Về Sóc Trăng ăn món bún gỏi dà
Bún gỏi dà - bạn nghe qua có thấy lạ tai không? - Ấy là một món bún nổi tiếng ở Sóc Trăng bởi vị đậm đà, thơm ngon, dân dã…
Hẳn bạn đã từng nghe đến bún nước lèo, bún bò cay ở Bạc Liêu hay Sóc Trăng rồi, thế nhưng bún gỏi dà thì có vẻ như còn xa lạ đúng không? Vâng, Sóc Trăng là một trong những tỉnh có nền văn hóa 3 cộng đồng Kinh - Hoa - Khmer phong phú, chính vì vậy mà các món ăn nơi đây được ra đời với những cái tên nghe rất “lạ tai” và không kém phần thú vị đâu nhé!
Hôm nay, Chuyên mục Du lịch sẽ mời bạn xuôi về mảnh đất này để thưởng thức hương vị của món bún thơm ngon này…
Theo tôi được biết, xung quanh cái tên gọi nghe rất lạ “bún gỏi dà” này có khá nhiều cách giải thích. Người ta bảo ban đầu nó là một món gỏi cuốn, về sau bỏ tất tần tật bún, thịt, tép, rau… vào tô rồi ăn như và (lùa) cơm. Sau đó cho thêm nước súp vào tô và trở thành món bún gỏi dà. Miền Nam phát âm “v”, “gi” và “d” giống nhau nên thành “gỏi dà” là vậy. Cũng có nơi viết, bún gỏi dà ban đầu xuất phát từ bún khô, về sau “nâng cấp” thành bún nước, nước của nó hấp dẫn hơn cả bún mắm hay bún nước lèo bởi những nguyên liệu khá đặc biệt.
Người dân vẫn thường truyền tai nhau: “Mỹ Xuyên có bún gỏi dà/ Dùng qua sẽ thấy đậm đà hương quê”. Cũng là một món bún xuất phát từ Sóc Trăng, thành phần cũng tương tự như những tô bún khác: nào thịt, nào tép, nào rau… vậy món bún với cái tên “gỏi dà” có gì mà trở nên cuốn hút riêng biệt nức tiếng gần xa như thế? Đến nỗi mà ai về Sóc Trăng, ghé thăm chùa Dơi, chùa Đất Sét, đi qua bao nhiêu cảnh đẹp mà không thưởng thức “bún gỏi dà” thì cũng như phí hoài một chuyến đi du ngoạn…
Để làm món bún gỏi dà, đầu tiên, người ta trụng giá và bún trong nước lèo cho thấm, sau đó vớt ra và bày biện tép, thịt lên trên, kế đến mới chan nước lèo vào xâm xấp, ăn cùng với rau thơm, xà lách… Nghe qua thì đơn giản, nhưng điều làm nên sự khác biệt của nó chính là những con tép đất với chất ngọt đậm đà, nước xúp thơm lừng từ xương heo và thoang thoảng hương me chua cùng vị tương hạt nguyên chất đấy!
Những người bán hàng thường bảo nhau, sự “ăn thua” trong món bún gỏi dà là ở chỗ người nấu biết biết gia giảm gia vị và cách chế biến tương xay sao cho thật khéo, vì thực ra bún gỏi dà cũng không thuộc loại khó chế biến. Những lát thịt ba chỉ mềm mại, những con tép đất đỏ màu gạch lấp ló sau những lá rau xanh khiến cho tô bún nóng hổi thơm lừng càng thêm phần hấp dẫn. Vị đậm của nước lèo, vị chua của nước me lẫn với cái béo bùi của tương xay đậu phộng và tỏi phi khiến du khách ăn một lần sẽ nhớ mãi không quên…
Có người sành ăn hơn cho thêm vài lát chanh, tương ớt cho tô bún thêm đậm đà hương vị. Những thứ gia vị thơm lừng hòa quyện tạo nên vị đặc trưng và tinh tế cho bún gỏi dà. Những con tép đất, những lát thịt heo “nằm yên” trên mặt nước lèo sóng sánh cộng với vị mặn, vị ngọt, vị chua… khiến người ta ăn hoài không biết ngán, tô bún ăn xong đã từ lâu mà vẫn cứ thấy thòm thèm đến lạ!
Giờ thì bạn đã hình dung được sự khác nhau của bún gỏi dà với những món bún khác rồi đúng không? Sự khác biệt toát lên ngay từ chính mùi hương, ngay từ khi bạn còn chưa kịp đụng đũa thưởng thức nữa đấy! Bởi nếu bún nước lèo, cua đồng nồng nàn hương… mắm đồng, thì bún gỏi dà quyến rũ vị giác của thực khách nhờ mùi chua thơm lừng của nước me và các loại gia vị cuốn hút khác.
Bún gỏi dà không đắt, lại không quá kén người ăn nên rất phổ biến và được ưa thích không chỉ tại Sóc Trăng và còn lan ra các vùng lân cận. Sự hấp dẫn đặc trưng của nó đã “đánh gục” hoàn toàn du khách, cả những thực khách được coi là khó tính cũng phải xuýt xoa không thôi. Ấn tượng và khó quên - bạn hãy tìm đến bún gỏi dà nếu có dịp về qua Sóc Trăng nhé!
Nguồn : carviet.com
quê em mấy bác ạh có ai ăn chưa 3adore3
quê em mấy bác ạh có ai ăn chưa 3adore3