[justify]Người thân của gia đình liệt sĩ Phạm Văn Xuân cho biết, bà Hằng đã mặc kệ những thông tin trong giấy báo tử mà cơ quan chức năng gửi về cho gia đình, mạnh mồm tuyên bố là liệt sĩ Xuân đã “chết mất xác ở dòng sông Thạch Hãn”.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Thế nhưng sau đó, vào những ngày đầu tháng 2.2014, thân nhân của liệt sĩ Phạm Văn Xuân đã tìm thấy hài cốt của ông hiện đang nằm tại Nghĩa trang liệt sĩ thị xã Bình Long – Bình Phước. Từ đây, đã có thêm một bằng chứng xác thực tố cáo khả năng “ngoại cảm” của bà Phan Thị Bích Hằng.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Hai năm theo đuổi, nhờ Phan Thị Bích Hằng tìm mộ người thân để rồi nhận được lời phán: Mất xác![/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Trong những ngày đầu xuân năm mới, gia đình nhà bà Lê Thị Lập, trú tại phường Liễu Giai (quận Ba Đình – Hà Nội) đã đón thêm một niềm vui phấn khởi khi tìm thấy hài cốt của người anh chồng của mình đã hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Đã hơn 10 năm nay, bà Lập đứng lên lo liệu việc tìm kiếm hài cốt anh, trải qua bao đau thương, gian khó giờ tìm lại được hài cốt người anh của mình, bà Lập chỉ biết khóc òa trong niềm xúc động. [/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Bà Lập tâm sự: “Trải qua quãng thời gian tìm hài cốt anh, tôi nghĩ thật chẳng có nơi đâu như đất nước mình, lại có cảnh vui sướng khi tìm thấy hài cốt người thân. Nhưng nói là vui sướng, hạnh phúc cũng phải khi nhận được tin anh mình hy sinh đã lâu, nhờ nhiều nhà ngoại cảm tìm kiếm nhưng rồi chỉ chuốc thêm những tuyệt vọng khi nhận được thông tin chết mất xác. Vậy có hạnh phúc không, vui sướng không khi biết được rằng hài cốt của anh mình vẫn còn và giờ được quy tụ về với ông bà tổ tiên!”.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Theo lời kể của bà Lập, anh Phạm Văn Xuân sinh ra trong một gia đình neo người. Vì thương em (chồng bà Lập) vất vả nuôi gia đình, nên năm 1970, anh Phạm Văn Xuân đã tình nguyện lên đường bảo vệ Tổ quốc.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]“Anh tôi ngày trước giỏi về điện thoại lắm. Cơ quan không đồng ý cho anh Xuân vào trong chiến trường chiến đấu, nhưng vì hoàn cảnh gia đình, anh Xuân đã lên đường nhập ngũ thay cho chồng tôi.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Chính vì thế, nay chồng tôi già yếu thì tôi phải có trách nhiệm thay mặt cả gia đình đi tìm hài cốt của anh mình”, bà Lập nức nở nói. Cuộc hành trình tìm kiếm anh mình được bà Lập bắt đầu vào năm 2003.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]
Bút tích của Phan Thị Bích Hằng khẳng định thi hài liệt sĩ Phạm Văn Xuân nằm dưới
dòng sông Thạch Hãn, không tìm lại được.
[/justify]
[justify]Cầm tờ giấy báo tử, cùng những thông tin về người anh chồng mình trên tay, bà Lập tìm đến nhà Phan Thị Bích Hằng (lúc đó còn ở khu tập thể Kim Liên, Xã Đàn – Hà Nội) để nhờ sự giúp đỡ, vì thời gian đó, bà Phan Thị Bích Hằng đang “nổi như cồn” với biệt tài tìm mộ bằng phương pháp nhìn qua ảnh, nói chuyện với người thân.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Tuy nhiên, đâu phải cứ muốn gặp bà Hằng là gặp được ngay. Bà Lập đã phải theo đuổi ròng rã, “ăn chực nằm chờ” dưới chân cầu thang nơi bà Phan Thị Bích Hằng ở suốt 2 năm trời mới có thể nhờ được “nhà ngoại cảm” này tìm mộ giúp anh chồng mình. “Hai năm trời, cứ ngày Chủ nhật là tôi lại tìm đến nhà Bích Hằng, kể cả mưa bão tôi cũng không từ bỏ.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Nhà có 3 người con thì mỗi đứa đều thay phiên nhau lần lượt chở tôi tới để mong Bích Hằng trực tiếp tìm hài cốt anh Xuân. Nếu không thấy Bích Hằng có nhà thì tôi và con đứng ở cầu thang hoặc ngồi ở hàng nước để chờ. Cứ chờ ròng rã như thế 2 năm trời bằng sự quyết tâm cao nhất, tin tưởng nhất.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Mãi đến 2 năm sau, Bích Hằng mới đồng ý nhận lời tìm giúp. Tuy nhiên, sự hy vọng đó chẳng tồn tại được bao lâu, khi tôi được Bích Hằng cho biết anh mình đã chết mất xác ở dòng sông Thạch Hãn – Quảng Trị.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Bích Hằng khuyên tôi nếu có thời gian thì thường xuyên đến dòng sông Thạch Hãn thả hoa xuống, chứ không thể vớt anh tôi lên được nữa. Mọi nỗ lực tìm kiếm của tôi lúc bấy giờ đều rơi vào bế tắc và đau khổ, khi nhận được thông tin đó từ Bích Hằng”, bà Lập nghẹn ngào kể.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Bích Hằng viết lại bút tích “cãi” giấy báo tử[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Anh Phạm Văn Xuân nhập ngũ năm 1970, đến năm 1972 thì hy sinh. Bà Lập cho biết, trong quãng thời gian 2 năm tìm đến nhà Phan Thị Bích Hằng để nhờ sự trợ giúp thì trước tiên bà Lập đã gửi giấy báo tử của cơ quan chức năng về anh trai mình cùng với một bức ảnh. Mãi 2 năm sau, Bích Hằng mới cầm giấy báo tử và bức ảnh này lên và “phán” về địa điểm mà liệt sĩ Phạm Văn Xuân hy sinh.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Tuy nhiên lời “phán” của bà Hằng trái ngược hoàn toàn với những thông tin hy sinh của liệt sĩ Phạm Văn Xuân trong giấy báo tử. Cụ thể, trong giấy báo tử gửi về cho gia đình bà Lê Thị Lập có ghi rõ:[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]“Liệt sĩ Phạm Văn Xuân, sinh năm 1951, là Thượng sĩ, Tiểu đội trưởng, đơn vị Tiểu đoàn 5 KB (KB là mật hiệu của chiến trường Nam Bộ, tương tự như KT là Tây Nguyên, hay KH mới là vùng Quảng Trị), nguyên quán Duy Tiên – Hà Nam, trú tại Khối 6, phường Liễu Giai (Ba Đình – Hà Nội).[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]“Thế nhưng, đến năm thứ hai thì Bích Hằng nhìn vào bức ảnh và giấy báo tử nói anh Xuân là bộ đội trinh sát đặc công, chết ở ngay dòng sông Thạch Hãn – Quảng Trị. Cốt ở dưới đấy rồi, chết ở gần cái cầu. Nghe xong, gia đình tôi rất tuyệt vọng. Từ đó, năm nào tôi cũng vào khóc và thắp hương anh ở sông Thạch Hãn”, bà Lập nức nở kể.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Để chứng minh cho lời nói của mình, bà Lập đưa cho PV xem bút tích của Phan Thị Bích Hằng ghi lại cho bà vào ngày 17/5/2005. Trong mảnh giấy bút tích này, Bích Hằng có ghi rõ: “Liệt sĩ Phạm Văn Xuân, hy sinh ngày 15.5.1972. Liệt sĩ hy sinh tại mặt trận phía Nam, QK 4 (quân khu 4 – PV) tại địa bàn tỉnh Quảng Trị - trong khu vực thành cổ, bờ nam sông Thạch Hãn. Thi hài nằm dưới dòng sông Thạch Hãn không tìm lại được”. [/justify]
[justify] [/justify]
Mộ liệt sĩ Phạm Văn Xuân được tìm thấy ở nghĩa trang liệt sĩ Bình Long - tỉnh Bình Phước.
[justify] [/justify]
[justify]Trước những thông tin mà bà Phan Thị Bích Hằng nói, gia đình liệt sĩ Phạm Văn Xuân cảm thấy rất hoang mang, nhưng vẫn mang một hy vọng ngày nào đó sẽ tìm lại được hài cốt của anh mình.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Có nơi nào thực hiện các cuộc trợ giúp tìm kiếm hài cốt liệt sĩ là bà Lập gửi hồ sơ về người anh chồng của mình, trong đó có hồ sơ bà Lập gửi vào chương trình “Trở về từ ký ức” của Đài truyền hình Việt Nam. [/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Trong một đợt công tác đầu năm 2014, nhóm thực hiện chương trình này đã phát hiện ra một nhóm chiến sĩ hy sinh trong chiến dịch Nguyễn Huệ năm 1972 đã được chôn cất tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Bình Long – tỉnh Bình Phước. Trong số những ngôi mộ này, có một ngôi mộ ghi tên liệt sĩ Phạm Văn Xuân, quê quán Ba Đình – Hà Nội.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Qua kiểm tra thông tin từ những ngôi mộ này, nhóm thực hiện chương trình thấy hoàn toàn trùng khớp với thông tin trong hồ sơ mà bà Lê Thị Lập đã gửi tới chương trình về người anh chồng của mình. [/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Những thủ tục được gia đình liệt sĩ Phạm Văn Xuân nhanh chóng hoàn thành. Vào những ngày đầu tháng 2.2014, hài cốt của liệt sĩ Phạm Văn Xuân được thân nhân đưa về quê hương mai táng.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Xen lẫn trong sự vui sướng, hạnh phúc vì tìm lại được hài cốt thân nhân trong gia đình mình, những người thân của gia đình liệt sĩ Phạm Văn Xuân vẫn đau đáu nỗi buồn bực khi bà Phan Thị Bích Hằng phán rằng anh mình chết mất xác.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Chính lời phán bừa đó đã khiến cho gia đình bà Lập chìm trong thời gian dài đau khổ, lao đao. Nếu như tin vào lời phán của bà Phan Thị Bích Hằng mà không gửi hồ sơ của anh chồng mình tới các tổ chức xã hội có uy tín, thì có lẽ gia đình bà Lập sẽ không bao giờ tìm thấy hài cốt của liệt sĩ Phạm Văn Xuân.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Những sự thật khác tố cáo trò bịp của Phan Thị Bích Hằng[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Vào tháng 10/2013, dư luận cả nước đã xôn xao việc Phan Thị Bích Hằng tìm kiếm sai phần hài cốt còn lại của Tướng Phùng Chí Kiên (một trong hai vị Tướng đầu tiên của Việt Nam) vào năm 2008 tại huyện Ngân Sơn – Bắc Kạn.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Theo đó, trong suốt quá trình tìm kiếm của mình Bích Hằng chỉ hướng dẫn qua điện thoại. Mọi hướng dẫn của Bích Hằng đều đúng, tuy nhiên, khi đem những mẫu vật của cuộc tìm kiếm này đến Viện Pháp y Quân đội - Bộ Quốc phòng giám định thì lại cho kết quả đó chỉ là: mảnh sành, bùn đất và răng lợn.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Sau sự cố này, trong buổi tọa đàm khoa học diễn ra tại nhà khách số 99 đường Lê Duẩn – Hà Nội vào tháng 11.2013, Phan Thị Bích Hằng đã vô tư tự phong hàm Trung tướng cho liệt sĩ Phùng Chí Kiên. Bà Phan Thị Bích Hằng nói: "Tháng 3.2008, tôi được đặt vấn đề là đi tìm thủ cấp của Trung tướng. Trước đây, tôi thường đi tìm hài cốt nguyên vẹn.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Bây giờ, là tìm hài cốt của tướng Kiên với một phần thi thể không nguyên vẹn là thủ cấp. Tôi rất xúc động trước câu chuyện của những người đồng đội của Trung tướng". Điều này cho thấy lỗ hổng trong kiến thức của Bích Hằng về cấp hàm của Tướng Phùng Chí Kiên trước đây.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Một trong những thông tin nghi ngờ khác là việc có thật sự bà Phan Thị Bích Hằng tìm kiếm được 4000 hài cốt liệt sĩ ở Phú Quốc vào năm 2008 hay không, khi Thiếu tướng – tiến sĩ Nguyễn Chu Phác, Chủ nhiệm bộ môn Cận tâm lý thuộc Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người – người có thời gian dài hơn 10 năm cộng tác với bà Hằng, lên tiếng rằng:[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]“Cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ tại Phú Quốc – Kiên Giang với quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Ngay từ thời điểm bắt đầu tìm kiếm, tôi đã chú ý tới sự kiện này. Có nhiều đoàn có kinh nghiệm về tìm mộ liệt sĩ cùng tham gia tìm kiếm ở khu vực nhà tù Phú Quốc.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Sau khi tìm kiếm được hơn 4000 hài cốt liệt sĩ ở đây, lãnh đạo tỉnh Kiên Giang đã tổ chức tri ân, trao thưởng cho những cá nhân, tổ chức tham gia tìm được hơn 4000 bộ hài cốt. Tuy nhiên, trong buổi lễ này lại không có cô Phan Thị Bích Hằng”. Đồng thời, Thiếu tướng – TS Nguyễn Chu Phác cũng tâm sự thêm:[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]“Thời gian trước đây, cũng có một nhà báo đến hỏi tôi về chuyện có thật cô Hằng đã tốt nghiệp Tiến sĩ ở nước ngoài hay không. Tôi đã thẳng thắn trả lời rằng: Cái đó thì chỉ có thể sang cái nước mà cô Hằng đã từng bảo tốt nghiệp Tiến sĩ để mà hỏi, chứ tôi không biết về việc này. Tôi biết cô Hằng từ khi cô ấy còn học lớp 9.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Trong những năm đầu cộng tác, cô Hằng cho tôi thấy đấy là con người tốt, một số trường hợp cô Hằng tìm mộ bằng phương pháp ngoại cảm cho kết quả khả quan. Nhưng về sau này, trước sự phát triển của xã hội, trước sức ép về kinh tế, năm 2005 cô Hằng đã rời trung tâm của tôi.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Từ khi cô Hằng rời trung tâm thì mọi cuộc tìm kiếm của cô ấy đều dựa trên cá nhân của cô Hằng chứ không liên quan gì tới Trung tâm Nghiên cứu tiềm năng con người cả. Cô ấy cũng không báo cáo lại các cuộc tìm kiếm của mình, hay xin ý kiến đối với tôi, vì thế tôi cũng không biết được trong suốt quãng thời gian cô Hằng rời trung tâm cho đến nay, cô ấy đã làm những công việc gì, tìm mộ ở đâu…”.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Trong một vụ việc khác, có thông tin khiến dư luận không khỏi nghi ngờ Phan Thị Bích Hằng đã tạo dựng hiện trường để lừa gạt thân nhân của gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm (quê Thái Thụy – Thái Bình). Cụ thể, Phan Thị Bích Hằng đã chỉ cho gia đình liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm phần mộ liệt sĩ chưa biết tên thuộc ngôi mộ ở hàng thứ 5, lô 1, mộ thứ 2 tại nghĩa trang liệt sĩ thị xã Ayun Pa (Gia Lai).[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Lọ penicilin, trong có mảnh giấy ố vàng, chữ đã nhòe nhưng còn rõ họ tên đơn vị, quê quán của liệt sĩ: Hoàng Ngọc Đảm, C2, D67, xã Thái Giang, Thái Thụy, Thái Bình. Tuy nhiên, liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm hy sinh ngày 18/3/1969; khi ấy, quê của liệt sĩ là xã Thái Giang, thuộc huyện Thái Ninh.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Đến ngày 17.6.1969 - sau 3 tháng liệt sĩ hy sinh, huyện Thái Ninh và Thụy Anh hợp nhất và có tên mới là huyện Thái Thụy. Câu hỏi đặt ra, vì sao liệt sĩ Hoàng Ngọc Đảm lại biết huyện của mình sẽ được đổi tên thành huyện Thái Thụy để ghi sẵn vào mảnh giấy để trong lọ penicilin?[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Sự việc này vẫn chưa có lời giải, khi Phan Thị Bích Hằng một mực nói rằng mình không bỏ lọ penicilin này vào. Ngoài ra, vào tháng 10.2013, khi một phóng viên liên hệ với Phan Thị Bích Hằng với mong muốn nhờ bà dùng khả năng “ngoại cảm” của mình để tìm kiếm thi thể chị Lê Thị Thanh Huyền – nạn nhân trong vụ Thẩm mỹ viện Cát Tường.[/justify]
[justify] [/justify]
[justify]Nhưng bà Phan Thị Bích Hằng đã từ chối và cho tới nay, vụ án này vẫn lâm vào bế tắc, mà tất cả những “nhà ngoại cảm tên tuổi” ở Việt Nam cũng “ngậm tăm” khi có ai đó ngỏ ý nhờ tìm giúp thi thể của chị Huyền.[/justify]