Lượng thuốc được đại diện TT Y tế dự phòng rút ra từ vỏ lọ thuốc mới
và lượng thuốc thừa được rút ra từ lọ vắc xin đã tiêm cho bé Phong
Anh Lam, bố của cháu Dương Kiều Phong (sinh 4/12/2012), cho biết: Vào hồi 9h ngày 19/4/2013 tôi cho con đến địa chỉ 70 Nguyễn Chí Thanh để tiêm vắc xin Pentaxim (vắc xin 5 trong 1 loại vô bào - PV) mũi 3 và uống Rotateq (phòng bệnh tiêu chảy do Rota vi rút) với giá 1.185.000đồng.
Do đã nghe thông tin phòng tiêm chủng 70 Nguyên Chí Thanh có gian lận vắc xin nên sau khi mua phiếu tiêm, trong khi vợ bế con vào tiêm, anh Lam đã đứng ngoài quan sát.
Anh Lam phát hiện thấy nhân viên y tế bóc vắc xin ra, bơm nước cất vào rồi rút thuốc ra. Lọ thuốc sau khi được rút ra không bị vứt vào xô có túi nilon màu đen đựng vỏ lọ để gần đó mà cho vào hộp catton đựng phiếu tiêm.
Sau khi chờ cho con uống xong Rotateq, anh Lam đã hỏi thẳng nhân viên y tế đã tiêm cho con anh, tên là Bùi Thị Phương Hoa: “Sao lọ đựng vắc xin của con tôi lại để vào hộp catton mà không vứt xuống túi nilon đen” thì nhân viên này quanh co. Nhanh tay, anh đã thu giữ được lọ vắc xin nhân viên y tế vừa rút thuốc để tiêm cho con anh và phát hiện có 2 lọ khác cũng có lượng dung dịch thuốc vơi khoảng 2/3 như lọ dùng để tiêm cho con anh. Như vậy là con anh chỉ được tiêm có 2/3 so với liều chuẩn.
Có bằng chứng là 3 lọ vắc xin có lượng thuốc vơi tương tự nhau lấy từ hộp catton ra, anh Lam đã lập tức gọi điện cho các cơ quan chức năng đến và lập biên bản sự việc.
Biên bản sự việc
Theo biên bản được lập với sự có mặt của ông Nguyễn Việt Cường - Chánh thanh tra Sở Y tế, ông Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc TTYTDP Hà Nội; bà Bùi Thị Phương Hoa (cán bộ trực tiếp tiêm cho con anh Lam) và 03 người nữa, bà Hoa thừa nhận đã thực hiện không đúng quy trình tiêm chủng, không bỏ lọ vắc xin vào xô mà bỏ vào hộp giấy để phiếu.
Thực nghiệm do chính Giám đốc TTYTDP thực hiện tại chỗ cũng cho thấy: liều tiêm đủ pentaxim là 0,5ml và khi rút 0,5ml dung dịch trong lọ thuốc thì trong lọ không còn thuốc dư nào. Trong khi rút lượng thuốc thừa trong lọ vắc xin tiêm cho cháu Phong thì còn lại xấp xỉ 0,2ml.
Như vậy, mặc dù không thừa nhận cố ý ăn bớt vắc xin nhưng rõ ràng, ngay cả khi là vô tình thì việc bớt lại 1/3 lượng thuốc của bà Hoa là không thể chấp nhận.
Hiện TT Y tế dự phòng có cử bác sĩ theo dõi sức khoẻ về mặt tiêm chủng và sẽ kiểm tra xem con anh Lam có được vắc xin bảo vệ hay không. Tuy nhiên, cho đến nay, anh Lam vẫn rất lo lắng cho sức khoẻ của con và cho rằng cần phải có hình thức xử lý nghiêm minh đối với trường hợp này và đề nghị các các phụ huynh khác cảnh giác, theo dõi kỹ quy trình tiêm chủng của con em mình.
Trước đó, cách đây khoảng 1 năm cũng đã rộ lên thông tin ăn gian vắc xin tại phòng tiêm chủng trực thuộc TT Y tế dự phòng Hà Nội (70 Nguyễn Chí Thanh) này và thực tế cho thấy dù không phát hiện tình trạng ăn gian vắc xin nhưng trung tâm này cứ mặc nhiên bơm sẵn thuốc và không đưa vỏ hộp, vỏ lọ thuốc cho khách hàng sau tiêm. Mặc dù báo chí đã phản ánh nhưng phía TT không đưa ra bất kỳ lời giải thích hay có lời cam kết khắc phục nào.
Câu hỏi đặt ra là liệu việc “ăn gian” vắc xin này có mang tính hệ thống khi trước lúc con anh Lam tiêm còn tới 2 lọ nữa cũng còn 0,2ml được để trong hộp đựng phiếu và nhân viên thường vứt lọ thuốc hết vào xô thay vì đưa vỏ hộp cùng vỏ lọ thuốc cho khách hàng?
Trần Phương