Ngẫu nhiên trong tuần, có hai câu chuyện đều về sự "hoàn tục". Ở nơi này, thiền viện, là sự hoàn tụccủa một nhà tu hành, từng khoác áo cà sa. Ở nơi kia, nghị trường, là bàn về chuyện hoàn tục của những người chấp chính. Nơi, sự hoàn tục dễ dàng như trút bỏ. Nơi, trút bỏ là cả một quá trình dài chưa rõ hồi kết…
Hoàn tục rất dễ…
Vụ việc Mr Đàm "khóa môi" nhà sư T. P. Đ, gây nên làn sóng bất bình lớn trong xã hội và giới phật tử sau cuộc đấu giá từ thiện để ủng hộ một ca sĩ khác đang mang trọng bệnh, tưởng chừng đã kết thúc, lắng xuống với những cái kết buồn cho mỗi phía. Mr.Đàm bị ngành văn hóa phạt 5 triệu đồng, còn nhà sư bị phạt ba tháng "biệt chúng"- một hình phạt nghiêm khắc theo quy định của Giáo hội.
Vụ việc ầm ĩ đến nỗi, trang điện tử tờ Bangkok Post của Thái Lan - xứ sở của Phật giáo, cũng đưa tin về câu chuyện cực kỳ phản cảm này, dẫn nguồn từ hãng thông tấn lớn nhất của Đức- DPA. Đủ biết, đụng chạm đến tín ngưỡng đâu phải chuyện để tạo… scandal như Mr. Đàm vừa làm.
Vậy mà bỗng nhiên cái kết ấy lại bùng lên theo hướng khác.
Mr. Đàm trong một lá thư viết cho sư thầy Thích Minh Tuệ ở Mỹ, hé mở sự thật vụ "khóa môi", theo đó, nhà sư T.P.Đ đã có những thái độ chủ động, hành vi và lời nói khác lạ, đi ngược lại với năm điều răn- ngũ giới của nhà chùa.
Còn nhà sư T.P.Đ, đang trong thời gian bị phạt "biệt chúng", đã xin hoàn tục và được Thượng tọa Thích Biểu Chánh, cùng chư tăng Thiền viện Phước Sơn (xã Phước Tân, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) chấp thuận. Nhà sư T. P. Đ đã được Thiền viện tổ chức làm lễ, trả tam y tỳ kheo và bình bát, trở thành cư sĩ thọ trì Tam quy Ngũ giới như bao cư sĩ khác.
Nói theo cách nói thời thượng, nhà sư cũng đã… từ chức.
Nhưng mới đây, lá thư của cư sĩ T.P.Đ cũng "tố" lại Mr. Đàm nói dối, khiến dư luận ngỡ ngàng. Trong hai người, ai đúng, ai sai?
Câu chuyện giữa cư sĩ T.P.Đ và ca sĩ họ Đàm chưa đến hồi kết. Báo chí còn có cơ hội khai thác và tăng hit, câu view (?) Nhưng dư âm của vụ việc "khóa môi" thì nó cho mỗi người đọc một suy ngẫm ở đời về vị thế, sự đúng chỗ, và văn hóa ứng xử.
Cư sỹ T.P.Đ đã không theo trọn được đường tu. Âu cũng là cái nghiệp, cái duyên, cái "căn" với nhà Phật chưa thành. Nhất là khi người ta nhìn trên mạng, vị cư sĩ khi còn khoác áo cà sa, chụp ảnh với nhiều tư thế xa lạ với phong độ nhà chùa. Không hiểu, nếu như không có scandal "khóa môi", bị phạt biệt chúng, cư sĩ T.P. Đ có trở thành một nhà chân tu không?
Nhưng cái chuyện đi đến tận cùng "sự thật" theo kiểu của ca sĩ họ Đàm lại có gì đó không thật phải đạo.
Đúng, sai thì mỗi người trong cuộc "khóa môi" trước thanh thiên bạch nhật, trước Đạo và Đời, đều đã rõ ràng.
Sự "chơi ngông" của vị ca sĩ, sự nông nổi và thiếu kiểm soát hành vi khi khoác chiếc áo nhà chùa của cư sĩ trẻ đều đã phải trả giá. Giá đắt với cư sĩ T.P. Đ thì đã rõ. Còn có đắt với ca sĩ họ Đàm ở trong làng giải trí, vốn đời sống nhung lụa kiểu "ông hoàng" tự phong, đầy rẫy những cách PR đủ kiểu không, thì không rõ.
Nhưng để được thua đến tận cùng, và vì sĩ diện cá nhân, thì việc "đổ tội" của ca sĩ họ Đàm, người luôn có một lượng fan hâm mộ đông đảo, giàu có, cho một cư sĩ còn trẻ tuổi đời, gia cảnh và gia phận nghèo khó, chưa biết đi đâu về đâu trong sự thất vọng của gia đình, có đáng không?
Vụ việc Mr Đàm "khóa môi" nhà sư T. P. Đ, gây nên làn sóng bất bình lớn trong xã hội và giới phật tử |
Chẳng biết ngành nào, giới nào sẽ tiếp tục phân xử cho hai phía ca sĩ - cư sĩ, khi mà cái chữ sĩ (diện), đã làm hỏng hình ảnh của cả hai người trong vụ "khóa môi" khó tha thứ này, dưới con mắt cả phía Đời lẫn phía Đạo?
Được biết, mới đây, trong danh sách trúng thưởng hạng mục nam ca sĩ được yêu thích nhất của năm do Giải thưởng âm nhạc trực tuyến Zing Music Awards (ZMA) công bố, đã không có tên ca sĩ họ Đàm. Hay đó cũng là sự "biệt chúng" cần thiết của nhân thế?
Chợt nhớ tới một nhân vật lịch sử khá nổi tiếng từng phân chia tôn giáo của nhân loại. Đại ý, thế giới này có bốn khu vực tín ngưỡng lớn: Thiên Chúa giáo, Phật giáo, Hồi giáo và … "linh tinh giáo". Nhưng người viết bài cho rằng, có một thứ "tôn giáo" vĩnh cửu, vượt qua cả mọi loại hình đạo giáo, để trở thành bất biến với nhân gian. Đó là Văn hóa.
Mới đây, báo chí đưa liên tục hình ảnh một ca sĩ nổi tiếng, đồng thời là một mệnh phụ hàng nhất phẩm phu nhân của một quốc gia. Xinh đẹp cực kỳ, hát rất hay, phong cách sang trọng. Vậy mà cả đời bà chưa từng dính phải scandal. Âu đó cũng chính là văn hóa cao một người nghệ sĩ, dù giờ đây, bà thuộc giới quý tộc "triều đình".
Văn hóa là "tín ngưỡng, là "tôn giáo" cao nhất của con người văn minh trong ứng xử, trong phẩm cách, để tránh những húy kỵ của kiếp người sống ở đời. Văn hóa buộc con người biết hành xử đúng, khiến con người ta, từ lời nói đến hành động phải nhất quán, để đồng loại tôn trọng. Nhưng điều đó còn tùy thuộc vào trình độ, khả năng nhận thức, tư duy và cả sự …tu thân của con người.
Văn hóa khiến người có đạo không được phạm vào các điều kiêng kỵ của giới.
Người nghệ sĩ không được tạo ra các scandal, bằng bất cứ giá nào
Người cầm bút không viết đổi trắng ra đen, không viết xu phụ chỉ vì tiền.
Người lãnh đạo không tham nhũng, và mọi việc làm, mọi hành động đều thực sự phải vì dân.
Nếu cứ nhìn vào những điểm húy kị đó, thì quả thật, mỗi giới, mỗi con người chúng ta sẽ phải tự Dọn mình rất nhiều. Hoàn tục, như cư sĩ T. P. Đ thì quá đơn giản. Còn hoàn thiện phẩm cách, cách ứng xử và hành động trong đời sống cộng đồng, để là người có văn hóa, có tư cách trước con mắt đồng loại, hóa ra không dễ.
Chả thế, tiền nhân xưa cũng đã "văn hóa hóa" loài vật, chỉ để nói về văn hóa ứng xử của loài người, thâm thúy mà rất thời đại: Chuột chù chê khỉ rằng hôi/ Khỉ lại trả lời cả họ mày… thơm.
Và hoàn tục rất… khó
Câu chuyện của cư sĩ T.P.Đ hoàn tục, ngẫu nhiên trùng hợp với một chủ đề mà các đại biểu Quốc hội khóa XIII đang họp, bàn luận sôi nổi- văn hóa từ chức, khi chạm tới một vấn đề thời sự- Dự thảo Nghị quyết về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm.
Đó cũng là một sự hoàn tục, của các chính khách cấp cao, từ chính trường trở về với đời thường.
Các ĐBQH ấn nút thông qua Nghị quyết về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn. Ảnh: Lao động |
Ví như mới đây, sau một thời gian dài mong đợi, lo lắng, chính quyền huyện Bắc Trà My (Quảng Nam) đã phải tuyên bố từ nay, huyện sẽ không đón tiếp các đoàn đến kiểm tra và xem xét hiện tượng động đất ở thủy điện Sông Tranh 2 nữa, vì không giải quyết được việc gì (VietNamNet, ngày 20/11). Trong khi người dân vẫn quá khốn đốn, lo sợ, hoang mang, còn động đất ngày càng mạnh, cứ như thích… đùa dai với tất cả.
Tuyên bố của chính quyền "huyện Động đất", quả là một lá phiếu bất tín nhiệm công khai, sòng phẳng với các nhà khoa học, nhà quản lý thuộc những ngành chức năng có liên quan.
Ví như mới đây, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã cảnh cáo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước Trương Tấn Thiệu, đề nghị cách chức ông này, vì một loạt những vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, thiếu trách nhiệm…, làm thất thu ngân sách, gây hậu quả nghiêm trọng. Đồng thời yêu cầu Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến rút kinh nghiệm về việc để con trai mua, sử dụng đất, xem xét một số trường hợp khác…
Nhưng từ sự cách chức, cho thôi chức đến từ chức, một thái độ ứng xử cần thiết của quan chức, khi không còn xứng đáng với vị thế, với chữ tín của dân, còn là một khoảng cách khá xa về tầm tư duy thời cuộc và thiết chế quản lý xã hội. Một bên là bị động, một bên là chủ động. Một bên là bị Dọn mình, và một bên là tự Dọn mình.
Trong quá khứ, các bậc tiền nhân nước Việt như Vua Trần Nhân Tông, nhường ngôi cho con trai, lập ra Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, như Chu Văn An- nhà giáo, thầy thuốc, đại quan nhà Trần- từng được phong tước Văn Trinh Công…, đã có những hành động từ chức rất đáng kính trọng, để lại cho con cháu đời sau những bài học lớn về tư cách, về phẩm giá làm người và làm quan.
Nhưng thời hiện đại, thì cái chữ từ chức nó nặng nghìn cân, khiến cho con người chúng ta, khó ai có thể mang vác chăng? Chả thế, ngày 16/11, báo Dân trí có bài viết Từ chức…khó lắm! trong đó tóm tắt sáu điểm bản chất xoay quanh hai chữ danh + lợi, đã khiến cho việc từ chức từ lâu trở thành đồ xa xỉ, quý và hiếm.
Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương Bùi Thanh Quyến rút kinh nghiệm về việc để con trai mua, sử dụng đất |
Ở nhiều quốc gia Âu, Mỹ, Á…, từ chức là hành vi bình thường của nhiều quan chức từ thấp đến cao, mỗi khi họ không làm tròn chức trách, gây ra tai tiếng về phẩm cách, phẩm hạnh. Mà ở xã hội ta, từ chức được coi là đột phá, thì thước đo văn minh của xã hội này còn khoảng cách xa lắm, so với nhân loại.
Ở đây, có lỗi của giáo dục. Dù đã thay đổi, cách tân nhiều lần, nhưng sức ì của GD quá lớn, khó tạo ra sự thay đổi những giá trị về cái thực- cái danh. Trẻ nhỏ thiếu kỹ năng sống, thì khi là người trưởng thành, sẽ thiếu kỹ năng dám hành xử nhận lỗi, thậm chí là từ chức, nếu thấy sai lầm.
Ở đây, có lỗi của những chính sách về đãi ngộ. Chưa trọng người giỏi, chỉ trọng người làm quan.
Ở đây, có lỗi của cơ chế xin- cho, mảnh đất mỡ màu cho tệ nạn tham nhũng. Vì vậy, nếu chống tham nhũng không mang tính chất một cơ quan độc lập, khách quan, mà vẫn có dáng dấp của cơ chế xin- cho, thì hiệu quả nó chắc chắn sẽ… "nguyễn y vân".
Vì thế, con đường dám hoàn tục, trở về với đời thường, từ quan trường, vẫn là nơi cỏ tục lụy mọc dày và che khuất!