[justify]Con gái giờ đã hơn 5 tuổi nhưng cứ nhớ đến lúc chuẩn bị sinh bé, chị Thu (Đông Anh, Hà Nội) vẫn không nguôi nỗi buồn và giận chồng. Lúc đám cưới, chị đã có bầu được 3 tháng. Anh lái taxi thuê, nhưng bữa làm bữa không, và khi ở nhà, ngoài ngủ là chạy tới quán game gần nhà luyện.
Đến ngày sinh, thấy đau bụng dưới và ra máu báo, chị ra quán gọi chồng nhưng mãi anh không về nên đành phải vào viện một mình, đồng thời gọi điện cho một cô bạn đến cùng, vì bà nội và bà ngoại đều ở quê xa chưa ra kịp. Mong ngóng mãi không thấy chồng đâu, đến lúc mẹ tròn con vuông rồi anh mới chạy đến, còn trách móc "Đã bảo đợi anh chơi nốt mà không nghe, còn đi đẻ trước".
Sau đó, nhìn em bé đỏ hỏn nằm cạnh vợ, anh ghé sát mặt vào nhìn "Ối, sao trông nó già thế, da nhăn hết cả". "Thời khắc quan trọng đó chỉ muốn luôn có chồng ở bên, có khi chỉ là nắm tay, hỏi han vợ vài câu thôi, tủi thân vô cùng", chị Thu thổ lộ.[/justify]
Cảnh chờ người thân sinh trong Bệnh viện phụ sản Hà Nội. Ảnh minh họa: MT.
[justify]
Cũng chưa phải mó tay vào việc gì và quen được vợ chiều, anh Trung (Ngọc Hà, Hà Nội) giao phó mọi việc chăm vợ con cho bà ngoại lúc chị vào viện đẻ. Có hôm, thấy chồng mang đến viện mấy quả táo, vợ trêu "hôm nay trời có bão hay sao mà chồng tôi lại biết đi chợ thế này", thì anh lắc đầu "Đâu, đây là táo em mua từ hôm trước, để trong tủ lạnh mãi mà chẳng ai gọt cho anh ăn, nên anh mang vào cho em gọt".
Không những thế, bữa nào anh cũng vào viện ăn chung với vợ, cơm do bà ngoại nấu mang vào. Ăn thịt nạc rim, rau ngót mãi cũng chán, có hôm chàng rể đề xuất "Mai mẹ mang cá hay xào ít mực nhá".
"Cũng may là chồng còn biết thương vợ thương con nên tính công tử bột cũng ngày một bớt đi. Sau này, dưới sự huấn luyện của vợ, chồng đã biết nấu cơm, pha sữa, thay đồ cho con…", vợ anh Trung kể.
Mới có con đầu lòng được hơn 2 tháng, anh Đức (Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội) nhớ nhất là pha trốn trong nhà vệ sinh viện sản để được ở lại chăm vợ sau sinh. Thường, cứ 7h30 tới 10h30 sáng ngày hành chính là người nhà sản phụ phải ra ngoài hết, trong phòng chỉ còn lại mẹ và bé, bác sĩ sẽ đến kiểm tra tình hình hai mẹ con, bé được bế đi tắm, mẹ được vệ sinh, thay băng… Thương vợ vừa mổ xong còn đau, không thể một mình chăm con, lại chưa kịp ăn uống gì, lúc nhân viên bệnh viện đến yêu cầu người nhà ra ngoài, anh Đức lẩn ngay vào phòng vệ sinh trong dãy.
"Chưa bao giờ có cảm giác sợ đến thế. Mùi xung quanh thì không tả được, rác ở khắp nơi, lòng thì nơm nớp sợ bị phát hiện, lại ngại có bà đẻ cứ đứng trước cửa phòng giục vì mót quá…", anh Đức kể lại. Lúc thấy yên yên, anh mới rón rén bước về với vợ. Vì phòng có 4 người sinh mổ nên anh quay như chong chóng vì hết người này nhờ lấy nước, người kia hỏi đổi tiền lẻ để lót tay các cô tắm bé, người khác lại nhờ pha sữa, bế con lại gần hộ…
"Cuối cùng vợ thì vẫn phải tự chăm con, mình thì bị phát hiện, phải xin lỗi rồi ra ngoài, sợ làm các bác phật lòng lại mạnh tay thì khổ vợ", anh Đức kể.
Anh còn tếu táo chia sẻ kinh nghiệm cho mấy chú đồng nghiệp cũng sắp "hộ đê": "Lúc vào viện nhớ phải soi kỹ ngực áo các cô hộ lý, y tá để xem tên, có gì sau gọi nhờ vả cho dễ".
Ông bà hai bên ở xa, nên hai lần sinh nở, chị Nhung (Đống Đa, Hà Nội) chỉ có chồng bên cạnh. "Cả hai lần ông xã đều là người đưa mình vào viện. Vợ trong khu chờ sinh, hễ nhìn ra ngoài hành lang là thấy chồng tay nắm song sắt, mắt chăm chăm nhìn vào, chốc chốc lại gọi 'đau nhiều không em'. Sinh xong thì chồng chăm con, nấu ăn cho vợ, tắm con, giặt giũ quần áo", chị Nhung kể.
Sinh lần đầu, khi vừa được chở cáng từ phòng sinh ra ngoài, chị đã thấy anh chạy ào đến ôm vợ, cầm tay, nắn chân. Sau này anh kể, giữa đêm, vừa ra ngoài đón cô em đến viện, quay vào đã không thấy vợ đâu, anh lo đứng lo ngồi, chạy đôn đáo khắp nơi tìm xem có lối nào có thể nhìn thấy vợ ở khu sinh không.
"Chỉ sợ em trong đó có vấn đề gì, anh run, toát cả mồ hôi. Lúc đó chỉ ước nếu cắt đi một ngón tay mà vợ đỡ đau hơn, anh cũng làm ngay", anh thổ lộ với vợ.
Lần sinh thứ hai, do đã có kinh nghiệm và kinh tế cũng khá hơn, vợ chồng chị Nhung đăng ký sinh dịch vụ để chồng được vào cùng khi vợ đẻ. Và anh đã nắm tay chị suốt những lúc cơn đau dồn dập. "Chỉ cần nhìn ánh mắt đầy yêu thương, lo lắng của chồng là thấy yên tâm hơn rất nhiều. Sau này, cũng có nhiều lần vợ chồng cãi cọ, mâu thuẫn, nhưng cứ nhớ đến ánh mắt ấy, sự quan tâm ấy là lòng mình chùng lại ngay", chị nói.
Cũng như chị Nhung, hầu hết các bà vợ đều cảm động, hạnh phúc khi cảm nhận được sự lo lắng, yêu thương và luôn cận kề của chồng lúc họ vượt cạn. Trải qua những giờ phút ý nghĩa đó, họ cảm thấy tình cảm vợ chồng gắn bó, sâu sắc hơn.
Chị Dung (Kim Mã Thượng, Hà Nội) kể, anh xã chị là bộ đội đóng quân xa nhà. Ngày chị sắp sinh, anh gọi điện về bảo "anh đã xin nghỉ phép rồi, 3 ngày nữa, bảo con cố đợi, đừng ra vội". Đúng lúc chị vào phòng đẻ thì thấy chồng, vẫn nguyên bộ quân phục, hớt hơ hớt hải chạy vào, và bị bác sĩ quát đuổi ra. Anh năn nỉ "Tháng nay rồi em mới gặp vợ. Nhà em còn chưa ăn gì, sức đâu mà đẻ. Bác sĩ cho em vào bón cho vợ bát phở". "Lúc đó, mình vừa buồn cười, vừa thương, hai hàng nước mắt cứ thế chảy ra", chị Dung nói.
Chị cũng không nhịn được cười khi nhắc lại những đêm chăm vợ trong viện, anh trải chiếu nằm dưới chân giường, nghe vợ gọi dậy dỗ con khóc, anh mắt vẫn nhắm, tay cứ thế vỗ lấy vỗ để lên đùi vợ, miệng lẩm nhẩm "ngoan nào, bố đây, bố đây", khiến mấy người cùng phòng cười đau bụng.[/justify]