểm hiện nay: Mỹ Linh – Anh Quân – Huy Tuấn!
Âm nhạc Việt Nam trải qua nhiều biến động rất lạ. Vào thời điểm năm 1975 âm nhạc VN đang nhen nhúm cái phong trào của nhạc trẻ, rất chịu ảnh hưởng nhạc pop của Hoa Kỳ. Cũng như bắt đầu âm nhạc của Pháp. Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nhạc pop của Pháp lúc đó. Sau năm 1975 có thời gian ngắt đoạn và không được tiếp xúc với âm nhạc phương Tây nhiều, do nhiều định kiến. Mãi đến gần giữa thập niên 1980 thì người ta bắt đầu mới nghe lại một số, một cách ít ỏi, những sự phát triển của âm nhạc bên ngoài. Michael Jackson lúc đó xuất hiện. Nó thực sự chiếm lĩnh cảm giác hết sức bất thường vì đem lại cái mới và niềm cảm hứng sáng tạo rất là đặc biệt. Và gần như trong thời gian đó, nó là một khuynh hướng sống, là thứ thời trang, sách giáo khoa về âm, nhạc, và lại có cá tính nghệ sĩ. Trong giai đoạn đó giới trẻ Việt Nam cũng như là giới biểu diễn, cùng giới sáng tác, chơi nhạc chịu ảnh hưởng vô cùng nhiều từ sáng tác phẩm của Michael Jackson. Những câu chuyện của Michael về sáng tác, tập luyện, trình bày rồi hòa âm, đã được kể cho nhau nghe giống như những bài học lớn để người ta cố gắng hơn trong việc thực hiện tác phẩm nghệ thuật của mình. Nhạc sĩ Tuấn Khanh |
Minh Đức