[size=3]Khi mua thiết bị số cũ, bạn có thể phải chịu cảnh tiền mất tật mang nếu thiếu kinh nghiệm thẩm định. Dưới đây là một số gợi ý có thể giúp bạn khỏi mua “hớ”, khỏi bị lừa.[/size]
Laptop
Với máy tính xách tay, hình thức bên ngoài không quá quan trọng. Tuy nhiên, nên tránh laptop nhìn quá cũ hoặc có biểu hiện bị rơi, va đập. Sau khi xem xét xong vẻ bên ngoài, hãy khởi động máy.
Trước tiên, nên để ý đến màn hình. Màn hình tốt sẽ hiển thị sáng rõ, không có điểm chết, điểm tối hoặc những vệt bất thường. Hãy lắng nghe xem laptop có phát ra tiếng kêu bất thường hoặc tỏa nhiệt một cách thái quá hay không, bởi điều này có thể liên quan trực tiếp đến tuổi thọ của máy.
Điều cần làm tiếp theo là kiểm tra cấu hình. Nếu các thông số cấu hình cơ bản như chip, RAM, dung lượng ổ cứng… không tương xứng với thông số nguyên bản thì laptop có thể đã qua sửa chữa, thay thế linh kiện. Sau đó kiểm tra độ nhạy của bàn phím, khả năng hoạt động của ổ quang, và các cổng chức năng như USB, Audio, đầu đọc thẻ… Kết nối Internet là tính năng không thể thiếu của laptop nên hãy kiểm tra card mạng bằng cách vào mạng. Nếu vào mạng wi-fi, phải bảo đảm bắt được sóng, lướt web ổn định.
Mở một số ứng dụng, khởi động lại laptop vài lần xem tốc độ thực thi phần mềm có tương xứng với cấu hình của máy không. Nếu tỏ ra chậm chạp, rất có thể laptop bị lỗi phần mềm hoặc chứa nhiều virus.
Để kiểm tra chất lượng pin, cách đơn giản nhất là cứ để màn hình ở mức sáng nhất, chạy một vài chương trình tiêu tốn nhiều năng lượng như xem phim, nghe nhạc rồi mở chế độ theo dõi pin tính theo phần trăm. Sau 15 phút, nếu pin sụt thì đó có thể là pin kém.
Hệ điều hành của máy cũng là một vấn đề đáng lưu tâm. Laptop cài đặt hệ điều hành có bản quyền đáng tin hơn máy cài từ đĩa sao chép lậu.
Kiểm tra thật kỹ hình thức bên ngoài của điện thoại cũ trước khi mua. Ảnh minh họa
Điện thoại di động
Đối với điện thoại di động, hãy kiểm tra thật cẩn thận hình thức bên ngoài, bởi vẻ bề ngoài có thể nói lên tới 70% chất lượng của “dế”. Nếu pin, vỏ phím bấm, khe cắm thẻ sim, chân cắm sạc… không bị bong, xước, màn hình sáng và không bị trầy thì có lẽ máy đã được giữ gìn cẩn thận. Hãy kiểm tra những con ốc xem còn đủ sáng và sắc cạnh không, tem còn nguyên vẹn không. Nếu ốc có biểu hiện bị tháo mở, tem rách thì hãy thật thận trọng khi quyết định mua.
Sau khi soi kỹ vẻ bề ngoài, hãy kiểm tra chức năng bắt sóng, nghe gọi, mic, loa trong, loa ngoài… xem chúng hoạt động có ổn định, âm lượng có to, rõ hay không.
Một việc rất quan trọng là kiểm tra IMEI (số nhận dạng thiết bị di động trên toàn thế giới). Nhấn *#06# kiểm tra: nếu IMEI hiển thị trên màn hình trùng khít với IMEI ghi trên thân máy thì có thể tạm thời yên tâm về xuất xứ của máy.
Cần lưu ý rằng, nhiều loại smartphone bị làm nhái rất tinh vi. Vì vậy, trước khi đi mua hàng, hãy tìm hiểu kỹ cách phát hiện đồ nhái cho loại máy mình định mua qua người có kinh nghiệm hoặc trên mạng.
Máy ảnh
Xét về hình thức, máy ảnh cũ được xem là chấp nhận được nếu lớp sơn vỏ máy chưa bị tróc, trầy, không có vết va đập, các nút bấm và vị trí tay cầm chưa bị bóng bởi mồ hôi tay, điểm nối giữa dây đeo và máy chưa sờn, cũ, ốc vít còn nguyên… Nếu còn tem bảo hành thì càng tốt.
Hãy chụp thử ở các chế độ chụp khác nhau để bảo đảm không xảy ra những lỗi khó chịu. Có thể xem xét chất lượng hình ảnh trên màn hình LCD, nhưng kiểm tra trên máy tính sẽ tốt hơn.
Bộ phận cảm biến là trái tim của máy ảnh số. Hãy kiểm tra bằng cách chụp bầu trời. Nếu trên bức ảnh xuất hiện những điểm có màu sắc hoặc độ sáng không bình thường thì có thể cảm biến bị bụi hoặc bị lỗi nào đó. Với máy ảnh ống kính rời DSLR, việc kiểm tra phải tiến hành kỹ lưỡng hơn vì giá trị của chúng cao và cấu tạo cũng phức tạp hơn nhiều so với máy ảnh compact.
Khi mua máy ảnh DSLR, nhiều người thường quan tâm đến shutter count (số lần đóng mở cửa trập). Nhưng thật ra điều đó không quan trọng bằng việc kiểm tra tiếng của cửa trập. Với máy ảnh còn tốt, tiếng cửa trập nghe đanh, rõ.
Với ống kính máy ảnh, cần xem xét cẩn thận chất lượng của thấu kính bằng cách soi vào nguồn sáng xem có hiện tượng bụi, xước hay mốc không. Bụi, mốc và xước nhẹ thì có thể lau, nhưng sẽ làm giảm giá trị của ống kính. Còn nếu bị nặng thì tốt nhất là không nên mua.
Ngoài ra, cũng cần kiểm tra những con ốc ở đáy ống kính để xem chúng đã bị mở hay chưa, vặn thử vòng zoom ở những ống kính zoom (vòng zoom lỏng tức là ống kính đã được sử dụng nhiều), kiểm tra chức năng đóng mở khẩu độ ở những ống kính có chức năng này. Cuối cùng, hãy chụp thử một số kiểu ảnh trước khi đưa ra quyết định mua hay không.