Với số thành viên lên đến gần 500.000 người, mỗi một tấm ảnh đăng tải trên VSBG (một nhóm trên facebook, thu hút rất nhiều bạn gái trẻ "khoe hình") thu hút hàng chục ngàn lượt tương tác, hàng ngàn bình luận và mang về cho chủ nhân hình ảnh lượng “danh tiếng” đáng kể.
Cuộc đua danh tiếng
Từ bao giờ không rõ, giới trẻ Việt trên mạng xã hội bước vào một cuộc đua fame (danh tiếng, danh vọng) đầy gay cấn. Nếu trang cá nhân của bạn chỉ có ít người theo dõi (follow), bạn có thể xem như đồ bỏ đi. Nếu một status của bạn không có hàng trăm, hàng ngàn lượt like, bạn chẳng có giá trị gì trong mắt cộng đồng.
Kết quả là, bằng mọi phương thức, bạn trẻ phải tìm like, tìm tương tác cho các status của mình, tìm người follow trang của mình, để… oách, để có thể “dương danh lập oai”.
Cách đơn giản nhất để tìm tương tác là những status hăm dọa sẽ hủy kết bạn để những người vốn chỉ theo dõi phải bấm like, phải comment. Các cô gái muốn tăng danh tiếng sẽ chọn đăng những tấm ảnh “diễn sâu”, “deep deep” để “thả thính” tìm tương tác.
Họ thậm chí có thể đưa ra những lời hứa hẹn kiểu sẽ uống nước mắm, sẽ đập điện thoại… chỉ để đảm bảo rằng sẽ có được lượng tương tác mình muốn trên status ấy, để “có fame”.
Ngày cá tháng tư vừa qua, giới sinh viên rộ lên trò nhắn tin tỏ tình theo kiểu “nhân ngày nói dối nên tôi nói thật”. Hai sinh viên trường sư phạm đã hẹn nhau để cô gái thẳng thừng, ngạo mạn từ chối lời tỏ tình của cậu trai; để anh chàng mang lời từ chối lên các diễn đàn khóc lóc.
Chỉ trong một đêm, status khóc lóc của chàng trai nhận được hàng ngàn lượt like, cả trăm lời động viên, trong khi trang cá nhân của cô gái bị “dội bom” với những lời kết bạn và cả những tin nhắn chửi rủa vì sự tàn nhẫn, vô tâm của nàng. Chỉ trong một đêm, danh tiếng của cả hai tăng vọt so với việc đăng những tấm ảnh thả thính thông thường.
Nhưng kể cả khi có sự hợp tác, danh tiếng cá nhân cũng khó mà tăng nhanh. Nhiều bạn gái trẻ đã chọn cách tham gia vào các nhóm chia sẻ hình ảnh để được like. Những tấm ảnh càng ít quần áo, càng phô bày nhiều đường cong càng có lượng like cao.
Để thêm phần hiệu quả, các cô hứa hẹn “đoán đúng số đo vòng 2 (hoặc vòng 1, vòng 3) thì sẽ add friend (kết bạn)” hay kiểu chỉ cần comment là người đẹp sẽ kết bạn với từng người. Khi có một cô vượt lên về danh tiếng, các cô khác sẽ nhanh chóng bước vào cuộc đua bằng những hình ảnh hở bạo hơn, thậm chí là cả các video đầy khiêu khích.
Ngoài việc khoe thân trên các group facebook (và có thể bị facebook chặn, khóa tài khoản vì đăng ảnh hở hang), các cô còn dự phòng thêm tài khoản instagram để tiếp tục khoe da thịt tìm danh tiếng.
Hậu quả khó lường
Với một số cô gái khoe thân có chủ đích theo kiểu tìm đủ danh tiếng sẽ chuyển trang của mình thành nơi quảng cáo, bán hàng thì việc kiếm tìm danh tiếng (dù bằng cách thiếu văn hóa là khoe thân) cũng còn dễ hiểu. Nhiều cô gái trong các group khoe thân đã công khai cho biết mình làm dịch vụ chat sex đổi card điện thoại. Một số cô khác nữa là gái mại dâm với giá đi khách rõ ràng khi có người tiếp cận.
So với những cô gái biết mình khoe thân để làm gì, cho những mục đích rõ rệt; những bạn gái thuần túy kiếm fame chỉ để… có fame đã không hề ý thức việc mình đang tự biến thành mồi ngon cho bài tính của nhiều người khác.
Số lượng hàng chục ngàn đến hàng trăm ngàn thành viên trên các nhóm khoe thân và việc các cô liên tục đăng tải hình ảnh (thậm chí xin được duyệt nhanh ảnh) đã giúp cho người quản lý các nhóm kiếm được tiền nhờ bán lại tài khoản quảng cáo.
Sự bát nháo của các thành viên trong từng nhóm cũng dẫn đến những màn gạ gẫm, đánh cắp hình ảnh của nhau. Cá biệt, bạn gái K.A., sau khi đăng hàng loạt ảnh sexy của mình đã phải giải trình với phụ huynh khi toàn bộ hình ảnh ấy được tải về và phát tán trong trường cô học, gửi cả cho phụ huynh của cô. Điều duy nhất K.A. có thể làm là… chửi đổng, tự trách mình và… trốn khỏi mạng, tìm cách xóa mọi dấu tích của mình.
Câu chuyện của H.N. - một “nhiếp ảnh gia tự phong” chuyên săn lùng các bạn gái thích chụp ảnh phong cách shibari (nghệ thuật trói dây Nhật Bản) để rồi sau đó dùng chính những hình ảnh ấy uy hiếp người mẫu để thỏa mãn thân xác vẫn đang lan truyền trong cộng đồng, để mỗi khi H.N. xuất hiện đều bị cảnh báo. Nhưng dù có cảnh báo thế nào chăng nữa thì hậu quả cũng đã xảy ra và nạn nhân chỉ còn biết ngậm đắng, im lặng.
Cuộc đua kiếm tìm danh tiếng ảo trong giới trẻ ngày nay là có thật. Những trò lố trong việc tìm fame như hẹn đánh nhau, hẹn nhảy cầu… đến mức công an phải can thiệp cũng không phải ít. Với danh tiếng ảo ấy, các tệ nạn đã xuất hiện. Thế nhưng cho đến nay cơ quan chức năng về thông tin truyền thông không hề có bất kỳ động thái nào ngăn chặn hoặc xử lý sự nở nồi của các nhóm như thế. Không phải cơ quan chức năng không biết. Nhưng biết mà lặng im thì có phải là thiếu trách nhiệm không?