Loài người đã phải trải qua một giai đoạn tiến hóa dài lâu. Có vô số những bí ẩn xung quanh quá trình tiến hóa để con người có được hình dáng, cấu tạo cơ thể hoàn thiện như hiện nay.
Dù có tiến hóa về mặt thể chất nhưng tình mẫu tử vẫn được lưu truyền. Cùng ngắm nhìn chân dung những "người Mẹ" thời tiền sử theo tổng hợp của trang Discovery News dưới đây.
1. Plesiadapis
Plesiadapis là một trong những loài động vật có vú giống như linh trưởng cổ xưa nhất được biết, đã tồn tại khoảng 58 triệu năm trước đây ở Bắc Mỹ và châu Âu. Plesiadapis được phát hiện lần đầu bởi một nhà khảo cổ người Pháp năm 1877.
Qua nghiên cứu, các nhà khoa học nhận thấy, hộp sọ của Plesiadapis tương đối rộng và bằng phẳng, cùng cái mõm, hàm khá dài. Các nhà khoa học đã tranh luận trong thời gian dài về thói quen sống trên cây hay dưới mặt đất của chúng.
Tuy nhiên, các cuộc điều tra gần đây đã chỉ ra Plesiadapis là một nhà leo núi chuyên nghiệp. Với chân, tay mạnh mẽ, chiếc móng dài, cứng giúp dễ dàng cắm chặt vào thân cây cùng chiếc đuôi rậm rạp đã chứng tỏ chúng là động vật bốn chân sống trên cây.
Nhờ sự nhanh nhẹn trong di chuyển mà những "bà mẹ" này có thể dễ dàng tìm kiếm thức ăn về chăm con. Khối lượng cơ thể của loài Plesiadapis ước tính vào khoảng 2,1kg.
2. Ardipithecus ramidus
Năm 2009, tại vùng sa mạc Afar tại miền Trung Awash, Ethiopia, các nhà khoa học Mỹ đã phát hiện bộ xương hóa thạch xa xưa nhất của tổ tiên loài người tên là Ardi.
Ardi thuộc chủng loại Ardipithecus ramidus, có tuổi đến 4,4 triệu năm. Ardi cân nặng khoảng 50kg, cao 1,2m, có bộ não nhỏ, xương răng giống với loài người hơn linh trưởng và thuộc giới tính nữ.
Các nhà khoa học cho rằng, rất có thể con người và các loài khỉ đang tồn tại trên Trái đất có cùng một tổ tiên, chứ không phải là các mắt xích nối tiếp nhau trong quá trình tiến hóa.
Theo các nhà khoa học, Ardi đứng thẳng và di chuyển bằng hai chân khi ở dưới đất, nhưng ở trên cây vẫn sử dụng cả chân lẫn tay. Nghiên cứu sâu hơn, các nhà khảo cổ nhận thấy, những bà mẹ sẽ nhường việc chăm sóc, nuôi dưỡng con cho các ông bố.
3. Australopithecus afarensis
Được phát hiện vào năm 1974 ở Ethiopia, các nhà khoa học đã đặt tên cho hóa thạch này là Lucy. Lucy thuộc họ Australopithecus afarensis, sống cách đây khoảng 3,9 triệu năm, thân hình mảnh mai, nhiều răng, não khá nhỏ.
Có khoảng hơn 300 hóa thạch cùng loại đã được phát hiện, vì thế với các nhà nghiên cứu, Australopithecus afarensis trở thành một trong những nguồn dữ liệu về người cổ dồi dào nhất.
Hóa thạch này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì vào thời điểm được khai quật, Lucy là đại diện đầu tiên cho việc di chuyển bằng 2 chân của tổ tiên chúng ta, mặc dù "cô nàng" vẫn giỏi leo trèo và có cấu trúc khuôn mặt cũng như kích thước bộ não nhỏ như loài khỉ không đuôi. Lucy được xem là “mẹ của loài người” và là mối liên lạc đứt đoạn giữa loài người với tinh tinh.
Qua nghiên cứu, nhà khoa học Zeresenay Alemseged cho biết, Lucy vô cùng "đảm đang", mọi việc chăm sóc con đều được người mẹ này thực hiện hàng ngày.
4. Homo habilis
Homo habilis (hay người khéo léo) có niên đại khoảng 2,3 triệu năm trước đây. Người Homo habilis nhỏ và mảnh dẻ, cao khoảng 1 - 1,5m, nặng từ 25 - 50kg, có sự phân hoá hình thái giới tính rõ ràng, có cá thể đực lớn gấp đôi cá thể cái.
Đa số mẫu hoá thạch thu được của người Homo habilis khoảng 20 tuổi, não bộ đạt tới 600 - 800cm3. Hàm và răng người Homo habilis nhỏ, chi trước dài, các ngón tay có khả năng cầm nắm chặt, bàn chân đã giống người hiện đại. Homo habilis ít lông, da có màu đen hoặc nâu.
Qua nghiên cứu, các nhà khảo cổ nhận thấy, có sự xuất hiện phân công lao động sơ khai, như các cá thể nam to khỏe đi săn bắt, còn cá thể nữ ở "nhà" nuôi con. Một nhiệm vụ tối quan trọng của con cái là phải bảo vệ con con bởi chúng luôn là tầm ngắm của các loài ăn thịt hung dữ khác.
5. Homo erectus
Homo erectus (hay người đứng thẳng) có niên đại khoảng 1,8 triệu năm trước đây. Qua phân tích, Homo erectus có chiều cao từ 1,4 - 1,8m, sọ não khoảng 750 - 1.400cm3 và cột sống thể hiện rõ khả năng đi thẳng đứng.
Các di chỉ khảo cổ cho thấy, hoạt động chính của người Homo erectus là săn bắt động vật, hái lượm. Nhiều công cụ bằng đá đã được chế tạo đơn giản, như đập vỡ, ghè hoặc mài những hòn đá lên nhau.
Một sự kiện cực kỳ quan trọng và có ý nghĩa lớn trong cuộc sống loài người nguyên thủy, đó là sự kiện người Homo erectus biết dùng lửa. Có những dấu hiệu chỉ ra, các bà mẹ H. erectus dành cả ngày ngồi bên đống lửa để chăm sóc con và quây quần cùng gia đình.
6. Homo antecessor
Homo antecessor là một trong những giống người được biết đến đầu tiên ở châu Âu, có niên đại khoảng 1,2 triệu năm trước. Homo antecessor cao khoảng 1,6 - 1,8m, nặng 90kg, kích thước sọ não khoảng 1.000 - 1.500cm3.
Bằng phương pháp chụp cắt lớp, nhà nhân chủng học Juan Luis Arsuaga cho rằng, loài này có thể đã sử dụng một loại ngôn ngữ nói phức tạp, bởi cấu tạo của thanh quản cho thấy có khả năng phát ra những âm thanh phức tạp (tiếng nói). Do đó, mà các bà mẹ H. antecessor đã có thể "mắng" các con.
7. Người Neanderthal
Qua nghiên cứu, người Neanderthal (Homo neanderthalensis) xuất hiện vào khoảng 250 - 300.000 năm trước đây, được coi là họ hàng gần gũi nhất của loài người.
Người Neanderthal cao khoảng 1,65m, có bộ não nhỏ hơn người hiện đại, đã biết dùng các công cụ đá để đánh lửa, sống thành các nhóm xã hội, hình thành tập tục chôn người chết và mặc áo lông.
Một vài nghiên cứu di truyền còn phát hiện thấy người Neanderthal từng giao phối với người hiện đại. Ngoài ra, nhiều bằng chứng đã được tìm thấy chỉ ra rằng, người Neanderthal đã cùng gia đình quây quần trong hang động cho ấm áp và cùng chăm sóc con.
8. Homo sapiens
Homo sapiens (hay người cận đại) có nguồn gốc châu Phi khoảng 200.000 năm trước đây. Tiến hành nghiên cứu, các nhà khảo cổ học nhận thấy, người cận đại Homo sapiens quần tụ thành nhóm nhỏ từ 30- 50 cá thể, thiết lập các lãnh thổ riêng.
Giữa các nhóm đã hình thành "ngôn ngữ" để giao tiếp với nhau, người cha sẽ cùng nhau phối hợp trong săn bắt, tìm kiếm và dự trữ thức ăn. Còn việc chăm sóc và bảo vệ con là nhiệm vụ chính của người mẹ. Vào thời kỳ này, các loại dụng cụ đồ đá khác nhau đã được chế tạo để dùng cho săn bắt, mổ xẻ con mồi…
Ngoài ra, các nhà khoa học còn tìm thấy bằng cớ chứng minh người Homo sapiens thường tụ tập trong các hang động để tránh lạnh, bắt đầu có đời sống văn hóa tinh thần như nhảy múa…
8. Người lùn "Hobbit"
Người "Hobbit" (tên khoa học là Homo floresiensis - tên Hobbit chỉ mới được đặt lại gần đây dựa theo giống người lùn có trong tác phẩm văn học "The Hobbit" của nhà văn J. R. R. Tolkien) có mặt trên Trái đất khoảng 12.000 năm trước đây. Hình ảnh về người Hobbit là những người ăn hang ở lỗ, hình thể giống như người nhưng chỉ cao khoảng 1,06m, được tìm thấy ở đảo Flores thuộc Indonesia.
Họ giống người hiện đại ở nhiều mặt, chẳng hạn như đi trên 2 chân, có răng nanh nhỏ, và sống trong hang động. Bên cạnh đó, những công cụ bằng đá và dấu vết sử dụng lửa được tìm thấy bên trong hang, cùng với các phần còn lại của thịt động vật.
Tạm kết: Cũng giống như tổ tiên của chúng ta, việc chăm sóc và nuôi dạy con là nghĩa vụ thiêng liêng, niềm hạnh phúc của cha mẹ. Dù cho trải qua bao nhiêu thiên niên kỷ, qua nhiều giai đoạn tiến hóa của loài người thì việc chăm lo cho gia đình, bảo vệ con cái vẫn do người mẹ đảm nhiệm.