Ông đã từng rất cố gắng để tỏ ra bình thản trước những cuộc ra đi của các học trò xuất chúng nhất. Nhưng giờ đây, tình hình có vẻ đã khác. Một cơn bão lớn đang bao phủ Emirates. Một cơn bão của sự thịnh nộ dành cho cơn khủng hoảng niềm tin, lòng tự trọng, và cả những lời hứa bị phản bội.
Tháo chạy
Sau 12 năm xây dựng Arsenal, Wenger đã già đi rất nhiều. Đã biết bao học trò giỏi được nhào nặn dưới tay ông, những nhân cách lớn, và cả những kẻ đào tẩu đầy thực dụng. Giờ đây, The Gunners trẻ trung và đầy cuốn hút đã thực sự trở thành một cái chợ. Tất cả đều muốn ra đi!
Khi những rắc rối xung quanh Adebayor còn chưa xong, thái độ bất cần của Alexander Hleb trong tuyên bố muốn ra đi đã có thể xem như một “lời tuyên chiến”, một đòn nặng giáng vào niềm tin của ông thầy người Pháp. Như một động thái của sự bất lực, Wenger đã thừa nhận sẽ “không cố gắng giữ chân” tiền đạo người Togo nữa. Tất cả đã đi quá giới hạn, sau khi Adebayor, một anh chàng vô danh từ Monaco được chắp cánh bay cao, đã lên tiếng một cách đầy ngạo mạn về khoản lương 120.000 bảng/tuần mà anh “xứng đáng được hưởng”.
Hleb cũng vậy. Không chỉ thẳng thừng tuyên bố quan tâm đến vấn đề tài chính, cựu cầu thủ của Stuttgart còn gây ra một làn sóng giận dữ lớn đối với các CĐV, sau một loạt những phát ngôn với báo chí có xu hướng xúc phạm Wenger cũng như Arsenal. Ông chủ của Pháo thủ thành London vẫn đang đau đầu với bài toán tiền vệ, sau khi Flamini “đào ngũ” sang Milan. Nhưng một người như ông cũng sẽ hiểu, tất cả những lời thuyết phục với Hleb giờ đây sẽ là thừa.
Một logic thật đau đớn: Wenger có thể đào tạo bất cứ một cầu thủ tiềm năng nào trên thế giới trở thành một ngôi sao, nhưng ông lại không thể cho họ Tiền. Ông có thể dạy bảo một học trò trở thành một cầu thủ tốt, một người đàn ông có trách nhiệm, nhưng lại không thể thắng nổi những cú thọc sâu hiểm hóc từ các đại diện của anh ta. Thực ra, trong thế giới hiện đại, đã từ lâu, các ngôi sao được đánh giá bằng số tài khoản ngân hàng, bằng lượng xe hơi mà họ sở hữu, chứ không phải bằng nhân cách, lòng trung thành. Wenger đã làm tất cả để xây dựng một “gia đình Arsenal”. Nhưng ông đã sai lầm! Mọi chuyện không đơn giản như thế. Ashley Cole, Vieira, Henry, Flamini, và bây giờ là những Adebayor, Hleb đang “dạy” lại cho Wenger bài học đó.
Adebayor không còn thiết tha với Arsenal
Hơn thế, cứ như thể họ đã hợp tác cùng một lúc, để tạo ra một âm mưu nhằm xô đổ những rào cản chịu đựng cuối cùng của Wenger. Một âm mưu về ngày tàn của đế chế Arsene. Âm mưu “ngày tận thế”.Thay đổi hay là “chết”?
Hơn ai hết, Wenger sẽ cảm thấy thật đáng xấu hổ, khi chính những đứa trẻ ông dạy dỗ đã lại quay lưng với ngôi nhà từng nuôi dưỡng họ. Chưa ai quên, chỉ cách đây không lâu, Adebayor, Hleb, và cả Flamini đã nói về Arsenal như một thiên đường. Nhưng họ không phải là Dennis Bergkamp, dĩ nhiên!
Những người muốn ra đi đều đã có khoảng thời gian tuyệt vời với Arsenal. Nhưng bên cạnh việc đội bóng của Wenger liên tiếp thất bại trên các mặt trận lớn, chiến lược tài chính “thắt lưng buộc bụng” của CLB có vẻ đã khiến các tay súng trẻ mất kiên nhẫn. Từ ngày 1/7, Wenger đã được trao khoảng 90 triệu bảng cho việc bổ sung đội hình. Đó rõ ràng không hề là một con số nhỏ, ngay cả khi người ta chia cho các khoản khác như quỹ lương, hay phí chuyển nhượng. Tuy nhiên, khi chiến lược gia người Pháp còn đang lưỡng lự trước trước những hợp đồng “cắt cổ”, Chelsea, M.U hay cả Liverpool sẽ không để ông yên. Nếu Adebayor và Hleb ra đi ngay trước mùa giải mới, có thể nhận định rằng, Wenger sẽ cực khó để lấp đầy những khoảng trống này. Giải pháp khả thi nhất với Arsenal sẽ lại chỉ là… chờ đợi. Chờ để những cậu bé trưởng thành. Chờ để những ngôi sao trên dưới 10 triệu bảng toả sáng. Và cũng có thể, chờ để họ… lại ra đi.
Cho đến cuối mùa giải 2006-2007, Arsenal đã tăng quỹ lương cho cầu thủ lên 8%. Đó chính là một thực tế giải thích vì sao, họ lại không thể đáp ứng yêu cầu tưởng như “chuyện vặt” của Adebayor. Đơn giản, tăng lương cho bất cứ ai vào thời điểm này cũng sẽ gây nên một hiệu ứng domino nguy hiểm đối với Arsenal. Đội bóng thành London vẫn chưa - chứ không phải là Không - sẵn sàng cho một cuộc cách mạng như thế.
Nếu như cuộc đào tẩu của Adebayor hay Hleb làm Wenger thất vọng, thì ở một khía cạnh khác, nó lại mở ra nhiều hy vọng mới. Arsenal sẽ không thể đi mãi trên con đường mà họ đã thất bại. Gần đây, các CĐV ở London đã nhắc khá nhiều tới cái tên Alisher Usmanov – nhà tài phiệt Nga đang hứa hẹn sẽ tạo nên một Chelsea nữa ở thủ đô nước Anh. Đại diện chính thức của Usmanov, đáng ngạc nhiên lại chính là người bạn thân của Wenger, cựu Phó chủ tịch David Dein. Trước khi ra đi, Dein đã thẳng thắn thừa nhận sự nghi ngờ về khả năng thu lợi tích cực từ việc thay đổi hệ thống Highbury Square. Điều đó không hề khó hiểu, khi giờ đây, người ta đang thấy một Arsenal oằn lưng trong 17 năm tiếp theo để trả món nợ Emirates. Wenger vẫn sẽ không có nhiều sự lựa chọn, một khi ban lãnh đạo tiếp tục đặt ông dưới sức ép cân bằng thu chi trong mỗi mùa bóng.
Thay đổi, hay là “chết”? Arsenal có thể lựa chọn. Wenger có thể lựa chọn. Để giới hạn cuối cùng trở thành một sự khởi đầu (có thể) tốt đẹp hơn.
Hoặc tất cả sẽ cùng ngồi chờ “ngày tận thế”.
Hleb “chơi” cả Wenger lẫn Fabregas
Alexander Hleb đã tiến gần hơn bao giờ hết đến việc rời khỏi Arsenal, sau khi đưa ra những tuyên bố thiếu thiện cảm với cả Arsene Wenger và Cesc Fabregas, người được trông đợi sẽ trở thành tân đội trưởng của The Gunners mùa này. Trong cuộc trả lời phỏng vấn hôm qua, tiền vệ người Belarus đã chỉ trích ông thầy người Pháp như một người “chưa bao giờ biết hợp tác” với anh, còn cầu thủ người Tây Ban Nha là “một kẻ hám danh ích kỷ”.Cầu thủ 27 tuổi đang là mục tiêu săn đuổi của Barca nói: “Quan điểm về bóng đá của tôi và Wenger chưa bao giờ hợp nhau. Tôi đã 2 lần nói với ông ấy về chuyện ra đi, trước khi kểt thúc mùa giải trước, nhưng có vẻ như ông ta không quan tâm”.
Đáng ngạc nhiên hơn, Hleb còn cho rằng, sự có mặt của Fabregas là một trong những lý do khiến anh không thể thể hiện hết khả năng tại CLB. Hleb cho biết: “Anh ta (Fabregas) luôn tỏ ra rất ích kỷ mỗi khi có cơ hội ghi bàn. Mỗi khi có thể sút bóng, anh ấy luôn muốn làm theo cách của mình, mà không cần đếm xỉa đến đồng đội. Tôi chưa bao giờ làm thế trong các trận đấu của Arsenal”.
Yến Thanh
((TT&VH Online) )