Tâm sự - chia sẻ 2012-10-28 02:13:21

[LẠ] Chuyện người mẹ sinh con trong trại giam


Cuộc chia ly đau đớn của 2 mẹ con trong trại giam (ảnh minh họa)
Đứa trẻ vô tội vì thế nghiễm nhiên được sinh ra và lớn lên phía sau song sắt, với đủ những thiệt thòi, thiếu thốn so với những đứa trẻ cùng trang lứa.
Hà Thị V bị bắt mà không hề biết mình đang mang trong người một mầm sống mới hình thành 2 tuần tuổi. Đứa trẻ vô tội vì thế nghiễm nhiên được sinh ra và lớn lên phía sau song sắt, với đủ những thiệt thòi, thiếu thốn so với những đứa trẻ cùng trang lứa. Pháp luật chỉ cho phép phạm nhân nữ nuôi con đến 3 tuổi. Quá tuổi đó, nếu không được gia đình đón về, những đứa trẻ đó buộc phải vào trại trẻ mồ côi. Dù cán bộ Trại giam Z30 rất thương xót V, nhưng chẳng thể thay đổi được. Vừa ốm yếu bệnh tật, vừa bị gia đình bỏ rơi, nên nỗi đau phải gửi con vào trại mồ côi gần như đã lấy đi toàn bộ sức sống của V. Ngày ngày chìm đắm trong nỗi nhớ nhung đứa con trai 3 tuổi, giờ V chỉ còn 30 kg, xanh xao và yếu ớt như hình hài của một đứa trẻ 12 tuổi. Những giọt nước mắt của người mẹ bất hạnh, dù đau xót và ân hận tột cùng cũng chẳng thể thay đổi được số phận nghiệt ngã của hai mẹ con.29 tuổi tôi đã kịp có tới 3 đứa con. Hai vợ chồng tôi đều không có công ăn việc làm ổn định nên khi tôi sinh đứa con thứ hai thì gia đình rơi vào cảnh túng quẫn. Túng quá hóa liều, tôi quyết định đi buôn ma túy để đổi đời. Vay mượn khắp nơi, cộng thêm toàn bộ số tiền chắt bóp được, tôi gom góp được 10 triệu đồng nhờ em rể đi mua ma túy. Khi đó tôi không hề hay biết hành động dại dột đó sẽ đẩy cuộc đời mình đến ngõ cụt. Chưa kịp thu được một đồng tiền lãi nào thì tôi và em rể bị bắt. Không chỉ thế, vì giúp chuyển tiền giúp con gái nên mẹ tôi cũng bị liên lụy. Vì giấc mơ làm giàu bất chính của tôi, 3 người trong gia đình tôi đã vào tù cùng một ngày.
Ngày bị bắt, tôi không hề biết mình mang thai đứa con thứ ba. Nếu biết sớm tôi sẽ không bao giờ cho phép đứa trẻ này có mặt trên đời. Bất cứ người mẹ nào cũng khao khát được làm mẹ, nhưng tôi biết, bắt một đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở trong tù là một sự đày ải đầy đau đớn với tuổi thơ của chúng. Con trai tôi đã là một đứa trẻ bất hạnh từ trong trứng nước. Tôi mang thai nó khi ở tù, nên suốt thời kì thai nghén, nó chẳng hề được quan tâm trong sóc. Biết tôi có thai, nhưng từ lúc tôi bị bắt đến nay hơn mấy năm trời, chồng tôi chưa một lần vào thăm. Đến một dòng thư hỏi thăm cũng không có. Trong trái tim người chồng phụ bạc đó, tôi và con chẳng có một chút giá trị nào. Suốt đời này, tôi sẽ chẳng bao giờ quên ngày tôi sinh ra nó. Sức khỏe tôi yếu nên nó bị sinh non. Chồng bỏ rơi, không có người thân bên cạnh, trong cơn đau tưởng như kiệt sức, tôi đã phải tự kí vào bản cam kết mổ đẻ. Lúc đó đau đớn và thấm thía vô cùng. Thấy tội lỗi là của mình nhưng con cái phải gánh chịu, tôi đã tự hứa với lòng mình sẽ không bao giờ quay lại con đường cũ nữa. Tôi đã đặt tên cho con là Tâm Huyết, để nhắn nhủ với đứa con bé nhỏ của mình, rằng mẹ sẽ dồn mọi tình yêu thương để bù đắp cho con.
Nuôi con trong tù dù đã được Ban Giám thị trại giúp đỡ, nhưng tôi vẫn thiếu thốn đủ thứ, lại thiếu kĩ năng chăm sóc con cái, đã có đôi lần tôi suýt chút nữa đã đánh mất con mình vì không biết nó bị dịch tả. Trong một ngày trời mà con tôi đi ngoài mấy chục lần ra toàn nước là nước, tôi cũng chỉ nghĩ con đau bụng, cứ hì hục giặt quần cho con. May mà phước phần của mẹ con tôi còn lớn. Lúc cán bộ trại giam phát hiện ra đưa con tôi đi cấp cứu thì thằng bé đã gần như kiệt sức, chắc chỉ một chút nữa là nó không qua khỏi. Khi đó tôi vừa khóc vì thương con, vừa cảm ơn cán bộ. Nếu nó có mệnh hệ gì, tôi chắc chẳng thể nào tha thứ cho bản thân mình.
Từ khi tôi vào tù, tôi bị chồng bỏ rơi đã đành, nhưng cũng mất hoàn toàn liên lạc với gia đình. Duy chỉ có một lần duy nhất tôi được cô em gái ruột lên thăm, thông báo việc chồng tôi đã có vợ mới. Sau đó tôi hoàn toàn không biết chút tin tức gì về gia đình. Năm ngoái mẹ tôi ra tù, tôi có dặn bà khi nào về thì viết thư lên, báo tình hình gia đình cho tôi. Mẹ tôi đã về cả năm rồi mà tôi đợi hoài cũng không thấy thư từ. Vì thế tôi càng thêm lo sợ. Đêm nằm ngủ, tôi cứ nghĩ ra đủ chuyện không hay xảy ra với gia đình mình.

Có những lúc nhìn thấy con, tôi đau đớn, nhưng cũng có lúc, con tôi là sức mạnh tiếp thêm cho tôi để hi vọng (ảnh minh họa).

Tôi không nhớ mấy năm nay, tôi đã viết bao nhiêu lá thư. Có lẽ phải đến hàng trăm lá thư, nhưng thêm mỗi lá thư gửi đi là thêm một lần tuyệt vọng. Những bức thư cứ biệt vô âm tín, chẳng có hồi âm. Tôi cũng biết gia đình khó khăn, tôi chẳng dám đòi hỏi sự hỗ trợ, tôi chỉ mong có thể có được một chút thông tin về gia đình, về những người thân ruột thịt, như một động lực để phấn đấu trở về. Khi tôi bị bắt, đứa con trai lớn nhất mới 4 tuổi. 2 cháu lớn giờ đang được gia đình người anh trai tôi nuôi. Nhưng đến giờ, tôi cũng không biết những đứa con mình ngoài kia sống chết ra sao, có được hạnh phúc không, có được no ấm không? Những đứa con của tôi giờ không biết mặt nhau, cũng bởi sai lầm của tôi. Lần vào thăm duy nhất, em gái tôi có mang cho tôi tấm ảnh của 2 đứa con lớn. Tôi đưa tấm ảnh cho bé Tâm Huyết xem, bảo đó là 2 anh con, thế là có một dạo, nó cứ ôm ảnh 2 anh đi ngủ, thỉnh thoảng lại chép miệng như bà già, bảo: “Mẹ ơi con nhớ 2 anh lắm, thương 2 anh lắm, bao giờ về, mẹ con mình đi kiếm anh nghe mẹ”. Những lúc đó, tôi chỉ biết quay mặt đi, nước mắt cứ ứa ra vì thương con.
Bị chồng bỏ rơi và hoàn toàn mất liên lạc với gia đình, nguồn động viên duy nhất của tôi là đứa con trai út nhỏ bé lúc nào cũng kề cận bên mẹ trong những năm tháng lao tù. Những lúc nghĩ vu vơ, tôi vẫn tưởng con mình sinh ra và lớn lên trong tù vừa là sự trừng phạt, vừa là sự ban ân của số phận dành cho tôi. Có những lúc nhìn thấy con, tôi đau đớn, nhưng cũng có lúc, con tôi là sức mạnh tiếp thêm cho tôi để hi vọng. Sức khỏe tôi không tốt, những năm tháng trong tù đã vắt kiệt tôi. Nhưng sự hồn nhiên đáng yêu và tình yêu thương của đứa con bé bỏng là cái dây níu giữ tôi lại với cuộc sống. Có những lần tôi lên cơn co giật, con tôi chạy lại ôm lấy mẹ vỗ về, dùng bàn tay nhỏ xoa xoa lên trán mẹ. Như một liều thuốc thần kì, mọi nỗi đau đều vì thế mà được hóa giải. Trong những năm tháng trong tù, con trai tôi là niềm hy vọng duy nhất, là niềm an ủi duy nhất mà tôi có. Chính vì thế, điều tôi sợ hãi nhất là cái ngày tôi sẽ phải xa con.
Quy định của trại giam, những người mẹ sinh có con nhỏ chỉ được phép nuôi con đến 3 tuổi rồi phải gửi về gia đình, hoặc gửi cho các Trung tâm chăm sóc trẻ em của tỉnh. Tôi ở chung phòng với những người tù có con nhỏ khác, thỉnh thoảng chúng tôi lại ngồi bên nhau, cùng bần thần nghĩ đến ngày mẹ con phải chia ly. Tôi đếm ngược từng ngày khi con mình bước sang tuổi thứ 3, vừa đếm vừa ao ước giá nó cứ bé bỏng mãi như thế này, đợi tôi ra tù rồi hãy lớn. Nhưng cái ngày tôi phải xa con cũng tới. Hôm đó, tôi ngồi gấp quần áo cho con, tiễn con ra đến cổng trại. Ở đó có các cán bộ đang chờ, một chiếc xe sẽ đưa con tôi đến trại trẻ mồ côi. Trước lúc đi, thằng bé cứ nhìn tôi, ánh mắt thăm thẳm. Nó biết phải đi trại trẻ mồ côi, phải xa mẹ, nhưng nó không khóc, chỉ có gương mặt là buồn rười rượi. Nó ôm tôi và bảo: “Mẹ ơi, mẹ đừng buồn, con đi rồi về, đưa mẹ đi tìm các anh con”. Tôi nghe con nói mà cứ khóc ngất lên ngất xuống, thương con mới 3 tuổi đã phải thấm thía đủ nỗi đau cuộc đời.
Từ ngày con đi, tôi như người mất hồn. Có những đêm, tôi cứ nằm ôm ảnh con và bộ quần áo của con cho đỡ nhớ. Tôi như ngửi được mùi da thịt con trong những món đồ quen thuộc đó. Trong giấc mơ, tôi mơ thấy con tôi lại trở về bên cạnh tôi, 2 mẹ con đoàn tụ. Sau những giấc mơ ấy, khi tỉnh dậy và trở về với thực tại không phải là mơ. Tôi phải cải tạo thật tốt, để đi tìm con tôi, để mẹ con tôi đoàn tụ, để những ngày tháng đau khổ này sẽ mãi mãi chỉ còn là trong ký ức. Mong rằng con trai bé nhỏ của tôi sẽ tiếp sức cho tôi trên con đường đầy khó khăn này.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)