Tâm sự - chia sẻ 2011-01-02 19:18:19

Không bao giờ quá trễ


[size=5]Không bao giờ quá trễ[/size]



[justify]
[/justify]

[justify]“Không bao giờ quá trễ để trở thành một người mà bạn mong muốn” – Mary Ann Evans-Tiểu thuyết gia, nhà thơ người Anh.[/justify]



[justify]Trong cuộc sống, chuyện không hay có thể xảy đến với bất kỳ ai mà không hề báo trước. Việc lựa chọn hoặc vượt qua khó khăn, thử thách hoặc ngồi đổ lỗi cho số phận, nuối tiếc về quá khứ sẽ đưa ta đến những ngã rẽ cuộc đời hoàn toàn trái ngược. Tôi muốn kể cho bạn nghe câu chuyện về Vũ Thùy Trang, cô gái sống ở khu lao động nghèo ngõ Văn Chương, Hà Nội đã vượt lên số phận nghiệt ngã và bước đầu thành công trong cuộc sống. Tôi tin rằng câu chuyện của cô sẽ mang lại niềm cảm hứng cho bạn, giống như đối với tôi.[/justify]



[justify]Trước đây, Trang không bị khuyết tật và cô có cuộc sống bình thường như bao người khác. Rắc rối bắt đầu khi Trang thi trượt đại học và phải ôn tập để thi lại. Do quá căng thẳng trước áp lực đỗ đại học từ gia đình, Trang bị căng thẳng thần kinh, mất ngủ liên tục và các ảo giác bắt đầu xuất hiện và hành hạ cô. Vào 5 giờ 30 sáng, một ngày tháng 5 năm 2001, sau cả đêm thao thức, Trang chợt nghe thấy tiếng gọi trong đầu rủ ra đường tàu ở gần nhà để đi tàu. Cô bật dậy, mở cửa, chạy như điên theo tiếng gọi từ phía đường tàu. Cô chui qua thanh barrie chắn ngang báo hiệu đoàn tàu sắp tới. Tiếng thì thầm bảo cô nhắm mắt lại, bước qua đường tàu, nếu không tàu sẽ đi mất. Trang nhắm mắt, chân đi đất, lùi ngược với hướng đoàn tàu chạy. Thế rồi, người cô bay lên, nhẹ bẫng. [/justify]



[justify]Do bị đoàn tàu hút vào, các bậc thang lên xuống va vào chân tay nên tay phải của Trang bị gãy rời ra chỉ còn dính ít da, chân trái bị dập nát. Các bác sỹ đã phải tiến hành phẫu thuật cắt bỏ. Cô bị mất mát quá nhiều: mất ngón cái chân phải, chân trái bị cưa đến dưới đầu gối, mất toàn bộ tay phải và ngón trỏ tay trái, hai ngón giữa tay trái bị dập gẫy xương.[/justify]



[justify]Trang nằm viện suốt sáu tháng và thật lạ, các ảo giác về âm thanh tự dưng biến mất. Nhưng khi về nhà, cảm giác cô đơn, trống trải tràn ngập trong lòng đã mang chúng trở lại. Trang lại được đưa vào bệnh viện tâm thần Mai Hương điều trị. Bạn bè thời trung học không còn chơi với cô vì họ không thể chịu đựng được việc suốt ngày Trang gọi điện kể cho nghe những chuyện đâu đâu. May thay, những người bạn thân hồi cấp một và cấp hai khi biết tin về Trang đã gọi điện, đến thăm và còn rủ đi chơi. Nhiệt tình hơn là cô bạn thân hồi cấp hai còn đến nhà đèo Trang tuần ba buổi để cùng đi học tiếng Anh. Tiếng Anh mang lại cho Trang sự hứng thú cao độ, đặc biệt là khi được cô giáo và bạn bè khen ngợi. Niềm vui trong cuộc sống giúp Trang dần khỏi bệnh. Năm 2003, cô bắt đầu tập đi với chiếc chân giả bằng nhựa. Tuy rất đau đớn mỗi khi đi nó nhưng việc tự đi lại khiến cô có cảm giác trở lại cuộc sống gần như bình thường.[/justify]



[justify]Tháng 3 năm 2007, một người bạn ở Câu lạc bộ sinh viên khuyết tật Hà Nội thông tin về khóa học Cử nhân tiếng Anh, hệ đại học từ xa của trường Đại học Hà Nội. Trang muốn nộp hồ sơ nhưng gia đình không đồng ý vì cho rằng cô bị bệnh thần kinh. Trang tâm sự: “Em cũng muốn có cơ hội tiếp xúc với mọi người nhưng thấy bố mẹ nói cũng có lý nên cũng định thôi. Nhưng bạn của em khuyên “nếu việc đó dễ dàng, mình làm được thì thường thôi nhưng khó mà làm được mới giỏi chứ. Bố mẹ đâu có sống mãi để nuôi em được”. Tuy không được gia đình ủng hộ nhưng Trang lặng lẽ tự ôn luyện và đi thi. Tháng 5 năm 2007, nhận được thông tin trúng tuyển vào trường, Trang mừng thì ít mà lo thì nhiều. Dù đã được giảm 50% học phí nhưng do bố mẹ chưa tin tưởng nên không hỗ trợ tài chính, Trang đã phải dồn hết tiền mừng tuổi để dành bấy lâu để đóng học và hàng ngày tự đi bộ ra bến xe buýt để đi học.[/justify]



[justify]Các bạn ở Câu lạc bộ sinh viên khuyết tật lại tư vấn Trang tìm học sinh dạy thêm tiếng Anh để trang trải chi phí cho việc học. Việc này rất khó khi mà mọi người xung quanh đều biết đến căn bệnh tâm thần trong quá khứ của Trang. “Khó mà làm được thì mới giỏi chứ!” Với lời động viên như vậy, Trang mạnh dạn thông tin về lớp tiếng Anh miễn phí tại nhà cho những người hàng xóm xung quanh. Miễn phí mà cũng phải mất tới hơn hai tháng mới có một học sinh đầu tiên. Hai cô trò nỗ lực trong suốt một năm. Kết quả, học trò của Trang đạt được sự tiến bộ rõ nét trong học tập. Từ đó, người nọ đồn người kia, lớp học của Trang thu hút được nhiều học sinh khác và gia đình các em dần dần tự nguyện đóng tiền học phí. Đến hôm nay, Trang đã có tất cả 13 học sinh với thu nhập 800.000 đến 900.000 đồng một tháng. Khoản tiền không những giúp trang trải học phí mà còn dư dật để mua sắm nhiều thứ mà Trang thích – những thứ trước đây, cô khó mà có được. Cô còn sắm được cả chiếc máy vi tính để giúp cho việc học tiếng Anh.[/justify]



[justify]Trang nổi tiếng khắp trường về sự chăm chỉ. Năm đầu, cô theo học lớp buổi tối nhưng sau đó, khi phát hiện lớp ban ngày thời gian học dài hơn và học viên cũng chăm chỉ hơn nên cô đã đổi lớp. Không chỉ theo học lớp của mình, hết giờ, Trang còn thường xuyên ghé thăm các lớp buổi tối của trường để lấy thêm kiến thức. Kết thúc năm học đầu tiên, điểm trung bình của Trang đạt 7.0 và cô nhận được học bổng Prudential trao cho sinh viên khuyết tật có thành tích tốt trong học tập.[/justify]



[justify]Nếu gặp Trang bây giờ, bạn sẽ thấy đó là một cô sinh viên năm cuối của trường đại học Ngoại ngữ Hà Nội với nụ cười luôn rạng rỡ trên môi. Một cô gái đầy tự tin- ai cũng phải nhận xét như vậy. Trang nói “Em luôn đạt thành tích học tập đứng nhất nhì lớp. Các bạn trong lớp và thầy cô giáo khen ngợi em rất nhiều. Họ quý mến, thích nói chuyện với em nên em cảm thấy tự tin lắm”.[/justify]



[justify]Trước đây, Trang lầm lì ít nói. Thế mà giờ, cô đang giữ danh hiệu “người phát biểu nhiều nhất ở khóa K18”. Không chỉ nổi tiếng chăm học ở trường, Trang còn thường xuyên có mặt tại câu lạc bộ tiếng Anh ở Đại sứ quán Mỹ và trường tiểu học Cát Linh. “Em rất thích nói tiếng Anh với mọi người và toàn được khen là dí dỏm. Những lúc chuyện trò vui vẻ, em quên hẳn những vết thương hàng ngày vẫn hành hạ mình. Khi chưa bị tai nạn, do thành tích học tập không tốt, em chỉ dám ước trở thành nhân viên kế toán. Thế mà, sau tai nạn, em lại có cơ hội trở thành cô giáo, giấc mơ từ nhỏ của em. Bây giờ, em rất vui” - Trang khoe.[/justify]



[justify]Cuộc sống với tôi đôi khi là hành trình đầy chông gai. Những trở ngại, thách thức đã từng làm tôi mệt mỏi, chán chường. Nhưng cuộc gặp gỡ với Trang giúp tôi nhận ra rằng tôi không nên để cho những khó khăn đó ngăn cản mình giao hòa với cuộc sống và mọi người. Khi gặp chuyện rắc rối, tôi sẽ nhìn ra xung quanh và dễ dàng bắt gặp những con người có nghị lực sống rất mạnh mẽ và luôn biết vươn lên. Tôi sẽ học theo những con người mạnh mẽ đó. Cuộc sống không bao giờ là quá trễ để chúng ta chinh phục và thực hiện những giấc mơ, hoài bão của mình.[/justify]


[justify]Họ và tên: Nguyễn Minh Châu[/justify]

[justify]www.netbuttrian.vn[/justify]
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)