Bạn làm gì ở tuổi 50? Với Kazu Miura, câu trả lời là ký thêm một hợp đồng chuyên nghiệp nữa để thi đấu cho Yokohama FC tại giải hạng Nhì Nhật Bản.
1982 là năm đầy ắp những sự kiện bóng đá. Tại Tây Ban Nha, Marco Tardelli bật khóc sau khi ghi bàn nâng tỷ số lên 2-1 trong trận chung kết World Cup với Đức. Cũng ở xứ đấu bò trước đó vài tháng, Real Sociedad bất ngờ giành chức vô địch La Liga ở vòng đấu cuối cùng. Ở Argentina, đội bóng Ferrocarril Oeste kém danh tiếng trở thành nhà tân vô địch với sự vững vàng của trung vệ Hector Cuper. Tiền đạo Peter Withe, một người sau này sẽ rất thân thuộc với bóng đá Đông Nam Á, cùng Aston Villa vô địch Cúp C1.
Cũng trong năm ấy, một thiếu niên Nhật Bản lặn lội sang Brazil, một thân một mình, với ước mơ cháy bỏng được trở thành cầu thủ chuyên nghiệp như những thần tượng của mình là Zico, Falcao và Socrates.
Cậu bé ấy chính là Kazu Miura!
Năm ấy, Cristiano Ronaldo và Lionel Messi còn chưa chào đời, Barcelona chưa giành một chiếc Cúp C1 nào và Việt Nam còn chưa trở lại với đấu trường khu vực. 36 năm trôi qua, Miura vẫn đang thi đấu chuyên nghiệp. Và ngày 26/2 tới đây, anh sẽ bước sang tuổi 51.
00:00| 01:30
Tóc đã bạc hơn, chân không còn ngoan nữa, nhưng điều ấy chẳng thể ngăn anh xỏ giày thi đấu. Anh sẽ ra sân khi nào anh muốn, anh sẽ đá ở bất kỳ vị trí nào và sút bất kỳ lúc nào anh thích. Đồng đội không bao giờ ta thán, CĐV không bao giờ la hét và HLV không bao giờ ra chỉ thị cho anh. Lãnh đạo CLB cũng không dám nói anh tiếng nào. Yokohama FC biết họ đang lãnh trọng trách bảo tồn một di sản sống của bóng đá Nhật Bản, hay lớn hơn là văn hóa Nhật Bản.
Anh không bao giờ trở lời phỏng vấn trước và sau trận đấu. Anh chỉ tập luyện nếu không kẹt lịch bên truyền hình. Vì bên cạnh một ngôi sao trên sân cỏ, anh còn là một ngôi sao trên màn ảnh nhỏ. Nhiều chương trình được viết format cho anh, hoặc được anh viết format. Anh là thần tượng của nhiều thế hệ người Nhật, từ những cụ già thất thập cho những đến những đứa "tuổi teen". Anh là cuốn niên sử sống của bóng đá Nhật Bản. Bởi vì khi anh trở về Nhật Bản sau tám năm thi đấu ở Brazil (1990), giải vô địch Nhật Bản J-League còn chưa ra đời. Anh mang đội tuyển quốc gia Nhật Bản vào vòng chung kết World Cup, một tay (chính xác hơn là một chân) đặt Nhật Bản lên bản đồ bóng đá thế giới.
Kazu vẫn ra sân và ghi bàn dù đã ở tuổi "xưa nay hiếm" trong thế giới bóng đá.
Khi J-League đã thành hình và thu hút những ngôi sao xế chiều sang đây thi đấu, chỉ có anh là đứng được cùng chiếu trên với những Zico hay Gary Lineker. Nguồn cảm hứng từ Kazu khiến thanh thiếu niên Nhật Bản vứt gậy bóng chày để mua giày bóng đá. Sân bóng mọc lên như nấm. Zinedine Zidane, Alessandro del Piero, Andres Iniesta từng thừa nhận đã lấy cảm hứng từ bộ truyện tranh Tsubasa lừng danh của Nhật Bản để trở thành cầu thủ. Cha đẻ của bộ truyện ấy, Yoichi Takahashi, lại lấy cảm hứng từ chính Kazu. Những ai từng yêu những câu chuyện về chàng thủ quân Tsubasa xem quả bóng như bạn hẳn đã nhận ra: Juan Diaz của Argentina chính là vẽ từ nguyên mẫu ngoài đời của Diego Maradona, Karl-Heinz Schneider chính là Karl-Heinz Rummenigge, Rivaul là Rivaldo, chú Robert của Tsubasa là Socrates. Vậy còn Tsubasa? Là Kazu chứ còn ai nữa!
Kazu được xưng tụng là “Vua Kazu của bóng đá Nhật Bản”, một thời gian sau người Nhật rút biệt danh ấy lại còn “Vua Kazu”. Mấy chục năm, điệu nhảy lắc hông nhập khẩu từ Brazil của anh khiến hàng vạn cô gái Nhật Bản mê mẩn. Trong thập niên 1990, đi đến thành phố nào cũng gặp những lớp dạy nhảy samba, một số còn lấy cả ảnh của Kazu để lên biển quảng cáo. Năm 1993, ở tất cả các vũ trường, người ta đều nhảy một điệu: “điệu nhảy Miura”.
Khi vụ động đất ở Fukushima xảy ra, đội tuyển Nhật Bản tổ chức một trận đầu từ thiện để quyên tiền cho các nạn nhân. Kết thúc trận đấu, họ bán lại đôi giày đã thi đấu hôm ấy. Toàn bộ các tuyển thủ chỉ bán được có 5.000 đôla, đôi giày của riêng anh có giá 70.000 đôla. Hôm ấy, truyền hình Nhật Bản lỡ mất một pha ghi bàn của đội nhà, vì các camera đang mải quay Kazu.
Kazu là biểu tượng cho tinh thần vươn lên của người Nhật Bản. Và từ lâu, người dân nước này xem anh như bảo vật cần bảo tồn, chứ không đơn thuần chỉ là một cầu thủ.
Để hiểu hết vì sao một dân tộc tự tôn như Nhật Bản lại giành trọn vẹn sự ngưỡng mộ cho Kazu, chúng ta phải truy ngược về quá khứ của anh. Sau chiến tranh thế giới, hiệp ước Mỹ - Nhật khiến người dân xứ mặt trời mọc chịu ảnh hưởng nặng từ Mỹ, đặc biệt là thể thao. Bóng chày trở thành môn thể thao số một ở đây. Bóng đá chỉ manh nha chập chững trong thập niên 1960, nhưng chủ yếu được chơi giữa những công nhân và các sinh viên Nhật Bản.
Năm 1968, đội Olympic Nhật Bản bất ngờ giành huy chương đồng môn bóng đá nam tại Mexico. Năm 1977, lần đầu một cầu thủ Nhật Bản ra nước ngoài thi đấu. Đấy là Yasuhiko Okudera, chơi cho Cologne, Hertha Berlin và Werder Bremen từ 1977 đến 1986. Năm 1979, Liên đoàn bóng đá Nhật Bản tái thành lập và cử đội trẻ dự giải U20 thế giới. Năm 1981, Nhật Bản xin đăng cai các trận đấu tại Cup Liên lục địa và cũng là năm mà Yoichi Takahashi xuất bản tập Tsubasa đầu tiên. Nhờ Tsubasa, bóng đá đổi đời ngoạn mục và phát triển không ngừng trong thập niên 1980. Đấy là một ví dụ tuyệt vời cho toàn thế giới thấy một bộ truyện tranh có thể tạo ra một hiệu ứng khủng khiếp như thế nào.
Kazu thuở còn niên thiếu đã là một tài năng. Nhưng điều người ta ấn tượng nhất ở anh là tinh thần dám xông pha.
Nhưng như đã nói, Yoichi thừa nhận Tsubasa lấy cảm hứng từ hành trình mang chuông đi đánh xứ người của Kazu. Người Nhật Bản khâm phục Kazu không phải bởi tài năng, mà bởi nghị lực và ý chí phi thường, đích thị là phẩm chất điển hình của con cháu thái dương thần nữ. Một thiếu niên 15 tuổi, không biết tiếng Bồ Đào Nha, vẫn xông pha sang tận… xứ sở bóng đá để đi đá bóng. Còn ai liều mạng hơn anh nữa?
Lúc đó, Kazu đã là một cầu thủ xuất sắc tại quê nhà. Anh cùng đội trung học của mình vô địch Shizuoka ba năm liên tiếp. Xuất thần từ một gia đình trung lưu, bố mẹ muốn Kazu trở thành kỹ sư. Nhưng anh chỉ thích làm cầu thủ chuyên nghiệp. Thế là họ ra tối hậu thư cho cậu con trai: muốn đá bóng thì cứ ra khỏi nhà. 15 tuổi, Kazu một mình đáp chuyến bay đi Sao Paulo.
Chính hành động phản kháng ấy đã giúp Kazu sớm trở thành một huyền thoại. Ở Sao Paulo, Kazu tìm sự giúp đỡ từ cộng đồng người Nhật nhập cư ở đây, gọi là cộng đồng Nikei. Anh làm việc cho họ, ngủ trong nhà họ trong một khu đầy gái điếm và ma túy. Trong 7 năm ở Brazil, Kazu lưu lạc qua 7 đội bóng khác nhau, mỗi nơi chỉ đá được vài tháng. Không đủ tiền sống, anh phải làm thêm nghề hướng dẫn du lịch, bán hàng để nuôi dưỡng giấc mơ. Khi rời khỏi xứ sở bóng đá, Kazu ghi chưa đến chục bàn và đá chưa đầy trăm trận.
Nhưng người Nhật trọng kẻ có ý chí, nên tên tuổi của Kazu ngày càng lừng lẫy ở quê nhà. Báo chí Nhật Bản cử phóng viên sang Brazil, theo sát gót Miura từ sân tập, trận đấu cho đến cuộc sống hàng ngày. Saburo Kawabuchi, cha đẻ của bóng đá Nhật Bản hiện đại và là người sáng lập J-League, nói: “Khi người Nhật Bản tìm hiểu về bóng đá, họ đều nhìn thấy một cầu thủ người Nhật chơi bóng ngay tại thánh đường của bóng đá”.
Kazu trong màu áo Genoa tham dự Serie A - giải đấu số một thế giới lúc bấy giờ.
Năm 1990, Kazu trở lại Nhật Bản sau thời gian bôn ba và được chào đón như một vị Vua. Lúc ấy, J-League đang tìm kiếm một người hùng và Kazu đơn giản đã ở đúng chỗ, vào đúng thời điểm. Vừa về nước, anh thành hôn ngay với một diễn viên Nhật Bản. Từ một cậu bé quét dọn trong nhà hàng, Kazu thấy mình làm nhân vật nổi tiếng nhất nước. Anh xuất hiện dày đặc trên mọi mẫu quảng cáo, paparazzi theo sát gót dù anh đi vào nhà hàng hay nhà vệ sinh công cộng. Năm 1993, anh được bầu chọn là cầu thủ hay nhất châu Á.
Khi có cơ hội sang châu Âu, Kazu không từ chối. Mùa giải 1994-1995, anh trở thành cầu thủ Nhật Bản đầu tiên chơi bóng tại Serie A, giải đấu hay nhất thế giới lúc bấy giờ. Đầu quân cho Genoa, anh đá trận đầu tiên tại Serie A vào ngày 4/9/1994, tiếp AC Milan. Kazu chạm trán ngay huyền thoại Franco Baresi. Hảo thủ châu Á thì cũng chỉ là học việc châu Âu. “King Kazu” ăn nguyên cái cùi chỏ của Baresi, máu đổ lênh láng, bất tỉnh nhân sự, xe cứu thương mang thẳng tới bệnh viện.
Kazu đến Genoa không phải vì lý do chuyên môn. Hãng truyền hình Nhật Bản Fuji Television đứng sau vụ này bởi họ có bản quyền phát sóng Serie A. Khi mang Kazu sang Genoa, toàn bộ lương bổng do hãng này trả. Các trận đấu của Genoa mùa 1994-1995 đều được trực tiếp cho dân Nhật xem. Kazu thường xuyên trở thành đề tài châm chọc ở Italy, bởi không biết tiếng. Suốt cả mùa bóng anh chỉ ghi một bàn, trong trận derby với Sampdoria, nhưng trận ấy Genoa thua 2-3. Cuối mùa Genoa xuống hạng, Kazu trở lại Nhật Bản.
Ở J-League, anh ghi bàn ầm ầm và vô địch liên tục. Vòng loại World Cup 1994 anh ghi 12 bàn trong 14 trận, nhưng Nhật Bản để thua Ả-rập Xêut trong trận giành vé đến Mỹ. World Cup 1998, Nhật Bản có vé đi dự vòng chung kết. Nhưng HLV Takeshi Okada loại anh ra khỏi danh sách vì anh quá… showbiz. Okada, vốn là một người chuộng truyền thống, không muốn danh tiếng của Kazu làm náo động quá trình chuẩn bị cho giải đấu của đội tuyển. Sau này ông nói: “Tôi chẳng bao giờ hiểu nổi tại sao một cầu thủ lại… nhuộm tóc, nhảy samba và trèo lên mấy tạp chí thời trang".
Trong khi các đồng niên, như Roberto Baggio, đều đã giải nghệ từ lâu, Kazu vẫn vùng vẫy trên sân như thuở ban đầu.
Nhưng chính con đường mà Kazu chọn, một người truyền cảm hứng chứ không phải là một cầu thủ xuất sắc, đã biến anh thành biểu tượng của Nhật Bản. Đôi giày đinh của Kazu đã in dấu từ Brazil, Italy, Croatia cho đến Australia (anh còn có thời gian đầu quân cho Dinamo Zagreb và Sydney FC). Năm 2005, sau khi chơi thêm cho hai CLB trong nước, Kazu chính thức chuyển đến Yokahama FC ở tuổi 37. Báo chí Nhật Bản dự báo anh sẽ chơi mùa giải cuối cùng trước khi treo giày. Nào ngờ anh đá thêm… 13 mùa nữa.
Từ năm 2000, Kazu chỉ ký hợp đồng theo từng năm một. Anh nói khi nào thấy đá hết nổi, tự anh giải nghệ chứ không chờ CLB đào thải mình. Mười tám năm trôi qua, anh ký hợp đồng mới… mười tám lần. Trong lịch sử loài người, có lẽ không có ai siêng ký hợp đồng lao động đến thế. Ai cũng bảo Kazu đang ở vào độ đuổi xế chiều của sự nghiệp. Vấn đề là nó cứ… chiều hoài mà không tối.
Nhưng chừng nào Kazu còn muốn thi đấu, chừng ấy không ai khước từ anh. Năm 2012, Kazu nổi hứng muốn đá futsal, và thế là anh nghiễm nhiên có tên dự World Cup futsal thế giới. Saburo Kawabuchi nói: “Chúng tôi nợ Kazu Miura rất nhiều. Bóng đá Nhật Bản đã ký với nhiều cầu thủ quốc tế, nhưng chúng tôi cần một anh hùng cho riêng mình. Kazu chính là nhân vật ấy”.
Năm ngoái, Kazu phá một lúc hai kỷ lục: cầu thủ già nhất từng ghi bàn và từng thi đấu chuyên nghiệp, vốn thuộc về Sir Stanley Matthews ở tận nửa thế kỷ trước. Anh đã đá 33 mùa giải chuyên nghiệp, và chưa hề có dấu hiệu muốn dừng lại. “Tôi sẽ đá đến khi nào tôi chết”, anh nói.
Tất nhiên người Nhật không bao giờ muốn anh dừng lại. Bởi vì anh là một tượng đài sống, một biểu tượng cho sự vươn lên thần kỳ của bóng đá nói riêng và con người Nhật Bản nói chung. Anh một lần nữa nhắc cho người Nhật nhớ rằng truyền thống là do ta tạo dựng, và lịch sử do tay ta viết nên. Anh đã viết những trang sử đầu tiên từ thập niên 1980, và anh đang viết tiếp pho sử thi bất hủ mang tên mình ở tuổi ngũ tuần. Anh đá với những người bằng tuổi con anh, cháu anh. Với họ, anh là thần tượng, là nguồn cảm hứng, là mệnh lệnh sống còn buộc họ phải cố gắng.
Mỗi trận đấu có anh, loa lại vang lên: “Và bây giờ là… King Kazu”.
Anh bước vào sân, như một vị Vua bước lên ngai vàng. Vị Vua ấy có hơi luống tuổi nhưng khí thế vẫn ngời ngời như thuở tráng niên.
Và tất cả như muốn hô vang: Kazu vạn tuế!
Hoài Thương