Chú Nguyễn Văn Bân mong muốn năm mới sẽ có việc làm tốt hơn, thu nhập ổn định. |
Chúng tôi đến khu vực bến xe Chợ Lớn vào sáng 27 tết. Không khí mua bán ở đây diễn ra tấp nập. Hai con đường Trang Tử và Hải Thượng Lãn Ông (quận 5) ngập tràn một màu đỏ. Tết đã rất gần kề, câu đối chúc xuân, lồng đèn giấy hình rồng, đồ trang trí treo tết bày bán khắp nơi. Người mua, kẻ bán tấp nập, ồn ã.
Nhưng cách đó một con đường, phía trong công viên Thăng Long, ba đứa trẻ quần áo không đầy đủ, tuổi chỉ vào khoảng 2 - 3 đang nằm lăn lóc trên những tấm giấy thùng các tông. Gần đó, một người phụ nữ hơn 20 tuổi đang ngồi bên một đứa trẻ khác, thẩn thờ nhìn về phía các hàng quán bán đồ Tết.
Đây là một gia đình 4 mẹ con vừa “nhập cư” vào công viên này và cũng như bao con người ở đây, từ lâu họ đã quên cái cảm giác được đón Tết. Với họ, niềm vui không đến từ mái nhà ngập tràn tiếng cười, mà đến từ những bữa ăn được no bụng, những giấc ngủ vội vã sau những buổi đi lang thang kiếm sống.
Những đứa trẻ ngủ lay lắt trên lề đường, không biết đến khi nào chúng mới được hưởng chút hương vị ngày Tết. |
Người đàn ông có “thâm niên” hơn 10 năm lượm ve chai trên đường phố Sài Gòn, chú Nguyễn Văn Bân (54 tuổi, quê ở Đồng Tháp) cũng “nhói lòng”, khi chúng tôi hỏi về ngày Tết
Chú Bân cho biết, năm nào đến Tết, chú lại cánh cánh trong lòng câu hỏi: “Liệu năm mới, cuộc sống có được thay đổi không, hay vẫn là kiếp nghèo, sống hè phố ?”.
Chú nói: “Tết đến, tôi chỉ mong ước sẽ có một tổ chức từ thiện nào đó hướng dẫn công ăn việc làm cho những người như tôi, để có tiền thuê một chỗ ở đàng hoàng, không còn phải lang thang đây đó nữa”.
Bà Bùi Thị Em nhìn dòng người đi sắm hoa tết… |
Còn tại quận 8, nơi đang diễn ra chợ hoa nhộn nhịp ở bến Bình Đông. Trên con đường đông kín người, chúng tôi thấy một bà cụ móm mém, ngồi trên vỉa hè mỉm cười. Chốc chốc, có ai đó đi ngang qua vứt chai nước rỗng là bà khấp khởi chạy ra nhặt bỏ vào túi. Bà Bùi Thị Em (71 tuổi, quê ở Vĩnh Long) lên thành phố với mong muốn được đổi đời nhưng vì hoàn cảnh mà phải gắn với “nghiệp” nhặt ve chai.
Bà Em sống cùng người dân lao động nghèo ở một phòng trọ nhỏ gần lộ Đá Đỏ, quận 8. Tuổi cao, không con cháu, họ hàng…nhưng bà được những cùng khổ, chăm sóc, hỏi han. Bà Em cho biết, hằng phải đi bộ hàng chục km để nhặt đồ phế liệu, kiếm được từ 20 đến 40 ngàn đồng..
Tết này, bà chỉ cho phép mình nghỉ ngày mồng 1, còn những ngày khác vẫn phải đi làm, kể cả đêm giao thừa.
Khi được hỏi về mong ước trong năm mới ? Bà Em cười: “Có ước nguyện gì đâu, tôi cũng gần đất xa trời rồi, chỉ mong cho Tết đến ai cũng hạnh phúc, sung sướng bên gia đình”.
Khi thành phố khoác lên “chiếc áo” huy hoàng của mùa xuân, những chợ hoa xuân, đường hoa muôn màu…nhưng vẫn còn đó những người nghèo khó phải bươn chải nhiều hơn để kiếm sống như chú Bân, bà Em. Mong rằng chính quyền địa phương, các tổ chức từ thiện có nhiều hoạt động hơn nữa hỗ trợ người nghèo để khi thành phố vào thời khắc giao thời thiêng liêng, ai cũng được có Tết.
- [*]Minh Nhật